Hầu như những nhân vật nổi tiếng ở Hy Lạp cổ đại đều chết theo cách mà phẩm giá của họ được tôn vinh. Chuyện về những anh hùng Hy Lạp chết lặng lẽ trong khi ngủ hay chết vì bệnh tật rất hiếm khi được lan truyền, hoặc nó sẽ bị lu mờ bởi tin tức về những chiến binh bị hành hình bằng cách kéo lê trên mặt đất bởi những chiếc xe song mã. Có lẽ do vậy mà có những cái chết của những người nổi tiếng ở Hy Lạp thời xưa ít khi được nói đến vì nguyên nhân cái chết rất ư là kỳ cục.
Bupalus – tự tử vì bị sỉ nhục mà không thể làm gì được
Hipponax là một nhà thơ hoặc ít nhất đó là danh xưng mà người Hy Lạp gọi ông, vì không biết dùng từ nào cho phù hợp. Hipponax không làm thơ mô tả vẻ đẹp của thiên nhiên, mà trong phần lớn các bài thơ của mình, ông thường đưa vào một vài cụm từ ám chỉ đến chất thải của con người hay liên quan đến sex. Ông cũng là một người có hình dạng xấu xí.
Vì vậy, không có gì là ngạc nhiên khi người con gái ông yêu đã từ chối thẳng thừng khi ông thố lộ tình cảm. Sau cú sốc “bị cự tuyệt”, phần lớn sẽ chọn cách tiếp tục cuộc sống và đi tìm “một nữa” khác, nhưng Hipponax không phải là loại người đó. Ông ta chọn cách “trả thù” qua việc sáng tác hàng loạt bài thơ xúc phạm… cha cô gái ấy, Bupalus, bằng những lời lẽ miệt thị thậm tệ đến nổi ông ta không thể chịu đựng nổi và quyết định thắt cổ tự tử.
Hầu hết những bài thơ miệt thị Bupalus mà Hipponax sáng tác đến nay đều đã không còn, nhưng qua một vài đoạn còn sót lại cũng đủ để người ta đoán ra những phần bị mất. Chẳng hạn như, trong một đoạn thơ Hipponax gọi Bupalus là một “người khốn khổ chết tiệt, người từng mơn trớn bộ ngực mẹ mình trong khi bà ấy ngủ mê”.
Trong một bài thơ khác, Hipponax lại ám chỉ rằng Bupalus thích được mẹ mình “kích thích” bộ phận sinh dục. Trong một bài khác nữa, Hipponax gọi Bupalus là một “kẻ loạn luân”. Quả thật, dù biết rằng Hipponax ám chỉ mình, nhưng lại không thể làm gì được, trong khi hàng ngày phải nghe thiên hạ ngâm nga những câu thơ đó thì “thà chết còn hơn!”.
Chrysippus – nhà triết học đã chết vì cười
Chrysippus là một trong những nhà triết học hàng đầu Hy Lạp cổ đại theo trường phái Khắc kỷ, nhưng ông ta dường như cũng không quá khắc kỷ trong cuộc sống. Trong suốt cuộc đời, ông đã viết đến 705 cuốn sách, phần lớn mang nội dung hài hước, châm biếm. Người Hy Lạp gọi Chrysippus là “một người kiêu ngạo”. Có lẽ biệt hiệu này phù hợp với Chrysippus vì ông đã chết vì cười không dứt trong một trò “đầu têu” của mình.
Chuyện là vào một ngày nọ trong năm 206 trước Công nguyên, khi đi dạo trong vườn, Chrysippus nhìn thấy một con lừa đang cố tìm cách để ăn những quả sung đầy nhựa. Trong đầu Chrysippus nảy ra một trò vui. Ông gọi gia nhân cho con lừa uống một ít rượu.
Con lừa bị say khướt, chân đi loạng choạng, nghiêng bên này, ngả bên kia nhưng vẫn cố tìm cách để ăn những quả sung. Nhìn thấy cảnh tượng rất buồn cười, Chrysippus đã không thể kìm chế được. Ông cười như nắc nẻ đến mức không thể dừng lại và đứt hơi mà chết ở tuổi 73.
Draco – nhà lập pháp đầu tiên của Hy Lạp chết vì ngạt thở
Draco, sinh vào khoảng năm 650 trước Công nguyên tại Athens, là nhà lập pháp đầu tiên của Hy Lap cổ đại. Ông đã thay thế toàn bộ hệ thống luật pháp truyền miệng của Hy Lạp tồn tại trước đó bằng một bộ luật thành văn đầu tiên. Những điều luật do Draco đề ra rất rõ ràng, chặt chẽ, nhưng cực kỳ hà khắc. Ví dụ như ăn cắp bắp cải sẽ bị trừng phạt bằng cái chết. Do vậy mà nó có tên là đạo luật hà khắc.
Tuy nhiên, các công dân Athens lại rất biết ơn Draco và coi ông như vị thần đại diện cho công lý vì đây là lần đầu tiên họ được thoát khỏi tình trạng bị xét xử theo cảm tính. Về sau, một nhà lập pháp khác là Solon đã thay thế toàn bộ các điều khoản trong bộ luật Draco, chỉ giữ lại án tử hình đối với tội giết người.
Trong một lần đi dự buổi phê chuẩn chính thức một buổi biểu diễn theo truyền thống Hy Lạp cổ đại tại nhà hát Aegina, những người ủng hộ đã vây quanh ông và ném khá nhiều mũ, áo sơ mi và áo choàng vào Draco (đây là cách người Hy Lạp cổ đại thể hiện sự ủng hộ, tán thành hay đánh giá cao về ai đó). Nhưng oái oăm thay, chúng đã trùm kín đầu Draco khiến cho ông ta bị chết ngạt.
Heraclitus tự trét phân bò lên người và bị chó hoang ăn thịt
Cái chết của nhà triết học Heraclitus nghe có vẻ hơi kỳ lạ, nhưng có một lý do khiến ông trét phân lên người và bị những con chó đói ăn thịt. Dù đó không phải là một lý do hợp lý, nhưng nó cũng là một lý do.
Số là Heraclitus bị mắc chứng phù nề. Mặc dù các y sĩ nói với ông rằng không có cách nào để chữa trị vào thời đó, nhưng Heraclitus nghĩ mình có thể vượt qua tất cả. “Bằng cách làm sạch ruột”, ông nói với họ, người ta có thể “rút nước ra khỏi cơ thể”. Các y sĩ không hiểu ý ông là gì, nhưng Heraclitus đã có chủ ý: ông muốn loại bớt nước ra khỏi cơ thể. “Tôi sẽ bao phủ toàn bộ cơ thể của tôi trong phân bò”, ông giải thích với các bác sĩ.
Người ta không hiểu tại sao Heraclitus lại nghĩ rằng dìm người trong phân bò sẽ chữa được bệnh hoặc tại sao ông lại bỏ qua lời khuyên của các y sĩ. Dù sao đi nữa, Heraclitus đã nằm phơi nắng cả ngày với phân bò bao phủ khắp người. Khi tỉnh dậy, lớp phân bò dày đã khô cứng làm ông không thể cử động. Ông nằm đó, người bị bao phủ trong lớp phân khô, cố gắng đứng lên cho đến khi những con chó hoang tìm đến và xé xác ông.
Thucydudes bị giết ngay khi đang viết giữa chừng
Thucydides là nhà sử học đã viết cuốn sách nổi tiếng Lịch sử cuộc chiến Peloponnese kể lại cuộc chiến giữa người Sparta và Athens vào thế kỷ 5 trước Công nguyên cho đến năm 411 trước Công nguyên. Nó là một nguồn tư liệu đáng tin cậy vì bản thân Thucydides cũng được coi là nhà sử học có uy tín của Hy Lạp cổ đại. Thucydides là một trong số ít người không thích “thêm mắm thêm muối” vào câu chuyện của mình bằng những tin đồn vô căn cứ và những sinh vật thần thoại.
Thucydides đã thực sự tham gia chiến đấu trong cuộc chiến Peloponnese, nhưng ông bị trục xuất khỏi Hy Lạp vì đã không bảo vệ được thành phố Amphipolis. Trong gần 20 năm sống lưu vong, Thucydides tích cực thu thập các tư liệu lịch sử cho đến một ngày, nhờ sự vận động của những người ủng hộ, ông được phép quay về quê hương.
- Xem thêm: Lang thang trên quê hương thần thoại
Nhưng Thucydides đã bị giết. Người ta không biết chính xác chi tiết, ngoại trừ việc có ai đó đã giết Thucydides khi ông đang trên đường quay về Athens và ông chết khi đang viết dở một câu trong cuốn sách của mình. Cuốn sách của ông, cho đến ngày nay, dừng ngay giữa một ý nghĩ mà ông chưa bao giờ kết thúc. Thi thể của Thucydides được đưa về Athens và chôn cất trong khu lăng mộ của gia đình.
Pyrrhus đã chết vì một viên gạch lát sàn
Pyrrhus, vị tướng lừng danh của Hy Lạp không có thói quen đứng ngoài cuộc trong khi những người lính của ông đang chiến đấu. Ông lao vào trận chiến, xông lên phía trước, mạo hiểm mạng sống của mình cùng với những người lính. Khi dẫn đội quân của mình băng qua các con phố của Argos, ông đã sẵn sàng chết như một chiến binh.
Có điều Pyrrhus không ngờ rằng mình sẽ bị giết bởi một người phụ nữ lớn tuổi tay không tấc sắt; nhưng chuyện đời không phải lúc nào cũng có được những gì mình muốn. Người phụ nữ ấy đang đứng trên mái nhà quan sát, khi đội quân của Pyrrhus tiến vào. Con trai bà, một dân quân của Argos, dùng cây giáo cố đâm Pyrrhus nhưng trúng vào áo giáp và té xuống ngay trước mặt Pyrrhus. Ông ta tiến lại để giết cậu con trai mà không biết rằng mẹ cậu ta đã nhìn thấy, và bà ta chắc chắn sẽ không để bất cứ ai làm tổn thương con bà.
Bà ta cầm một viên gạch lát sàn và nhắm vào đầu Pyrrhus ném xuống. Viên gạch trúng vào chiếc mũ sắt và trượt xuống cổ, làm gãy đốt sống cổ của Pyrrhus. Ông bị choáng và té xuống ngựa, nhưng vẫn còn sống cho đến lúc đó. Một dân quân của Argos đã kết thúc sự đau đớn của Pyrrhus bằng cách chém đầu. Pyrrhus bị giết vào năm 272 trước Công nguyên, khi ông mới được 42 tuổi.
Philitas bị chết đói vì mải mê chỉnh sửa sai sót của người khác
Philitas (còn gọi là Philetas, sinh năm 340, mất năm 285 trước Công nguyên) là một con người sinh ra nhầm thời đại. Nếu là ngày nay, khi mà các mạng xã hội ngày càng thu hút nhiều người tham gia, ông ta sẽ là “vua bình luận” – hoặc ít nhất sẽ có một bộ sưu tập phong phú những lời động viên, cổ vũ từ người đọc. Là một học giả và là nhà thơ, Philitas từng là gia sư cho các hoàng tử thuộc vương quốc Ptolemy.
Ông dành rất nhiều thời gian để sửa lỗi cho người khác. Mỗi lần ai đó sử dụng từ sai hoặc mắc sai lầm về cách diễn đạt, Philitas viết chúng lên các tờ giấy sau khi đã giải thích họ đã sai những gì. Mặc dù thể trạng yếu ớt, Philitas bị ám ảnh việc phải viết chúng ra đến nỗi, theo truyền thuyết, đã bị chết đói trong khi cố gắng giảng giải việc đừng lựa chọn một từ ngữ nghèo nàn.
Điều này đã trở thành di sản của ông. Trên bia mộ của Philitas đã khắc những dòng chữ: “Này người lạ, Philetas là tên của tôi. Tôi nằm đây bởi những tranh luận sai lầm và kéo dài các cuộc tranh luận từ đêm này sang đêm khác”.
Arrichion – vận động viên Olypic đầu tiên giành chiến thắng khi đã chết
Arrichion là một vận động viên của môn Pankration (kết hợp giữa quyền anh và vật tự do). Đây là môn thể thao được nhiều người ưa thích trong thế vận hội thời xưa, nhưng lại là một trong số ít môn thể thao mà ngày nay không được đưa vào chương trình thi đấu Olympic – có lẽ do tính chất khốc liệt của những trận đấu này là đấu đến chết.
Trong cuộc thi Olympic diễn ra vào năm 564 trước Công nguyên, Arrichion đã lần lượt chiến thắng các đối thủ và vào đến trận chung kết. Khi trận đấu đang diễn ra, Arrichion bị khóa cổ từ phía sau và đối thủ gài chân vào giữa hai chân Arrichion để anh không thể thoát ra. Arrichion đã muốn bỏ cuộc, nhưng huấn luyện viên của anh không nghĩ vậy. Ông ta hét lớn: “Nó sẽ là một bài diễn văn tuyệt vời tại lễ tang nếu người ta có thể nói: anh ấy đã không bỏ cuộc ở Olympia!”.
Điều đó dường như đã truyền cảm hứng cho Arrichion; vì vậy, anh tiếp tục chiến đấu. Anh xoay xở tóm lấy chân đối phương và bẻ lọi cổ chân đối thủ. Nó làm cho đối thủ đau đớn đến mức phải lên tiếng đầu hàng. Nhưng vào thời điểm mà trọng tài công nhận Arrichion là người chiến thắng thì anh đã chết vì bị gãy cổ. Arrichion là người đầu tiên và cũng là người duy nhất trong lịch sử Olympic giành chiến thắng khi đã chết.
Aeschylus chết vì đại bàng thả một con rùa xuống đầu
Aeschylus là nhà soạn kịch nổi tiếng của Hy Lạp vào thế kỷ 5 trước Công nguyên. Ông được xem là người đầu tiên khai sinh ra bi kịch Hy Lạp, và ông đã sống với nỗi ám ảnh về kết cục bi thảm của chính mình. Một nhà tiên tri đã tiên đoán rằng ông sẽ chết bởi một cú đánh giáng xuống từ trên trời; vì vậy, Aeschylus chờ đợi một số phận kịch tính: một tia sét đánh trúng, hoặc tường của một ngôi nhà đổ sụp xuống đầu… Nhưng thay vào đó lại là một con rùa rơi trúng đầu Aeschylus.
Chuyện kể rằng trong khi Aeschylus ở Sicily, một con đại bàng đang bay trên không mang theo một con rùa trong móng vuốt của nó. Đây là loại đại bàng thích thả con mồi của nó xuống các hòn đá để phá vỡ mai rùa. Khi nhìn thấy cái đầu hói sáng bóng của Aeschylus, nó nghĩ rằng đó là một tảng đá và thả con rùa xuống. Đầu của Aeschylus bị vỡ ra thay vì mai rùa.