Mảnh vỡ của mảnh vỡ là tiếng nói của một thế hệ trí thức trẻ Việt Nam bị mất mát bởi chiến tranh, cũng là những người nhặt nhạnh từng “mảnh vỡ” đời mình, vội vã bước tiếp vào trang sử mới của dân tộc khởi thảo từ mùa xuân 1975.
Cuối năm 2009, nhà văn Vĩnh Quyền sang Mỹ giới thiệu tác phẩm tại Đại học Saint Benedict, bang Minnesota và đại học này đã in Mảnh vỡ của mảnh vỡ dưới hình thức sách sử dụng trong nhà trường. Sau đó tác giả đã dành hai năm viết lại tiểu thuyết này, từ 180 trang thành 300 trang, rồi tìm kiếm sự cộng tác của một nhà biên tập nói tiếng Anh và một nhà xuất bản để tác phẩm có thể đến được với bạn đọc trên thế giới.
Đọc xong Mảnh vỡ của mảnh vỡ, tôi thấy câu chuyện không dành riêng cho Việt Nam, mà cho bất kỳ hoàn cảnh hậu chiến nào trên thế giới hiện nay. Tiểu thuyết này sẽ thu hút bạn đọc Mỹ, nhất là những người từng trực tiếp tham chiến, hay những người muốn tìm hiểu sâu hơn những thử thách dữ dội mà các cựu binh Mỹ phải đối mặt sau chiến tranh Việt Nam, bởi trải nghiệm của họ giống một cách lạ lùng với trải nghiệm của những nhân vật trong Mảnh vỡ của mảnh vỡ. Tôi cũng hy vọng những thế hệ trẻ Việt Nam, những người đủ may mắn để không phải ra trận, thông qua tác phẩm này có thể nhận thức trong chừng mực nào đó cuộc chiến tranh vừa qua đã ảnh hưởng thế nào đối với cuộc đời một con người. Ở đó, bạn đọc trẻ ngày nay sẽ cùng sống với thế hệ đàn anh một thời khốn khó gian nguy, những người hy sinh tuổi xanh, tình yêu… và cùng họ thao thức, băm bổ trên con đường nỗ lực tìm kiếm hạnh phúc. Tất nhiên không phải ai cũng có thể nhận lại được những gì đã mất trong chiến tranh.
Đó là lý do tôi dành thời gian biên tập Mảnh vỡ của mảnh vỡ.
*
Tôi không có nhiều thông tin về tác giả cuốn sách khi bắt tay vào việc với ông, nhưng một thời gian sau, tôi biết Vĩnh Quyền là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, được bạn đọc trong nước biết đến như một nhà văn xuất bản trên mười đầu sách gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, tạp bút và như một nhà báo đăng hàng trăm phóng sự, bút ký.
Quá trình biên tập dần trở nên một hoạt động hợp tác gắn bó, tác giả và nhà biên tập luôn cùng nhau nghiền ngẫm, nhào nặn đểMảnh vỡ của mảnh vỡ thành một thể thống nhất: câu chuyện thuần Việt được kể bằng ngôn ngữ Anh Mỹ.
Về phần mình, tôi gặp nhiều khó khăn khi biên tập một cuốn sách Anh ngữ được viết tại Việt Nam, một quốc gia mà tiếng Anh không phải là ngôn ngữ hành chính cũng chẳng được coi là ngôn ngữ thứ hai nhưởẤn Độ, Philippines… Càng khó khi tác giả chấp nhận thử thách với Anh ngữ văn học. Tình hình đó đẩy tôi vào vị trí người cuối cùng chịu trách nhiệm về mặt ngôn ngữ trước bạn đọc thế giới nói tiếng Anh.
Liệu tôi có thể biên tập Mảnh vỡ của mảnh vỡ nếu tôi không sống ở Việt Nam và không am hiểu tiếng Việt? Vẫn có thể, bởi hạn chế trải nghiệm thực tiễn về một đất nước nào đấy và ngôn ngữ của nó vẫn là tình trạng chung của các nhà biên tập văn học nước ngoài khi làm việc trên bản gốc hay bản dịch đến từ khắp nơi trên thế giới. Nhưng, với ba năm ở Việt Nam, đã viết và đăng một số truyện ngắn bằng Việt ngữ trên trang sáng tác của các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên…, và hằng ngày trò chuyện với tác giả qua thư điện tử, tôi hiểu sâu hơn những gì đàng sau những con chữ trong Mảnh vỡ của mảnh vỡ. Vì vậy, tôi hy vọng có thể giúp bạn đọc tiếng Anh nhập vào câu chuyện của Vĩnh Quyền dễ dàng hơn sau khi tôi biên tập. Bởi biên tập một tác phẩm văn học của dân tộc này cho dân tộc khác đọc, vấn đề ngôn ngữ luôn quan trọng, nhưng quan trọng hàng đầu vẫn là đặc thù văn hóa ẩn trong văn bản, trong giọng kể của tác giả. Vì vậy, cái khó lớn nhất trong biên tập văn học nước ngoài là khả năng chuyển tải đặc thù văn hóa qua hình thái ngôn ngữ để bạn đọc ở các vùng văn hóa khác có thể cảm nhận và chia sẻ với số phận nhân vật, với tư tưởng tác giả.
*
Tôi khó lòng thoát khỏi cảm xúc vui buồn lẫn lộn vào cuối hành trình. Vừa nôn nóng được nhìn thấy bản in mới của Mảnh vỡ của mảnh vỡ, cảm nhận độ nặng của cuốn sách trên tay, trong ấy ẩn chứa những đêm thức khuya của tôi, lại vừa muốn công việc biên tập Mảnh vỡ của mảnh vỡ không bao giờ kết thúc, bởi không thể phủ nhận một điều: cuốn tiểu thuyết ấy đã là một mảnh đời của tôi trong suốt hai năm qua.
Z.H – Zac Herman