Dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trào lưu tìm đọc lại những cuốn sách về dịch bệnh vẫn chưa hạ nhiệt sau sự nổi lên của cuốn The Eyes of Darkness.
Nhiều tựa sách liên quan đến dịch bệnh lọt vào các danh sách bán chạy nhất của New York Times, Amazon.
Cuốn sách tiên đoán về căn bệnh năm 2020
Trong khi tiểu thuyết The Eyes of Darkness “dự đoán” dịch bệnh COVID-19 qua tình tiết hư cấu về một loại virus có tên Wuhan-400, cuốn sách End of Days dự báo cụ thể thế này: “Vào khoảng năm 2020, một căn bệnh nghiêm trọng giống như viêm phổi sẽ lây lan khắp thế giới, tấn công phổi và phế quản, và kháng lại tất cả các phương pháp điều trị. Ngạc nhiên hơn là căn bệnh sẽ bất ngờ biến mất nhanh như khi xuất hiện, rồi quay lại tấn công lần nữa mười năm sau, sau đó mất hẳn”.
End of Days là một cuốn sách xuất bản năm 2008 bởi nhà ngoại cảm gây nhiều tranh cãi Sylvia Browne. Tác giả đã mất năm 2013 và có lẽ không ngờ rằng cuốn sách sẽ có ngày lên tiêu đề của nhiều báo lớn, đồng thời lọt vào top 10 sách điện tử bán chạy nhất ở Mỹ và Anh.
Cuốn sách nổi như cồn sau khi được ngôi sao truyền thông Kim Kardashian West nhắc đến trên Twitter. Ngoài đoạn dự báo làm nên cơn sốt trên, phần còn lại của sách tóm lược quan điểm và dự đoán về ngày tận thế của tất cả các nền văn minh và tôn giáo từng tồn tại.
Virus và sự quan liêu
The Hot Zone là một cuốn sách đáng chú ý khác, kể lại sự xuất hiện của virus Ebola. Xuất bản từ năm 1995, The Hot Zone được tìm đọc lại và ngay lập tức có mặt trên danh sách sách bán chạy của Amazon hạng mục sách y – sinh học. Cuốn sách từng ở vị trí số 1 sách bán chạy của New York Times trong quá khứ. Hầu như độc giả đều đồng ý cách kể chuyện hấp dẫn của tác giả làm nên sự thành công của The Hot Zone. Nguồn gốc và triệu chứng của virus Ebola chưa từng được miêu tả kinh sợ và rùng rợn hơn.
Câu chuyện chính trong sách kể về một trường hợp virus Ebola đột biến phát hiện ở thị trấn Reston, bang Virginia, nơi cách thủ đô Washington của Mỹ chỉ 24 cây số. Lục quân Mỹ ngay lập tức phối hợp với Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) tiến hành phong tỏa thị trấn này. Tuy virus Ebola đột biến này không gây hại cho người như ở châu Phi, cuốn sách đã cho thấy cách tiếp cận của CDC vẫn còn quan liêu.
Phải giữ được lòng tin của đại chúng
Có lẽ cuốn sách chỉn chu và quan trọng nhất về đại dịch “cúm Tây Ban Nha” năm 1918 là The Great Influenza của John Barry. Gần đây, cuốn sách quay trở lại danh sách bán chạy của New York Times sau 16 năm.
Trong sách, Barry kể lại không khí hoảng loạn và sợ hãi của những cộng đồng dân cư thời bấy giờ. Từ 50 đến 100 triệu người đã thiệt mạng vì đại dịch. Cuốn sách kể chi tiết sự quan liêu của quân đội cũng như quan chức nắm quyền, khi rất khó để thuyết phục họ tin vào độ sát thương và sức tàn phá của dịch cúm. Bên cạnh đó, hệ thống y tế của Mỹ vào lúc đó đặc biệt thiếu linh hoạt. Họ không sẵn sàng để thay đổi cách chẩn đoán và điều trị. May mắn thay vẫn còn nhiều nhà khoa học dũng cảm và tận hiến đã nỗ lực tìm ra văcxin trị bệnh.
Tác giả kết luận bài học quan trọng nhất rút ra từ đại dịch 1918: “…những người cầm quyền phải giữ được lòng tin của đại chúng. Để làm điều đó, không ai được bóp méo sự thật, không tìm cách giữ thể diện hoặc thao túng người khác. Lincoln đã nói rất chuẩn xác. Người lãnh đạo phải biến điều tồi tệ trở nên cụ thể như bêtông. Chỉ khi đó người ta mới có thể đập vỡ và giải quyết nó”.
• End of Days: Nhà xuất bản Penguin Books cho biết đã bán được khoảng 35.000 bản sách điện tử trong hai tuần. Chỉ sau vài ngày chào bán ở Việt Nam, sách đã được một đơn vị xuất bản đề nghị mua ngay.
• The Great Influenza: Cuốn sách bán được hơn 10.000 bản trong hai tuần, và hiện tiếp tục tuần thứ 3 trên tốp đầu danh sách sách bán chạy của New York Times.