Bạn sẽ nói gì khi có ai đó yêu cầu kể về Ai Cập? Có lẽ bạn sẽ đề cập đến kim tự tháp và tượng nhân sư, kế tiếp là chiếc mặt nạ bằng vàng của vua Tutankhamun hoặc các vị thần mình người đầu thú.
Có lẽ bạn sẽ chợt nhớ ra mình chưa đề cập về xác ướp. Tuy nhiên, bạn thực sự biết được bao nhiêu vấn đề xung quanh các xác ướp Ai Cập thời cổ đại? Chúng không chỉ là một thi hài được bọc vải lanh, nằm trong quan tài với hai tay khoanh trước ngực.
1. Phải trả bao nhiêu tiền để được ướp xác?
Theo ghi chép của một người Hy Lạp đã từng đến Ai Cập du lịch vào khoảng năm 57 trước Công nguyên, để ướp một cái xác với chất lượng tốt nhất (giá cũng đắt nhất), người đặt dịch vụ phải mất một talent bạc (khoảng 30kg).
Đây là giá cả của triều đại Ptolemaic (vương triều cuối cùng của Ai Cập cổ đại, tồn tại từ năm 300 đến năm 30 trước Công nguyên), khi những xung đột về quyền lực trong triều có thể đã dẫn đến sự lạm phát về kinh tế.
Chi phí về nguyên vật liệu ướp xác (tính theo giá trị ngày nay) bao gồm vải lanh, chất natri cacbonat decahydrate, nhựa và chất thơm, tổng cộng khoảng 3.600 USD. Chi phí ướp xác cao nhất lên đến gần 70.000 USD.
Tuy nhiên, chi phí ướp xác thú nuôi có giá từ 7.000 USD đến hơn 100.000 USD. Để tiện so sánh, chi phí một đám tang và chôn cất tại Mỹ vào năm 2017 có giá từ trung bình 7.000 USD đến 10.000 USD và chi phí hỏa táng khoảng 1.000 USD.
2. Xác ướp được dùng làm thuốc chữa bệnh
Việc sử dụng xác ướp làm thuốc chữa bệnh đã có từ năm 400 cho đến thế kỷ 19. Quan điểm này dựa trên việc sử dụng chất bitum (nhựa đường) tự nhiên mà người châu Âu tin rằng người Ai Cập đã dùng để ướp xác.
Trong thực tế, xác ướp hoàn toàn vô dụng khi dùng làm thuốc vì người Ai Cập cổ đại đã sử dụng nhựa thông (rẻ tiền hơn) để thay thế bitum; do vậy mà nó không có lợi cho sức khỏe. Thậm chí khoa học đã xác nhận rằng bitum là chất có thể gây ra ung thư.
Trong thời Trung cổ, những người có tiền sẽ mua xác ướp về để dùng làm thuốc. Niềm tin rằng thuốc được chế biến từ xác ướp có lợi cho sức khỏe tiếp tục kéo dài cho đến những năm 1800.
Khi xác ướp trở nên khan hiếm, bọn tội phạm dùng các tử thi bị mất nước để làm giả xác ướp. Tương truyền, vua Charles II của Anh đã cho nghiền xác ướp thành bột và dùng chúng bôi lên da để hấp thu năng lực “bí ẩn” của xác ướp.
Xác ướp cũng có thể được nghiền nát và trộn với mật ong để tạo ra một loại xi-rô dược liệu có vị ngọt.
Trong quá khứ, người Ai Cập cổ đại từng ngâm xác ướp trong mật ong (một quá trình được gọi là mellification) để dùng cho mục đích chữa bệnh. Họ tuyên bố nó là loại thần dược có khả năng chữa trị được mọi căn bệnh.
3. Ướp xác động vật
Sự thật là người Ai Cập cổ nuôi động vật và giết chúng phục vụ cho mục đích ướp xác. Xác ướp của những con vật này phục vụ cho các nghi lễ tôn giáo truyền thống, vì các vị thần Ai Cập thường có liên quan đến loài vật, và các con vật được xem là hóa thân của các vị thần.
Ví dụ: nữ thần Bastet, con gái của thần Mặt trời Ra, có liên quan chặt chẽ với loài mèo. Các loài vật được chôn cất trong quan tài và các lăng mộ, đặc biệt là cho các vị thần hoặc nữ thần mà chúng tượng trưng hoặc có ý nghĩa với họ.
Mặc dù một số lượng xác ướp động vật khổng lồ được thực hiện ở Ai Cập thời cổ đại, nhưng nó không thể so sánh với việc ướp xác người, tuy việc ướp xác con người phức tạp và mất nhiều thời gian hơn.
Hầu hết xác ướp động vật được mua bởi những người hành hương đến đền thờ các vị thần hoặc nữ thần cụ thể.
Họ sẽ bỏ ra một khoản chi phí và các tu sĩ sẽ chôn những con vật trong nghĩa trang của ngôi đền như một hình thức tôn kính một vị thần hoặc nữ thần. Mèo, khỉ đầu chó, cá, cá sấu và bò đực là những con vật phổ biến được ướp xác.
4. Ướp xác để người chết có thể đi về thế giới bên kia
Ướp xác đúng phương pháp được cho là khía cạnh quan trọng nhất trong việc thực hiện nghi thức tôn giáo Ai Cập cổ đại.
Người Ai Cập cổ đại tin rằng ướp xác đúng phương pháp là yếu tố cần thiết để người chết có thể bước vào thế giới bên kia.
Họ tin rằng người chết sẽ dùng lại cơ thể của họ trong cuộc hành trình sang thế giới bên kia; đó là lý do tại sao người Ai Cập cổ đại tiến hành bảo tồn cơ thể của người đã chết.
Một phần của cuộc hành trình này là người chết phải trải qua sự phán xét của Osiris (vị thần của thế giới bên kia) và 42 vị quan tòa của cõi âm ty.
Anubis, thần xác ướp, sẽ hướng dẫn người chết thực hiện cuộc hành trình về cõi âm ty của họ, và Thoth, vị thần trí tuệ, sẽ cân nhắc linh hồn của người đã chết. Linh hồn người chết sẽ được thần Ra dẫn dắt sang thế giới bên kia.
Tôn giáo của người Ai Cập cổ đại được dựa trên cái chết và thế giới bên kia. Việc thực hành ướp xác ngày càng phức tạp, thực sự trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế Ai Cập cổ đại.
Vì việc tiến hành ướp xác cũng yêu cầu các dịch vụ của thợ làm tóc, thợ trang điểm, cũng như các thợ thủ công để xây dựng quan tài bằng đá, chưa kể đến việc xây dựng kim tự tháp và các lăng mộ ít phức tạp hơn.
5. Trang điểm cho xác ướp
Ngoài việc ướp xác để bảo quản cơ thể người chết, xác ướp còn được trang điểm rất đậm để trông giống như khi còn sống.
Trong quá trình tiến hành ướp xác, xác của người quá cố được nhuộm màu. Đàn ông sẽ được nhuộm màu đỏ, còn phụ nữ có màu vàng.
Xác ướp cũng được gắn mắt giả làm bằng thủy tinh hoặc đá (trước đây những củ hành tây nhỏ được sử dụng để tạo ảo giác về mắt), và được gắn tóc giả hoặc dùng các sợi nylon kết thêm vào tóc. Xác ướp trong giai đoạn cuối (trước khi quấn vải) được trang trí bằng vàng lá bôi trực tiếp lên da.
Một số hình thức trang điểm ngày nay là bắt chước kiểu trang điểm của người Ai Cập cổ đại, bao gồm phấn kohl (phấn đen đánh mi mắt), bút kẻ mắt bằng than đen.
Người Ai Cập cổ đại thậm chí còn vẽ móng tay cho xác ướp với hình thức henna. Henna sử dụng như hình xăm thực sự đã được người Ai Cập cổ đại sử dụng từ lâu trước khi nó trở thành phổ biến ở Ấn Độ.
Vua Ramses I của Ai Cập đã được tìm thấy với móng tay của ông sơn màu cam đậm, cho thấy có sự hiện diện của henna hoặc một loại thuốc nhuộm khác.
Những người làm đẹp giữ vai trò quan trọng của văn hóa Ai Cập và được coi là gần gũi với nữ thần Hathor (nữ thần bầu trời, tình yêu, niềm vui, sắc đẹp, nghệ thuật, phụ nữ, thợ mỏ và tình dục).
Tóc giả là một yếu tố khác của vẻ đẹp ở Ai Cập cổ đại đã được tích hợp trong quá trình ướp xác điển hình. Tuy nhiên, tóc giả không chỉ dành riêng cho người chết vì nhiều người Ai Cập thời đó đã cạo đầu.
6. Những xác ướp tự nhiên
Người Ai Cập cổ đại ban đầu không biết về các quy trình hay phương pháp ướp xác bài bản cho đến khi nền văn minh của họ đạt đến độ phát triển nhất định.
Ban đầu người chết được chôn vùi trong cát và môi trường khô hạn sẽ bảo quản thi thể. Họ phát hiện rằng khi chôn người chết trong cát, thi thể sẽ không bị phân hủy sau nhiều năm.
Điều này đã khuyến khích họ tiến hành ướp xác theo những cách mà họ nghĩ ra nhằm đảm bảo xác ướp chỉ bị phân hủy tối thiểu; nó còn mang ý nghĩa tâm linh là giúp cho người chết có sự sống vĩnh hằng.
Một khi người Ai Cập tin rằng việc phân hủy là do sự tác động của các yếu tố bên ngoài, họ bắt đầu tìm hiểu các phương pháp bảo quản thi thể người chết, nhưng phải mất đến 800 năm, họ mới thực hiện việc loại bỏ các cơ quan để ngăn ngừa sự thối rửa.
Vào năm 3400 trước Công nguyên, người Ai Cập cổ đại bắt đầu bọc xác ướp bằng vải lanh, nhưng chỉ đến năm 2600 trước Công nguyên, họ mới thường xuyên loại bỏ nội tạng. Chỉ cách đây 5.500 năm, xác ướp mới bắt đầu được chôn trong mộ và các quan tài đá.
Hiện tượng ướp xác tự nhiên vẫn xảy ra ở những nơi mà thi thể không tiếp xúc với không khí hoặc những nơi ẩm thấp.
Người ta tìm thấy các xác ướp tự nhiên được bảo quản trong hàng trăm, hay hàng ngàn năm tại những nơi có khí hậu khô cằn như các sa mạc của Ai Cập, cũng như tại các vùng đất băng giá hay trong các đầm lầy.
7. Quy ước về việc thể hiện cánh tay xác ướp
Vị trí sắp xếp của cánh tay xác ướp có ý nghĩa thực sự quan trọng. Ví dụ: khoanh tay trước ngực là hình ảnh phổ biến nhất có liên quan đến xác ướp, thể hiện rằng xác ướp này là người của hoàng gia.
Xác ướp của thời kỳ Predynastic dùng tay che mặt, với cánh tay cong vào ở khuỷu tay. Xác ướp của thời kỳ Old Kingdom và Middle Kingdom được biểu thị với hai tay để xuôi ở hai bên, hoặc đôi khi bàn tay xếp chồng lên nhau ở phần dưới bụng.
Trong thời kỳ Ramses II, xác ướp được thể hiện bằng cánh tay khoanh lại phía dưới ngực, còn cánh tay gập lại với bàn tay đặt trên vai là dấu hiệu người chết thuộc về giai đoạn sau của lịch sử Ai Cập.
Cánh tay khoanh chéo là cách thức điển hình chỉ được sử dụng ở thời kỳ New Kingdom cho những người nam có huyết thống hoàng gia.
8. Ướp xác với chi phí rẻ hơn
Ở Ai Cập cổ đại, các tầng lớp thấp thường chỉ có khả năng chi trả cho việc ướp xác tối thiểu (giảm bớt công đoạn).
Chi phí ướp xác sẽ không bao gồm quan tài bằng gỗ, đá và chỉ tiến hành khử nước trong thi thể, giữ lại một số ít hoặc phần lớn nội tạng.
Bộ óc được coi là ít quan trọng nhất, do vậy nó thường bị loại bỏ. Phương pháp ướp xác ban đầu và ướp xác không hoàn chỉnh thường lấy bộ óc ra khỏi hộp sọ bằng đường mũi.
Đôi khi, các gia đình nghèo chỉ quấn người chết trong vải và chôn trong sa mạc vài ngày hoặc vài tuần để làm khô chúng. Sau đó, các khoang bên trong cơ thể sẽ được rửa sạch bằng dung môi và xác chết sẽ được chôn trong một nghĩa trang.
Ngược lại, lăng mộ của những người giàu có và hoàng gia được tô vẽ một cách công phu với những chữ tượng hình trích từ “cuốn sách của người chết”, hoặc từ các văn bản nằm bên trong kim tự tháp.
Sự phân chia ranh giới giữa người giàu và người nghèo ở Ai Cập cổ đại thể hiện đặc biệt rõ ràng trong việc thực hiện các nghi thức chôn cất.
9. Bình đựng nội tạng
Người Ai Cập cổ đại coi phổi, gan, dạ dày và ruột là quan trọng nhất trong việc ướp xác. Thợ ướp xác sẽ rạch một đường ở bên sườn trái và lấy chúng ra khỏi thi thể.
Chúng sẽ được giữ trong các bình kín gọi là canopic jar, được tạo hình theo bốn vị thần Ai Cập cổ đại, là bốn người con trai của thần Horus, với niềm tin là họ sẽ bảo vệ các cơ quan này cho người chết.
Mỗi bình đựng nội tạng có một cái đầu khác nhau, bao gồm đầu của khỉ đầu chó, đầu chó rừng, đầu người và đầu chim ưng.
Thợ ướp xác sẽ để lại quả tim cho người chết vì người Ai Cập cổ đại quan niệm tim là hiện thân của trí tuệ và người chết sẽ cần nó khi đi sang thế giới bên kia.
Có thể là trong thời gian đầu các cơ quan nội tạng bị loại bỏ vì chúng làm cho thi thể bị phân hủy nhanh hơn.
Theo thời gian, việc thực hành này phát triển thành niềm tin tôn giáo với suy nghĩ rằng các bộ phận này cần thiết cho người chết trong cuộc hành trình của họ qua thế giới bên kia.
10. Lời nguyền của xác ướp
Khái niệm về xác ướp hoặc lăng mộ bị nguyền rủa không phải do người Ai Cập tạo ra mà là do sự phóng đại của các nhà văn, nhà báo.
Cơ sở duy nhất của những lời nguyền này là lời đe dọa được viết trên các ngôi mộ về sự trừng phạt của thần thánh vì không tôn trọng người chết, với mục đích chủ yếu là ngăn cản những tên cướp mộ.
Mặc dù trên một số xác ướp có sự hiện diện của các loại nấm mốc cổ xưa, các nhà khoa học đã xác định rằng chúng không nguy hiểm.
Các cảnh báo bằng văn bản chống lại việc mở các ngôi mộ của Ai Cập có niên đại từ thời Trung Cổ và mô tả những phẩm chất tà ác và siêu nhiên từ những xác ướp. Lời nguyền có mục đích nổi tiếng nhất là lời nguyền từ lăng mộ vua Tutankhamun.
Nhà tài trợ cho việc khai quật mộ Tutankhamun đã chết vì bệnh do muỗi sinh ra; và Howard Carter, người phát hiện ra ngôi mộ, đã chết 16 năm sau đó.
Ý tưởng về một lời nguyền được lan truyền từ tác phẩm của nhà văn trinh thám nổi tiếng Sir Arthur Conan Doyle. William Shakespeare cũng có một lời nguyền rủa trên mộ của mình với hy vọng ngăn chặn sự quấy rầy của những tên cướp mộ.