Giờ đây không sinh đẻ nhiều, ai cũng quý chiều con cái là lẽ đương nhiên. Nhiều bậc cha mẹ xác định sẽ không có giai đoạn hưởng nhàn bởi nhiều lẽ. Thời trẻ thì đã trôi qua trong sinh nở nuôi con, phấn đấu học hành và tạo dựng sự nghiệp.
Sinh con ra, mong cho con rụng rốn, biết hóng chuyện, biết lẫy, biết bò… Con lớn chút nữa lại phải tất bật đưa đón đến trường, học thêm… Quay qua, quay lại thì cha mẹ đã trên dưới 40. Dù bước vào tuổi cao, người ta tiếp tục phải phập phồng lo trước mỗi bước đi may rủi của con, hết chuyện thăng tiến nghề nghiệp đến dựng vợ, gả chồng. Rồi đến đoạn lo nhà cửa, kết thúc sự nghiệp để lui về tuổi già. Vậy mà chưa hết: các con cứ tối mắt tối mũi trong làm ăn, lại phải lo hỗ trợ chúng, phải để mắt lo cho cháu. Một cặp vợ chồng trẻ gọi là thành đạt, vừa sinh đẻ vừa nuôi nấng hai đứa con cũng quay cuồng, cần nhiều trợ giúp lắm. Thế là trọn một vòng đời lao nhọc. Ðó mới chỉ là cuộc đời bình thường, may mắn, suôn sẻ, không hoạn nạn, biến động gì nhiều. Vậy mà đôi khi nhìn lại kết quả của gia đình – vào những “cậu ấm cô chiêu”, lại thấy sao “quy trình” của các gia đình khá giống nhau, mà kết quả lại hoàn toàn khác. Ngay trong một khu phố, có khi các ông các bà đều hoàn thành đầy đủ trách nhiệm của mình, vậy mà các con của họ khác nhau nhiều lắm.
“Con nhà X chịu học, ngoan, còn con nhà Y thì quậy phá quá trời!”. Có người không thể giải thích sao, đành đơn giản giải thích rằng “nhà ấy được hưởng phúc”. Có vẻ điều đó như số phận, như có ai đó ở đâu ban cho, rất khó giải thích. Cả hai gia đình ấy đều là cán bộ cả, vậy mà nhà A con cái đều học hết đại học (dù cha mẹ cũng bao nhiêu phập phồng lo âu), rồi chúng tự lực thi tuyển và làm việc chăm chỉ, có khi nhảy cóc ba bốn công ty, cha mẹ có hoảng hồn tí chút mà rồi cũng xong. Lớn lên đứa nào đứa nấy xây dựng gia đình yên ổn. Cũng một hoàn cảnh, nhà B thì lộn xộn, con cái học hành không xong, cho đi bộ đội rèn luyện thì không dám, cố chạy tiền để cho con đi du học với hy vọng: “Cho nó tập sống tự lực, biết đâu sẽ có nhiều thay đổi. Rủi mà không học được đại học thì cũng có một ít tiếng Anh, về xoay vào công ty, cơ quan nào đó”. Khốn nỗi cậu quý tử học ở nhà, xài tiếng mẹ đẻ còn chẳng xong thì sao sang nước người, học bằng một ngôn ngữ khác, khó hơn nhiều, làm sao mà “ngon xơi” được. Thế là xài hết một đống tiền, anh chàng ra về tay trắng, kiến thức, bằng cấp không thấy đâu, chỉ thấy một chàng “Tây con” ăn xài đồ hiệu, nước hoa thơm lừng, đi trong khu phố chẳng chào hỏi ai, khinh người như rác. Những chàng, những nàng này chê bai cả Tây, tỏ ra cái gì cũng biết, cũng sành sỏi. Một nhà báo đã từng nhận xét: Ðừng tưởng họ thiếu tự tin khi xài tiền của cha mẹ. Xài tiền không phải do mình kiếm ra mà họ coi tiền cũng nhẹ như “lông gà thời cúm gia cầm”. Họ còn nói nhiều câu chuyện đùa cợt thoải mái, cho rằng thế hệ già đã “lẩm cẩm”, dù có tiền nhiều nhưng vẫn “không ra vấn đề”, chẳng biết tính toán, không biết từ những loại máy móc sinh hoạt, các loại băng đĩa, các nhạc phẩm hiện đại cho đến việc không biết thụ hưởng.
Rồi chính những ông bà “cổ lỗ sĩ” lại phải cố nặn trong đầu xem có mối quan hệ ơn nghĩa, thân quen nào để gửi gắm các “cậu ấm, cô chiêu” dở dở dang dang này vào một cơ quan, công ty nào đó. Vìø thế, chưa tốn một giọt mồ hôi xây dựng cơ nghiệp, những người trẻ đặc biệt ấy còn xài sang hơn cả những đồng nghiệp của mình: xe đi phải xịn, phải láng coóng, có đứa tự lái ô tô, ăn mặc sành điệu, lại có thế lực thân quen. Chỉ có điều là các chàng, các nàng này được ghi nhớ vì họ là con ông X, là cháu bà chứ không phải vì có năng lực làm việc tốt hay tâm tính dễ thương…
Ðó có là số phận không? Có phải do hưởng phúc không? Có thể đó cũng là một cách hưởng phúc, nhưng hưởng ngay từ thế lực và đồng tiền của cha mẹ. Còn hưởng phúc theo cách truyền thống tự lực trên một nền văn hóa tốt thì khác hẳn cả về diện mạo và chất lượng. Vậy nên mới có kết luận rằng hưởng phúc cũng có chất lượng khác nhau cả đấy!