Bà nào có con đi du học cũng đều nói: “Nó học giỏi nên tìm được học bổng”. Trong đó thể nào cũng có bà… nói dối. Vừa khoe con giỏi, lại vừa kín đáo tránh tiếng nói là gia đình mình có tiền.
Đi du học do giỏi có học bổng thì oai hơn. Chứ cứ có tiền thì ai chẳng đi học được. Oai nỗi gì. Thật ra cái thói “giấu giàu” là tàn hư lạc hậu rồi. Bây giờ ai cũng phấn đấu để giàu, đường hoàng chẳng việc gì phải giấu.
Một bà nói với người bạn: “Tôi thấy bồ đã lớn tuổi rồi, sao còn nai lưng ra kiếm tiền cho con đi học. Mà con của bồ lớn tướng, sao nó không tự dành dụm đi học, hoặc là săn tìm học bổng. Tôi phản đối kiểu thương con của bồ”. Bà bạn bị phê phán liền chống đỡ: “Những người tự lo tiền đi học cũng có nhưng hiếm lắm. Phải là người giỏi, làm công ty lớn, lương cao, mà phải khoan cái cảnh chồng con, vợ con thì mới đi học được. Cũng thiếu gì người để vợ con, chồng con ở nhà rồi đi học ngoại quốc hẳn hoi, ngày ngày qua webcam cho cha con, mẹ con gặp nhau, hè, tết lo tiền đi về. Cực lắm. Cho nên đi học lúc còn son rỗi là lý tưởng nhất. Như thế phải trẻ. Mà trẻ đồng nghĩa với chưa có tích lũy, không tiền, không kinh nghiệm, không nhiều sự tin tưởng. đó, khó khăn và mâu thuẫn như vậy, đâu phải dễ”. “Ở đời, còn may mắn nữa chứ. Thiếu gì cô cậu thông minh giỏi giang mà không gặp may, thiếu cơ hội để tỏa sáng thì đâu có vươn lên dễ dàng”. Bà lại càng thương con mình nó lận đận.
Rồi như mọi người mẹ, bà luôn tự trách mình, thấy mình có lỗi. Ngày còn nhỏ, nuôi con để nó đau ốm còi cọc. Đi học thì “thả cỏ” đó muốn vơ được chữ nào thì vơ, có ai kèm cặp đâu. Nó đậu vào đại học là quá giỏi rồi, đòi hỏi gì hơn. Nay là lúc bà bù đắp cho con, mà để cho con không gì bằng cho nó kiến thức, học hành. Nghĩ thế nên bà không nao núng trước lời phê phán của người bạn. Mỗi nhà mỗi cảnh. Cha mẹ hy sinh bù đắp cho con, muôn đời đúng. Cứ thế mà làm. Nói ra nói vào lỡ con nó biết, nó buồn khổ thì tội. Rồi bà nghĩ: Đi du học có cái hay, nhưng cũng gian khổ lắm chứ đâu có sang đó ngồi hưởng. Nhà thuê, tự đi chợ nấu nướng. Con trai mà bây giờ phải lên mạng học các công thức nấu ăn. Tính tiết kiệm từng đồng. Hôm nọ nó trưng hình lên facebook một tô cơm có vài lá xà lách với ít trứng chiên, đang bốc khói nghi ngút và viết lời bình: “Cơm trứng chiên, nhớ nhà. Khói huyền bay ra sân”. Một đứa bạn ở Việt Nam tai quái comment: Cơm trứng chiên mà khói nghi ngút coi bộ chiên cháy khét. Chứ trứng làm gì khói dữ vậy! Đọc đến đây, bà chột dạ: Coi chừng đứa bạn nói đúng. Rồi còn cái việc nhắc mẹ gửi tiền. Ngại quá. Lẽ ra giờ này phải nuôi cha mẹ rồi, lại cứ xin gửi tiền. Vì thế cậu ta viết mail nói đủ chuyện về xứ sở, về học hành, bài tập, bạn bè… rồi cái đoạn khó nói nhất phải cho vào mục p/s: mẹ gửi gấp tiền cho con vì sắp tới tháng phải trả tiền nhà.
Thương con quá. Mỗi khi xin tiền thế này nó lại ngại ngùng khổ tâm lắm đây. Bà nhớ lại ngày chiến tranh, đi học đại học sơ tán lên tận rừng núi xa nhà, các cô cậu sinh viên phải tự xây dựng lán trại, đi rừng chặt cây lấy củi về nộp cho nhà bếp. Vừa đói vừa rách nên mỗi khi viết thư về nhà đâu dám kể khổ, lấy đâu ra lý do xin tiền? Nhiều đứa bạn về phép tận Nghệ An, ra đi được mẹ cho mấy ký đậu phộng nhân, cho vào túi vải. Thế là gia tài lớn với sinh viên đói ăn. Chờ tàu xe ngủ vật vờ ngoài ga. Đã buộc hẳn cái dây túi vào cổ, còn bịch đậu phộng làm gối để chợp mắt. Vậy mà kẻ trộm tháo ra đem đi lúc nào. Mở mắt thấy mình nằm tênh hênh, bịch đậu phộng không cánh mà bay, chỉ muốn khóc. Vừa sợ, vừa tức, vừa tiếc. Vì vậy mỗi khi viết thư xin tiền, cũng thường cho vào tái bút, làm như sực nhớ ra: “À quên, mẹ gửi tiền cho con vì nhà bếp dọa sẽ cắt cơm nếu nộp tiền muộn…”. Câu chuyện đã mấy chục năm, cái tái bút ấy lặp lại ở cái p/s trong mail cậu con quý tử…
Mỗi thời mỗi khác, mà sao tâm tình vẫn giống nhau y chang… Quả là truyền thống bất diệt thật rồi.