Văn phòng của Vidotour ẩn chứa tất cả tâm hồn của chủ nhân. Một tòa biệt thự cổ xưa còn giữ nguyên nét đẹp kiến trúc của Pháp, những lối đi thênh thang đầy sỏi trắng, chiếc cầu thang gỗ đen óng vì thời gian, những bức tranh về Sài Gòn xưa treo trên tường… Một khoảng không gian lộng gió mở ra trước mắt, phủ quanh ngôi nhà bằng một màu xanh mát… Thật khó tin lại có một nơi yên bình, cổ kính và lãng mạn như thế giữa một thành phố ồn ào…
Nguyễn Tuyết Mai còn khá trẻ, nhỏ nhắn trong tà áo dài hoa xanh. Giọng nói của chị cũng nhỏ nhẹ, quyến rũ như vẻ đẹp của ngôi nhà. Nhìn lại 15 năm kinh doanh lặng lẽ của mình trong ngành du lịch, chị thổ lộ về sự “tốt dần lên” như một may mắn với Vidotour, nhưng chỉ qua vài lần tiếp xúc là có thể nhận ra chính chị, với sự quyết tâm theo đuổi, phấn đấu dữ dội, đã đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã. Có lẽ nhờ thế mà may mắn luôn mỉm cười với chị…
____
Khởi nghiệp kinh doanh du lịch năm 22 tuổi từ những năm đầu mở cửa, mục đích kinh doanh với chị là gì? Điều gì đã giúp chị theo đuổi du lịch cho đến ngày hôm nay?
Tôi chỉ là một người luôn thích học hỏi, chứ không phải làm việc vì mục đích kiếm tiền. Ngày mới tốt nghiệp đại học làm ở Khách sạn Kim Đô, môi trường khá tốt, nhưng khi đất nước mở cửa tôi thấy ra làm riêng sẽ có nhiều cơ hội học hỏi hơn. Ngành kinh doanh du lịch không cần vốn liếng nhiều, mà quan trọng là con người, kiến thức, lúc ấy hai điều này với tôi đều rất hạn chế. Nhưng nhờ đi du lịch, tôi dần hiểu rằng biết bao điều mà mình có thể khám phá từ du lịch để giàu có hơn về mặt tâm hồn, để thỏa mãn đam mê học hỏi, tìm hiểu văn hóa trong hội họa, ẩm thực, lịch sử, giao tiếp…
____
Nghĩa là chấp nhận khai phá, chấp nhận thách thức để mang lại sự khác biệt, một dáng vẻ mới cho Vidotour?
Vidotour luôn tìm ra những nội dung mới. Chúng tôi đóng những chiếc xe ngựa, xe bò đưa khách vào tận trong đình làng, hay những bản xa xôi của người dân tộc thiểu số. Cho du khách được xuống ruộng gặt lúa cùng người nông dân, ngồi chuốt những nan tre làm ra chiếc lồng đèn, hay trực tiếp ngồi trộn đất sét nặn gốm, sau đó nung lên và đem về làm kỷ niệm… Cho khách du lịch tiếp xúc với cuộc sống đời thường, với văn hóa làng xã, cùng ăn những bữa cơm gia đình thân mật với người dân địa phương… Vào thời điểm năm 1990, đây là bước đột phá, bởi mọi cái đều chưa hình thành… Mình phải mày mò từng bước một từ số không, đọc và đi rất nhiều để hoàn thiện kiến thức bản thân.
Bước ngoặt làm thay đổi mọi nhận thức của tôi về du lịch là lần tham dự Hội chợ du lịch lớn của quốc tế ở London (WTM) năm 1992… Tôi nghĩ may mắn phải do chính mình tạo ra, là sự kết hợp của cơ hội và sự chuẩn bị. Mà cơ hội thì luôn có sẵn cho mọi người, quan trọng là mình có biết tạo ra những điều kiện cần thiết cho cơ hội ấy phát triển hay không. Thị trường châu Âu là những khách hàng rất chung thủy, chính họ đã cùng tôi phát triển thị trường du lịch Việt Nam… Lời khen thì cũng rất nhiều, nhưng tôi luôn tự nhủ không bao giờ được “ngủ quên trong chiến thắng”.
Làm du lịch phải có ý thức gìn giữ, làm mới không có nghĩa là phá bỏ cái cũ, mà phải bảo tồn, giữ lấy cái gốc văn hóa.
____
Theo chị, để thay đổi những quan niệm đã ăn sâu bắt rễ cả một thời bao cấp sang tư duy mới về một ngành kinh doanh dịch vụ, kinh doanh sự phục vụ có khó không?
Vào những mùa thấp điểm của du lịch, chúng tôi luôn có những khóa đào tạo về văn hóa, lịch sử Việt Nam, để truyền cho đội ngũ nhân viên của mình tình yêu xứ sở, có như thế họ mới thuyết minh cho khách nước ngoài những hiểu biết như máu thịt của mình. Sản phẩm du lịch không phải là chai nước suối, lọ nước hoa, mà là con người, là cảm xúc. Danh lam thắng cảnh cũng chỉ là một phần của vật chất, khách có cảm được vẻ đẹp ấy hay không phải qua con người.
Mình phải làm cho nhân viên hiểu, thấm, từ đó mới có được sự cảm nhận đầy đủ về đạo đức nghề nghiệp. Người làm du lịch rất cần đến sự phiêu linh. May mắn là Vidotour đi từ nhỏ đến lớn, rút kinh nghiệm được những lỗi từ va chạm thực tế để giúp mình tự thay đổi. Nhân viên cũ thì thủy chung, nhưng đồng thời cũng bảo thủ, khó thay đổi. Tôi luôn tiếp nhận những thành viên trẻ, những luồng gió mới, ngược lại vẫn duy trì đội ngũ cũ để tạo sự cân bằng.
Làm ngành dịch vụ thì đầu tiên là phải thỏa mãn khách hàng tối đa. Muốn vậy, rất cần đến tinh thần học hỏi và thái độ cầu tiến của từng thành viên. Để xây dựng được một tinh thần đồng đội cao, gắn bó như một gia đình là cả một nỗ lực lâu dài chăm sóc đời sống nhân viên chu đáo ngay cả trong những lúc khó khăn nhất. Khẩu hiệu của chúng tôi là: “Phục vụ khách tối đa, để đạt được cuộc sống vật chất tinh thần tối đa cho chính mình”.
Tôi không dè dặt khi tạo điều kiện cho con cái của nhân viên mình phát triển tài năng, hỗ trợ học bổng hàng năm vào dịp Tết Trung thu. Cho anh em cùng ăn cơm trưa, tổ chức sinh nhật, đi nghỉ mát cùng gia đình… mà không kỳ vọng người khác “phải” như thế nào với mình. Theo tôi sự gắn bó về tinh thần là quan trọng nhất. Tôi nghĩ người doanh nhân cần có tâm, có tầm, có trí.
____
Nhưng đã có lúc chị vấp phải nạn “chảy máu nhân lực” ngay sau thời điểm khủng hoảng tài chính – tiền tệ ở châu Á? Lúc ấy chị có bị… khủng hoảng không?
Lúc ấy tôi mới lập gia đình và sinh con nên không có nhiều thời gian chăm sóc cho công ty. Tôi đã hạ quyết tâm: Mình đi lên từ hai bàn tay trắng nên có thể bắt đầu lại từ đầu bất cứ lúc nào mà chẳng có gì phải sợ. Hơn nữa bây giờ còn có cả một đội ngũ thiện chiến tâm huyết, một thị trường ổn định không dễ gì một sớm một chiều bỏ mình.
Tôi chỉ buồn, chứ không khủng hoảng, bởi dù sao mình đã chia sẻ quá nhiều tình cảm với những đồng nghiệp lâu năm. Tôi bắt tay vào củng cố công ty cùng với việc chăm sóc con cái và gia đình. Có lúc tôi đã bị stress vì phải giải quyết quá nhiều việc trong một ngày. Nhưng mình là trụ cột của anh em, nên phải có một nghị lực kiên cường. Chính con tôi lại trở thành nguồn động viên lớn nhất giúp tôi mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Sau bước ngoặt đó Vidotour lại phát triển tốt hơn. Bây giờ thì hầu hết công việc của tôi đều do cấp phó đảm nhiệm, tôi chỉ giám sát là chính. Mình phải tin tưởng, dám giao việc, thì nhân viên mình mới có động lực để cống hiến. Thật sự đây là bước đấu tranh rất lớn trong suốt 10 năm qua của tôi. Nhưng giao quyền là phải chấp nhận rủi ro, chỉ có thể hạn chế đến mức thấp nhất.
____
Với câu lạc bộ Lý, hệ thống nhà hàng Indochine, Rừng Hà Nội, Le Tonkin (Bắc bộ), Rừng Phan Thiết, chị đã kết hợp được mô hình ẩm thực, văn hóa và du lịch độc đáo và tinh tế…
Thực sự khi xem bộ phim Indochine, tôi đã bị ấn tượng mạnh về vẻ đẹp văn hóa Việt Nam dưới cái nhìn của người phương Tây. Tôi thích những ngôi nhà Pháp cổ thời thuộc địa, những món ăn thuần túy rất phù hợp trong không khí cổ xưa vừa dân tộc vừa rất Tây phương này. Indochine đã tiếp rất nhiều các nguyên thủ quốc gia đến Việt Nam… Đặt tên nhà hàng là câu lạc bộ Lý, thứ nhất là do nó nằm trên đường Lý Thái Tổ, nhưng điều cốt yếu là tôi muốn lưu giữ những nét đẹp văn hóa thời Lý, thời kỳ rực rỡ nhất của văn hóa dân tộc, cùng những hoa văn thời Lý, những chiếc bình cổ… với sự cố vấn của anh Trịnh Bách…
Một nhà hát phía dưới nhà hàng để duy trì những điệu lý, chầu văn, ca trù, quan họ, tuồng, nhã nhạc cung đình Huế… với sự cố vấn của giáo sư Trần Văn Khê. Tôi thích sưu tầm những ngôi nhà cổ, đồ cổ, văn hóa cổ, và rất đau lòng khi đi qua những công trình, thấy người ta đập đi những ngôi nhà cổ để xây dựng những công trình mới.
Dĩ nhiên mình biết để phát triển cần phải thay đổi, nhưng vẫn buồn… Tôi nghĩ người làm du lịch phải có ý thức gìn giữ, làm mới không có nghĩa là phá bỏ cái cũ, mà phải bảo tồn, giữ lấy cái gốc văn hóa, đó là bài học mà các nước đã trải qua. Có đi xa mới biết trân trọng cái gốc của mình. Những nghệ nhân giờ đã chín mươi tuổi, ai sẽ là người kế tục họ nếu như không có một chỗ để họ được trình diễn? Làm du lịch cũng là để góp một phần dù rất nhỏ bé của mình vào việc gìn giữ văn hóa dân tộc.
Chính những phút giây tao ngộ cùng bạn bè, những bậc văn nhân trí thức lại giúp tôi cân bằng hơn khi bước vào kinh doanh.
____
Có lẽ chị đã đọc rất nhiều sách về văn hóa?
Rất nhiều, nhưng bây giờ thì chỉ toàn đọc sách trẻ con, truyện cổ tích… để kể chuyện cho con (cười hạnh phúc).
____
Ngược lại nghệ thuật đã giúp chị kinh doanh hiệu quả hơn?
Nhiều người hỏi tại sao không bao giờ thấy tôi tất bật, lại còn có thời gian chơi nhạc, hát hò cùng bạn bè, vẽ tranh? Tôi nghĩ chính những phút giây tao ngộ cùng bạn bè, những bậc văn nhân trí thức lại giúp tôi cân bằng hơn khi bước vào kinh doanh. Tôi nhận được rất nhiều từ họ. Tôi cầm cọ cũng hết sức tự nhiên. Tôi vẽ về tất cả mọi thứ mà tôi yêu, từ tĩnh vật, con người, hoa cỏ… Lúc mê, tôi vẽ từ đêm đến sáng, nhưng có khi một năm chẳng vẽ được bức nào.
Thường mỗi lần bị stress tôi hay thích đàn. Nhưng con người kinh doanh của tôi lắm lúc cũng mâu thuẫn với con người nghệ sĩ đấy (cười). Khi tôi làm thời trang hay thiết kế nhà hàng, trang trí nội thất cho ngôi nhà của mình thì con người nghệ sĩ trong tôi trỗi dậy mãnh liệt… Có lúc tôi quên hẳn tính hiệu quả, mà chỉ muốn làm cho thỏa thích. Với kinh doanh du lịch, tôi luôn tự nhủ phải làm cho khách hài lòng cái đã, có thể mình chưa đạt được hiệu quả ngay, nhưng mình được sự uy tín lâu dài.
Làm vì đam mê bao giờ cũng hiệu quả hơn là mục đích vì tiền. Hai điều tưởng chừng mâu thuẫn ấy lại sống trong nhau như âm và dương vậy. Thực ra trong tôi có nhiều con người. Một mặt tôi rất chăm lo gia đình, thích nấu nướng, nội trợ, muốn có cuộc sống gia đình bình thường như mẹ tôi. Nhưng tôi lại bị ảnh hưởng lớn từ cha, một người uyên thâm, hiểu biết, thích hội họa, chơi violon rất hay. Ông là hình mẫu của cuộc đời tôi.
Chính ông là người dạy dỗ tôi từng chút trong kinh doanh, từ sự năng động trong ý tưởng đến việc quản lý, đào tạo nhân sự… Là phó tổng giám đốc tài chính Công ty Điện lực miền Nam, khi về hưu ông vẫn là người rất năng động, hết mở cơ sở làm đường, lại tiếp tục làm đồ gỗ xuất khẩu… Đam mê từ bé của tôi lại dành cho hội họa, âm nhạc nhiều hơn là kinh doanh. Có lẽ vì thế mà tôi vừa rất… đàn ông, vừa rất phụ nữ. Làm du lịch hay làm bất cứ ngành dịch vụ nào bên cạnh kiến thức về văn hóa, sự đam mê, còn cần một bản tính mềm mỏng nhẹ nhàng, tế nhị.
____
Điều ấy có đi vào cuộc sống đời thường của chị không? Chị nghĩ gì về vẻ đẹp của người phụ nữ? Về tình bạn giữa những người nữ doanh nhân?
Sự hết mình luôn thông suốt trong mọi điều tôi làm, kể cả sống với bạn bè, với gia đình, với nhân viên. Bên cạnh công việc, tôi thích có thời gian để thư giãn, làm đẹp cho bản thân. Làm đẹp không có nghĩa là phải xa xỉ, miễn là nó hợp với mình. Tôi nghĩ một người phụ nữ đẹp không cần thiết phải là hoa hậu, bên cạnh thành đạt phải là sự duyên dáng, sức hút của một bản năng nữ tính và mẫu tính, sự dịu dàng.
Tôi có những người bạn gái vì tình bạn đã giúp tôi rất nhiều về tinh thần trong từng giai đoạn. Tôi cũng sống hết mình với họ. Tôi sẵn sàng bỏ những việc quan trọng để có mặt bên bạn trong những lúc bạn cô đơn, ngược lại có lúc cũng phải hy sinh những quyết định kinh doanh để gìn giữ tình bạn…
____
Chị lại đang chuẩn bị nhiều dự án kinh doanh mới, luôn chấp nhận thách thức, luôn muốn lao vào cái mới, đó có phải là “máu” của doanh nhân?
Tôi luôn thích sáng tạo, và không muốn lặp đi lặp lại mãi một công việc. Sự thách thức mới đôi khi cũng ngọt ngào như việc bạn đứng trước một tấm toan trắng. Tôi vừa là doanh nhân nửa mùa, vừa là nghệ sĩ nửa mùa. Chính sự “nửa mùa” ấy tạo nên cái riêng của mình. Tuy nhiên tôi rất thận trọng và luôn bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt, nhất là khi bước vào một lĩnh vực mới, vì thế nếu thất bại cũng nhẹ nhàng hơn.
Tôi nhớ nhiều về Hà Nội, những ký ức chiến tranh, tuổi thơ cực khổ… Những nỗi kinh hoàng ấy đã thôi thúc tôi phải tìm kiếm một con đường riêng để khẳng định mình. Tôi nghĩ lớp doanh nhân thành đạt lứa chúng tôi nhờ nếm trải mọi gian khổ mà biết ước mơ, có hoài bão, nghị lực tinh thần cũng mạnh hơn.
____
Chị giáo dục cậu bé 5 tuổi của chị như thế nào?
Giáo dục con với tôi là rất quan trọng. Nếu để con có cuộc sống sung sướng quá cũng đồng nghĩa với việc vô tình tước đi động lực sống của con. Tôi không mua đồ chơi cho con theo kiểu đại trà, cũng không tập cho con thói quen muốn gì được nấy. Muốn có một đồ chơi mới cháu phải phấn đấu được năm phiếu bé ngoan, hay lau nhà, rửa bát, dọn dẹp phòng… Tôi muốn giáo dục cháu ý thức lao động, tính cách mạnh mẽ và khả năng độc lập.
Một người phụ nữ đẹp không cần thiết phải là hoa hậu, bên cạnh thành đạt phải là sự duyên dáng, sức hút của một bản năng nữ tính và mẫu tính, sự dịu dàng.
____
Từ những bước ngoặt cuộc đời mình, chị nghĩ gì về thiên chức của người phụ nữ?
Có những lúc phải hết mình vì công việc, nhưng cũng có lúc phải tự rút ra để sống cho gia đình, cho con cái, chấp nhận sự mất mát thua thiệt, một bước dừng tương đối trong sự nghiệp. Người phụ nữ nào thì cuối cùng gia đình và con cái cũng là quan trọng nhất. Lúc sinh con, tôi đã phải nhượng hết kinh doanh xuất nhập khẩu, kinh doanh thời trang với nhãn hiệu Coco cho người khác… để có thời gian cho gia đình.
Những thứ tự ưu tiên như thế luôn đòi hỏi mình phải hy sinh những mong muốn, những ý thích hoài bão cá nhân, nếu không sẽ sống trong sự không cân bằng triền miên. Làm quá nhiều việc trong một lúc thì không tốt cho cuộc sống tí nào. Đối với tôi, mất đi thương hiệu thời trang Coco là một quyết định đúng đắn, dù lúc ấy Coco đang phát triển tốt.
____
Cả hai vợ chồng đều là doanh nhân, đều phải chịu trách nhiệm về một đội ngũ nhân viên đông đảo, vậy cuộc sống riêng của gia đình chị có gặp nhiều khó khăn?
Đầu tiên cũng vất vả lắm, nhưng cả hai đều cố gắng hạn chế đi xa ở mức tối đa để dành nhiều thời gian cho gia đình, dù anh ấy bận gấp 10 lần tôi. Riêng mình là phụ nữ, lúc nào cũng phải “cơm dẻo canh ngọt”, chồng cần lúc nào là có mặt ngay lúc đó (cười dí dỏm).
Chúng tôi đến với nhau hoàn toàn vì tình yêu và bao giờ cũng đặt gia đình con cái lên trên hết. Làm gì thì làm vẫn phải có những góc riêng cho gia đình. Dù độc lập hoàn toàn về tài chính, không can thiệp trực tiếp vào công việc kinh doanh của nhau, nhưng anh ấy giúp đỡ tôi rất nhiều về tinh thần. Tôi đã học được từ anh nhiều triết lý kinh doanh mà anh tự tìm tòi như Quản lý công ty theo gien, chiến tranh nhân dân áp dụng trong kinh doanh…
Tôi nghĩ chữ “có phúc” mà các cụ nói ngày xưa giờ vẫn không thay đổi giá trị. Giây phút hạnh phúc nhất là sau một ngày làm việc mệt mỏi trở về ăn cơm với chồng con, tán gẫu cùng bạn gái… Tôi rất hài lòng vì đã sắp xếp được thời gian, cân đối giữa gia đình, bạn bè, công việc. Phải mất bao nhiêu năm để ngộ ra điều đó, rồi mất nhiều năm nữa để làm được điều đó. Chính vì thế mà tôi lập gia đình khá muộn.
____
Trải qua 15 năm kinh doanh, chị thấy mình được gì và mất gì?
… Đối với một thiếu nữ 22 tuổi nhút nhát như tôi, so với bây giờ tôi thấy mình trưởng thành, dày dạn lên rất nhiều. Tôi đã học hỏi được rất nhiều, rất rất nhiều so với những người bạn, cả trong kinh doanh và cuộc sống, và chưa bao giờ tôi ngưng học hỏi. Trải qua bao thăng trầm, thành công cũng có mà thất bại cũng nhiều, nhưng tôi luôn hài lòng về tất cả những gì mình có, về cuộc sống ngày một tốt hơn. Mất mát lớn nhất có lẽ là tôi có ít thời gian cho cuộc sống riêng tư. Nhìn bạn bè có con cái đều lớn cả, tôi rất thèm thuồng, ước mơ gần nhất với tôi là sinh thêm con. Tôi muốn có thật nhiều con.