Chỉ cần nhìn tấm lưng thon chằng chịt các vết sẹo ở Ethiopia, bạn sẽ nhận ra ngay đó là phụ nữ Hamar. Những vết sẹo này là kết quả của những lần bị đàn ông dùng roi đánh đập, rách da đứt thịt đến chảy máu đầm đìa. Nhưng đó lại không phải họ bị bạo hành, mà là họ chủ động cầu xin đòn roi và tự hào vì bị đánh!
Thích tự hành hạ nhất
Hamar là dân tộc thiểu số sống ở phía Tây Nam Ethiopia (quốc gia ở Đông Phi), trong quận cùng tên Hamer. Họ có khoảng 50.000 người, chỉ chiếm chừng 0,1% dân số Ethiopia. Đa phần cư dân Hamar tập trung trong thung lũng sông Omo, nơi đất đai màu mỡ và cỏ xanh tốt. Họ theo lối sống chăn nuôi, xem gia súc là tài sản quý giá nhất.
Dân tộc Hamar theo chế độ đa thê, đàn ông được phép lấy nhiều nhất là 4 phụ nữ. Tuy nhiên, họ chỉ kết hôn với phụ nữ cùng sắc tộc. Mỗi lần lấy vợ, nam giới Hamar đều phải dẫn cưới khoảng 30 con dê và 20 con bò. Phụ nữ Hamar gánh vác mọi việc, từ chăm sóc trẻ em cho đến vác súng trường đi tuần, bảo vệ đàn gia súc. Họ rất dễ nhận diện nhờ tấm lưng luôn chằng chịt các vết sẹo.
Trong văn hóa Hamar, đàn ông được phép đánh đòn phụ nữ. Họ lẳng lặng cầm roi, quất vào lưng vợ hoặc mẹ. Phụ nữ Hamar không bao giờ tránh né. Thay vì kêu khóc hay bỏ chạy, họ lại bám lấy chân nam giới vừa đánh mình, cầu xin anh ta đánh mạnh hơn, nhiều hơn nữa. Bất chấp tấm lưng đau rát, rách da, tím thịt, nữ giới Hamar hạnh phúc tận hưởng cảm giác… bị hành hạ!
Đau đớn là biểu hiện của tình yêu
Toàn bộ cuộc sống của người Hamar xoay quanh các “đầu cơ nghiệp”. Họ xem gia súc là thức ăn, sữa uống và sản nghiệp. Một người đàn ông càng có nhiều gia súc bao nhiêu thì càng giàu có, hấp dẫn bấy nhiêu. Còn nếu họ càng ít hoặc làm mất gia súc, tiếng tăm, danh giá liền tụt dốc.
Gia súc chủ yếu của người Hamar là dê và bò. Từ thuở “lên 5, lên 7”, trẻ em Hamar đã biết thay cha mẹ chăn thả dê. Nam thanh niên Hamar có trách nhiệm giữ bò. Họ thường thả bò gần đồng bằng sông Omo, vác theo súng trường để bảo vệ. Khi thiếu thức ăn, người Hamar có thể uống sữa bò. Nếu ngả bò ra thịt, họ uống luôn máu tươi của chúng.
Lễ hội quan trọng nhất với người Hamar là “nhảy bò”. Nó được tổ chức để thử thách các nam thiếu niên. Một trai mới lớn Hamar nhất định phải vượt qua nghi lễ “nhảy bò” thì mới được xem là đàn ông trưởng thành và có thể lấy vợ. Trong ngôn ngữ của người Hamar, “nhảy bò” được gọi là “bullah”. Người ta xếp các con bò đực đứng gần nhau thành một hàng (có thể lên đến 30 con). Trên lưng mỗi con bò đều trét đầy phân tươi hết sức trơn trượt. Nam thiếu niên Hamar sẽ phải nhảy với chân trần lên lưng con bò đầu hàng, sau đó chạy một mạch trên “đường lưng bò” đến tận cuối hàng. Họ phải chạy qua chạy lại 4 lần mà không bị trượt ngã thì mới được coi là “thông qua”.
Cùng lúc đó, các mẹ, chị em gái của cậu sẽ chịu bị đánh đập bởi cha, chồng, anh em trai. Họ cầm roi, có khi còn là roi cây gai quất tới tấp lên lưng cánh phụ nữ. Nữ giới Hamar vừa chịu đòn vừa nhảy múa, la hét trong phấn khích, dốc lòng cổ vũ cho nam thiếu niên của nhà mình nhảy bò thành công. Càng bị đòn đau, họ càng thích. Cái đau đớn trên da thịt là minh chứng cho tình yêu thương ngập tràn. Người mẹ chịu bầm thịt, rách ra để khẳng định với đứa con trai của mình rằng “mẹ sẵn sàng cùng con đồng hành suốt kiếp”.
Người con gái muốn được nên duyên với cậu trai cũng chịu đòn. Cô van vỉ nhóm đàn ông thực hiện nghi thức đánh đòn, Maza hãy đánh mình thật mạnh, thật nhiều. Đến khi chàng hoàn thành cuộc thử thách, lưng “nàng” cũng rách tươm, chảy máu đầm đìa.
Sẹo là niềm tự hào
Theo quy tắc của cộng đồng Hamar, đàn ông Hamar được phép đánh vợ mà không cần phải viện lý do gì hết. Với phụ nữ Hamar, chịu đòn là chuyện đương nhiên. Chí ít, họ cũng bị “ăn đòn” thường xuyên cho đến khi sinh ra đứa con thứ 2.
“Phụ nữ Hamar giống nô lệ của đàn ông hơn là vợ, mẹ”, nhiếp ảnh gia Eric Lafforgue (Pháp), người đã đến quận Hamar để tận mắt chứng kiến và chụp ảnh, ghi lại. “Họ không có sự lựa chọn nào khác cả. Rất nhiều phụ nữ châu Phi khác cũng phải chấp nhận cuộc sống khắc nghiệt tương tự. Tất cả họ đều ngày ngày kín nước, vác gỗ, kiếm thức ăn, chăm sóc trẻ nhỏ…”.
Không ít người khi nhìn vào sự đối đãi tàn bạo với phụ nữ của đàn ông Hamar đã kinh hoàng. Ngay cả Chính phủ Ethiopia cũng phải quan tâm, nghiêm túc thảo luận vấn đề chấm dứt truyền thống đánh đập nữ giới này. Nhưng với phụ nữ Hamar, những đòn roi ấy lại là sự tôn nghiêm và biểu hiện của tình yêu thương. Họ không tủi thân, mà tự hào vì những lằn sẹo. Mỗi một vết sẹo là một chứng tích cho tình cảm bao la họ giành tặng nam giới trong gia đình. Chưa hết, vết sẹo còn chứng minh cho lòng quả cảm, sức chịu đựng không thua kém “nam nhi đại trượng phu”. Một phụ nữ Hamar cũng có thể vác súng đi tuần, cùng chồng, con bảo vệ đàn gia súc sản nghiệp. Với chiếc băng đô kết hạt cườm trên trán, trông họ hệt như những nữ chiến binh ngoan cường.
Ngoài vai trò “vết tích tình thâm”, vết sẹo của phụ nữ Hamar còn là thẩm mỹ. Họ tin rằng càng có nhiều sẹo trên lưng thì càng đẹp. Đàn bà, con gái Hamar rất ưa làm điệu. Họ thích tết tóc, đeo vòng hạt cườm, vỏ sò, kim loại khắp người. Mọi phụ nữ Hamar đều có đầu chất nhất quả đất. Họ tỉ mần tết từng lọn nhỏ, điểm tô thêm cho đẹp bằng ghim cài hoặc hạt cườm. Váy áo của chị em cũng cực kỳ rực rỡ. Chúng được làm bằng da dê, đính hạt cườm nhiều màu sắc. Và tất nhiên, tất cả đều hở lưng. Tấm lưng ngang dọc các lằn sẹo chính là vẻ đẹp lộng lẫy, đáng khoe nhất.
So với tục nhảy bò hay đánh đập phụ nữ, “mingi” mới là “lệ làng” Hamar đáng ngại. Nó nhắm vào trẻ em. Người Hamar cho rằng trẻ sơ sinh mới mọc răng mà lại mọc ở hàm trên trước là hiện thân của sự xui xẻo, nguyền rủa. Họ gọi chúng là “mingi”. Một đứa trẻ bị xác định là “mingi” sẽ không được phép ở cùng mọi người. Tín ngưỡng Hamar cho rằng “mingi” sẽ đem tới hạn hán, nạn đói và bệnh dịch. Họ thường vứt trẻ em mọc răng hàm trên trước xuống nước cho chết đuối, hoặc bỏ rơi trong rừng, tự sinh tự diệt.
Ngoài trẻ sơ sinh mọc răng hàm trên trước, những trẻ em bị dị tật, con ngoài giá thú, sinh đôi, sứt mẻ răng cũng bị xem là “mingi”. Tất cả đều bị vứt bỏ hoặc đuổi đi khỏi bộ lạc, cuối cùng chết vì đói khát hoặc nanh vuốt thú hoang.