Lâu nay, chỉ nghe nói đền thờ anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa – lịch sử – tôn giáo… Chứ chủ chợ làm gì có đền thờ. Lừng lẫy như Quách Đàm, trước có tượng ở chợ Bình Tây, sau 1975 dời về Bảo tàng Mỹ thuật Sài Gòn. Vậy mà gần đây một đền thờ chủ chợ hoành tráng, được công nhận là Di tích Văn hóa. Chuyện lạ này chỉ có ở Đồng Tháp.
Lạ, bởi thời bao cấp, doanh nhân bị gọi một cách miệt thị là “Gian thương”. Hễ ai giàu có, là có tội, bất kể họ làm giàu như thế nào. Khách du lịch ghé chợ Cao Lãnh mua trái cây và đặc sản Đồng Tháp, không khỏi ngỡ ngàng vì ngôi đền bề thế bên cạnh. Từ xa, đã nhìn thấy dòng chữ ánh vàng trong nắng sớm “Đền thờ chủ chợ Cao Lãnh”. Tò mò, ai cũng ghé tìm hiểu thực hư.
Tỉnh Đồng Tháp có thành phố Cao Lãnh (tỉnh lỵ) và huyện Cao Lãnh. Cao Lãnh là đọc trệch từ “Câu Lãnh”. Câu là Câu Đương, một chức nhỏ tương đương thôn hay ấp trưởng ngày nay. Lãnh là tục danh. Tên thật của ông là Đỗ Công Tường, không rõ năm sinh. Người dân kể rằng “Cha ông từ miền Trung vào Nam thời chúa Nguyễn. Ông và vợ đến vùng Mỹ Trà vào năm 1817. Làm ăn khấm khá, ông cất các lều quán bằng tre nơi vườn quýt cho bà con làm chỗ bán buôn, che mưa nắng. Là người tốt bụng, cương trực nên được cử làm Câu Đương…”.
Năm 1820, dịch tả khởi phát từ Xiêm La (Thái Lan), qua Chân Lạp, vào phía nam hoành hành dữ dội. Dân chết như rạ. Bình quân, cứ ba người thì có một người chết. Thời đó, dân gian gọi dịch tả là Quan Ôn (Quan của Âm Phủ gây ôn dịch). Hễ mắc bệnh là chờ chết. Thấy cảnh chết chóc quá tang thương, ông hết sức cứu giúp. Một mặt cầu khẩn Trời đất cho hai vợ chồng thế mạng – chết thay cho dân. Lời xin ứng nghiệm, bà và ông đều lần lượt qua đời vì bệnh dịch vào ngày 9 và 10-6-1820 (Âm lịch). Mấy ngày sau, bệnh dịch lui dần.
Mọi người cho rằng ông bà đã chết thay cho dân làng nên cảm kích lập miếu thờ. Năm 1907, miếu được mở rộng thành đền và qua các đợt trùng tu 1963, 1972. Năm 2001, đền được đại trùng tu, tôn nền, nâng mái, xây thêm nhà khách, nhà bếp, nhà ăn và nơi làm việc của ban quản lý. Đền có hình chữ Công, trước sân là bàn thờ Trời đất, bên trái là nhà khách, bên phải là miếu Thổ thần. Đền chính gồm ba gian. Gian trước thờ Tứ vị Linh thần tức Đại Càn Quốc Gia Nam Hải, Thủy thần bảo trợ sông nước. Gian giữa thờ Cửu huyền thất tổ của ông bà. Chánh điện thờ ông bà. Sau đền thờ là đôi mộ bia, được xây lại vào năm 1993. Cột ngoài có câu đối “Đức hiển linh Câu Lãnh trường tồn. Nguyện thế tử cho dân an thái”.
Đền có cổng tam quan bề thế, chắc chắn, được trang trí rực rỡ theo kiến trúc đền miếu Nam bộ. Có tượng bốn sư tử đặt ở hai bên cổng. Hai sư tử mẹ với tư thế ngồi xổm như canh chừng để xua đuổi tà khí và mọi điều xui xẻo. Hai sư tử con hai bên đùa giỡn với trái cầu, biểu tượng cho sự bình an, hưng thịnh. Cổng và mái đền lợp ngói lưu ly. Nội thất trang trí nhiều hoa văn họa tiết sắc sảo, nổi bật với hai gam màu vàng và đỏ. Phía trên cổng chính có biển đề: “Đền thờ Ông Bà Đỗ Công Tường”. Sân đền có nhiều cây kiểng quý như mai vàng, mai chiếu thủy, thiên tuế…
Ngay cửa chính là tấm bia ghi công tích của ông bà, đặt giữa lối đi, như bình phong che chắn những cái nhìn trực diện từ ngoài vào chính điện. Trong đền trang hoàng rực rỡ nhưng trang nghiêm và trầm mặc. Chính điện, nơi thờ ông bà chủ chợ có bài vị to với ba chữ Hán: “Chủ Thị Miếu” – tức là miếu chủ chợ. Phía trước trang thờ có võng rèm bằng gỗ, chạm khắc hình rồng ẩn mây, lưỡng long tranh châu; lộng lẫy và uy nghiêm. Đền còn lưu giữ nhiều hoành phi và câu đối cổ như “Hiển thế lưu danh” (Tiếng tăm còn mãi), “Linh hiển hách” (Nổi tiếng linh thiêng), “Bảo ngã lê dân” (Bảo vệ muôn dân)… Đôi câu đối “Mỹ cảnh Câu đương hữu chí lập thành sanh bảo cục. Trà giang Lãnh thị triêm ân thương mãi nhựt vinh hoa”, đối chặt chẽ cả ngang lẫn dọc.
Đền thờ chủ chợ Cao Lãnh nổi tiếng linh thiêng khắp vùng. Đặc biệt là với giới làm ăn buôn bán. Theo tìm hiểu riêng, đây là chủ chợ duy nhất có đền thờ và được công nhận là Di tích Văn hóa, thờ cả ông và bà. Cách đó không xa, là công viên thờ Tiền hiền Nguyễn Tú, người có công khai khẩn vùng đất Mỹ Trà (Cao Lãnh ngày nay) cũng thờ cả ông lẫn bà. Cồn Phú Mỹ (thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình) cũng có miếu thờ Ông Bà Cồn…