Họ là những người đã xây dựng nền tảng kỹ thuật cũng như nghệ thuật kinh điển cho ngành nhiếp ảnh nghệ thuật thời trang thế giới.
Tài năng bẩm sinh
Bộ ba nhà nhiếp ảnh nghệ thuật thời trang đó là Irving Penn, Richard Avedon, Helmut Newton. Họ đã góp phần tạo ra những tác phẩm kinh điển nổi tiếng nhất trong giới nhiếp ảnh thời trang thế giới.
Nhân vật nổi tiếng thứ nhất là Irving Penn của Hoa Kỳ. Ông sinh ngày 16.6.1917, mất ngày 7.10.2009. Ông cộng tác nhiều năm cho tạp chí thời trang nổi tiếng thế giới Vogue Magazine. Nhiều tài liệu cho rằng, Penn là người đầu tiên phát minh ra phông trắng và phông xám, 2 màu phông phổ biến nhất và quan trọng cho nhiếp ảnh thời trang hôm nay.
Irving Penn nổi tiếng là người phát minh ra cách gây sự chú ý vào cặp mắt nhân vật như bức ảnh “Picasso” ông chụp. Đặc biệt hơn nữa, Irving Penn nghĩ ra cách tạo góc rồi cho chủ thể đứng vàohay sáng tạo ra bố cục tam giác, hướng cho mắt người xem phải tập trung vào chủ thể ngay lập tức. Các tác phẩm của Irving Penn đều rất tỉ mỉ trong sắp đặt và bố cục, tạo cho người xem cảm giác nhẹ nhàng, tinh tế.
Nhân vật thứ hai không hề kém cạnh người trước là Helmut Newton của Đức. Ông sinh ngày 31.10.1920, mất ngày 23.1.2004 sau một tai nạn xe hơi tại Los Angeles. Helmut Newton để lại nhiều tiếc thương cho làng thời trang thế giới. Sinh ra tại nước Đức trong một gia đình cha là người Đức, mẹ là người Do Thái, đến năm 1938, ông đã trốn sang nước Mỹ. Với chút ít kinh nghiệm khi làm trợ lý cho một nhiếp ảnh gia ở Đức, ông bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh của mình trên mảnh đất mới. Tuy nhiên, mãi đến đầu năm 1956, ông mới ký được hợp đồng đầu tiên với British Vogue và trở lại châu Âu, sau đó ông hợp tác với tạp chí Playboy.
Các tác phẩm nhiếp ảnh khỏa thân của ông gây ấn tượng mạnh với lối trình bày phá cách và bố cục cưc kỳ độc đáo. Helmut Newton chỉ có duy nhất một người vợ; họ chung sống cả đời. Khi ông chụp ảnh khỏa thân, luôn có sự hiện diện và giúp đỡ của người bạn đời bên cạnh. Ai muốn mời Newton chụp cho họ, họ phải cho ông xem ảnh của họ trước; nếu Newton thấy thích thì mới nhận lời. Newton cũng là người đầu tiên mang ảnh thời trang ra khỏi studio. Ông không thích chụp thời trang trước tấm phông trắng. Ông nói: “Ngừoi phụ nữ không sống trước tấm phông trắng, họ sống ở nhà, họ lên xe, họ đi ngoài đường. Tôi không thích chụp họ trong studio”.
Nhân vật thứ ba là Richard Avedon của Hoa Kỳ. Ông sinh ngày 15.5.1923, mất ngày 1.10.2004. Avedon nổi tiếng bậc nhất với ngành nhiếp ảnh nghệ thuật thời trang thế giới. Có lẽ ông là nhiếp ảnh gia tạo được ảnh hưởng sâu rộng nhiều nhất trong tư cách người tạo ra hình ảnh (image maker). Avedon đã được một giám đốc nghệ thuật của tạp chí thời trang Harper Bazaar phát hiện. Đến năm 1966, Avedon rời Harper Bazaar và chuyển sang cộng tác cho tạp chí thời trang số 1 lúc bấy giờ là Vogue. Avedon mang đến một phong cách mới nhất vào lúc đó bằng cách mang đến sự uyển chuyển, không khí sinh động vào mỗi bức ảnh. Đối với ông, người mẫu là một thành tố quan trọng gây nổi bật sức mạnh của thời trang.
Đặc biệt sẽ còn thiếu sót nếu bỏ quên một nhân vật bí ẩn nổi tiếng không kém và đầy tài năng là Tyen, người Pháp gốc Việt. Có lẽ tên ông đọc theo tiếng Việt là Tiến chăng? Cho đến bây giờ thật khó tìm kiếm tư liệu tiểu sử cá nhân của Tyen. Chỉ biết vắn tắt ông là một nhiếp ảnh gia, giám đốc thiết kế trang điểm, là bậc thầy về màu sắc. Ông đã làm việc trong 30 năm với House of Dior để tạo ra một số hình ảnh và tác phẩm tuyệt vời nhất. Bắt đầu sự nghiệp trang điểm sân khấu cho Paris Opéra, ông nhanh chóng được phát hiện bởi thế giới tạp chí thời trang, đất của các nhiếp ảnh gia như Richard Avedon, Irving Penn và Bill King. Trong vòng một năm, Tyen đã bộc lộ tài năng của mình như một nhiếp ảnh gia có tài năng thiên bẩm. Sau đó, các tạp chí thời trang danh giá như Vogue, L’Uomo Vogue, Harper’s Bazaar và Elle đã trải thảm mời ông. Chưa hết, các nhà thiết kế uy tín như Versace, Valentino, Issey Miyake và Gianfranco Ferré cũng đua nhau mời mọc.
Tác phẩm để đời
Thế giới nhiếp ảnh thời trang thế kỷ XX có rất nhiều cao thủ nếu so sánh với nhiếp ảnh phong cảnh hay nhiếp ảnh thời sự. Họ lại được những người nổi tiếng như diễn viên điện ảnh, nhà văn, nhà thơ, ca sĩ, người mẫu, các chính khách, nhà tài phiệt được trọng vọng. Vào tháng 4, những tác phẩm kinh điển trong lịch sử nhiếp ảnh thời trang thế giới sẽ được đem đấu giá tại New York (Mỹ). Đây là những bức ảnh đã được thực hiện bởi những bậc thầy nổi danh trong nhiếp ảnh thời trang như Irving Penn, Richard Avedon, Helmut Newton, Peter Beard…
Những bức ảnh ấn tượng nhất trong bộ sưu tập được kỳ vọng đạt mức giá lên tới 300.000 USD (tương đương gần 7 tỷ đồng). Phiên đấu giá lần này mang tên là “A Beautiful Life: Photographs from the Collection of Leland Hirsch” (Một cuộc đời đẹp: Những bức ảnh trong bộ sưu tập của Leland Hirsch). Chủ nhân của bộ sưu tập là một chuyên gia trong lĩnh vực làm tóc thời trang ở Mỹ – ông Leland Hirsch. Ông Leland Hirsch đã dày công sưu tầm nhiều bức ảnh thời trang, được thực hiện bởi các nhiếp ảnh gia danh tiếng nhất thế kỷ XX.
- Xem thêm: Những khoảng khắc vui hài, dí dỏm
Các tác phẩm nhiếp ảnh thời trang nổi tiếng giá rất đắt, một phần tùy thuộc vào danh tiếng nhân vật trong ảnh (Picasso, Elvis Presley, Marilyn Monroe, Madonna, Michael Jackson). Tiêu biểu và đắt giá nhất là bức “Dovima và những chú voi, đầm dự tiệc của Dior, gánh xiếc Cirque D’Hiver, Paris” được chụp bởi nhiếp ảnh gia người Mỹ Richard Avedon. Bức ảnh được kỳ vọng đặt mức giá từ 300.000 USD – 500.000 USD (tương đương 6,8 tỷ VNĐ – 11,3 tỷ VNĐ). Bức thứ hai thực hiện bởi nhiếp ảnh gia người Mỹ Herb Ritts có tên “Stephanie, Cindy, Christy, Tatjana, Naomi, Hollywood” đạt mức giá từ 50.000 USD – 70.000 USD (từ 1 – 1,5 tỷ VNĐ). Bức thứ ba là “Ảnh bìa Giáng sinh của Vogue” thực hiện bởi Irving Penn vào lễ Giáng sinh năm 1949 được kỳ vọng mức giá từ 60.000 USD – 90.000 USD (1,3 – 2 tỷ VNĐ). Bức ảnh khác của Richard Avedon “người mẫu Nastassja Kinski” đặt giá 90.000 USD (2 tỷ VNĐ) hoặc hơn. Bức ảnh của Peter Beard chụp người mẫu “Maureen Gallagher khỏa thân cho hươu cao cổ ăn”, chụp vào năm 1987, dự đoán mức giá 200.000 USD – 300.000 USD (từ 4,5 – 6,8 tỷ VNĐ).