Nhà văn bề trên Xuân Khánh là khách mời trân trọng cũng chỉ móm mém cười trừ, nghe bà quở cái tựa Đội gạo lên chùa là nửa vời. Phải nguyên câu bát liền theo trong bài ca dao đẹp như thơ: “Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư” mới ra cái mạch truyện trên tám trăm trang hơn cuốn tiểu thuyết tái bản bốn bận nội trong năm đầu ra sách. Bà hối hả trở về là để cảm nhận dấu tích còn lại chút gì ở ngôi đình kẻ chợ – chợ làng yếm đào Đồng Lạc.
Thời trước, đất này là phường Đồng Lạc chuyên nghề nhuộm. Nhếch nhác, nghề nhuộm bật bãi sang hết phố bên Cầu Gỗ, thành phường Thái Cực. Sau lại di tiếp đến cuối Hàng Bông, xéo xuống Bà Triệu, thành phố Thợ Nhuộm. Phường Đồng Lạc chuyển sang buôn bán tơ lụa, riêng khoảnh đầu phố chất ngất yếm đào… Chợ phiên phường khác tháng Hai cữ. Riêng Hàng Đào tấp nập những sáu phiên.
Tranh trong xê-ri “Hồ Xuân Hương” – Họa sĩ Bùi Xuân Phái
Mới tí tuổi, bà đã cực đoan không thèm bước chân sang đường. Theo thuật phong thủy, nhà bên phải từ bắc xuống cứ phải xây thấp hơn bên số lẻ, lại kề với Hàng Gai nhà nội bạc tình. Không thì đã ăm ắp kỷ niệm các trò con gái: đánh chuyền, chơi ô ăn quan, chồng nụ chồng hoa, thả đỉa ba ba… trên cái ô lát gạch sân nhà số 38, với hàng chữ hoành phi trên cổng chính tam quan: “Đồng Lạc quyên yếm đình”. Nhà cổ sử Trần Quốc Vượng diễn dịch ra “Đình chợ yếm đào Đồng Lạc”.
Thương con gái bị chồng bỏ bơ vơ để chạy theo cô gái trẻ đẹp, hát hay, nhà ngoại đón mẹ bà về trông nom cửa hàng tơ lụa gia truyền, lấy chỗ dung thân, lấy công nuôi con thành người. Hoàn cảnh thế mà bà cứ đứng đầu hoài môn toán. Làm sao bọn con trai chúng tôi chẳng kính chị hai học giỏi nhất lớp, nhất khối. Nhưng trong lòng, thằng nào cũng tơ tưởng này nọ nét thanh tú, tươi tắn, ngời ngời sáng láng ở bà, ăn đứt hoa khôi trong trường, ngoài phố.
Bà chỉ nhận mình là người dạy toán. Nhưng bà giải mã ngọn ngành cấu trúc thơ để yêu thơ, cảm thụ thơ trọn vẹn các cung bậc thanh âm, bằng trắc vần điệu, nhịp thơ tạo thi tứ. Với bà, thơ là ma trận, Bóng chữ(Lê Đạt) là phần tử nhảy múa trên các hàng lối ma trận ấy: “Mần răng ra rứa ví dù. Mần ri thế nọ tuyệt mù thế kia” (Mỗi ngày – Bùi Giáng).
Thụ hưởng thơ trở thành nhu cầu tinh thần, cân bằng trí tuệ. Nó giải tỏa áp lực công việc bộn bề, trầm uất cuộc sống lắm trắc trở rình rập, thụ hưởng thơ theo tư duy toán học, bà cảm nhận ra ý thơ, tứ thơ. Bà thích thú thể thất ngôn sang trọng của ta thoát hẳn giọng điệu thơ Đường chết ngắc điển tích, nặng xiềng xích niêm luật để trữ tình bay lên: “Ngất núi ô kìa anh vỗ nhịp. Bay cờ triệu yếm ríu ran ca… Ngũ sắc chen nhau cầu lễ hội. Nuột nà cởi bỏ áo hoa khôi” (Hội yếm bay – Hoàng Cầm)
Đúng rồi, Hoàng Cầm là người Kinh Bắc, đằm mình trong văn hóa lễ hội dọc đôi bờ sông Tiêu Tương, dưới chân núi Hồng Vân để làm thơ. Các liền chị Nội Duệ trẩy hội Lim hát quan họ giao duyên cứ là mớ ba mớ bảy. Cũng là Nội Duệ nổi tiếng trồng dâu, nuôi tằm, kéo tơ, dệt lụa. Áo cánh không cài cúc, áo tứ thân có thùa khuyết bao giờ. Yếm đào bên trong ôm lấy khuôn ngực đầy đặn, che chắn vú đôi thơm (Nhài đàn rót nguyệt vũ đôi thơm – Nguyễn Xuân Sanh) mà tha hồ khoe đẹp đáy thắt lưng ong.
Là con gái Hàng Đào, bà cũng có chút duyên với yếm đào. Kinh bà là nữ duy nhất tự tin đăng đàn, phục bà thuyết trình uyên bác, hội đồng toán học tổ chức ngoài kế hoạch chương trình đi thăm nhà văn hóa. Bộảnh Sắc yếm đào đằm thắm trên nền chùa cổ Bắc Ninh của Đỗ Lan Hương là đại diện duy nhất nghệ thuật nhiếp ảnh đương đại Việt Nam tham dự liên hoan Văn hóa Á – Âu ở Singapore. Bế mạc, bộảnh yếm đào tuyệt vời ấy được nhất trí tuyển chọn trưng bày dài lâu ở nhà văn hóa đảo quốc Sư tử. Bà tự nguyện thuyết minh, làm các bạn đồng nghiệp toán học sửng sốt, thán phục văn hóa Việt. Dẫu chỉ qua khuôn hình nghệ thuật nhiếp ảnh, cái duyên dáng yếm đào cũng đã hút hồn nguời.
Cũng là từ cái duyên với yếm đào trước đó. Đợt thỉnh giảng của bà ở Trường Đại học Milano đúng dịp người mẫu Trần Bảo Ngọc trình diễn yếm váy Đình Bảng trên đất Ý. Thấy bà là người Việt giảng dạy cùng một mái trường, họa sĩ khoa thiết kế thời trang xin được bắt tay, ngả nón bái phục yếm đào quê hương bà.
Chưa bao giờ, cũng chẳng nơi đâu lại có một thứ trang phục đơn giản, nền nã mà đẹp đến vậy. Chỉ là vuông vải nho nhỏ, hình thoi đơn sơ. Một đỉnh khoét tròn, ôm khít lấy cái cổ trắng ngần ba ngấn, làm mềm đi đường thẳng kỷ hà vạt yếm. Khéo cắt hẹp lại chút xíu là hở ngay hai bên lườn non. Hai đầu kia đối xứng đính dải, kéo ra sau lưng, thắt lại thế là xong. Thắt chặt hai dải ấy, vạt yếm phía trước căng lên, nhẹ nhàng làm nổi bờ cong mềm mại, tràn nhựa sống. Buộc lỏng nhè nhẹ, mặt yếm đằng trước buông chùng, núng na núng nính theo hơi thở đến là yêu. Đôi dải ấy còn điểm xuyết tấm lưng trần từ bờ vai xuống tới thắt lưng. Tùy thân hình, tùy sở thích người mặc mà bản dải yếm rộng ra hay hẹp lại, định đúng vị trí hay cao lên hoặc thấp xuống là nghệ thuật. Lại còn thắt nơ nghiêm chỉnh, cân đối, hoặc buộc hờ hững, thả lệch để ra tính cách, tình cảm người mang.
Người nghệ sĩ thời trang Ý thán phục tính dân chủ của yếm đào. Từ cô bé mới lớn đến bà có tuổi, từ cô thôn nữ đến tiểu thư đều mặc yếm đào. Tát nước đồng đêm hay làm cô Tấm trẩy hội hoàng tử kén vợ đều yếm đào.
Chất liệu, màu sắc yếm cũng dân chủ. Cứ là sợi dệt là cắt may thành yếm. Yếm lụa, yếm vải, yếm đào, yếm nâu sồng “…chỉ đen viền gấu” (Nguyên Sa).
Bà chăm chút bộ yếm váy bằng tơ tằm Vạn Phúc, lãnh mỹ á Tân Châu, toàn khâu tay mềm mại cho con gái dự dạ vũ hội tốt nghiệp. Giữa chúng bạn lộng lẫy trong các bộ váy áo hàng hiệu khoét ngực, hở lưng, con gái bà vẫn nổi: “Em đeo dải yếm đào”. Đến bà cũng phải sững sờ: “Con tôi xinh, xinh quá” (Chùa Hương – Nguyễn Nhược Pháp).
Ai cũng một phần quà chu đáo. Phần tôi, nho nhỏ, mỏng tang, nhẹ tênh. Cái đĩa CD ấy tự tay bà chép từ máy tính. Mộc Lan hát Em đi chùa Hương, ngay khi Trần Văn Khê vừa xong khuông nhạc tương ứng thơ Nguyễn Nhược Pháp. Theo tiếng đàn bầu, đàn cò, đàn tranh chậm rãi, Kim Tước cất giọng trong trẻo: “Rằng xưa có gã từ quan. Lên non tìm động hoa vàng nhớ nhau” (Phạm Thiên Thư).
Tôi ngẩn ngơ nghe, theo bà từ toán ngôn ngữ đến với thơ, ngã vào lòng ngai vàng thi bá mà phiêu linh “Tôi từ phút trước sang tôi phút này” (Cung Trầm Tưởng).
Thi sĩ làm thơ xong là bỏ luôn địa vị tác giả, mặc cho người đọc thế vai chiếm lĩnh, diễn dịch. Mối tri âm như vậy chỉ có ở thơ, nó khiến thơ khác hẳn văn xuôi, nâng thơ lên tầm không gì sánh bằng.
Mà tiếng Việt ta lại đầy tính thơ chất thơ: “Tiếng thiết tha nói thường nghe như hát. Nói muôn điều bằng ríu rít âm thanh” (Lưu Quang Vũ).
Lê Lành