Trong nhiều nền văn hóa cổ xưa và các truyền thống tôn giáo, những nhà cai trị và các thành viên ưu tú trong xã hội không chỉ có vợ mà còn có cả những phi tần. Các phi tần thường phục vụ cho một mục đích kép: tăng uy tín của người đàn ông thông qua khả năng sinh con của anh ta và hẳn nhiên có vô số cơ hội để thỏa mãn ham muốn…
Nói về phương diện này, nhiều người thường liên tưởng đến các phi tần Trung Quốc thời cổ đại, ở đó các hoàng đế có hàng ngàn cung tần; tuy nhiên, trên thực tế những phi tần chắc chắn không chỉ ở Trung Quốc mới có. Tập tục lấy thê thiếp đã có từ hàng ngàn năm trước, trong các nền văn hóa ở Lưỡng Hà và Babylone cổ đại, nơi các thành viên ưu tú của xã hội lấy thêm các thê thiếp, nhiều người trong số họ là nô lệ; tuy vậy, người vợ đầu tiên luôn nắm giữ một vị trí ưu tiên trong gia đình. Ở một số đô thị hoặc quốc gia, người phụ nữ đã phục vụ với tư cách là những nữ tư tế và có một vị trí xã hội rất cao. Nói chung, những người phụ nữ này không kết hôn.
Các phi tần và tôn giáo
Các phi tần cũng xuất hiện trong Kinh thánh. Người Israel thường tuyển những thê thiếp để bổ sung cho số vợ của họ. Những người vợ có của hồi môn nhưng vợ lẽ thì không và đây là phương pháp chính để phân biệt giữa hai vị trí xã hội. Một trong những người có các phi tần nổi tiếng nhất trong Kinh thánh là vua Solomon (1011-931 trước Công nguyên), ông được cho là có 300 phi tần ngoài 700 người vợ. Mặc dù ngày nay chế độ thê thiếp không được chấp nhận trong Kitô giáo, một số nhà bình luận Kinh thánh cho rằng Thiên Chúa cho phép đàn ông có nhiều vợ hoặc một số vợ lẽ trong suốt giai đoạn từ trận Đại hồng thủy cho đến Giao ước cũ để xây dựng dân số thế giới.
Trong Do Thái giáo, các phi tần được gọi bằng thuật ngữ pilegesh trong tiếng Do Thái có nghĩa là “một tình nhân ở trong nhà”. Theo sách Talmud của Babylon, sự khác biệt giữa người vợ lẽ và người vợ chính thức là người vợ chính thức này đã nhận được một hợp đồng hôn nhân và cuộc hôn nhân của cô ấy đã có một lễ đính hôn chính thức. Đây không phải là trường hợp của người vợ lẽ. Một số nhà tư tưởng Do Thái như Maimonides tin rằng các phi tần được dành riêng cho các vị vua nên thường dân không được quyền có vợ lẽ. Những nhà tư tưởng này lập luận rằng những người bình thường không được có bất kỳ mối quan hệ tình dục nào khác ngoài hôn nhân.
Trong Hồi giáo, người ta cũng cho phép lấy một người vợ lẽ. Chương 4, câu 3 của Kinh Qur’an nói rằng một người đàn ông có thể kết hôn với tối đa 4 người phụ nữ nếu anh ta có thể đối xử công bằng với họ; và nếu anh ta không có khả năng cưới nhiều vợ, anh ta chỉ có thể kết hôn với một người phụ nữ hoặc ở với người nữ nô của mình. Thê thiếp được chấp nhận là một nhu cầu xã hội theo một số nguyên tắc nhất định. Vào thời cổ đại, có hai nguồn để các phi tần được cho phép dưới chế độ Hồi giáo. Chủ yếu, những người phụ nữ không theo Hồi giáo bị bắt làm tù binh chiến tranh đã được chọn làm thiếp, chẳng hạn như sau trận Bani Qariza. Vào thời tiền Hồi giáo, việc bán và mua nô lệ của con người là một hoạt động hợp pháp về mặt xã hội. Tuy nhiên, khi theo Hồi giáo, người ta khuyến khích giải phóng nữ nô hoặc đem lại cho họ một cuộc hôn nhân chính thức.
Sử gia Al-Tabari tính toán rằng nhà tiên tri Muhammad đã kết hôn với tổng cộng mười lăm phụ nữ, mặc dù chỉ có mười một lần, và có ít nhất bốn phi tần. Tất cả các phi tần Muhammad đều là nô lệ của ông. Theo ghi nhận, Muhammad thường đến thăm tất cả mười một người vợ của ông trong một đêm.
- Xem thêm: Vua Arthur và các hiệp sĩ Bàn Tròn
Các phi tần trên thế giới
Thời Hy Lạp cổ đại, tập tục giữ một thê thiếp nô lệ ít được ghi nhận, nhưng đã xuất hiện trong suốt lịch sử Athen. Luật lệ quy định rằng một người có thể giết một người khi anh ta bị bắt vào lúc đang cố gắng quan hệ với người thiếp của anh ta để sinh những đứa con tự do; điều đó cho thấy rằng con của người thiếp không có quyền công dân.
Theo luật La Mã, vấn đề lấy nàng hầu được cho phép khi mối quan hệ này bền vững và duy nhất. Thực tế cho phép một người đàn ông La Mã tham gia vào một mối quan hệ không chính thức nhưng được công nhận với một người phụ nữ không phải là vợ anh ta, thông thường một người phụ nữ có địa vị xã hội thấp hơn là một trở ngại cho hôn nhân. Sẽ không bị coi là xúc phạm khi gọi họ là một người vợ lẽ, danh xưng tương tự cũng được ghi trên bia mộ. “Một người vợ lẽ” cũng có thể là một nô lệ nam trẻ tuổi được chủ nhân của mình chọn làm bạn tình. Người La Mã không chú ý đến những mối quan hệ đồng tính, khi một người đàn ông trưởng thành sử dụng nô lệ hoặc gái điếm, hay một thanh niên, làm đối tác thụ động của anh ta. Tuy nhiên, những mối quan hệ như vậy sẽ đóng một vai trò thứ yếu trong hôn nhân, trong đó, một người đàn ông trưởng thành đã thể hiện quyền lực nam tính của mình với tư cách là chủ gia đình.
Ở Trung Quốc cổ đại, phi tần là một tập quán phức tạp, trong đó các phi tần được xếp hạng theo mức độ được ưu ái của họ đối với Hoàng đế. Địa vị các phi tần dao động từ vai trò những người vợ giả được đối xử tử tế, cho đến những cô gái điếm bị đối xử tệ bạc.
Một phi tần có thể cải thiện vị trí của mình bằng cách tạo ra một người thừa kế (mặc dù con trai của họ sẽ thua kém những đứa trẻ dòng chính), và có thể vươn lên các nấc thang xã hội tùy theo sự ủng hộ của người cai trị. Một ví dụ về điều này là Dương quý phi. Bà là người phối ngẫu và là thê thiếp được sủng ái của vua Đường Minh Hoàng, Trung Quốc. Được biết đến với vẻ đẹp của mình, bà đã vươn lên thứ hạng cao nhất mà một người phi tần có thể đạt được. Sau khi vợ Hoàng đế chết vào năm 724 sau Công nguyên, Dương quý phi được tất cả những người hầu sống trong cung điện đối xử như một Hoàng hậu. Tuy nhiên, những người khác đã không may mắn như vậy. Nếu một phi tần không thể sinh con, cuộc sống thường kém dễ chịu hơn.
Các hoàng đế Trung Quốc đã giữ các phi tần với họ trong Tử Cấm Thành. Đến thời nhà Thanh có khoảng 20.000 người. Các phi tần của Hoàng gia được bảo vệ bởi một số hoạn quan (những người đàn ông bị hoạn) để đảm bảo rằng họ không thể mang thai bởi bất kỳ ai ngoại trừ Hoàng đế.
Trong nhiều câu chuyện kể lại, các phi tần đã bị áp lực và buộc phải bán mình, nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng. Trong một số nền văn hóa, các gia đình nghèo đã đưa con gái của họ tiến cung cho nhà vua để xem cô gái có được chọn làm phi tần hay không. Điều này thường phục vụ cho mục đích kép, bao gồm loại bớt một miệng ăn cũng như mang lại cho cô con gái một cuộc sống thoải mái, có đặc quyền và được bảo vệ.
Cuộc sống hằng ngày của một cung tần trong Tử Cấm Thành
Hệ thống cấp bậc nội bộ là vững chắc và không linh hoạt, các phi tần sẽ quyết liệt bảo vệ thứ hạng không chính thức của họ và sẵn sàng làm bất cứ điều gì để vươn lên. Tình trạng ghen tuông và cãi nhau giữa các phi tần lan tràn, cuộc sống hằng ngày của họ khác xa với một cuộc sống thư thái dễ chịu. Tranh thủ được một đêm với hoàng đế là điều khó có thể xảy ra do số lượng cung tần quá nhiều, khiến các phi tần sẵn sàng cạnh tranh kịch liệt với nhau.
Trong khi phục vụ trong hoàng cung, không có một cung nữ nào được phép liên lạc với thế giới bên ngoài, không trực tiếp và thậm chí không qua thư từ. Lệnh cấm này đã đi xa đến mức không cho phép một y sĩ bước chân vào cung điện để gặp một phi tần bị bệnh. Bệnh của cô sẽ được mô tả, kê đơn và được quản lý theo lời khuyên của thầy lang.
Nhưng có một số tình huống, trong đó một phi tần sẽ rời khỏi cung điện. Chẳng hạn như hoàng đế có thể nhận được một cung phi như một món quà từ một nhà vua láng giềng; vì vậy, hoàng đế có thể chọn tặng lại một trong những phi tần của mình như một món quà cho một ông vua lân bang kia. Tuy nhiên, có thể lập luận rằng rốt cuộc vẫn là một nhà tù, chỉ khác ở chỗ nó được thay thế bằng một nhà tù khác mà thôi.
Một số người cung nữ được phép trở về với gia đình của họ với mức lương hưu tương xứng sau nhiều năm phục vụ. Thời gian phục vụ tối thiểu được Minh Thái Tổ ấn định là năm năm vào năm 1389. Những cung nữ đã nghỉ hưu được tự do theo đuổi một cuộc sống bình thường, bao gồm cả hôn nhân và lập gia đình. Thay vào đó, nhiều cung nữ đã quá già để được sử dụng thêm nữa trong hoàng cung, họ đã được cho thay thế để làm việc trong cung điện với tư cách là một nữ tì hoặc theo đuổi cuộc sống của một nữ ni.
Một trong những phần kém thu hút nhất, đó là việc các cung nữ được coi là “tài sản” cá nhân của người cai trị. Họ là của ông ta để làm cho ông ta hài lòng, bao gồm cả việc tuẫn táng họ theo với ông ta sang thế giới bên kia. Trong nhiều ngôi mộ quý tộc cũ, chúng ta tìm thấy hài cốt của một số phụ nữ có độ tuổi tương tự hoặc thấp hơn một chút được chôn gần một người đàn ông, một kẻ độc tài của chế độ cung nữ. Các cung nữ trong cung đình hoặc bị các hoạn quan xử tử hoặc chọn cách tự sát, thông thường bằng cách tự treo cổ bằng khăn lụa, hoặc uống thuốc độc.
Trong giai đoạn đầu, các phi tần đời Minh thường bị hiến tế và chôn cất trong các ngôi mộ riêng biệt ở gần vị hoàng đế quá cố. Trong một vài trường hợp, những cung nữ, phi tần bị chôn sống trong tư thế đứng, chào đón sự giá lâm của hoàng đế ở thế giới bên kia!