Đã từ lâu, các nhà điều tra hình sự của Viện Điều tra Hình sự thuộc Cảnh sát Quốc gia Pháp sử dụng côn trùng để làm sáng tỏ các vụ án.
Một phòng thí nghiệm nhỏ, nằm ngay giữa trung tâm tư pháp của Cảnh sát Quốc gia ở Cergy-Pontoise, tỉnh Val-d’Oise, Pháp. Trụ sở này được bao bọc bởi những bức tường màu trắng gợi lên hình ảnh của một bệnh viện tư nhân. Nhiều nhân viên cả nam lẫn nữ trong chiếc áo blouse trắng chăm chú bên cạnh chiếc kính hiển vi. Ở cuối hành lang là một căn phòng rộng với một cái giường inox. Trên chiếc xe đẩy tay là các dụng cụ phẫu thuật. Nơi đây không phải là một phòng mổ xẻ mà là phòng phẫu tích. Chính tại đây các bác sĩ pháp y tiến hành khám nghiệm xác chết có nguyên nhân gây tử vong đáng nghi ngờ cần phải điều tra.
Trong căn phòng bên cạnh, 3 tủ đông dùng để bảo quản lạnh các vi vật phẩm hữu cơ phục vụ điều tra. 6 nhà khoa học làm việc tại đây, đi lại khắp nước Pháp theo yêu cầu công việc. Họ xử lý khoảng trên 100 hồ sơ mỗi năm. Sứ mệnh quan trọng này đã biến trụ sở “Hệ Động và Thực vật Pháp y” (3F: Faune et Flore Forensique), còn gọi là Phòng “3F”, thuộc Viện Điều tra Hình sự Cảnh sát Quốc gia Pháp (Institut de Recherche Criminelle de la Gendarmerie Nationale – IRCGN), trở thành trung tâm hoạt động trong lĩnh vực điều tra hình sự đầu tiên được cả châu Âu thừa nhận.
Vài ngày trước khi chuyển đến bộ phận Tư pháp thuộc khu vực Ile-de-France, Laurent Dourel đã đến thăm địa điểm này. Vị chỉ huy 46 tuổi này, người đến từ thành phố Toulouse, sẽ lãnh đạo Phòng “3F”, biệt danh mà những người trong ngành cảnh sát đặt cho phòng thí nghiệm. Nhiệm vụ chuyên môn của phòng thí nghiệm côn trùng pháp y này được công nhận trên toàn thế giới. Cảnh sát quốc tế tham khảo ý kiến của phòng “3F”, kể cả FBI. Val McDermid, nữ tiểu thuyết gia Scotland, mới đây đã tìm sự tư vấn của đội pháp y pháp quốc để xác minh tính xác thực về tình tiết hình sự cho một trong những quyển tiểu thuyết hội hộp và ly kỳ của bà.
Nhưng những khách hàng chính của phòng thí nghiệm này là các quan tòa ủy thác cho các nhà sinh vật học của Phòng “3F” nhiệm vụ xác định nguyên nhân và ngày giờ tử vong của nạn nhân. Đôi khi những nhà sinh vật học này còn chịu trách nhiệm xác định các nghi can khi phát hiện sự việc có liên quan đến hình sự. Trung bình, có khoảng 6 tử thi được tìm thấy mỗi ngày trên toàn nước Pháp. Phần lớn những trường hợp tử vong này có nguyên nhân tự nhiên hay tai nạn, nhưng cũng có trường hợp do nguyên nhân khác. Và đó là công việc của 160 nhà điều tra thuộc Viện Điều tra Hình sự Cảnh sát Quốc gia Pháp mà người đứng đầu là Trưởng Phòng “3F”, Laurent Dourel.
Ruồi xanh
Chỉ vào tủ kính trưng bày các loại côn trùng khác nhau, Laurent Dourel cho biết: “Đây là một số trong những điều tra viên của tôi”. Rồi Trưởng Phòng “3F” đưa chúng tôi đến một phòng khác. Tại đây, anh cho chúng tôi xem những con ruồi sống trong các hộp nhựa Tupperware luôn được giữ ở 24 độ C. Laurent Dourel giải thích: “Quá 72 giờ sau khi chết, cảnh sát pháp y vô phương xác định thời điểm tử vong của tử thi. Lúc bấy giờ, chúng tôi phải nhờ đến những động vật bé tí xíu này”.
Kỹ thuật này được phát triển vào cuối thế kỷ 19. Năm 1894, Jean-Pierre Mégnin công bố bảng phân loại các côn trùng ăn xác chết. Vị bác sĩ thú y này nhận thấy rằng các loại côn trùng nối tiếp nhau bu bám lên xác chết qua 8 đợt liên tiếp. Những “tiểu đội thần chết” này chủ yếu là động vật 2 cánh, tức là loài ruồi, ngoài ra còn có loài bọ cánh cứng, thậm chí là bọ cánh vảy, còn gọi là bướm. Mégnin nghĩ rằng tại sao lại không vận dụng đặc tính kế tiếp này của côn trùng để xác định thời điểm tử vong của người chết. Mégnin đã có lý. Kỹ thuật này thật chuẩn xác và đáng tin cậy. Laurent Dourel cho biết: “Kỹ thuật này cho phép chúng tôi xác định thời điểm gây tử vong với độ sai biệt từ 1 đến 2 ngày, và điều này có thể thực hiện trong vòng 8 tháng sau khi chết”.
Từ đó, việc quan sát phả hệ côn trùng đã trở thành ưu tiên của các nhà điều tra cũng như kỹ thuật lấy dấu vân tay và ADN, khi một xác chết được phát hiện. Kể từ lúc chết, loài ruồi thông thường, xám hoặc đen, kéo đến và chiếm lĩnh “thuộc địa”. Sau đó, chúng nhường chỗ cho anh em họ của mình là ruồi có lưng màu xanh dương hay xanh lục bị thu hút bởi mùi phát ra từ sự thối rữa của xác thịt. Một loại ruồi thứ 3 bay đến khi mỡ của cơ thể bắt đầu lên men. Sau đó, đến loại ruồi thứ 4 vào cuộc, cũng là thời điểm thoái hóa protein trong cơ bắp. Tiếp theo, đến loài ruồi thứ 5 xuất hiện vì không thể cưỡng lại mùi ammoniac tỏa ra khi giai đoạn phân hủy tiến triển xa hơn. Hai loài cuối cùng, giống như con kiến được ngụy trang thành bọ cánh cứng, hoàn thành việc làm sạch cơ thể cho đến khi hầu như không còn gì trên bộ xương của người chết.
Tất nhiên, trong thời gian đó, một số loài có thể giao phối, thậm chí lai giống. Sau đó, các nhà điều tra sẽ làm sáng tỏ mọi việc. Laurent Dourel nói tiếp: “Chúng tôi lấy đất bên dưới tử thi, nơi côn trùng đẻ trứng phát triển bằng chất hữu cơ có tại chỗ. Chúng tôi chờ 2 đến 3 ngày cho nhộng nở ra và quan sát xem đó là loài nào. Từ kết quả này, chúng tôi có trong tay yếu tố quyết định thời điểm tử vong rất chính xác”.
Côn trùng và cả vi tảo
Những lời giải thích nghe có vẻ ớn lạnh trên được Trưởng Phòng “3F” có gương mặt khả ái, đầu trọc, đưa ra thản nhiên, không chớp mắt. Vị trưởng phòng này đã làm việc tại đây từ 6 năm qua. Chính Laurent Dourel thừa nhận: “Báo cáo về cái chết đã tiến hóa đi nhiều”. Anh cũng thừa nhận rằng mình đã dày dạn hơn nhiều. Dưới mắt anh, “điều khó khăn nhất không phải là hiện trường tội ác, mà là việc phát hiện ra một cụ bà đã chết ở nhà mà không một ai ở chung quanh hay biết. Và tất nhiên, những thảm họa này có liên quan đến một số lớn kẻ giết người”. Các nhà khoa học đã làm việc để nhận dạng những nạn nhân người Pháp trong trận sóng thần năm 2004 ở vùng Đông Nam Á và trong vụ tai nạn máy bay 9525 của hãng hàng không Germanwings vào tháng 3 năm 2015. Đó là những trải nghiệm khó khăn đã để lại dấu ấn sâu đậm nhất nơi nhà điều tra.
Người đàn ông này vẫn không đội mũ képi. Sau một khóa học ở trường nông nghiệp và lấy bằng tiến sĩ sinh học tại Đại học Corse, anh đã phục vụ trong quân đội, nhưng anh bắt đầu sự nghiệp chuyên môn tại công ty DuPont de Nemours. Laurent Dourel cho biết: “Tại đây, tôi đã phát triển thuốc trừ sâu để bảo vệ mùa màng”. Hiện nay anh thích thú làm việc với các loài côn trùng mà anh xua đuổi trước đây. Mệt mỏi với những hợp đồng có thời hạn, anh quyết định vào nộp hồ sơ vào công chức và thi đỗ vào Trường Sĩ quan Cảnh sát Quốc gia vào năm 2002. Ban đầu anh làm việc tại Rosny, Seine-Saint-Denis. Năm 2013, anh được đề bạt giữ chức giám đốc, và 2 năm sau, anh chuyển về Cergy-Pontoise, một cơ sở vừa được xây dựng mới trên nền một doanh trại quân đội cũ.
Các loại máy đo chỉ số sinh học
Công việc của các nhà sinh vật học ở Phòng “3F” không chỉ giới hạn trong việc nuôi cấy ruồi. Vị sĩ quan cảnh sát cho biết tiếp: “Chúng tôi quan tâm đến tất cả các chỉ số sinh học có khả năng mang lại cho chúng tôi các thông tin về nguyên nhân gây tử vong”. Tảo vỏ, vi tảo chỉ hiện hữu trong các mô phổi hay gan, giúp xác định xem có phải nạn nhân chết vì ngạt nước hay không. Đội trưởng Jean-Bernard Myskowiack bổ sung: “Hiện nay, kỹ thuật này, được phát triển ở Hoa Kỳ trong thời Thế chiến thứ hai, chỉ có giá trị sử dụng trong những trường hợp tử vong trong nước ngọt. Nhưng hiện nay, chúng tôi đang phát triển một biến thể có thể được áp dụng để làm rõ nguyên nhân chết trong nước mặn”. Một số kẻ giết người ném xác nạn nhân vào nước với hy vọng làm cho nhà chức trách nhầm tin rằng chết do tai nạn.
Tương tự, Laurent Dourel cũng quan tâm đến phấn hoa. Anh nói tiếp: “Phấn hoa thường có vai trò để lại dấu vết giúp xác định vị trí xảy ra cái chết, hay những nơi nghi phạm đi qua”. Kỹ thuật điều tra này được phát triển từ năm 1959 giúp xác định xác chết có bị dời đi nơi khác không.
Các vi sinh vật khác có thể được huy động trong chốc lát. Laurent Dourel cho biết: “Chúng tôi quan tâm đến hệ vi sinh đường ruột và vi khuẩn nói chung với cùng một ý tưởng: xác định bằng cách nào các chỉ số sinh học này có thể hữu ích cho các nhà điều tra của chúng tôi”. Sau khi tiến hành nhiều nghiên cứu về di truyền học của con người dùng cho mục đích nhận dạng, các nhà nghiên cứu phòng “3F” thuộc Viện Điều tra Hình sự Cảnh sát Quốc gia Pháp, hiện tập trung chủ yếu vào việc khai thác ADN không phải của con người. Laurent Dourel xác định: “Dù có nguồn gốc từ thực vật hay động vật, một dấu vết di truyền được tìm thấy trên cơ thể mở ra nhiều viễn cảnh vô tận cho các nhà điều tra”. Rồi một ngày kia, có thể đến lượt mèo, chó và thậm chí cây đa, cây đề “trở thành nhân chứng tư pháp”!