Sau lần ra mắt đầu tiên cách đây đã 35 năm, bộ sưu tập những tác phẩm ký họa màu nước của danh họa Trần Văn Cẩn lại được giới thiệu với công chúng (tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội, từ 20-6 đến 26-6). Với tên gọi “Trần Văn Cẩn với ký họa màu nước”, phòng tranh trưng bày 80 bức ký họa, được ông sáng tác trong giai đoạn 1955-1979, thuộc bộ sưu tập của bảo tàng và là một phần trong gia tài nghệ thuật đáng nể của cố họa sĩ.
Một cảm giác ấm áp, bình dị, êm đềm pha chút lãng mạn bao trùm lấy người xem khi dừng chân, ngắm nhìn những tác phẩm được thể hiện bằng những nét vẽ tài hoa, chân thực đi cùng những màu sắc được tác giả dùng thật đắt, vẫn thật tươi mới, sống động dù tranh đã được vẽ cách đây nhiều thập niên. Có thể coi 80 ký họa của phòng tranh này như là cuốn nhật ký bằng hình ảnh mà họa sĩ Trần Văn Cẩn ghi chép với những rung động và xúc cảm chân thực của người nghệ sĩ ở những miền đất ông từng qua, những con người ông từng gặp cũng như hiện thực cuộc sống phong phú mà ông đã trải nghiệm.
Phòng tranh được chia thành bốn mảng đề tài: chân dung (Chân dung cô T – vẽ năm 1963, Cố Thiềm – 1966, Hai thiếu phụ và em bé – 1955,…); phong cảnh (Thuyền sông Hương – 1954, Phong cảnh bản Càng – 1964, Ráng chiều trên Đèo Nai – 1965, Buôn Ma Thuột – 1975,…); lao động sản xuất (Vá lưới – 1965, Phát hoang trồng sắn – 1969, Làm thủy lợi – 1978,…); chiến đấu bảo vệ Tổ quốc (Nữ dân quân Bảo Ninh – 1969, Pháo thủ già bảo vệ bờ biển – 1968, Cảnh giới – 1969,…). Cho dù phản ánh đời sống, sinh hoạt của người dân trong thời bình hay khi đất nước đang có chiến tranh thì họa sĩ Trần Văn Cẩn vẫn sử dụng ngôn ngữ tạo hình tao nhã, nhân văn. Những ký họa chiến trường của ông không quá nặng hình ảnh vũ khí, súng đạn… Và nếu từng tìm hiểu hội họa của Trần Văn Cẩn thì dễ dàng nhận ra khá nhiều trong số ký họa tại phòng tranh này đã được họa sĩ sử dụng để thực hiện những tác phẩm nổi tiếng, bằng nhiều chất liệu khác nhau như: Nữ dân quân miền biển (sơn dầu, 1960), Tát nước đồng chiêm (sơn mài, 1958), Nối lại dây gầu (sơn dầu, 1957), Đan len (sơn mài, 1959)… Tuy nhiên, có thể khẳng định toàn bộ ký họa tại triển lãm này là những tác phẩm thực thụ, hoàn chỉnh bởi chúng được thể hiện bằng kỹ thuật hoàn thiện và tình cảm thực của người nghệ sĩ, đồng thời chúng đã đem đến cho người thưởng ngoạn những cảm xúc đẹp đẽ.
Mặt khác, những bức ký họa của họa sĩ Trần Văn Cẩn không chỉ có sức nặng về mặt nghệ thuật mà còn hàm chứa giá trị lịch sử, bởi tác giả đã ghi lại những dấu mốc quan trọng trong quá trình bảo vệ và phát triển của đất nước. Ký họa của ông cũng phản ánh một phong cách sáng tạo đặc trưng của người họa sĩ tài danh: tính chân thực, giàu chất trữ tình và cảm quan nghệ thuật trong sáng, lạc quan, yêu đời. Bộ sưu tập này đã từng được trưng bày lần đầu tiên vào năm 1980 khi họa sĩ còn sống, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của ông. Với lần tổ chức triển lãm này, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam muốn đánh dấu kỷ niệm ngày thành lập (26-6-1966) và hướng tới kỷ niệm 105 năm ngày sinh của Trần Văn Cẩn, một trong bộ tứ họa sĩ hàng đầu của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam (“nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn”: Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân và Trần Văn Cẩn), cũng là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng, đặc biệt là bức tranh sơn dầu Em Thúy (1943) đã trở thành bảo vật quốc gia.
Với những đóng góp to lớn cho nền mỹ thuật Việt Nam, sinh thời họa sĩ Trần Văn Cẩn đã được trao nhiều huân chương cao quý, trong đó có huân chương Độc lập hạng nhất. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật (1996) và vào năm 2010 một đường phố thuộc huyện Từ Liêm (Hà Nội) đã được đặt tên Trần Văn Cẩn.
Trong khuôn khổ triển lãm, ngày 21-6, tại không gian trưng bày “Trần Văn Cẩn với ký họa màu nước”, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức một chương trình giáo dục dành cho các em nhỏ đang sinh hoạt tại một số câu lạc bộở Hà Nội. Đây là cơ hội để thế hệ trẻ tìm hiểu thân thế – sự nghiệp và tác phẩm của một nhà danh họa, qua đó nâng cao nhận thức thẩm mỹ, tạo dựng thói quen tham quan và học tập tại bảo tàng. Thông qua các hoạt động nhóm và tương tác giữa học sinh với nhau cũng như với các cán bộ giáo dục tại bảo tàng, các em được tăng cường thêm các kỹ năng làm việc độc lập, làm việc theo nhóm, kỹ năng thuyết trình và thể hiện bản thân.
Ngày 30-12-2013, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận 37 bảo vật quốc gia (đợt 2) cho các hiện vật và nhóm hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật là những tác phẩm hội họa nổi tiếng như Vườn xuân Trung Nam Bắc của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Hai thiếu nữ và em bé của họa sĩ Tô Ngọc Vân, Em Thúy của họa sĩ Trần Văn Cẩn…
Em Thúy do họa sĩ Trần Văn Cẩn vẽ bằng sơn dầu năm 1943, thể hiện hình ảnh người cháu gái tám tuổi của họa sĩ đang ngồi trên ghế mây, hai tay đặt trên đùi và mặc bộ quần áo màu trắng giản dị. Cô bé trong tranh có mái tóc ngắn, đôi mắt mở to trong sáng cùng nét mặt thơ ngây. Hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bức Em Thúy được coi là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Trần Văn Cẩn và là một trong những đại diện tiêu biểu của tranh chân dung Việt Nam thế kỷ XX.
- Diễm Vân