Lẽ thường, đa phần người ta hảo ngọt. Còn nhúm nhỏ anh em chúng tôi lại ưa song tấu “đắng có hậu”. Dòng đời, vốn đa chiều mà!
Trưa đầu năm, một anh bạn chủ quán ở Mỹ Tho đãi chúng tôi món canh chưa có trong thực đơn. Thế mà, ai nấy đều gật gù tán thưởng.
Nước canh ngọt thơm thanh thoát đến sững sờ. Mặc dù người nấu không cần nêm bột ngọt mà nó vẫn tròn vị mới nhớ đời chứ.
Thật ra, trước đó gia chủ mua được hai con cá trê hường “chà bá lửa” (rất lớn) từ mối ghe câu cơm gạo – đêm ngày nổi trôi mưu sinh trên dòng sông Tiền. Con lớn, nặng đến 5.1kg. Con nhỏ, cũng nhỉnh cân hơn mức 2kg. Đó là một loại cá trê đột biến, cũng chẳng rõ “gốc gác” trong tự nhiên hay từ nguồn nuôi cá kiểng thoát ra.
Thế là, tôi đề nghị mang nấu canh với mớ rau đắng đất và đọt hoặc tược (nhánh chồi) khổ qua.
Nhưng do vào dịp này, nhà vườn đang dưỡng dây khổ qua để nuôi trái bán Tết âm lịch, cho nên anh bạn cưỡi xe gắn máy “rảo” (tìm kiếm nhiều bận) khắp 3 – 4 chợ ở TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, vẫn không tìm ra mớ rau khổ qua như yêu cầu. Bù lại, có gần chục trái khổ qua ta, da nổi màu xanh đậm như nước Biển Đông, gai chi chít tựa như khổ qua rừng. Ưu điểm của chúng là “cơm” rất giòn và chan chứa hậu vị ngọt thanh hơn các giống khổ qua “da” trắng xanh khác.
Và có lẽ chỉ có dân rặt miền Tây mới rành sáu câu nghệ thuật thưởng thức rau đắng đất. “Nhúng “tụi nó” (trong nước sôi) vừa ướt mình thôi – vớt ra liền. Ăn tới đâu, nhúng tới đó mới đã đời!”, thầy giáo Võ Minh Chánh, ở TP.Mỹ Tho, chia sẻ.
Bởi nếu ngâm rục rau trong nước sôi, sẽ đắng đến trân mình.
Với lại, điểm cộng dễ thương của cả hai loại rau này là chất chứa hậu vị ngọt thanh đến lạ lùng. Dĩ nhiên, trước đó chúng đều nổi lên vị đắng “dữ dằn” lắm.
Thông thường, dân Nam bộ không ghép chúng thành đôi trong dĩa rau sống ăn kèm với tô mắm kho hoặc dĩa cá đồng kho lạt hay nồi cháo cá lóc chen nấm rơm ngọt ngào. Bởi họ sợ rằng, đắng đụng đắng sẽ thêm khó nuốt.
Nhưng sự thật không phải vậy! Khi vừa tiễn xong gần nửa chén rau đắng đất “ướt mình”, tôi liền dùng đũa “cặp cổ” một miếng khổ qua vừa chín tới (xắt khổ vuông cỡ hai lóng tay) cho vào miệng ngay. Nhai chậm rãi. Nào ngờ, không hề có cảm giác đắng tí nào. Chỉ gặp toàn vị ngọt thanh tân trỗi lên mới lạ đời!
Và phải công nhận, nghe thèm ăn “dã man” luôn!
Món canh “tìm sướng trong đa khổ” đang kể, nhâm nhi với mấy ly “đế nhà nấu” hoặc đưa cơm/bún đều mượt mà vô cùng. Nhất là, những lúc co ro lạnh.
Vả lại, khứa thịt cá trê sông thật săn chắc, ngọt bùi tựa thịt cá ngát loại lớn. Và nó cũng không hề tanh như miếng thịt bở rệu, của dòng cá trê phi nuôi, thường bán trong các quán cơm bình dân ở Sài Gòn.
Chợt nhớ đến lời giảng giải của vị thầy thuốc thừa triều Nguyễn – ông Nguyễn Phúc Ưng Viên, ở quận Gò Vấp, TP.HCM: “Đắng mà làm ta thức tỉnh (hệ thần kinh trung ương) mới là đắng có lợi, trong thực phẩm.”
Hay nói như các nhà bình luận kinh tế, hãy mạnh dạn tìm cơ (hội) trong cơn bão nguy (nan). Đương nhiên, không phải trận nào cũng “ăn may” cả. Song chỉ cần, thắng đậm một “keo” trong tám – chín trận thua, cũng “đáng tiền” rồi.
Trở lại chuyện sáng tạo miếng ngon trong nghề bếp, cũng trầy trật không kém cụ Tú Xương đi thi đâu. Vậy mà, vẫn có người thành công!
Sau cùng, xin cảm ơn anh bạn tốt bụng, đã nhẹ đưa tôi về “góc trời mẹ quê” mát rượi, với nồi canh rau đắng – cá đồng phá cách thơm phức “vị đắng tình đời”!