Hy Lạp là đất nước ba bề biển cả, núi rừng bao bọc con người, còn các di sản thì vương vãi khắp nơi. Tôi hỏi Panos, điều đó ảnh hưởng như thế nào đến con người Hy Lạp.
Anh nói: “Lịch sử mang lại niềm tự hào, niềm tin và sức sống. Núi rừng mang lại sự trầm tư, minh triết, và tôi luyện nên những chiến binh giỏi. Nhưng biển cả mới là tâm hồn Hy Lạp”. Panos là sinh viên du học ở Pháp, mỗi năm chỉ được về Hy Lạp một tháng. Ngày nào anh cũng ra biển, ngâm mình trong biển, lùa cát biển vào ngực như ôm vào lòng vật yêu dấu nhất đời. Biển dạy cho người Hy Lạp biết ước mơ. Biển cũng mở ra những chân trời. Họ có thể sống không có núi nhưng không thể không có biển – trong thực tế, họ có cả hai. Người Hy Lạp tôn trọng thiên nhiên và luôn mở lòng ra tiếp nhận từ thiên nhiên năng lượng cần thiết. Đó là bài học lớn mà người Hy Lạp đã học được từ các bậc minh triết thuở xưa.
Có lẽ phải mất cả một đời mới đi hết Hy Lạp. Nay chỉ vỏn vẹn tám ngày ngắn ngủi, tôi chọn tour đi loanh quanh. Hành trình bắt đầu từ Athene, lên Les Meteores, xuống Delphes, Olympia, Mystra, Sparte, Mycenes, qua Epidaure, Nauplie, Ermioni, kênh đào Corinthe, rồi về lại Athene.
Càng lên phía Bắc cảnh quang càng hùng vĩ, bên trái núi non trùng điệp, bên phải biển Aegean bát ngát vẫy chào, trước mặt ngọn Olympie ngạo nghễ cao ngút trời mây. Ngày nay không biết Zeus và quý chư thần có còn quần tụ trên ấy – uống rượu, đàn địch, ăn chơi, trai gái, rồi ghen tuông đánh nhau long trời lở đất, hay lại ham vui mà kéo hết về thành phố cả rồi.
- Xem thêm: Đến với Hy Lạp huyền bí
Tại Khách sạn Famissi dưới chân Meteores, tôi học được qua cô hầu bàn hai từ: epkharitto là cảm ơn, oritte là xin vui lòng. Cô nói, chỉ cần chừng ấy thôi là đủ cho tôi lang thang trên khắp quê hương thần thoại của cô rồi. Cô ta xinh xắn và tao nhã làm sao. Trước đây tôi nghĩ ở Hy Lạp, chỉ những cô gái đồng trinh cầm đuốc trong các lễ hội thần linh mới đẹp, nay hóa ra đến cả mấy cô hầu bàn cũng đẹp. Thảo nào – họ đều là hậu duệ của nữ thần Aphrodite cả mà.
Meteores là quần thể gồm vô số những khối đá sa thạch cao chót vót như những chiếc cột dựng giữa trời. Từ thế kỷ XV, người ta xây dựng ngay trên đỉnh cột những tu viện Byzantine bề thế và uy nghiêm. Cách lên xuống duy nhất với những tu viện này là với chiếc giỏ được kéo bằng hệ thống ròng rọc. Meteores là một kỳ quan lạ lùng, độc đáo chỉ có ở Hy Lạp – chắc là dấu vết từ một cuộc chơi cổ quái nào đó của các thần trên đỉnh Olympie.
Đoạn đường từ Meteores về Delphes phải vượt qua dãy Parnasse vô cùng hiểm trở và quá đẹp. Nằm trên triền dốc phía Tây Nam của ngọn Parnasse nhìn xuống vịnh Corinthe, Delphes là trung tâm chính trị và tôn giáo của Hy Lạp thời cực thịnh. Delphes là di sản văn hóa thế giới (1987). Vô số những công trình đền, miếu, nhà hát, quảng trường, sân vận động… nay chỉ còn là phế tích quặn lòng khách lãng du, trong đó ngôi đền Apollo là rực rỡ hơn cả.
Apollo là vị thần của ánh sáng, âm nhạc, thi ca và tiên tri. Thần Apollo cũng là một trong những chiến binh tích cực tham gia trận chiến thành Troy, chính thần là người mách cho Paris yếu điểm nơi gót chân Achilles, giúp chàng bắn mũi tên định mệnh kết liễu cuộc đời người anh hùng vĩ đại.
Chia tay Delphes, mãi xế chiều chúng tôi mới đến được nơi mọi người khát khao chờ đợi: thánh địa Olympia – nơi năm 776 trước Công nguyên từng diễn ra Thế vận hội Olympic cổ đại đầu tiên, được tổ chức vào mùa hè, bốn năm một lần, tại khu vực quanh đền thờ thần Zeus. Đây là lễ hội lớn nhất của Hy Lạp cổ đại, tồn tại suốt hơn 900 năm, cho đến năm 393 thì bị hủy bỏ. Mãi đến cuối thế kỷ XIX, ý tưởng về một thế vận hội Olympic hiện đại mới được hồi sinh.
- Xem thêm: Kalambaka, một vẻ đẹp khác của Hy Lạp
Ngày nay Olympia là một địa chỉ khảo cổ nổi tiếng của Hy Lạp, nó thực sự là một bảo tàng cổ vật lưu giữ những công trình vĩ đại về tôn giáo, lịch sử, văn hóa, thể thao… Trong đó đền thờ thần Zeus là công trình vĩ đại và nổi tiếng nhất. Tại ngôi đền này, “Bức tượng thần Zeus” ngự trên ngai vàng lộng lẫy – kiệt tác của nghệ sĩ thiên tài Phidias, được bầu chọn là một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại.
Đêm đến, chúng tôi được tham gia một buổi giao lưu văn nghệ và nhảy múa. Qua sách vở, tôi biết người Hy Lạp thích suy tư, thích tranh luận, thích chinh phục; nay có dịp cùng sinh hoạt, cùng thưởng thức các thể loại âm nhạc và vũ điệu đặc trưng của Hy Lạp, tôi biết thêm họ còn là những con người yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống, sôi nổi, vui nhộn. Alexis Zorba – với nhân sinh quan lạ lùng, quyến rũ, có lẽ là hình tượng tiêu biểu nhất cho mẫu người Hy Lạp thời hiện đại.
Mystra là kinh đô của hai triều đại Byzantine. Ngày nay, trên đỉnh Mystra và dọc theo triền núi vẫn còn dấu tích của những cung điện và vô số đền, miếu, nhà thờ lạ lùng, độc đáo… hầu hết được xây bằng gạch nung.
Chúng tôi nghỉ chân và ăn trưa ở thành phố Sparte. Trong quá khứ, đây là thành bang đối nghịch với Athene. Trong khi Athene là biểu tượng của trí tuệ và tự do, thì Sparte là biểu tượng của sức mạnh và chiến trận. Đã một thời Sparte được tổ chức như một trại lính. Từ đây sản sinh ra những đội quân hùng mạnh, bách chiến bách thắng trong các cuộc chinh phạt. Nhưng rồi, có bao nhiêu lần xua quân xâm lược người ta thì cũng có bấy nhiêu lần bị người ta đánh chiếm, hủy diệt. Vì thế mà, lịch sử không còn lại bao lăm dấu vết.
Giã từ Sparte một thời lừng lẫy, chúng tôi thăm kinh thành Mycenes của đức vua Agamemnon, vị lãnh tụ tối cao của đội quân giành thắng lợi trong cuộc chiến thành Troy. Đó là một ngọn đồi cao 278m, được bao bọc bởi một vòng thành bằng đá dày 8m; cổng thành được làm bằng bốn phiến đá nguyên khối, bên trên cửa thành có hình hai con sư tử đứng chầu. Hơn ba ngàn năm lịch sử đi qua cổng thành này, vậy mà đá chỉ lặng thinh. Thế nhé, đừng nói gì cả, hãy để cho lịch sử mãi hoài lung linh, mời gọi.
Trên một ngọn đồi thấp hơn không xa hoàng thành là khu mộ tholos, hình nón, gồm 33 vòng đá xếp chồng lên nhau. Người ta nói đây là nơi an nghỉ cuối cùng của vua Agamemnon. Đức vua là một trong số ít ỏi những người còn sống sót trở về sau cuộc chiến thành Troy. Trớ trêu thay, giữa trận tiền, dưới hòn tên mũi đạn ngài không chết vậy mà về đến nhà lại phải chết dưới tay vợ mình – chỉ vì hoàng hậu lỡ đem lòng yêu thương người khác. Nếu Agamemnon sớm biết tình yêu nó mạnh đến thế chắc ông ta đã không dại gì điều luôn cả một đạo quân để đi truy diệt tình yêu. Nhìn xuyên qua chóp lăng, một khoảng trời trong xanh vời vợi. Đã hơn ba ngàn năm, không biết liệu Agamemnon có tìm được cho mình niềm thanh thản và bao dung.
Thơ và kịch là thứ ngôn ngữ nghệ thuật đỉnh cao. Chỉ những tâm hồn lớn mới bắt được thơ, và chỉ những tầng văn hóa bậc cao mới biết thưởng thức kịch. Trên quê hương thần thoại, đâu đâu cũng có nhà hát kịch. Chúng tôi may mắn được tham quan một trong những nhà hát lớn nhất Hy Lạp thời cổ đại – nhà hát Epidaure.
Tựa lưng vào triền đồi, Epidaure là nhà hát lộ thiên, hình bán nguyệt (dạng hình nón đặt ngược), đường kính 119m, 55 bậc cấp, chứa 14.000 khán giả. Tâm của nhà hát là khoảng sân vòng tròn đường kính 20m làm sân khấu cho diễn viên kịch và các nghệ sĩ trong dàn đồng ca. Một vấn đề hóc búa khiến các nhà nghiên cứu điên đầu: Hồi ấy chưa có hệ thống khuếch đại âm thanh, vậy làm thế nào để khán giả khắp nơi trong hội trường rộng mênh mông ấy có thể nghe được lời thoại của các diễn viên kịch?
Chặng cuối cuộc hành trình, chúng tôi nghỉ đêm ở thành phố Nauplie – kinh đô cũ của Hy Lạp một thời. Đây là thành phố du lịch biển nổi tiếng của Hy Lạp. Buổi chiều du khách tràn ra bãi biển ngắm hoàng hôn, còn buổi sáng thì vắng hoe. Người Tây phương mắc một sai lầm nghiêm trọng mà họ không biết, đó là thức quá khuya mà dậy quá muộn. Cho nên họ không bao giờ được hưởng niềm hạnh phúc chờ ngắm bình minh – nhất là bình minh trên biển. Vốc chút nước biển mát lành lên mặt… A! Như tình yêu bao giờ cũng thơm, biển ở đâu cũng mặn.
Chúng tôi có những hai ngày để long nhong khắp phố phường thủ đô Athene. Nền văn minh Hy Lạp được hình thành khoảng ba ngàn năm trước Công nguyên. Hy Lạp nói chung và Athene nói riêng là cội nguồn của văn minh Tây phương, là cái nôi của nghệ thuật tạo hình, kiến trúc, hội họa, triết học, y học, toán học, văn học, thi ca, kịch nghệ, thể thao, thể chế dân chủ… Không nghi ngờ gì nữa, cả nhân loại này đều là con nợ của Hy Lạp.
- Xem thêm: Phố biển độc nhất vô nhị ở Mykonos
Về phía Tây Athene, Acropole là quần thể kiến trúc đẹp đẽ, huy hoàng, tráng lệ nhất mà con người từng sáng tạo nên. Từ bất cứ nơi đâu trong thành phố bạn cũng có thể chiêm ngắm công trình nghệ thuật có một không hai này. Nó vẫn tồn tại thế từ 2.500 năm nay như để ấn chứng cho vinh quang của nền văn minh Hy Lạp cổ đại, đồng thời để nói với chúng ta, rằng chẳng có gì trường cửu trong cõi thế phù du này, dù cho nhân loại không phải ai cũng có huệ nhãn để nhận ra điều ấy.
Tám ngày lang thang trên quê hương thần thoại, tôi như bị đong đưa giữa hai đầu quá khứ – hiện tại – và tương lai; giữa có và không, giữa còn và mất. Nhiều khi thấy mình nghêu ngao hát Trịnh Công Sơn. Mãi rồi tôi mới hiểu ra, âm nhạc Trịnh Công Sơn dù nói gì thì rốt lại cũng chỉ để nói một điều. “Ôi phù du. Từng tuổi xuân đã già… Đời người như gió qua”. Thế đấy, phàm “Sở hữu tướng giai thị hư vọng” – mọi sự chỉ là hư dối, phù du, mộng ảo, như bọt nước, như hơi sương, như điện chớp, chẳng có chi tồn tại vĩnh cửu… Đó cũng là cảm thức của tôi về bức tranh hoàng hôn trên đồi Acropole buổi chiều cuối cùng trước khi chia tay kinh đô huyền thoại này.