Thỉnh thoảng gia đình mới sum họp. Thì ở trong nước cũng thế. Cha ôm con ở quê nhà miền Trung, mẹ vô Sài Gòn buôn thúng bán bưng (gánh tàu hũ, bánh tráng, vé số đã thành “thương hiệu”).
Còn khổ biết mấy chen tàu xe ngày tết. Nhưng cô đó – lớp người có học hành, tuổi trẻ lại ly tán kiểu cao cấp hơn. Thí dụ chồng đang làm tiến sĩ ở Mỹ, vợ học thạc sĩ ở Singapore, con nhỏ gửi bà ngoại nuôi ở Sài Gòn. Còn kêu ca nỗi gì, bao nhiêu người mơ chẳng được. Thành ra không dám kêu khổ.
Hay đó là cái khổ cao cấp hơn, mà con người bây giờ cho là thường, là tiến bộ văn minh? Hỏi thăm, cô bạn nói, căng thẳng lắm. May có mạng internet nên tối nào cũng gặp nhau trò chuyện. Các bạn Tây rủ đi chơi, thì câu trả lời là “tao còn bận online chat với con”. Ăn thì căn-tin, ngán tận cổ, hôm nay chỗ này, mai đổi chỗ khác có đồ ăn châu Á.
“Thức ăn Sing thế nào?”. “Chán kinh khủng”. “Bên đó sướng lắm hả?”. Thì cứ hình dung như quận 1 của TP. Hồ Chí Minh nhưng sang trọng, sạch sẽ, nền nếp, an toàn hơn. Đi chơi một chút là hết chỗ đi. Chỗ nào cũng giống chỗ nào, hoành tráng nguy nga sạch boong. Nhưng… chán lắm. Người như robot cả. Ra đường trên tàu xe, thấy tất cả im lặng hý hoáy bấm điện thoại thông minh.
- Xem thêm: Câu chuyện từ Mỹ
Ôi trời, trong nước mơ còn chẳng được. Lo bạc mặt, sợ đủ thứ. Bà bác vừa bị cú lừa ngoạn mục mất sáu triệu đồng. Mở cổng đi tập thể dục thì đôi nam nữ ăn mặc sang trọng trờ tới, a, nhà số 49 đây rồi, cho hỏi chị Liên có nhà không bác. (Sao bọn chúng biết tên con bà nhỉ). Rút điện thoại ra, chị Liên hả, em đang đứng với mẹ chị ở nhà nè, chị về được không bọn em đợi.
Không hả, chúng em thu tiền bảo hiểm… Thế là bác tin. Bao nhiêu? (Bà mẹ ở nhà trả đỡ cho đứa con bận rộn, giờ ai chẳng phải đóng đủ thứ tiền. Lúc thì tiền nhà, điện nước không nói, có lúc những tiền truyền hình cáp, tiền internet gì gì đó). Rút tập hóa đơn hý hoáy ghi.
À, còn quý hai nữa bác có trả luôn không hay để chị đi đóng? Vậy là bác rút luôn tiền, cho con mình khỏi phải đi. Tối con về, mới tá hỏa có cần đóng gì đâu, hỏi mẹ hóa đơn thế nào. Giở ra mới thấy cái hóa đơn chẳng dấu má gì, giấy mỏng tang chữ nhỏ lờ mờ chi chít, quán ăn thiếu gì loại giấy này.
Bác than, xã hội gì chẳng có ai bảo vệ, những việc thế này “dân ngu” giơ cổ cho “dân gian” cắt. Chẳng thấy chính quyền đâu. Nghe chuyện, mọi người kêu lên, trông đợi gì chính quyền. Trên Phây (Facebook) họ cảnh báo từ lâu rồi mà, cuối cùng, bác có lỗi chứ ai, “tại bác… không chơi Phây đó”… Thật chua chát.
Thế nên mơ ra đi, tìm nơi tốt hơn để sống. Nhà quê ra thành thị, thành thị mơ trời Tây, nhiều thế hệ ra đi. Giấc mơ Mỹ – thật dễ hiểu. Không ngày nào không có người Mexico bỏ mạng vì xâm nhập trái phép vào Mỹ. Người Việt chui nhủi trong cánh rừng ngoại ô Paris, người Việt bị hốt trong từng chiến dịch ở Nga, thu hết hàng họ kho tàng, đóng cửa chợ. Những chạy chọt lừa đảo đi nhập cư vào Nhật, Úc…
Các chính sách khắc nghiệt nhập cư thay đổi theo ông này xuống bà kia lên… Các tít báo ngày càng nhiều, kiểu “Mơ xuất ngoại, nhập trại giam…” còn tin tức thì khiếp đảm hơn, thỉnh thoảng có những con tàu đắm ngoài khơi xa vì nước sở tại không cho vào, hoặc phát hiện những người sắp chết bị đông cứng vì trốn trong xe đông lạnh chở hàng…
Mở đường máu. Tìm mưu sinh và thay đổi cuộc đời tương lai cho con cái. Càng hiện đại, con người càng ngu dần. Cô bạn ôm đứa con nhỏ xa cách nay mới gặp được ít ngày. Mắt rớm nước. Nhiều máy móc tân kỳ, nhiều vật chất hơn nhưng chính vì thế mà nông cạn, mà không còn biết sợ khổ, đánh mất rất nhiều cái quý giá, nhân bản, cứ tưởng thế là sướng, là văn minh.
- Xem thêm: Không có… “thiên đường”
Bà bác cười như mếu: “Mỗi khi có ai khốn khổ khi xin visa vào Mỹ, nói rằng “chẳng hiểu lý do gì họ không cho” thì bác lại nhớ ngày xưa đánh Mỹ. Ai chứ bác đây có mời cũng chẳng thèm đến xứ đó làm gì”. “Ấy bác ơi, nhưng bác vẫn còng lưng bơm tiền cho con đi học Mỹ đó thôi…”. “Đúng là nhân loại ngày càng ngu, cháu nói phải…
Mất cả quê, bỏ rơi hết cha mẹ ông bà, gọi là hy sinh, nhào hết ra phố xá. Nói là công nghiệp hóa, chui vào bốn bức tường, cô đơn vật lộn chốn xa lạ, mở đường máu mà bỏ quê, đau quá. Làm bác nhớ thơ Lý Bạch, Hỏi ai ngàn tuổi trên đời, hay là chen chúc một thời rồi đi…”. Thôi, bác đã giở đến thơ ra, lại còn của Lý Bạch nữa thì cháu chịu… Cãi gì nổi!