Hiện nay thế giới có khoảng 1.000 bức chân dung xác ướp Ai Cập cổ phân tán rải rác khắp nơi. Hầu hết đều được tìm thấy vào khoảng cuối thế kỷ XIX, trong thời đại khai quật khảo cổ ồ ạt và trộm cắp mộ hoành hành.
Những bức tranh ấy được vẽ bởi ai, dùng chất liệu gì, phác họa xác ướp từ lúc họ vẫn đang sống khỏe mạnh hay phải đợi tới chết rồi mới được hoàn thành vội để ốp mặt xác ướp? Rất nhiều nghi vấn đã được đặt ra và giờ chúng ta có một số câu trả lời.
Ốp trên mặt xác ướp
Chuyện người Ai Cập cổ đại thực hành văn hóa tang lễ ướp xác, cố gắng giữ gìn xác chết vì cho rằng linh hồn người chết có thể bất thần quay về, hồi sinh thì có lẽ ai cũng biết. Tuy nhiên, bạn có thể quên mất rằng không chỉ ướp xác, các cư dân sông Nile còn vẽ chân dung người chết trên ván gỗ và ốp chúng lên mặt xác ướp. Hầu hết những tranh chân dung này đều rất thực. Chúng mô tả rõ ràng, tỉ mỉ từng nét trên khuôn mặt. Mỗi chân dung lại có một diện mạo khác nhau, có lẽ đã được vẽ sao cho giống nhất với diện mạo của từng người đã khuất.
Trong thực tế, từ thế kỷ XIX, giới khảo cổ đã hiếu kỳ về tranh chân dung được ốp trên mặt xác ướp, muốn thu thập, nghiên cứu, tìm hiểu kỹ càng. Nhưng những kẻ trộm cướp mộ cổ luôn nhanh chân hơn các nhà nghiên cứu. Với những kẻ tham lam này, các bức chân dung quý giá ấy chỉ đơn giản là mảnh gỗ vô dụng, vướng víu. Chúng bị xé toạc ra khỏi mặt xác ướp và bị vứt đi.
Vào năm 2003, khi bắt đầu dự án khám phá bí ẩn của tranh chân dung xác ướp Ai Cập cổ, chuyên viên bảo quản Marie Svoboda của Bảo tàng Getty, Los Angeles (Mỹ) chỉ có đúng 16 bức có niên đại vào khoảng những năm 100-200. Tất cả đều từng nằm trên mặt các xác ướp. Song được vẽ bởi ai, vẽ như thế nào, dùng chất liệu gì, hoàn thành trước hay sau khi đối tượng qua đời… thì Svoboda hoàn toàn mù tịt. Chỉ với 16 bức tranh, Svoboda biết mình còn quá thiếu hiện vật. Bà cố gắng triển khai một dự án nghiên cứu quốc tế, mời gọi các chuyên gia, nhà sưu tầm khắp nơi trên thế giới cùng tham gia.
Vào năm 2013, Hội họa Cổ đại: Điều tra, Phân tích và Nghiên cứu (Ancient Panel Paintings: Examination, Analysis, and Research – APPEAR) ra đời. Kể từ khi được chính thức thành lập cho đến nay, APPEAR tập hợp được 41 tổ chức cùng chung tay và thu thập được tổng cộng 285 bức chân dung xác ướp.
Ước tính có khoảng 1.000 bức chân dung xác ướp Ai Cập cổ hiện đang phân tán trên thế giới. Với gần 1/3 trong tổng số chừng 1000 bức ấy, Svoboda tạm đủ “vật liệu” để tiến hành một cuộc nghiên cứu tổng thể.
Ảnh hưởng từ Hy Lạp
Ai Cập trước Công nguyên (TCN) từng có một khoảng thời gian dài phải chịu sự thống trị của Đế chế La Mã. Thời kỳ Ai Cập thuộc Hy Lạp bắt đầu từ năm 332 TCN, sau khi bị Alexandre Đại đế (356 -323 TCN) xâm lược, kéo tới năm 30 TCN. Sự hỗn độn văn hóa hình thành. Như nhiều nhà nghiên cứu có hứng thú với văn minh Ai Cập, Svoboda cũng chắc mẫm tranh chân dung xác ướp ẩn chứa nhiều bí mật liên quan đến sự hỗn độn văn hóa ấy. Rất có thể chúng còn là tiền thân của hội họa phương Tây.
Ướp xác thì đích thực là văn hóa tang lễ của người Ai Cập, nhưng vẽ chân dung cho xác ướp lại có thể là khía cạnh mà người sông Nile cổ đại đã chịu ảnh hưởng của người La Mã. Trong khi Ai Cập nổi tiếng với tín ngưỡng ướp xác thì Hy Lạp lại sớm được biết đến với nghệ thuật hội họa. Từ thế kỷ III TCN, dưới Đế chế La Mã đã thịnh hành việc vẽ và treo tranh. Họ cũng sớm phát triển nghệ thuật điêu khắc, dù đa phần các bức tượng đều là tượng chàng trai trẻ tuấn tú, có thân hình cân đối, hoàn hảo.
Trước đây, các nhà nghiên cứu hoàn toàn bó tay trước câu hỏi những bức chân dung xác ướp này được tạo nên bởi các chất liệu gì? Nhưng giờ đây, nhờ sự trợ giúp từ các máy móc công nghệ hiện đại như X-quang, hồng ngoại, tia cực tím…, các học giả, các nhà bảo tồn, các nghiên cứu nghệ thuật của APPEAR dễ dàng rà quét, phát hiện chất liệu và tổng hợp thông tin. “Nếu là ngày xưa, bạn sẽ cần một mẫu lớn để xác định chất liệu vẽ hoặc vật liệu gỗ của tranh chân dung xác ướp bởi vì tất cả đều rất quý giá nên các tổ chức bảo quản sẽ không cho phép cắt xén, mang đi”, Svoboda giải thích. Còn bây giờ, họ chỉ việc vác máy móc đến chụp, quét là xong.
Sau khi kiểm tra toàn bộ 285 bức chân dung xác ướp hiện có, APPEAR phát hiện chúng đều có niên đại trong khoảng thế kỷ I-III. Ngoài ra, họ cũng nhận thấy có nhiều nét tương đồng về phong cách vẽ giữa một số bức tranh với nhau nữa. “Chúng tôi đang cố phân tích xem liệu những bức tranh có cùng cách vẽ này có phải là được vẽ bởi cùng một người hay không. Và nếu không phải là cùng một họa sĩ, thì có thể nào là cùng một xưởng vẽ”.
Nguyên liệu ngoại nhập
Có một điều cực kỳ bất ngờ về chất liệu được dùng làm ván vẽ chân dung xác ướp Ai Cập cổ là phần lớn chúng đều bằng gỗ Tilia, một loài cây vốn không có ở Ai Cập mà mọc tận Bắc Âu. Theo kết bằng gỗ Tilia, có vẻ như các họa sĩ Ai Cập cổ đã nhập loại ván gỗ này từ Bắc Âu.
Thêm vào đó, APPEAR còn phát hiện một sắc tố, cụ thể là màu đỏ, có nguồn gốc từ Nam Tây Ban Nha. Dường như chuyện giao thương giữa Ai Cập và châu Âu từ thời đại này đã rất thông thoáng. Chất liệu vẽ được sử dụng nhiều nhất là màu chàm. Có khả năng chúng đã được sản xuất hàng loạt, tận dụng phụ phẩm tái chế của ngành dệt.
So sánh chất liệu màu vẽ và giá trị của các chất liệu màu vẽ trên các bức tranh, APPEAR nhận thấy chúng còn biểu thị cả sự phân tầng lớp trong xã hội Ai Cập cổ. Những thứ như vàng lá và sáp màu, do đắt đỏ và quý hiếm hơn, được dùng để vẽ người giàu có, thượng lưu. Còn lại thì chỉ dùng màu keo (sơn làm bằng chất màu trộn với lòng đỏ hoặc lòng trắng trứng và nước). “Vốn dĩ xác ướp chỉ cần được vẽ chân dung thôi đã là người có địa vị trong xã hội rồi”, Svoboda cho biết. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra của APPEAR lại cho thấy còn có những bức chân dung chỉ được vẽ trên ván gỗ địa phương hoặc gỗ tái chế, với chất liệu màu vẽ thô sơ, rẻ tiền. Rất có khả năng các đối tượng được vẽ chân dung xác ướp trong xã hội Ai Cập rộng hơn là suy đoán.
Đối với câu hỏi các xác ướp được vẽ trước hay sau khi chết, APPEAR cho rằng là vẽ khi còn sống. Phần lớn các bức chân dung xác ướp đều biểu thị người trong khoảng độ tuổi từ 20-40. Tất cả đều bộc lộ sự trẻ trung, xinh xắn, khỏe khoắn với đôi mắt mở to. Nó giống với chân dung người đang sống chứ không phải đã qua đời.
Vấn đề là kết quả chụp CT xác ướp lại cho thấy tuổi của người quá cố tương ứng với tuổi biểu thị trên tranh chân dung. Mặc dù thông tin này bổ sung cho nhận định người cổ đại thường chết trẻ, nhưng nó lại khiến cho khẳng định được vẽ trước khi chết có phần thiếu tin cậy.
Tính đến nay, APPEAR đã trải qua 6 năm nghiên cứu, thống kê, đối chiếu… Nhiều bí ẩn đã được giải đáp, nhưng chưa phải là tất cả. Ít nhất thì họ vẫn chưa biết có sự khác biệt nào giữa phong cách vẽ chân dung phụ nữ và đàn ông xác ướp hay không? Nếu có thì khác như thế nào? Rồi thì có bao nhiêu kỹ thuật vẽ chân dung khác nhau? Chúng được sáng tạo và thực hành bởi ai, cá nhân hay trường phái? Xét ra thì đúng như Svoboda nói, “Càng nhìn, chúng ta lại càng muốn biết thêm”. Thời cổ đại chưa bao giờ là một bí ẩn nhàm chán. Nghệ thuật của thời cổ đại thì lại càng hấp dẫn hơn.