KỲ 2
Từ Việt hóa nhạc trẻ nước ngoài đến ca khúc rock Việt
Đến cuối thập niên 1960, nhạc trẻ lan rộng ra nhiều giới yêu nhạc. Phòng trà bắt đầu mời các ca sĩ, ban nhạc đến biểu diễn. Vũ trường Chez Jo Marcel mời hẳn Trường Kỳ để thực hiện chương trình Hippies A go go hàng tuần. Về phía khán giả, họ muốn được nghe nhạc trẻ với lời hát Việt và từ đó dẫn đến phong trào Việt hóa nhạc trẻ nước ngoài.
Vũ Xuân Hùng, cử nhân văn chương Đại học Văn khoa Sài Gòn được xem là tác giả chuyển soạn lời Việt ca khúc nhạc trẻ thành công nhất. Với vốn từ phong phú, ông đã dịch rất trôi chảy, sát nghĩa từng câu, trung thành với nội dung ca khúc: Nói sao cho em hiểu (How can I tell her), Chuyện phim buồn (Sad movies), Hôm nay không sữa (No milk today), Gõ cửa 3 lần (Knock three times)…
Các fan nhạc trẻ năm xưa nay đã trên 65 tuổi vẫn còn nhớ giọng hát trong trẻo Thanh Lan với lời Việt Búp bê không tình yêu (Poupée de cire, Poupée de son): “Tôi như con búp bê bằng nhựa. Một thứ búp bê thật xinh xắn…” hay mơ màng với Lãng du (L’Avventura): “Âm thanh ngây ngất vui. Cho đôi ta lớn lên cùng nhau”…
Nhạc sĩ Phạm Duy vào cuối thập niên 1950 đã từng thành công khi chuyển soạn lời Việt các ca khúc cổ điển Dòng sông xanh (Beau Danube Bleu, J.Strauss), Dạ khúc (Sérénade, F.Schubert)… Nay với nhạc trẻ, ông cũng kịp góp mặt với lời hát trẻ trung Khi xưa ta bé (Bang Bang), chợt thảng thốt Gọi tên người yêu (Aline)…
Ca khúc Greenfield (Đồng xanh), Lê Hựu Hà đã phỏng dịch ý chính của từng đoạn nhạc. Những lời hát phóng túng được ngắt ý khớp với từng vế nhạc, câu nhạc và cố gắng giữ được nội dung chính của ca khúc: “Đồng xanh là chốn đây. Thiên đàng cỏ cây. Là nơi bầy thú hoang đang vui đùa…”.
Tác giả Nam Lộc đã Việt hóa nhạc trẻ theo hướng viết lời bằng cảm xúc riêng. Với câu hát Tell Laura I love her, ông mơ thấy hình ảnh những nữ sinh trường Trưng Vương áo dài, đạp xe mini, tóc bay trong gió thu: “Trưng Vương hôm nay mây vẫn giăng đầy trời. Công viên năm xưa hoa vẫn rơi tuyệt vời…”. Lời Việt Trưng Vương khung cửa mùa thu được nam sinh các trường Võ Trường Toản, Pétrus Ký, Chu Văn An… đua nhau tập và hy vọng có dịp hát cho cô nàng áo trắng Trưng Vương.
Nghe A cowboy’s work is never done, ông không hào hứng với những việc cưỡi ngựa, ném roi, bắn súng. Ông ước được như chàng cao bồi ngả lưng trên cánh đồng cỏ xanh mướt, nhìn những đám mây lang thang trôi vô định: “Mây, sao còn bay mãi không quay về đây. Sao còn lờ lững che ngang rừng cây”…
Và rất nhiều tác giả khác đã tham gia viết lời Việt: Trường Kỳ với Anh ước mong (J’ai envie), Điện thoại tới anh (Téléphones – moi)… Tuấn Dũng với Lá xanh mùa hè (The green leaves of summer), Thương tiếc (Donna Donna), Kỳ Phát với Vắng nàng (Sans elle), Tìm nhau (You won’t to see me)…
Sự phát triển của nhạc trẻ Sài Gòn cộng với kỹ thuật tiên tiến đương thời từ các ngành in ấn, ghi âm, ghi hình đã tạo điều kiện thuận lợi để các nhà sản xuất mạnh dạn thực hiện các ấn phẩm âm nhạc giới thiệu nhạc trẻ đến với công chúng.
Những ca khúc Việt hóa nhanh chóng được in thành nhạc tờ với số lượng vài chục ngàn bản mỗi bài. Nhà xuất bản Hiện Đại đã tuyển chọn in thành tập nhạc Tình ca nhạc trẻ 1, 2… với gần hai trăm ca khúc. Các trung tâm băng nhạc Jo Marcel, Shotguns kết hợp với các tác giả lời Việt thu âm, xuất bản các băng nhạc chủ đề Tình ca hồng, Tình ca nhạc trẻ… với các giọng hát Elvis Phương, Vy Vân, Minh Xuân, Carol Kim, Tuấn Ngọc, Paulo Tuấn…
Năm 1971, Trường Kỳ và Jo Marcel hợp tác thực hiện phim tài liệu Thế giới nhạc trẻ được nhiều bạn trẻ chú ý. Sau thành công ban đầu, họ mạnh dạn thực hiện tiếp phim truyện Vết chân hoang (1973), kịch bản do Trường Kỳ chuyển thể từ chính phóng sự tiểu thuyết Tuổi choai choai của ông, đạo diễn: Jo Marcel. Bộ phim được các rạp hàng đầu Sài Gòn thuê chiếu nhiều tháng. Năm 1974, nhà sản xuất Thái Thúc Nha thực hiện phim truyện Tuổi dại, đạo diễn: Thái Thúc Hoàng Điệp, âm nhạc: Nguyễn Trung Cang. Tuổi dại chưa trình chiếu thì sự kiện 30.4.1975 xảy đến. Hiện phim có lưu trên trang YouTube.
Phần lớn những bài hát được các tác giả chọn Việt hóa: Yesterday (Tưởng như ngày hôm qua – Lê Hựu Hà), Let It Be (Cứ yên vui – Phạm Duy), If You Go Away (Người yêu nếu ra đi – Phạm Duy)… sau này được các tạp chí âm nhạc thế giới bình chọn vào danh sách ca khúc pop rock hay nhất mọi thời đại.
Cuối thập niên 1970, tôi và nhóm bạn đang học trung học. Những tập Tình ca nhạc trẻ 1, 2…, quyển 152 ca khúc của tứ quái The Beatles trở thành cẩm nang gối đầu giúp chúng tôi tự học nhạc. Những ca khúc nhạc trẻ cùng lời Việt trở thành những bài đọc ngoại ngữ ngoại khóa của chúng tôi. Các tác giả đã dịch, viết lời Việt thật giản dị, âm tiết tròn trĩnh, hóa giải được sự khác biệt giữa tiếng nước ngoài, ngôn ngữ đa âm và tiếng Việt, ngôn ngữ đơn âm – đa thanh, để khi nghe ta dường như quên đi đó là nhạc nước ngoài.
Phượng Hoàng, ban nhạc rock Việt tiên phong
Theo ghi chép của ký giả Trường Kỳ: “Ngay kỳ đại hội nhạc trẻ đầu tiên 1965, Lê Hựu Hà cùng Hải Âu – ban nhạc duy nhất có tên Việt lần đó đã mạnh dạn giới thiệu bài Hương – ca khúc Việt duy nhất được biểu diễn mang phong cách mới – pop rock nhưng tiếc chưa được bạn bè hưởng ứng”.
Chàng trai trẻ ấy không nản chí, vẫn nuôi mộng viết ca khúc Việt mang hơi thở của thời đại. Mãi đến năm 1971, anh gặp được người cùng chí hướng – Nguyễn Trung Cang, để rồi cả hai quyết định mời thêm vài người bạn nữa thành lập ban nhạc Phượng Hoàng.
Ngoài hai nhạc sĩ sáng lập là Lê Hựu Hà (guitare) và Nguyễn Trung Cang (organ), tay trống Trung Vinh và giọng hát chính Elvis Phương là những thành viên trụ cột. Ngoài ra còn có các thành viên Như Khiêm (bass), Trung Hiển, Hoài Khanh và Mai Hoa (vocal) góp mặt trong từng giai đoạn.
Phượng Hoàng thường được các phòng trà, câu lạc bộ nhạc trẻ mời biểu diễn vào cuối tuần. Họ đã tham gia các kỳ đại hội nhạc trẻ tổ chức tại sân Hoa Lư, Thảo Cầm Viên. Trung tâm băng nhạc Shotguns cũng tìm đến Phượng Hoàng mời thu âm vào băng nhạc chủ đề nhạc trẻ.
Đến cuối năm 1974, ban Phượng Hoàng ngưng hoạt động. Ban chỉ tồn tại 3 năm nhưng đã kịp để lại các ca khúc kinh điển cho khuynh hướng pop rock mang tâm thức Việt. Âm nhạc của Phượng Hoàng không vay mượn, không sao chép. Giai điệu của Phượng Hoàng cứ lững thững vang lên cùng những ca từ mộc mạc, các đoạn riff điển hình của nhạc rock với chuỗi hợp âm quay tròn trên nền tiết nhịp rộn rã tạo nên sự hứng khởi, khát khao nơi người nghe.
Nhạc trẻ Việt, khuynh hướng âm nhạc mới
Bên cạnh các ca khúc rock Việt của Phượng Hoàng, nhiều nhạc sĩ đã viết các ca khúc mới theo phong cách nhạc trẻ. Nhạc sĩ Phạm Duy, với tư tưởng cấp tiến mạnh dạn hòa mình cùng giới trẻ. Không chỉ soạn lời Việt, ông còn viết một loạt các bài hát nhạc Tuổi xanh với nét nhạc tươi vui: Tuổi mộng mơ, Tuổi thần tiên… những ca khúc làm nên tên tuổi giọng hát tuổi ô mai – Thái Hiền. Ông tự bạch: “Tôi ủng hộ các con tôi thành lập nhóm The Dreamers. Lúc này, những bài hát của hai anh em nhạc sĩ The Carpenters được mọi người ưa thích. Những bài We’ve Only Just Begun, Close To You… được các con tôi vặn máy hát nghe suốt ngày. Khi soạn thêm một bài hát tình ca một mình như Trả lại em yêu, tôi bị ám ảnh bởi âm hưởng của nhạc The Carpenters…”.
Những thành viên kỳ cựu trong phong trào nhạc trẻ cũng mạnh dạn cho ra đời nhiều ca khúc nhạc trẻ Việt: Quốc Dũng với Mai, Tùng Giang và Trường Kỳ với Biết đến thuở nào, Đức Huy với Cơn mưa phùn…
***
Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy nhận định: “Hiện tượng phòng trà, các quán cà phê của sinh viên và sự du nhập của nhạc rock vào Việt Nam đã khiến cho âm nhạc ở miền Nam phát triển mạnh trên cả hai phương diện sáng tác và ca diễn”.
Ở góc nhìn khác, nhạc trẻ Sài Gòn với sự đóng góp các ca khúc pop rock mang tâm thức Việt và các ca khúc Việt hóa đã tạo ra khuynh hướng mới – nhạc trẻ Việt. Khuynh hướng nhạc trẻ cùng với các khuynh hướng tình ca cổ điển với Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Cung Tiến…; khuynh hướng tình ca quê hương với Hoàng Thi Thơ, Văn Phụng, Lam Phương…; khuynh hướng tình ca boléro với nhóm Lê Minh Bằng, Trúc Phương, Đài Phương Trang…; khuynh hướng tình ca lãng mạn với Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên… đã tạo nên một bức tranh lớn đa sắc màu thể hiện sự đa dạng của tân nhạc miền Nam.
Sau nửa thế kỷ, Phượng Hoàng chưa thể tái sinh, phần lớn những tên tuổi trong làng nhạc trẻ Sài Gòn nay đã mất. Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà, Trường Kỳ, Tùng Giang… và nhạc sĩ Phạm Duy đã thành người thiên cổ. Nhưng những ca khúc của nhóm Phượng Hoàng, các ca khúc nhạc trẻ và cả những ca khúc Việt hóa vẫn còn được nhiều người yêu thích, các ca sĩ hôm nay vẫn chọn để biểu diễn và thu âm.