Những ngày đầu học tập ở xứ người, không ít bạn trẻ đã gặp phải những khó khăn, bỡ ngỡ vì sự khác biệt trong cách dạy và học giữa hai nền giáo dục. Một trong những kỹ năng được xem là thử thách nhất đối với các du học sinh chính là kỹ năng phân tích. Nền giáo dục tại các nước phát triển luôn được đặt nền móng trên kỹ năng này, đòi hỏi học sinh và sinh viên phải biết phân tích và đào sâu các kiến thức mà mình tiếp thu. Một phần không nhỏ chương trình học, các bài tập, bài thi đòi hỏi học sinh và sinh viên phải áp dụng kỹ năng phân tích để nghiên cứu và thực hiện. Không chỉ vậy, phân tích cũng là một trong những kỹ năng quan trọng cần có trong môi trường làm việc chuyên nghiệp. Và dưới đây là những lời khuyên giúp sinh viên có thể trau dồi kỹ năng phân tích ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Thế nào là kỹ năng phân tích?
Có rất nhiều định nghĩa về khả năng phân tích, đặc biệt là mỗi lĩnh vực áp dụng lại có một định nghĩa khác nhau. Nhưng nhìn chung, phân tích được định nghĩa là khả năng suy luận và đánh giá thông tin, trong nhiều trường hợp còn bao gồm việc tổng hợp, hình ảnh hóa thông tin và khả năng xây dựng bức tranh tổng thể hay đoán định xu hướng dựa trên những thông tin đã có. Nói cách khác, phân tích chính là việc thu nạp một lượng thông tin lớn và sắp xếp, cấu trúc nó lại một cách khoa học để ghi nhớ hay kết luận.
Tham gia vào các hoạt động ngoại khóa về học thuật
Ngoài các hoạt động ngoại khóa về văn thể mỹ, các trường đại học cũng có rất nhiều các dự án học thuật – nơi sinh viên có cơ hội áp dụng, trau dồi các kỹ năng mà mình đã học trong lớp học. Thông thường, nhà trường sẽ có nhiều dự án tạo điều kiện cho sinh viên tìm hiểu, nghiên cứu các trường hợp thành công/ thất bại của các công ty để từ đó có thể rút ra các kinh nghiệm thực tiễn. Với các dự án này, nhà trường và giáo viên sẽ hỗ trợ một phần không nhỏ trong việc thu thập các thông tin nền tảng, định hướng phân tích và đánh giá kết quả cuối cùng. Điều đó sẽ giúp sinh viên tham dự có cơ hội học tập, trau dồi kỹ năng xuyên suốt thời gian dự án.
Bắt đầu phân tích với định hướng rõ ràng
Vì cốt lõi của việc phân tích phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng sắp xếp, chọn lọc thông tin, định hướng là điều cần phải xác định trước khi bắt tay vào bất cứ dự án phân tích nào. Càng vội vàng bắt đầu phân tích, sinh viên càng dễ bị rối trí với mớ thông tin lộn xộn, không biết cái nào là quan trọng nên dễ bỏ lỡ thông tin. Phân tích được xem là một môn khoa học, vì vậy cũng cần phải theo sát những quy trình, định hướng và kế hoạch khoa học. Điều này lại càng đúng hơn trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin như hiện nay, khi người ta có thể dễ dàng truy cập kho thông tin khổng lồ trên mạng nhưng không phải thông tin nào cũng quan trọng và có ích. Trước khi bắt đầu tìm hiểu thông tin, sinh viên luôn được khuyên tìm đọc các tài liệu, sách báo đầu ngành để nắm được những xu hướng, điểm nhấn của chủ đề mà mình đang tìm hiểu, từ đó có một định hướng đúng đắn hơn trong quá trình tìm hiểu và thu thập thông tin.
Không bó hẹp phạm vi phân tích
Định hướng rõ ràng trong khi phân tích không có nghĩa là chỉ tập trung vào một mặt của vấn đề. Ví dụ như khi phân tích về các hoạt động ảnh hưởng đến môi trường của một công ty, không nên chỉ tập trung vào các chính sách môi trường của công ty đó mà còn cần phân tích thêm các mặt về quản lý, luật và quy định của nhà nước, các yếu tố thương mại để có được cái nhìn sâu sát và tổng quát hơn. Một vấn đề được hình thành luôn luôn bịảnh hưởng bởi những yếu tố xung quanh, đây cũng là một điều mà các sinh viên nên tìm hiểu và ghi nhớ khi thực hành phân tích.
Luyện tập thường xuyên
Để giỏi một kỹ năng nào đó, bí quyết luôn luôn là luyện tập, nhưng luyện tập như thế nào cho đúng? Vì khi chưa có kinh nghiệm, sinh viên thường đi nhiều “đường vòng” trước khi đến được trọng tâm của vấn đề, nhưng điều này hoàn toàn có thể khắc phục nhờ vào luyện tập. Và kỹ năng phân tích có thể được luyện tập hằng ngày một cách dễ dàng. Thậm chí trong lúc chơi cũng có thể luyện tập kỹ năng phân tích. Chọn những trò chơi trí tuệ như Sudoku, chơi cờ và các trò chơi chiến lược. Nhưng cũng không nên dành quá nhiều thời gian chơi trò chơi mà hãy tập áp dụng kỹ năng phân tích vào giải quyết những tình huống thật ngoài đời. Cho dù là những việc rất nhỏ và bình thường trong cuộc sống, nếu biết vận dụng kỹ năng phân tích, kết quả đạt được cũng có thể hoàn toàn khác biệt với một quá trình giải quyết dễ dàng và nhẹ nhàng hơn nhiều.
Tận dụng các công cụ phân tích
Một trong những điểm mạnh của trường đại học là vừa tạo điều kiện cho sinh viên trau dồi kỹ năng, vừa cung cấp các công cụ phân tích rất hiệu quả. Công cụ phân tích được định nghĩa là các công thức, cách thức có tác dụng như một bộ khung sườn để dựa vào khi cần phân tích thông tin. Ví dụ như “Cây Phân tích” là một trong những công cụ được sử dụng rộng rãi nhất. Công cụ này hướng dẫn phân tích bằng cách áp dụng các đồ thị và biểu đồ để phân tích những khả năng và kết quả, sắp xếp thông tin dưới dạng một cái cây nhằm giúp dễ dàng tra cứu thông tin và đoán định kết quả.
Đánh giá và khắc phục
Khả năng phân tích không thể tự nhiên mà giỏi. Tuy nhiên, sinh viên có một lợi thế chính là việc có thể nhờ các giảng viên nhận xét và đưa ra lời khuyên cho mình. Sinh viên cần tận dụng lợi thế này càng nhiều càng tốt vì khi tốt nghiệp, không phải cấp trên hay đồng nghiệp nào cũng nhiệt tình như các thầy cô giáo. Hãy tự tìm ra những cách sáng tạo để phân tích và giải quyết vấn đề, sau đó nhờ giảng viên đưa ra nhận xét và đánh giá cũng như lời khuyên để khắc phục những điểm còn yếu.
Thanh Nhiên – cựu sinh viên Đại học Texas (Hoa Kỳ) chia sẻ: “Đến bây giờ, khi đã đi làm được vài năm, tôi vẫn cảm thấy không có cơ hội nào tốt để trau dồi kỹ năng phân tích như khi ở trường đại học. Khi đi làm, công việc thường đòi hỏi bạn phải “giỏi sẵn” và hầu như không có hoặc có rất ít cơ hội để thử nghiệm cái mới chứ đừng nói đến việc làm sai. Nhưng trong suốt thời gian học đại học, tôi có thể thoải mái nhờ thầy cô góp ý cho những việc mình làm, từ đó có thể tự học và tự cải thiện bản thân rất nhiều”.
Nhật Hà (DNSGCT)