Chính mùi ngai ngái hoang dại thoảng đưa cùng làn khói mỏng, chờn vờn trên mâm cơm bình dị đã dệt nên nét duyên ngầm cho món canh tập tàng mới.
Vừa thổi vừa húp, từng muỗng nước canh ngọt thơm (mùi tiêu) thanh đậm, thật hứng khởi vô cùng. Ăn cùng dĩa khô cá lóc cửng chiên vừa vàng sao mà hao cơm dễ sợ! Cá này còn gọi cá quả hay cá tràu, cỡ nửa cổ tay người lớn.
Riêng lá và đọt sâm đất có mùi hăng nhẹ từa tựa như rau sam bay hay rau má sẻ vậy. Vị rau chua thanh và có hơi nhơn nhớt, gần giống với đọt mồng tơi. Theo đông y, chúng giúp thanh nhiệt, bổ huyết…
Đồng thời, đầu mùa mưa cũng là mùa “trỗi dậy” của nhiều loại rau non tơ nơi đất trời Nam bộ. Nào là vạt rau má sẻ, lùm mồng tơi, liếp bù ngót đang “nhổ giò (*) thấy phát mê”; giàn mướp hương, lùm bình bát dây… mơn mởn “thả” đọt non “thấy phát ham”.
Nếu ở nhà vườn, chịu khó xách rổ ra dao một vòng, đã đủ nấu nồi canh tập tàng cho cả nhà bốn, năm miệng ăn.
Và ngay cả Sài Gòn đô hội, vẫn có nhiều góc chợ bán các loại rau quê theo mùa vừa kể, như ở chợ Nhị Thiên Đường (quận 8), Hòa Bình (quận 5), Tân Định (quận 1).
Vả lại, đương buổi giao mùa oi bức, húp canh này, bỗng nghe “mát trời ông địa” hết biết!
Một anh bạn rành món ăn Nam bộ ở Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang còn cho rằng, canh tập tàng (tập hợp nhiều loại rau dền gai, rau sam, mã đề, mồng tơi, bồ ngót, rau má, rau trai…) miền Tây là món canh phóng khoáng, bao dung rất hợp với cá tính dân Nam. Nhưng quan sát kỹ hơn, nó lại khác xa nồi xà bần (**) ở chỗ nguyên liệu toàn tươi mới. Trong đó, tổ hợp rau vườn – rau dại luôn nâng đỡ, khắc chế cùng nhau mới tạo nên mùi vị hài hòa, ngon lành và riêng biệt đến vậy. Chính vì lẽ đó, chỉ “mình ên” nồi canh tập tàng chay thôi, cũng đã có sức hấp dẫn riêng rồi.
- Xem thêm: Canh khổ qua rừng
Đúng điệu, canh này thường nêm muối ớt. Nhưng lại chấm hoặc chan với nước mắm mặn giầm ớt hiểm nếu canh nấu cùng ít: tôm, tép hoặc cá đồng, thịt nạc heo bằm – thêm ngọt nước.
Chiều tối cuối tuần mưa lất phất bay. Gió đưa hơi nước mát mẻ vào tận bàn ăn. Bữa cơm sum vầy cùng bao người thân yêu an lành, có thêm tô canh tập tàng vừa lạ vừa quen mới thật ấm áp và hạnh phúc làm sao, trong mùa dịch “Cô Vy” dai dẳng này.
Cây sâm đất, tên khoa học là Boerhavia diffusa L, xuất xứ Trung Mỹ, còn có tên khác: sâm nam, sâm rừng…
Cây có thể thích nghi tốt với nhiều vùng lãnh thổ, từ trung du miền núi đến đồng bằng. Ban đầu, nó mọc hoang dại, sau được nhiều người trồng.
Theo đông y, rau giúp: thanh nhiệt, hỗ trợ điều trị tiểu đường, bổ huyết… Tuy vậy, phụ nữ có thai không nên dùng. Còn người bình thường, cũng không nên ăn thường xuyên (***).
________
(*) Cao lớn hơn thấy rõ
(**) Món chế biến lại, gom chung nhiều thức ăn dư thừa, sau một bữa tiệc lớn như: giỗ, tết.
(***) https://caythuoc.vn/cay-sam-dat, https://duoclieuthaison.com/cay-sam-dat/, https://www.thuocdantoc.org/duoc-lieu/sam-dat