Tần Thủy Hoàng qua đời vào năm 210 TCN và điều khiến hậu thế kinh ngạc là ông còn tạo ra cả một đội quân bằng đất nung hơn 8.000 binh sĩ để giúp mình sang thế giới bên kia.
Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc còn cho xây dựng khu lăng mộ khổng lồ, cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn lớn đối với các nhà nghiên cứu trên thế giới. Người ta ước tính rằng khoảng 700.000 người tham gia xây dựng lăng mộ khổng lồ này.
Trong những năm cuối đời, Tần Thủy Hoàng thử tất cả những loại thuốc có thể để rồi nhiễm độc thủy ngân. Các cận thần cố gắng che giấu cái chết của hoàng đế càng lâu càng tốt.
Ông được đưa về kinh thành bằng kiệu che kín và ngụy trang bằng cá ươn. Hoàng đế vẫn được dựng ngồi trong kiệu với thức ăn như thể đang ăn.
Không bao lâu sau, khởi nghĩa nông dân bùng nổ. Trong triều, hoạn quan lũng đoạn quyền lực. Giang sơn mà Tần Thủy Hoàng dày công xây dựng, lại bị chia cắt.
Tần Thủy Hoàng chỉ thọ 49 tuổi. Ông chưa bao giờ chọn người kế vị vì luôn tin rằng mình sẽ trường sinh và đây được xem là sai lầm lớn nhất của vị vua nổi tiếng tàn bạo trong lịch sử Trung Hoa.
100 tấn thủy ngân trong mộ
Các học giả Trung Quốc và phương Tây cho đến nay đều tin rằng có một lượng lớn thủy ngân đóng vai trò như cạm bẫy bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng.
Theo Chemistry World, Tần Thủy Hoàng là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa và là một trong những nhân vật bí ẩn nhất thế giới.
Năm 1974, giới khảo cổ Trung Quốc có phát hiện chấn động khi tìm được đường vào lăng mộ Tần Thủy Hoàng ở Tây An.
Bên trong lăng mộ có đội quân đất nung to lớn như người thật, cầm trên tay vũ khí sắc nhọn. Tuy nhiên, quá trình tìm hiểu chỉ dừng ở lại đó.
Các nhà khảo cổ Trung Quốc chưa tiến sâu vào trong lăng mộ, đến nơi đặt quan tài của Tần Thủy hoàng.
Lý do được đưa ra là vì các nhà khảo cổ không muốn phá vỡ cấu trúc ngầm bên trong lăng mộ. Nhiều cạm bẫy cũng có thể đang chờ đón những người đầu tiên bước vào sau hơn 2.000 năm.
Theo cuốn Sử ký của sử gia Tư Mã Thiên, 700.000 người tham gia xây lăng mộ Tần Thủy Hoàng suốt nhiều năm. Tư Mã Thiên nhắc đến những cạm bẫy chết người trong lăng mộ, bao gồm cả con sông thủy ngân khổng lồ.
Trong những năm 1980, quá trình phân tích mẫu đất ở ngay trên lăng mộ Tần Thủy Hoàng cho thấy hàm lượng thủy ngân cao gấp nhiều lần bình thường.
Đây được coi là dấu hiệu cho thấy có thủy ngân bên trong lăng mộ. Yinglan Zhang, nhà khảo cổ học ở Bảo tàng Lịch sử Thiểm Tây tại Tây An, ước tính bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng có tới 100 tấn thủy ngân.
Nếu thực sự có tới 100 tấn thì người Trung Quốc thời xưa kiếm đâu ra lượng thủy ngân lớn đến vậy? Ở thời cổ đại, người Trung Quốc chủ yếu khai thác thủy ngân từ những khoáng vật gọi là chu sa.
Sử sách Trung Quốc nhắc đến tên một người phụ nữ là thương nhân giàu có nhất ở thời Tần Thủy Hoàng. Người phụ nữ này được cho là sở hữu mỏ chu sa khổng lồ từ gia tộc, nên được Tần Thủy Hoàng đặc biệt nể trọng.
Chu sa khi đó còn được người Trung Quốc cổ xưa sử dụng để làm thuốc và có thể liên quan đến việc Tần Thủy Hoàng sai người đi khắp nơi tìm thuốc trường sinh.
Người Trung Quốc thời xưa có thể không chủ đích sử dụng thủy ngân để ngăn người lạ đột nhập vào lăng mộ, nhưng khoa học ngày nay đã chứng minh thủy ngân là chất kịch độc, có thể khiến người trưởng thành mất mạng nếu để một lượng nhỏ thủy ngân xâm nhập vào cơ thể.
Có thể nói, lượng chất kịch độc khổng lồ cùng hàng loạt cạm bẫy ngầm bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng là một trong những lý do ngăn hậu thế tiếp tục giải mã bí ẩn.
Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ Trung Quốc lo ngại rằng một khi hơi ẩm và không khí lọt vào bên trong, những vết tích của khu lăng mộ sẽ bị hủy hoại vĩnh viễn.
Nếu muốn tìm hiểu nơi an nghỉ của Tần Thủy Hoàng, các nhà khảo cổ Trung Quốc cần đến những kỹ thuật khoa học tốt hơn, mà ngày nay chưa thể đáp ứng được.
“Tôi mơ một ngày công nghệ có thể giúp giải mã bí ẩn nơi Tần Thủy Hoàng an nghỉ suốt 2.000 năm qua”, Yongqi Wu, Giám đốc Bảo tàng Tần Thủy Hoàng ở Tây An, nói.
Để bảo vệ khu lăng mộ, giúp hoàng đế an nghỉ vĩnh hằng, người thời xưa đã xây dựng hàng loạt cạm bẫy bao gồm cung nỏ, máy bắn tên tự động…
Các loại vũ khí này được thiết kế để có thể giết chết bất kỳ kẻ nào dám xâm phạm. Con trai Tần Thủy Hoàng còn ra lệnh chôn sống các thê thiếp không có con với cha, để có thể đi tiếp cùng ông ở thế giới bên kia.
Sau khi lễ an táng kết thúc, lối vào lăng mộ bị bịt kín. Những người tham gia vào công tác xây dựng cũng bị nhốt bên trong để không ai có thể tiết lộ bí mật ra ngoài. Cuối cùng, thực vật được trồng trên lăng mộ để tạo thành một ngọn đồi nhân tạo.
Sau thống nhất Trung Hoa, lên ngôi hoàng đế, Tần Thủy Hoàng không sắc phong hoàng hậu mà lựa chọn rất nhiều thiếu nữ xinh đẹp trong cả nước làm phi tần.
Những phi tần này hạ sinh khoảng 40 hoàng tử và công chúa, theo sử gia nổi tiếng Tư Mã Thiên. Các sử gia Trung Quốc cho rằng, tổng cộng hơn 30 người con trai và con gái của Tần Thủy Hoàng bị thảm sát sau khi hoàng đế qua đời.
- Xem thêm: Mộ tặc, sự cám dỗ nguy hiểm
Sử ký của Tư Mã Thiên ghi chép 10 công chúa phải chịu cảnh phanh thây. Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng ở Tây Bắc tỉnh Thiểm Tây là lăng mộ lớn nhất thế giới cho đến nay.
Các cấu trúc trên mặt đất và dưới lòng đất trải rộng hơn 56km2, gấp 78 lần Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh. Lăng mộ nổi tiếng thế giới với đội quân đất nung mà các nhà khảo cổ đã khai quật.
Nhưng kiến trúc cốt lõi là gò đất hình kim tự tháp cao 76m, chứa quan tài của hoàng đế và kho báu thì hầu như chưa được khám phá.
Các chuyên gia cho rằng việc liều lĩnh khai quật nơi an nghỉ của Tần Thủy Hoàng có thể làm hỏng sự cân bằng của cấu trúc ngầm, gây ra tổn thất khó lường. Đó là lý do Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa mạo hiểm mở phong ấn lăng mộ.
Con trai và phi tần bị thảm sát?
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc mới đây đã tái hiện chân dung hai người nghi là con trai và phi tần của Tần Thủy Hoàng, bị thảm sát cách đây 2.300 năm.
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), con trai và phi tần của hoàng đế Trung Hoa đầu tiên, Tần Thủy Hoàng, bị thảm sát trong một trong những cuộc thanh trừng và nổi dậy lớn nhất của nông dân Trung Quốc.
Các nghiên cứu tìm thấy hài cốt bị phân xác của người phụ nữ khoảng 20 tuổi trong tổ hợp khoảng 100 ngôi mộ ở lăng mộ của hoàng đế Tần Thủy Hoàng ở Tây An, Trung Quốc. Đây chỉ là một trong số hàng loạt hài cốt phụ nữ trẻ trong lăng mộ.
Dựa theo phân hạng và đồ mai táng tìm thấy, nhóm khảo cổ cho rằng họ có thể là phi tần và người hầu của hoàng đế. Một số hài cốt bị phân xác và đặt bên ngoài hành lang dẫn tới mộ thất được cho là chứa thi thể của các phi tần.
Các nhà nghiên cứu suy đoán những phụ nữ bị giết theo nghi thức cúng tế sau cái chết của hoàng đế Trung Quốc. Bằng chứng là những người hành quyết dường như không bận tâm tới tuổi tác hay tước vị.
Nhóm khảo cổ phục dựng gương mặt của một phụ nữ có tước vị cao trong mộ, có thể là phi tần của vị hoàng đế này.
Nhóm nghiên cứu còn tìm thấy hộp sọ của người đàn ông từ cụm mộ tách biệt ở làng Shangjiao thuộc vùng ngoại vi phía Đông lăng mộ.
Một đầu mũi tên bằng đồng cắm vào xương thái dương bên phải gần đáy sọ. Đầu và tứ chi bị chặt khỏi cơ thể và đặt trên nắp rương đựng kho báu trong quan tài.
Hài cốt của những người đàn ông và phụ nữ trẻ khác trong các ngôi mộ gần đó cũng bị phân xác theo cách tương tự. Họ được chôn cùng với nhiều đồ tạo tác quý giá, bao gồm gốm sứ, trang sức ngọc bích, lụa, kiếm đồng, đồ bạc và vàng thỏi.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng số hài cốt này có thể là thành viên hoàng tộc, bị sát hại trong cuộc thanh trừng quy mô lớn xảy ra không lâu sau khi hoàng đế Tần Thủy Hoàng qua đời.
Người đàn ông có thể là chính là con trai Tần Thủy Hoàng, khoảng 30 tuổi, có đôi mắt hình hạnh nhân và cánh mũi to.
Li Kang, phó giáo sư tại Trường Khoa học và Công nghệ Thông tin thuộc Đại học Đông Bắc, Tây An, rất tin tưởng vào kết quả này. Nhưng điều này cũng làm dấy lên nhiều tranh cãi giữa các nhà khảo cổ.
Hai gương mặt, đặc biệt là chân dung người phụ nữ, thể hiện sự khác biệt chủng tộc so với kiểu mặt đặc trưng của người Hán. Một số nhà nghiên cứu suy đoán người phụ nữ có gốc gác phương Tây, có thể là người Ba Tư hoặc châu Âu.
Vũ khí đồng
Vũ khí bằng đồng của đội quân đất nung nổi tiếng bảo vệ hoàng đế Trung Quốc Tần Thủy Hoàng vẫn sáng bóng nguyên vẹn sau 2.000 năm khiến các nhà nghiên cứu sửng sốt.
Theo Science Alert, việc số vũ khí này còn nguyên vẹn như mới là một điều kỳ lạ. Trước đây, các nhà khoa học cho rằng, vũ khí vẫn còn sáng bóng như mới là vì có một lớp oxit crom bảo vệ bên ngoài.
Đây được coi là sản phẩm của cuộc cách mạng kỹ thuật vĩ đại cách đây hơn 2.000 năm thuộc triều đại nhà Tần ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đăng tải trên Tạp chí Scientific Reports đã bác bỏ điều này. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đến từ các trường đại học Anh, Mỹ đã nghiên cứu kỹ lưỡng 464 mũi tên bằng đồng, lưỡi kiếm, đai chuôi, cung… trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy vũ khí trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng được phủ một lớp sơn mài, chứ không phải được nhúng vào dung dịch oxit crom một cách trực tiếp.
Chính sơn mài và đất là những thứ người xưa dùng để tránh khỏi sự ăn mòn của các đồ vật kim loại trong thời gian dài.
Ngoài ra, thiếc được trộn lẫn trong vũ khí bằng đồng của đội quân đất nung cũng giúp bảo quản hiện vật suốt hàng ngàn năm, các nhà nghiên cứu cho biết.