Bà xã tôi chỉ có một thú vui là xem phim. Nhưng đừng tưởng cô ấy dán mắt xem phim bộ Hàn Quốc, Hongkong, những bộ phim mà thiên hạ hay đùa là “đang yêu đương thắm thiết thì phát hiện bị bệnh ung thư máu” đâu nhé.
Cái kiểu lấy nước mắt của khán giả bây giờ xưa rồi, vì lòng trắc ẩn bây giờ cũng khó khăn hơn ngày xưa, đâu còn “dễ động lòng” nữa. Bây giờ con người phạm những tội ác kinh khủng, như cái thằng mười bảy tuổi vào tiệm vàng giết chết cả nhà người ta, tàn sát trẻ em một cách dã man. Nói là trời không dung, đất không tha, nhưng “người lại tha”. Luật pháp đó, đâu có giết nổi kẻ phạm pháp. Là vì nhân đạo không phải lối, dựa theo điều luật cứng nhắc không theo kịp cuộc sống. Lại còn định đem đi xử điển hình vì “tính chất nghiêm trọng”. Các nhà thi hành luật không nghĩ rằng làm như thế sẽ có tác dụng ngược: “À, cứ thực hiện hành vi tội ác “vượt khung” đi, thứ mà không ai tưởng tượng được ấy, thì sẽ không ai nghĩ ra hình phạt tương ứng để trừng trị. Làm điều ác nhỏ thì bị xử, làm cái quá cỡ thì thoát!”. Mà luật nhân quả cũng chẳng thấy đâu, chẳng biết chờ đến bao giờ. Lại thêm mấy ông nhà báo chỉ chăm chăm chạy theo đáp ứng trí tò mò nên phản ánh từng nét mặt, nụ cười của thằng sát nhân trong tù, cứ làm nó như người đặc biệt. Dốt nát quá thể. Làm gì mà lòng trắc ẩn còn nổi!
Đó là lý lẽ khiến bà xã bây giờ không “mắc lừa ung thư máu lấy mất nước mắt” nữa. Cô ấy chẳng thèm xem phim hình sự Mỹ (cũng khối phim dỏm) rồi đám phim kinh dị bịa đặt ma quỷ máu me cũng không xem. Bây giờ không lấy nước mắt theo kiểu sến được nữa. May ra chỉ còn mấy cô ô sin thất học từ quê ra, bà chủ đi làm một cái là tót lên salon xem phim bộ (sau khi đã đem hộp đồ son phấn của bà chủ ra tập trang điểm ngắm mình trong gương hoặc mang các loại váy đầm của bà chủ ra mặc thử). Chỉ có mấy cô đó là chịu khó xem phim. Mà đến mấy cô này cũng chê. Các cô nói: chỉ được cái cô nào cũng đẹp. Đóng vai bệnh nhân nằm viện mà tóc vẫn xịt keo, mặt mày son phấn. Không cô nào chịu xấu. Còn diễn thì dở! Vậy có chết không. Phim tình tay ba, các bồ đại gia, buôn ma túy cũ rồi. Bây giờ nhiều “người điên” quá, xe cũng điên, tên gọi thành bình thường “xe điên”. Vì thế người ta cần giải tỏa điên, và các chương trình giải trí vì thế được mùa hơn phim truyện. Bà xã tôi đưa ra tờ báo có in chương trình ti vi và nói: “Các chương trình ti vi có kênh đưa toàn phim. Suốt ngày hôm nay, anh đếm đi, gần 50 phim. Ai xem?”. Rồi cô ấy nói: “Em ở nhà, chẳng cần ở viện nghiên cứu nào cũng có thể thấy tỷ lệ thất nghiệp của ta cao cỡ… nhất nhì thế giới. Này nhé, phim chiếu suốt ngày đêm, như vậy phải có người thất nghiệp mới xem dữ thế. Thứ nữa, anh ra đường quãng chín, mười giờ sáng hoặc hai, ba giờ chiều mà xem. Giờ đó nếu có công ăn việc làm thì đâu có đi đầy đường đầy chợ, vào siêu thị, cửa hàng ăn nhậu như vậy!”.
Thì ra là cô ấy “nghiên cứu” kiểu bắt mạch các hiện tượng xã hội. Khi nói về nguyên nhân quá tải bệnh viện, một vị bác sĩ nói ở Việt Nam, hễ một người đau bệnh là cả nhà đi theo! Vậy là cả nhà… thất nghiệp mới tới nằm vạ vật khắp hàng lang, ngoài sân như thế. Và hễ bác sĩ đối xử sao đó, thì mới có cảnh kéo cả nhà vào đánh bác sĩ, phá bệnh viện như vậy. Vì bây giờ không ai mủi lòng khóc lóc nữa, ai cũng muốn phát điên cả, mà các nhà làm phim không chịu nghiên cứu, để đất trống cho các chương trình giải trí họ thu tiền. Họ biến khán giả là những người dễ điên, nên đã làm kịch bản, gây chuyện chọc giận, cho khản giả nhảy nhổm lên, la ó, giận dữ, lên mạng chửi rủa, nhắn tin tới tấp. Mắc quả lừa to mà cứ hăng hái la lối. Trước đây họ làm nghệ thuật đặt mục tiêu là làm cho rơi nước mắt, sau là làm cho cười. Cười mãi nhạt như nước ốc, có lúc đâm ra nhảm nhí, không ăn thua. Nay thì theo kiểu mới: chọc cho phát điên! Xem ra khán giả bây giờ không còn là thượng đế nữa, mà là con… chuột bạch để người ta nghiên cứu và thí nghiệm, tìm ra các phương thức làm ăn. Con người bây giờ gỗ đá, trơ lì, vô cảm, khó lòng mà khóc nổi. Tình tay ba, tay tư, mâu thuẫn gia đình, làm ăn bấp bênh bây giờ đã là chuyện bình thường rồi, thành “bản chất” rồi, phim ảnh phải tìm chuyện khác thôi…