Rộ lên những tấm gương người Nhật để so sánh, mỗi khi ở Việt Nam xuất hiện các hiện tượng và sự kiện… “không thể tin nổi”. Chẳng biết từ bao giờ thi nhau nấu bánh chưng mấy tấn thiu thối đổ đi hoặc bê bối nhân viên vã mồ hôi bốc từng miếng chia vào hộp cho khách tham dự ăn.
Cũng chẳng biết tự bao giờ cái nhìn kính trọng của thế giới với “Việt Nam – lương tâm thời đại” dũng cảm vô song nay bỗng phải dùng chữ Việt ở các nhà hàng, siêu thị nhắc các điều xấu hổ?
Rồi giật mình ở đâu ra cả triệu gương mặt ăn thua đủ sấn sổ giành giật những thứ… “chẳng biết là cái quái gì” như cái… cành phất (cha mẹ ơi, từ nhỏ đến giờ mới nghe, có người không hiểu là cái gì).
Chen chúc trèo rào, bế cả con trẻ vượt qua cọc nhọn tường cao toạc cả áo quần chỉ để… tắm một lần miễn phí. Hoặc đi lễ giỗ Tổ vừa mới đây. Suýt chết ngạt, cảnh sát giải cứu trẻ con (mà chẳng thấy ai nói một lời cảm ơn họ nhỉ?)…
Kể để “dẫn nhập” vậy thôi, còn nhiều lắm, thống kê không hết. Tránh bị liệt vào thói… ném đá vung vít.
- Xem thêm: Tìm nơi đáng sống
Có người nói, sở dĩ dân Nhật đứng xếp hàng bình tĩnh chờ xe đón chạy khỏi nơi sắp chết do động đất hoặc xếp hàng bình tĩnh chờ nhận cơm nắm, hoặc vào siêu thị có ý thức để phần cho người khác, không “vét hàng” dù đang rất khó khăn, là vì họ biết đất nước họ có tổ chức, sẽ được cứu, chen chúc sẽ chết trước, và chắc chắn có được nắm cơm. Họ biết nay mai thôi, hệ thống siêu thị lại đầy đủ hàng hóa.
Là bởi họ biết đất nước mình là một xã hội có tổ chức. Và chỉ có sức mạnh của một xã hội có tổ chức mới cứu được họ. Nỗ lực và trách nhiệm của cá nhân là tuân thủ, giữ kỷ luật, đóng góp vào chứ đừng phá hỏng con đường sẽ cứu sống chính mình. Trật tự thì mới đi nhanh, xông lên là tắc nghẽn không ai đi được, xông lên thì tất cả cùng chết hết.
Thế thì giả sử, cho phép “xin đổi” sang làm… dân Nhật, những kẻ bất trị của Việt Nam có trở nên văn minh hay không?
Câu hỏi này… len lỏi trong chi tiết đời sống. Một bà vợ quá bất lực trước ông chồng làm gì cũng ẩu tả, bèn ước “cho ông sang Nhật” người ta trị cho. Nơi ấy mọi thứ chỉn chu, nhân viên khách sạn dùng cả cái khăn tay trắng để nhặt chiếc lá rụng…
Câu trả lời là, nếu thành dân Nhật thì không thể tự do làm bậy được. Cũng như không có visa, liệu có thể cứ ở Mỹ được không? Như dân ta ở nhà quê thất nghiệp, cứ chạy lên thành phố buôn bán vỉa hè, thuê nhà ổ chuột không, là nạn nhân của đô thị không? Ôi xứ ta tự do quá, tự do hơn Mỹ còn gì…
Thế sao vẫn có người Việt qua Nhật bị bắt vì ăn cắp ở siêu thị đó thôi? Vì ở một xã hội có tổ chức, hành vi ấy bị “nổi bật” lên ngay, tóm cổ ngay. Vấn đề là phẩm chất cá nhân con người nữa chứ, nhiều người tử tế đâu có vậy?
Chính điều này lý giải vì sao nhiều người Việt lên máy bay chẳng hạn, biết rõ có chỗ ghế của mình không ai lấy mất, biết rõ mình chắc chắn đi được mà vẫn chen chúc sấn sổ? Là vì thành thói quen mất rồi. Bất cứ làm gì cũng phải “xông lên kẻo thua thiệt”.
- Xem thêm: “Mở đường máu”
Là vì không tin rằng trật tự nhường nhịn có thể đóng góp vào sức mạnh tổ chức của một đám đông. Là vì được thấm nhuần “phải tự cứu mình trước khi trời cứu”. Họ hiểu theo cách làm gì có trời, không tin có ai đó sẽ cứu họ.
“Chẳng phải bây giờ mà đã từ lâu chúng ta có nhiều nghiên cứu và học hỏi Nhật Bản. Bài học đã quá rõ. Chúng ta có thể học gì từ người Nhật. Đó là một quốc gia quyết liệt chấn hưng đất nước, quyết liệt trong cải cách đời sống chính trị. Là quốc gia tấm gương tôn trọng con người, quốc gia của sự rèn luyện kiên nhẫn và ý chí, quốc gia có tổ chức xã hội nền nếp”. (Nguyễn Trần Bạt – 2009)
Không thể “cách chức nhân dân” đi đâu được, không thể cho hết người Việt “xin đổi” đi đâu được. Chỉ có cách lãnh đạo quyết liệt chấn hưng đất nước, để người Việt đừng là sản phẩm của một giai đoạn văn hóa nhốn nháo “phá vỡ tiêu chuẩn văn minh mà xã hội Việt Nam từng có được bằng chính trị”. Để cho mỗi người đều có ý thức tử tế… như người Nhật…