Nếu đến với Hà Nội những ngày này, khách yêu nghệ thuật tạo hình đã có một điểm tham quan hấp dẫn, đó là Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (Vincom Contemporary Center of Art VCCA) tọa lạc trong Trung tâm mua sắm Megamall thuộc khu đô thị Royal City (72A Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân). Với quy mô như hiện nay, VCCA là trung tâm nghệ thuật lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam.
Được Tập đoàn Vingroup phát triển và tài trợ toàn phần, VCCA hoạt động hoàn toàn phi lợi nhuận, qua đó kết nối, hội tụ những nghệ sĩ, cá nhân và tổ chức cùng hướng đến mục tiêu đóng góp và xây dựng nền nghệ thuật Việt Nam đương đại. Sứ mệnh của VCCA là làm cầu nối đưa nghệ thuật đến gần với công chúng rộng rãi, khơi gợi cảm hứng, tham gia xây dựng môi trường hoạt động nghệ thuật sôi nổi nhằm góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong nước.
Trọng tâm hoạt động của VCCA là Quỹ Phát triển Nghệ thuật Vincom với ba mục tiêu chính: đầu tư bảo tồn, bảo tàng nhằm sưu tập, gìn giữ các di sản văn hóa nghệ thuật Việt Nam và các tác phẩm có giá trị về lịch sử, nghệ thuật…; tạo sân chơi cho các nghệ sĩ triển lãm tác phẩm theo hình thức kinh doanh nghệ thuật chuyên nghiệp; xây dựng bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật có giá trị của Việt Nam. Song song đó, VCCA còn có nhiệm vụ giới thiệu những tác phẩm có giá trị, các xu hướng nghệ thuật mới, nhằm góp phần định hướng thẩm mỹ và lan tỏa tri thức về nghệ thuật tới đông đảo công chúng trong nước.
Với tổng diện tích lên tới gần 4.000m2 và được thiết kế theo phong cách tối giản để nhất quán với tinh thần nghệ thuật đương đại, VCCA là một trung tâm nghệ thuật độc đáo nằm dưới lòng đất, bao gồm khu vực triển lãm chính với ánh sáng tự nhiên luôn chiếu rọi và mặt bằng thay đổi linh hoạt theo từng sự kiện cùng các phòng chiếu video, xưởng sáng tạo, lớp học mỹ thuật, thư viện, trà quán và các kho lưu trữ, bảo quản tác phẩm được trang bị hệ thống kiểm soát không khí và độ ẩm theo tiêu chuẩn bảo tàng quốc tế. VCCA sẽ hoạt động theo chu kỳ bốn mùa, mỗi mùa kéo dài ba tháng theo từng chủ đề, đi cùng là chuỗi hoạt động giáo dục, trải nghiệm nghệ thuật.
Để mở màn cho hoạt động của VCCA, một triển lãm quy mô lớn đã được tổ chức và sẽ kéo dài đến ngày 6-8-2017. Với tên gọi “Tỏa”, triển lãm giới thiệu tác phẩm của 18 nghệ sĩ đương đại Việt Nam và quốc tế, đó là các tên tuổi: Yoko Ono, Đặng Xuân Hòa, Đinh Thị Thắm Poong, Hà Mạnh Thắng, Hà Trí Hiếu, Lê Hoàng Bích Phượng, Lê Thừa Tiến, Bùi Hải Sơn, Sandrine Llouquet, Christine Nguyễn, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Quang Huy, Trọng Gia Nguyễn, Phi Phi Oanh, Phạm Đình Tiến, Trần Văn Thành, Truc-Anh, Trương Tân và Võ Trân Châu. “Tỏa” không đơn giản chỉ là một cuộc triển lãm mỹ thuật mà còn là những cuộc đối thoại của các tác phẩm nghệ thuật phong cách đa dạng, được sắp đặt cạnh nhau không theo niên đại hay chủ đề, mà thông qua sự tương tác giữa các yếu tố chuyên môn và kiến trúc đặc trưng của không gian trưng bày. Giám tuyển của “Tỏa” là Quỳnh Phạm, chủ nhân gallery Quỳnh, đồng thời là người sáng lập tổ chức giáo dục phi lợi nhuận Sao La tại TP. Hồ Chí Minh.
Giám đốc nghệ thuật của VCCA là tiến sĩ Mizuki Endo, một nhân vật được biết đến nhiều trong các hoạt động nghệ thuật đương đại: nhà quản lý mạng của Singapore Biennale 2006; giám đốc dự án Arcus (Moriya, 2007-2010); giám đốc chương trình nghệ sĩ lưu trú của lễ hội nghệ thuật Kunisaki (Oita, 2014)…; được trao giải thưởng nghệ thuật Lorenzo Bonaldi lần thứ 3 tại Bergamo (Ý) năm 2005.
Với sự ra đời của VCCA, giới trẻ yêu thích nghệ thuật tại thủ đô Hà Nội và các địa phương lân cận đã có một điểm đến thú vị cho những ngày cuối tuần. Có thể thấy VCCA luôn tấp nập những dòng người tham quan, chiêm ngưỡng cái đẹp…
- Đán Bình
Xem thêm: