Cu Bin con chị Hòa năm nay học lớp 4. Là một đứa trẻ ngoan và hơi nhút nhát, nhưng mỗi khi không vừa ý điều gì đó thì thật khó tưởng tượng được đó chính là cu Bin.
Hôm đó, tivi có phim hoạt hình khá hay, nhưng muốn xem tin tức nên chị Hòa chuyển tivi sang kênh tin tức. Cu Bin đang thích thú với bộ phim, cụt hứng quay sang mẹ giành lấy remote bật lại kênh cũ. Chị Hòa bực mình: Con ăn cho xong rồi nghỉ trưa, chiều đi học chớ. Nói rồi chị lấy lại cái remote. Cu Bin không vừa, giằng lại, hai mẹ con cứ thế giằng co. Cuối cùng chị Hòa bực quá, tắt luôn tivi, thế là cu Bin nổi điên. Nó gào lên, buông chén cơm không thèm ăn, thuận chân đạp đổ luôn cái ghế. Thằng bé có tật khóc dai, khóc rả rích, bỏ cơm…
Tâm học lớp 5. Là học sinh giỏi, ngoan, hạnh kiểm tốt, trong lớp hòa đồng với bạn bè. Thế nhưng, có những lúc cậu ta hành động bất thường như đánh hay chửi bạn, đôi khi chỉ là chuyện rất nhỏ nhặt như bạn giỡn, giấu cây bút của Tâm. Những cơn bốc giận của trẻ em như thế là hành động không kiểm soát được do phản xạ tự nhiên khi không vừa ý.
- Xem thêm: Những lời cha dạy con trai
Giận là tình cảm tự nhiên, là một trong những xúc cảm của con người như sợ hãi, sung sướng, buồn bã, ghê tởm, ngạc nhiên… Nhưng nổi giận thì hết sức nguy hiểm. Người lớn có thể kiềm chế cơn giận, kiểm soát hành vi do đã từng trải, có kinh nghiệm về những hệ quả của cơn giận, thế nhưng đối với trẻ em thì đây có thể gần như là hành động vô thức.
- Xem thêm: Dạy con chẳng phải chuyện riêng ai
Vậy, chúng ta phải làm gì để hóa giải cơn bực tức của con trẻ? Bạn hãy nghiên cứu và thử vận dụng những lời khuyên sau đây:
- Giảng giải cho con biết hậu quả của cơn giận: Đợi lúc tất cả mọi chuyện đã xong xuôi, bạn hãy nhẹ nhàng phân tích cho con cái hiểu được hậu quả của cơn giận như bị đòn, hư công, hư việc hay làm cho cha mẹ buồn. Tuyệt đối không nên to tiếng mắng nhiếc con cái khi chúng đang nổi giận. Cố gắng làm điều gì đó thật ấn tượng để tạo cho con cái thói quen tốt là nhớ đến lời mẹ dặn mỗi khi định nổi trận lôi đình.
- Hãy tập cho con suy nghĩ trước khi nói: Những người mẹ nóng tính thường hay nạt trước, sau đó mới nghĩ lại là mình đã nóng nảy với con. Nếu muốn dạy con kiềm chế cơn giận, bạn hãy tập kiềm chế mình trước. Thay vì quát mắng đứa con ham coi tivi, không chịu học bài, bạn hãy tắt máy rồi nói với con một cách nhẹ nhàng nhưng cương quyết: “Mùa thi sắp tới rồi, con sẽ có một mùa hè tha hồ coi tivi”. Hãy luôn nhắc nhở con cái rằng nếu không muốn phải nói lời xin lỗi ai thì hãy suy nghĩ trước khi hành động.
- Phân tích sự việc và hậu quả của cơn giận: Hãy cùng ngồi lại với con và phân tích nguyên nhân nào dẫn đến sự nổi giận và hậu quả như thế nào. Cuối cùng hãy thỏa hiệp với con là cả mẹ và con đều cố gắng kiềm chế.
- Có khi đứa trẻ nổi giận vì một sự mong đợi mà không được, hay ai đó đã lấy mất cơ hội của nó. Bạn hãy cố gắng khám phá điều này và lựa lời khuyên giải con. Cố gắng làm cho chúng hiểu rằng điều mong đợi đó không phải là tất cả, vẫn còn nhiều thứ khác tuyệt vời hơn nữa. Nói chung là làm thế nào thay đổi được cái nhìn của con trẻ để chúng không bị tuyệt vọng.
- Hãy đặt mình vào hoàn cảnh người khác: Bạn hãy nói cho con cái hiểu rằng nếu chúng vào ở trường hợp người mà nó giận thì sẽ như thế nào? Ai cũng có lý riêng của mình, nếu chúng ta biết thông cảm tức thì cơn giận sẽ được hóa giải.
- Hãy hướng dẫn con cách tự giải thoát khi nổi nóng: Dạy con hít vào thật sâu, rồi thở ra chậm rãi. Tập uống nước lạnh, đi bộ ngoài trời hay làm điều gì đó để xoa dịu cơn giận. Mỗi khi nóng giận hãy cố gắng tự hỏi điều đó có đáng làm cho trái tim mình mỏi mệt không?