Chị đồng nghiệp của tôi tranh thủ thời gian nghỉ hè ít ỏi, vào rẫy mua khổ qua rừng về bán kiếm thêm thu nhập. Chị chụp hình rao bán khổ qua rừng trên facebook, không quên khoe món canh khổ qua rừng nhồi thịt do chính tay chị nấu. Hình ảnh hai đứa con chị ngồi bên, vừa hít hà hương thơm của món canh, vừa híp mí cười làm tôi cũng bâng khuâng nhớ món canh khổ qua rừng mình đã từng được ăn.
Khổ qua rừng còn gọi là mướp đắng rừng, thường mọc tự nhiên ở vùng đồi núi, nương rẫy. Chúng thuộc họ bầu bí, dạng dây leo, thân và lá đều nhỏ. Khổ qua rừng có hoa màu vàng, trái chỉ nhỏ chừng bằng ngón chân cái, có gai và có vị đắng hơn khổ qua thường. Ngoại tôi thường bảo, khổ qua rừng là thức quà quý của núi rừng ban tặng cho con người. Vị đắng của chúng giống như sự vất vả, cực nhọc của những người nông dân đã phải lam lũ gió sương. Nhưng vị ngọt mát và bổ dưỡng của món canh khổ qua rừng chính là sự đáp đền công bằng cho những người lao động tảo tần, chất phác ấy.
Tuổi thơ tôi dọc dài với những kỉ niệm bên ngoại. Đó là những tháng ngày bố mẹ tôi đi làm ăn xa, gửi tôi cho ngoại chăm sóc. Ông ngoại tôi những lần lên rừng hái củi, tìm thấy giống khổ qua rừng và đã đem hạt giống về gieo ở vườn nhà. Khổ qua rừng có rất nhiều công dụng: thân dùng để nấu nước tắm trị rôm sảy cho trẻ. Lá, đọt và quả đều có thể làm rau sống, xào, muối chua hay nấu canh,… Tôi đã được ăn rất nhiều món chế biến từ khổ qua rừng nhưng đậm sâu trong nỗi nhớ vẫn là món canh khổ qua rừng nhồi thịt mà ngoại vẫn thường nấu.
Khổ qua rừng ngoại hái vào, rạch một đường dọc trên thân quả, rồi dùng muỗng nhỏ nhẹ nhàng tách, lấy hết phần ruột và hạt bên trong. Sau đó, ngoại ngâm khổ qua với nước muối pha loãng một chút, rửa lại, để ráo. Ngoại bảo, làm vậy sẽ giúp cho canh khổ qua bớt đắng. Thịt ba chỉ được rửa sạch, để ráo, xắt mỏng, nhỏ rồi băm nhuyễn. Mộc nhĩ khô đã được ngoại ngâm với nước ấm cho nở ra, cắt gốc và cũng xắt nhỏ. Sau đó, ngoại để thịt và mộc nhĩ vào cái bát, nêm nếm gia vị đầy đủ rồi trộn đều. Để những trái khổ qua rừng sau khi nấu vẫn giữ được màu xanh tự nhiên, ngoại tôi chần chúng qua nước sôi rồi mới nhồi hỗn hợp nhân thịt vào ruột từng quả. Quả khổ qua rừng nhỏ, thế nên việc nhồi thịt rất cần phải tỉ mỉ và cẩn thận.
- Xem thêm: Quà của núi rừng
Khổ qua nhồi thịt đã xong, ngoại bắc một nồi nước nấu canh với lượng vừa đủ dùng cho cả nhà. Khi nước sôi, ngoại thả từ từ từng trái khổ qua vào nồi và nấu. Món canh khổ qua rừng ngon ngọt, đậm đà hay không cũng phụ thuộc nhiều vào việc giữ lửa. Nếu lửa to và nấu quá kỹ, vỏ khổ qua sẽ mềm nhũn, mất vị ngon; nếu chưa đủ lửa, vỏ lại sẽ cứng và khó ăn. Khi canh khổ qua sôi, ngoại còn vớt bọt trong nồi để nước canh được trong và ngon hơn. Sau khi nồi canh vừa chín, ngoại bắc ra, múc vào tô, rắc thêm hành ngò tươi, vừa tạo thêm hương thơm lại vừa đẹp mắt.
Những lần đầu ăn canh khổ qua rừng, tôi vẫn chưa quen với vị đắng của nó. Biết vậy nên ngoại thường gỡ phần nhân cho tôi ăn, còn ngoại thì ăn phần quả. Vị ngòn ngọt, beo béo, dai dai và nhân nhẫn đắng của thịt ba chỉ quyện vào mộc nhĩ cùng với gia vị dần dần chinh phục vị giác của tôi. Tôi dần dà tập ăn cả trái khổ qua. Thế rồi… không biết từ lúc nào, tôi thích món canh ấy vô cùng.
Canh khổ qua là một trong những món ăn không thể thiếu trong những ngày giỗ, ngày tết ở một số vùng miền. Nó không chỉ thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ trong gia đình mà còn là minh chứng cho tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, tổ tiên. Cũng giống như cái tên “khổ qua”, khi ăn món canh này, mọi người đều kỳ vọng, mọi đắng cay, vất vả sẽ qua và hạnh phúc, ấm no sẽ tới.