Kể chuyện xưa để thấy rằng, đất nước ta từng trải qua những cơn đại dịch. Nhưng sự đồng lòng của dân tộc, sự chung sức của những tấm lòng đã làm nên những điều kỳ diệu, chiến thắng tai ương bệnh dịch…
Mấy lần về lại Cao Lãnh, như một thói quen, chúng tôi vẫn hay ghé viếng Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường, mà bà con quen gọi là Miếu ông bà chủ chợ, rồi ra thăm khu mộ của ông bà, tìm hiểu chuyện xưa. Nhờ vậy mới biết rằng, Lãnh là tục danh của ông Đỗ Công Tường, cùng vợ vào sinh cư tại làng Mỹ Trà (nay là một phần của thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) vào năm 1817, dưới thời Gia Long.
Là người gốc miền Trung, ông bà Đỗ Công Tường rất chăm chỉ làm ăn, cần cù khai hoang mở đất nên cơ ngơi ngày càng bề thế, nhất là khu vườn quít cho huê lợi dồi dào. Ông bà dần dà trở thành gia đình khá giả ở làng Mỹ Trà, sống tình nghĩa nên được dân làng quý mến. Riêng ông Lãnh tính tình khẳng khái, cương trực nên được bà con tín nhiệm cử giữ chức Câu đương, chuyên lo chuyện phân xử những tranh chấp trong làng. Bà con gọi là ông bà Câu Lãnh theo chức vụ của ông từ đó.Vốn tính hào sảng, ông bà Câu Lãnh che lều, cất quán ở vườn quít của mình để bà con đến mua bán, lần hồi thu hút được cả những bà con buôn bán ở chợ Hòa Thành sang (tức khu Hòa An, thành phố Cao Lãnh ngày nay). Khu vườn quít ngày càng sung túc, bà con buôn bán rất được nên lâu dần thành chợ, gọi là chợ Vườn Quít. Sau khi ông bà qua đời, bà con đổi lại, gọi là chợ Câu Lãnh, lâu dần gọi trại là Cao Lãnh như bây giờ.
Trở lại chuyện đại dịch, công đức của ông bà Câu Lãnh không chỉ có chuyện lập chợ. Theo nhiều tài liệu, cũng như tài liệu do Ban quản lý di tích đền thờ ông bà Đỗ Công Tường cung cấp, năm Canh Thìn 1820 – cách đây đúng 200 năm, khi mà chuyện làm ăn của dân làng đang thơ thới thì bỗng đâu tai ương ập tới. Tiết trời biến động, bệnh dịch tả phát lên dữ dội khiến dân làng Mỹ Trà chết rất nhiều.
“Đêm, ngày tiếng mõ thúc, tiếng ván ngựa đánh liên hồi, tiếng kêu cứu cấp hòa lẫn tiếng than, từng đám tang nối tiếp. Chợ Vườn Quít trở nên thưa thớt rồi vắng bặt tiếng người. Xóm làng phủ trùm màu thê lương tang tóc” – bia tiểu sử ông bà Đỗ Công Tường thuật lại.
Thảm cảnh động lòng người nhân từ, ông bà Câu Lãnh thao thức bao đêm vì cảnh tang tóc của lối xóm, dân lân. Một ngày nọ, ông bà tắm gội sạch sẽ, lập bàn hương ngay trước sân chợ rồi nhất tâm khấn nguyện cầu xin dịch bệnh qua đi, ông bà nguyện “thế tử” cho dân làng, cầu mau chóng thoát khỏi ôn dịch.
Bà con tin rằng ông bà đã động lòng trời khi mà vừa qua mùng 9 tháng 6 âm lịch năm Canh Thìn thì bà lâm bệnh và qua đời lúc 10 giờ đêm. Trong lúc người nhà và bà con đương lo hậu sự cho bà thì ông cũng phát bệnh, lối 2 giờ khuya mùng 10 thì quy tiên. Lạ kỳ làm sao khi ông bà qua đời thì dịch tả cũng dứt, cuộc sống bình an trở lại với làng Mỹ Trà. Bà con tin rằng, tấm lòng của ông bà Câu Lãnh đã được trời đất chứng tri, thuận nguyện ông bà thế tử cứu độ cho dân làng.
Câu chuyện nhuốm màu huyền bí nhưng 200 năm qua là niềm tự hào của người dân Cao Lãnh. Bà con nhắc đến ông bà chủ chợ bằng tất cả sự tôn kính. Đền thờ của ông bà giờ nằm trong chợ Cao Lãnh, phía sau Đền thờ, đi bộ qua mấy lối đường là đến.
Năm Bảo Đại thập niên – 1936, dân làng Cao Lãnh vui mừng đón Sắc phong Thần do Vua ban cho ông bà là “Dực Bảo Trung Hưng Linh phò chi Thần”. Nguyên văn Sắc Thần thể này: “Sắc Sa – Đéc tỉnh, Mỹ – Trà xã, phụng sự khai lập thị ấp Câu – Lãnh Đỗ – Công – Tường tôn thần, nằm trứ linh ứng. Tứ kim phỉ thừa cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, trước phong vi Dực Bảo Trung Hưng Linh phò chi Thần. Chuẩn kỳ phụng sự, thứ cơ thần kỳ tương hựu, bảo ngã lê dân. Khâm tai. Bảo Đại thập niên, tứ ngoạt, thập cửu nhật”
(dịch nghĩa: “Sắc ban cho xã Mỹ Trà, tỉnh Sa Đéc, có thờ phượng vị Thần Câu Lãnh Đỗ Công Tường có công mở chợ lập ấp, từ trước đã tỏ ra linh ứng. Nay kế nối cơ nghiệp, tưởng nhớ công đức của Thần, ban sắc phong Dực Bảo Trung Hưng Linh phò chi Thần. Chuẩn cho dân được thờ phụng, Thần hãy bảo vệ dân lành của ta. Kính thay! Ngày 19 tháng năm Bảo Đại thứ 10 – 1936”.
Đức độ và sự linh ứng của ông bà Câu Lãnh đã được công nhận rõ ràng.
Lại nói kỹ về nạn dịch tả năm 1820, trong cuốn “Ông bà Đỗ Công Tường và thành phố Cao Lãnh”, trận dịch này bắt nguồn từ Xiêm La, qua Chân Lạp rồi lan tràn vào nước ta theo ngã Hà Tiên, lấn sâu ra cả miền Bắc.
Trận dịch bắt đầu từ mùa thu rồi qua mùa đông mà chưa dứt. Đây là lúc Nam kỳ đang vào mùa mưa nên dịch bệnh lan ra khôn lường, làm chết biết bao sinh mạng. Thống kê của triều đình nhà Nguyễn cho hay, sau trận dịch của 200 năm trước, cả nước ta có đến 206.835 người chết. Tại thôn Mỹ Trà của ông bà Câu Lãnh, ngày nào cũng có 5-7 người chết, có nhà chết hết do dịch lây lan mất kiểm soát.
- Xem thêm: Sách về dịch bệnh gây sốt
Sách này cũng giải thích: Hồi xưa, quan niệm dân gian cho rằng dịch bệnh là do Quan Ôn (một vị quan ở Âm phủ, chuyên làm ra bệnh dịch để bắt người) đi bắt lính. Người bị dịch bệnh chết thì coi như tận cùng số mạng, hết phương cứu chữa. Vả lại thời xưa thuốc men chưa tiến bộ nên hễ bệnh là cầu khấn chớ chẳng trông mong thuốc thang mà qua khỏi.
Từ những sử liệu Cao Lãnh xưa, tìm rộng ra, thấy trong “Đại Nam thực lục” do Quốc Sử quán Triều Nguyễn biên soạn, có ghi thời điểm mùa thu 1820 đất nước có bệnh dịch. “Vua (tức Vua Minh Mạng – PV) lấy bạch đậu khấu trong kho và phương thuốc chữa dịch sai người ban cấp. Sắc cho các địa phương mỗi nơi đặt một đàn tế lễ. Người ốm thì cấp thuốc, người chết thì cấp tiền vải, theo như lời dụ trước”, sử ghi.
Nhà Vua rất lo về dịch lệ và bảo với bầy tôi rằng: “Theo sách vở chép thì bệnh dịch chẳng qua chỉ một châu một huyện, chưa có bao giờ theo mặt đất lan khắp như ngày nay. Trẫm làm chủ của dân, duy có ngày đêm kính sợ, xét mình sửa đức để hồi lại ý trời. Đến như vì dân mà cầu đảo thì không cái gì là không làm, ngõ hầu khí độc có giảm ít đi chăng?”.
Vua bèn sai Nguyễn Văn Nhân cầu đảo ở đàn Thái tuế Nguyệt tướng (đàn đặt ở bên tả đàn Nam Giao, bậc thứ ba), Trần Văn Năng đảo ở miếu Đô thành hoàng, Nguyễn Văn Hưng đảo ở Miếu hội đồng. Vua còn sai đi bố thí ở các chùa, làm đàn trai tiếu khiến cầu đảo cho dân.
Vừa gặp Trấn Thần Phú Yên là Nguyễn Văn Quế đem tình hình bệnh dịch trong trấn dâng biểu xin chịu tội, Vua bảo rằng: “Trẫm không có đức, trên can phạm hòa khí của trời, bốn phương có dịch đều là lỗi trẫm”. Vua bèn sai thần Phạm Đăng Hưng theo ý ấy mà soạn dụ nhưng Phạm Đăng Hưng tâu rằng: “Gặp tai vạ biết lo sợ, vốn là thịnh đức của đấng nhân quân. Nhưng thần nghe bệnh dịch từ Tây dương sang, bệ hạ hà tất lấy làm tội của mình”.
- Xem thêm: Vài mẩu chuyện kỳ bí ở miền Tây Nam bộ
Cũng xin được nói thêm một chi tiết hay trong đoạn sử này, Phạm Đăng Hưng quê Gò Công, từng là Phó Tổng tài của Quốc Sử quán, sau thăng Lễ Bộ Thượng thư, hàm chánh nhị phẩm, cũng là thông gia của Vua Minh Mạng (con gái ông sau này là Đức Thái Hậu Từ Dũ, vợ Vua Thiệu Trị, mẹ Vua Tự Đức; con trai ông là Phạm Đăng Thuật cũng là rể của vua Minh Mạng, chồng công chúa Nguyễn Phúc Vĩnh Trinh).
Đoạn sử này có mấy chi tiết đáng lưu ý. Theo như lời ông Phạm Đăng Hưng, thì bệnh dịch này từ nước ngoài lây lan sang Việt Nam. Và, dù sử không nói đích xác tên dịch bệnh song chi tiết “lấy bạch đậu khấu trong kho và phương thuốc chữa dịch sai người ban cấp” có thể nghĩ đến bệnh dịch tả.
Đoạn sử liệu trong cuốn sách về ông bà Câu Lãnh cũng phù hợp với đoạn sử trong “Đại Nam thực lục”: “Năm nay (1820-PV) bệnh dịch phát từ mùa thu sang mùa đông, bắt đầu từ Hà Tiên, sau rốt đến Bắc Thành. Số hộ khẩu chết tất cả là 206.835 người, không kể số nam phụ lão ấu ở ngoài hộ tịch. Trước sau chẩn cấp tổng kê hơn 73 vạn quan tiền”.
Kể chuyện xưa để thấy rằng, đất nước ta đã từng trải qua những cơn đại dịch. Nhưng với sự đồng lòng của dân tộc, sự chung sức của những tấm lòng, sẽ làm nên những điều kỳ diệu, sẽ thắng được tai ương, bệnh dịch.