Đây là một công trình nghiên cứu được nghệ nhân Trịnh Bách, người nhiều năm gắn bó với việc phục hồi trang phục cổ, đánh giá là một trong những tập tài liệu văn hóa, lịch sử trang phục được nghiên cứu sâu và biên soạn kỹ nhất từ trước đến nay.
Từ việc nghiên cứu về sự thay đổi trang phục qua các triều đại
Năm 2010, khi các bộ phim về lịch sử được công chiếu như: Đường tới thành Thăng Long, Trần Thủ Độ, Huyền sử Thiên đô…, nhiều người cho rằng trang phục của vua chúa nước ta sao quá đơn điệu, lại giống trang phục vua chúa Trung Quốc. Những tranh cãi quanh vấn đề này đã tạo cho Trần Quang Đức quyết tâm tìm hiểu và làm sáng tỏ những nét tương đồng lẫn khác biệt giữa áo mão triều đình Việt Nam so với trang phục các triều đại Trung Quốc, Hàn Quốc. Đến nay, tác giả đã có một bức tranh trang phục của người Việt xưa khá hoàn chỉnh.
Trang phục qua các triều đại
Sau ba năm lăn lộn, tìm tòi cả ở Việt Nam và Trung Quốc, Trần Quang Đức đã sưu tầm được những nguồn tư liệu quý giá và khá chính xác về trang phục cổ của Việt Nam từ thời Lý, Trần, Lê sơ, Lê trung hưng đến thời Tây Sơn và triều Nguyễn. Trên cơ sở nghiên cứu của mình, anh khẳng định: “Về chế độ áo mũ của triều đình nước Việt thường xuyên diễn ra các đợt cải cách, sửa đổi xuất phát từ tâm lý muốn khẳng định sự tiến bộ và khác biệt về văn vật trong sự đối sánh giữa vương triều Việt Nam với vương triều Trung Quốc”. Về cơ bản, trang phục cung đình Việt mô phỏng trang phục cung đình Trung Quốc nhưng vẫn có sự cải biến, sáng tạo để chứng tỏ sự đồng đẳng, ngang hàng. Chẳng hạn như thời Nguyễn, mũ vua cũng có 12 tua giống như vua Trung Quốc nhưng trang phục vua nước ta chọn màu vàng là màu chủ đạo trong khi màu chủ đạo của trang phục triều đình Trung Quốc là màu đỏ.
Trong tác phẩm Ngàn năm áo muä, trang phục của người Việt trong 1.000 năm được Trần Quang Đức tái hiện một cách chi tiết và đầy đủ. Không chỉ là mô tả cụ thể về hình dáng, chất liệu quần áo, mũ mão, đôi hia mà tác giả còn lý giải sự thay đổi kiểu tóc và trang phục qua từng thời kỳ. Trần Quang Đức chia sẻ: “Khó khăn nhất trong quá trình nghiên cứu là phần tổng hợp tài liệu, chủ yếu là tìm và dịch thật chính xác những tập Hán văn cổ đồng thời phải so sánh, đối chiếu các văn bản các nước cùng thời để nâng cao tính chính xác của tài liệu”. Tài liệu cổ của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc có phần công khai và phổ biến hơn tài liệu nước ta. Việc nghiên cứu y phục xưa dựa trên các bức tượng cổ, tranh cổ như cách làm của nhiều nhà nghiên cứu trước đây, theo Trần Quang Đức, vẫn chưa thật sự đáng tin cậy. Bởi vì tác giả điêu khắc có thể sáng tạo ra trang phục theo trí nhớ hoặc tưởng tượng của mình. Hơn nữa, nhiều bức tượng, tranh được sáng tác không cùng thời điểm tồn tại của nhân vật lịch sử nên khó chính xác. Chẳng hạn như pho tượng của vua Lý Thái Tổ được tạc vào thế kỷ XVIII-XIX nên rất khó tái hiện chính xác trang phục của một vị vua sống cách đó đến 800 năm. Không ngại bỏ ra nhiều công sức, Trần Quang Đức luôn chịu khó tìm điểm khớp nhau giữa hiện vật và sử liệu. Chẳng hạn để khảo cứu trang phục “sức phương tâm khúc lĩnh” (làm bằng lụa, cổ tròn gắn với tâm vuông đeo trước ngực) mà vua Trần hay mặc trong đại lễ, anh căn cứ trên cả những ghi chép về lễ phục này trong tác phẩm An Nam chí lược lẫn trang phục được tạc lại trên một bức phù điêu có niên đại thời Trần tại chùa Dầu (Hà Nam).
Tác giả Trần Quang Đức
Các nhà nghiên cứu cũng nhận định việc ghi lại lịch sử trang phục qua các triều đại của Trần Quang Đức là điều không mấy dễ dàng. Vì tài liệu cổ chủ yếu ghi lại sự kiện chứ rất ít khi mô tả chi tiết về áo quần, mũ mão. Hơn nữa, người nghiên cứu cũng cần phải có sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử mới có thể lý giải về trang phục theo từng thời đại. Chẳng hạn như sự kiện vua Minh Mạng cấm “quần không đáy” chính là nguyên nhân dẫn đến việc chiếc áo dài năm thân đi vào đời sống dân gian và bây giờ trở thành một trong những trang phục truyền thống quan trọng của người Việt.
Đến một cách nhìn khác về lịch sử
Nói về Ngàn năm áo muä, Trần Quang Đức cho biết anh viết cuốn sách bằng sự tôn trọng sự thật lịch sử chứ không có những đánh giá đúng – sai, hay – dở một cách chủ quan. Tác giả cho rằng “Phương pháp là nhất thời, tư liệu là vĩnh cửu”. Ngàn năm áo mũ chắc chắn không thể tránh khỏi sai sót nhưng tác phẩm luôn dựa trên những chứng cứ xác thực, có tính thuyết phục còn lưu giữ lại cho đến ngày hôm nay.
Tác phẩm Ngàn năm áo mũ
Hiện nay, chúng ta vẫn lưu giữ một vài cuốn sách đề cập đến trang phục cung đình và dân gian của người Việt, nhưng chủ yếu vẫn viện dẫn kiểu công bố tư liệu như: “Sử cũ ghi lại”, “Tương truyền rằng”… chứ chưa có thao tác phê bình, đối chiếu để đưa ra kết luận rằng sử liệu đó đúng hay sai. Hơn nữa, nhiều tư liệu Hán Nôm cổ được dịch lại chưa thật chính xác, có thể do dịch giả không am hiểu lĩnh vực trang phục cổ, rất dễ gây hiểu lầm cho người đọc về sau. Trong nhiều sách sử, áo “xưởng hạc” của vua bị dịch nhầm là áo “lông hạc”. Thực tế, khi đối chiếu với tài liệu Hán cổ Trung Quốc thì áo “xưởng hạc” chỉ là một chiếc áo có ống tay rộng đến đất chứ chẳng có chiếc lông hạc nào cả!
Trang phục vua, thái giám và thị vệ triều Nguyễn
Cũng trong buổi ra mắt sách, Trần Quang Đức cho rằng người nghiên cứu lịch sử cần nhất là giữ được thái độ khách quan, công tâm, tránh bị ảnh hưởng của tinh thần dân tộc và chủ nghĩa quốc gia. Tác giả cho rằng khoảng 100 năm trở lại đây, khi chủ nghĩa quốc gia, tư tưởng dân tộc được đề cao, Nhật Bản tự hào cho rằng họ học tập văn minh Trung Hoa nhưng biết đẩy lên một tầm cao mới còn Hàn Quốc và Việt Nam lại diễn ra các cuộc tranh cãi về vấn đề “bản quyền” về những nét văn hóa mà trên thực tế thì vốn có nguồn gốc Trung, không cần phải bàn cãi. Theo Thạc sĩ Hoàng Cẩm Giang, Giảng viên bộ môn Nghệ thuật học, Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, với hơn một ngàn năm Bắc thuộc cộng với Nho giáo du nhập vào Việt Nam suốt nhiều thế kỷ, những nét tương đồng về văn hóa, trang phục của người Việt với người Hoa là điều không thể tránh khỏi.
Một địa chủ mặc trang phục màu vàng, trái với quy định triều đình thời Lý, Lê, Nguyễn
Chúng ta nên tránh những nghiên cứu cổ sử chịu sự chi phối của tinh thần dân tộc hoặc nặng tính tư biện, suy diễn, thiếu chứng cứ khoa học xác tín. Như trường hợp ông Như Hà Văn Thùy cho rằng, người Việt ghét người Tàu nên không thể có chuyện đem hình ảnh núi Thái Sơn ví với công lao của người cha như trong câu tục ngữ: “Công cha như núi Thái Sơn…”. Chỉ có khả năng là người Việt thời xa xưa từng cư trú dưới chân núi Thái Sơn nên mới sử dụng hình ảnh này!
“Bất cứ một công trình nghiên cứu lịch sử nào cũng đều có những điều đúng và chưa đúng”, Trần Quang Đức cho biết, “Chúng ta không vội vàng quy kết công trình nghiên cứu đó là hữu dụng hay vô dụng để tham khảo”. Vì vậy, tác giả của Ngàn năm áo muä không chỉ tìm kiếm những nguồn tài liệu cổ mà còn tận dụng tất cả những nguồn liệu sẵn có một cách có chọn lọc. Sau đó, tác giả tìm đọc các đoạn trích khác nhau có đề cập đến cùng một loại áo hay mũ để nắm rõ được hình dáng chính xác của trang phục. Cuối cùng, anh lần theo dấu vết của tất cả những sự thay đổi trang phục qua nhiều thế kỷ đồng thời tham chiếu những nét tương đồng và khác biệt cùng lịch sử trang phục ở những quốc gia lân cận như Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản. Nhờ vậy mà công trình nghiên cứu của Trần Quang Đức được cho là sát hơn với thực tế lịch sử.
Cũng qua tác phẩm Ngàn năm áo muä, có thể thấy rằng trang phục trong phim cổ trang Việt có nhiều chi tiết chưa đúng với thực tế lịch sử. Chẳng hạn, trong phim Đường tới thành Thăng Long, nhân vật hoàng đế đội mũ miện chỉ có chín chuỗi ngọc (chín lưu) trong khi trên thực tế, mũ miện dành cho đế vương thời này phải có 12 chuỗi ngọc, mỗi chuỗi có 12 hạt ngọc. Thạc sĩ Hoàng Cẩm Giang cho rằng trước đây chúng ta có quá ít tư liệu về trang phục cổ, các nhà làm phim cổ trang chỉ có thể tạo dựng hình tượng nhân vật của mình trên cơ sở tưởng tượng và phục dựng những gì dân gian còn giữ lại được. Ngày nay, các nhà làm phim nên quan tâm tham khảo những đặc điểm trang phục cổ được ghi lại bởi tác giả Trần Quang Đức để nhân vật phim cổ trang Việt tái hiện lịch sử chính xác hơn.
- Trọng Đức
Xem thêm: