Tỉ số bình chọn cho một người đẹp trong cuộc thi nọ đã làm nảy ra giữa chúng tôi một cuộc tranh luận. Xem ra, người nào cũng có lý cả.
“Sao cô ấy có vẻ khô cằn và nghiêm nghị quá. Có lẽ là do thông minh, học vấn nhiều và quen độc lập”. Người phụ nữ sống cuộc đời tự lập, tự xoay sở để tồn tại, để đi lên, lo toan được mọi bề mà vẫn đẹp là giỏi lắm rồi. Những người như thế, cả tài cả sắc vẹn toàn, đâu phải có nhiều trong xã hội. Những người bỏ phiếu bầu cho cô gái ấy vì lâu nay đã quá ngán với ấn tượng “đẹp mà dốt”, loay hoay nổi tiếng vài bữa rồi nhanh chóng đi lấy chồng… “ngoại”, hoặc có chồng “nội” thì cũng phải một vị nào đó giàu có. Người đẹp – theo sự hiểu thông thường là “vợ người ta”, là để ngắm, để chạy theo, để ngưỡng mộ, chứ chẳng phải “của ta”. Cũng theo cách hiểu thông thường, “của ta” có một nghĩa ngầm là phải sống cuộc sống thông thường của người vợ, là hy sinh, dâng hiến, vun đắp, lo liệu cho gia đình, cho chồng con, nghĩa là sống cho… người khác! Bao nhiêu người trông đợi ở sự xả thân này chứ chẳng mong rước một người rõ đẹp về để… “thờ”! Bản thân người đẹp bây giờ cũng không dại dừng lại ở việc giữ vẻ đẹp bên ngoài, dù các cô vẫn cho rằng nó quan trọng vào bậc nhất. Chăm sóc vẻ đẹp bây giờ không chỉ là để thành đạt, để chinh phục và có nhiều cơ hội vào đời. Chăm sóc cho đẹp còn là nhu cầu văn hóa, là lối sống của bản thân các cô. Mỹ phẩm tràn ngập, hình ảnh người mẫu quảng cáo đầy ti vi, băng đĩa, ai cũng hoàn hảo đến tinh vi, chẳng thể nào phân biệt được cái đẹp tự nhiên với cái đẹp tự tạo nữa! Thành ra, nhìn các cô xiêm y rực rỡ ở sân khấu, nhiều người thấy hoài nghi, không rõ thực hư.
Người đẹp và cái đẹp giờ đây chịu sự phán xét khá khắc nghiệt như vậy. Còn với phẩm chất trí tuệ và tâm hồn thì cũng không ít biến đổi trong cách đánh giá. Các cô không chịu nép bên bóng chàng, mà đều muốn mình vừa đẹp, lại vừa giỏi. Nhiều cô chịu được cô đơn, sống sắt đá, tự lập, lăn lộn nơi thương trường, hoặc học tập, làm việc tại nước ngoài, tiếp cận “văn minh toàn cầu” và tự hoàn thiện mình theo một hình mẫu do chính các cô tự chọn. Ấy vậy mà để đổi lại bao nhiêu vất vả đó, xã hội lại có những người cảm nhận ngược lại: “Sao trông khô cằn, nghiêm nghị và cứng quá!”. Có phải những người ưa kiểu phụ nữ búp bê, cây cảnh, mềm yếu nương dựa thì không chấp nhận người phụ nữ thông minh quá? Họ thích các cô bầu bĩnh dễ thương, để rồi khi người đẹp của họ đứng cạnh các sắc nước hương trời, đường cong thon thả, sắc sảo của nước khác, mới lại giật mình tự hỏi sao “ta” lại có vẻ to béo hơn cả Tây?
Nhưng nói gì thì nói, giới trẻ vẫn ngưỡng mộ và hướng về cuộc sống độc lập. Ngay trong các ngày lễ hội, dù không có chàng nào bên cạnh, các cô gái cũng chẳng vì thế mà buồn. Họ ngồi nghe nhạc hoặc bảo nhau: Online đi! Cả một thế giới đó, làm sao có chỗ dành cho sự buồn tẻ. Ngày nay người ta tự tạo ra trang web cho mình, tự lập một diễn đàn tấp nập người ghé với đủ loại tư duy. Mặc dù phải tốn chi phí hosting, máy chủ… nhưng bù lại, có được sự độc lập, riêng tư ngay giữa lòng thế giới! Các cô siêng đi làm đẹp ở beauty salon, đi tập thể hình, thậm chí thuê xe tự lái đi chơi, khỏi cần taxi! Tóm lại là cuộc sống độc lập để có được thành công và niềm vui riêng tư trong cuộc sống tạo cho các cô cảm giác đầy đủ. Và nhiều cô đã bắt đầu ngại ngần phải rời khỏi cái “tổ ấm” của mình để lao vào cuộc hôn nhân phiền toái. Có cô thấy “tổ ấm” của mình đã ấm quá rồi, còn tìm “tổ ấm” ở đâu nữa? Quan trọng là phải biết làm cho mình vui. Họ sắc sảo tìm hiểu xã hội, trong khi rất ngại và hiểu người bên cạnh rất ít. Có tới 75% dân số Việt Nam sinh sau 1975, nghĩa là người trẻ đông nhất trong xã hội. Và ý nghĩ, quan niệm của họ về vẻ đẹp, về xây dựng cuộc sống sẽ mang một “xì tin” mới. Người trẻ không nhiều của cải, ít kinh nghiệm, chưa được tin tưởng, nhưng mặc kệ, họ vẫn có những suy nghĩ toàn cầu (global mind) và tự tin vì vững vàng kiến thức. Họ sẽ nắm bắt cơ hội và tạo ra cơ hội mới. Vì vậy, cái lối nhìn họ như búp bê, như gái ế chồng, như người cứng cỏi quá thông minh… sẽ không làm họ sợ. Người phụ nữ trẻ đang thay đổi…