Theo các chuyên gia của nhà đấu giá Sotheby’s ở London, cùng với sự phát đạt nhanh chóng của các thị trường mỹ thuật ở châu Á, nhất là tại Trung Quốc, những tác phẩm hội họa có màu đỏ chủ đạo đã và đang tăng giá từng ngày.
Trong bài viết trên nhật báo The Telegraph số ra ngày 29-1-2014, cây bút Hannah Furness đã lý giải sự tăng giá của các bức tranh có màu đỏ trên các thị trường mỹ thuật: đơn giản bởi màu đỏ được coi là màu may mắn với số đông người ở châu Á, và xu hướng đó đang tiếp tục thống trị các sàn đấu giá tranh đương đại ở châu lục này cũng như tại các sàn đấu giá ở phương Tây khi mà ngày càng có nhiều người mua tranh đến từ châu Á. Điển hình như tại buổi đấu giá ở nhà Sotheby’s London ngày 12-2 vừa qua: bốn tác phẩm ngôi sao với màu đỏ chủ đạo đều được bán với giá cao so với giá ước tính.
Sắc đỏ trong tranh
Trước hết là Bức tường – tác phẩm của họa sĩ Đức Gerhard Richter với màu đỏ chi phối toàn bộ mặt tranh khổ lớn (240 x 240cm), được tác giả vẽ năm 1994 – đã đạt mức giá 28.678.958 USD. Bức tường từng được trưng bày tại nhiều bảo tàng lớn trên thế giới, trong đó có cả MoMA vào những năm 2002-2003.Dù đạt mức giá cao nhưng bức tranh này chưa phá được kỷ lục trước đó của Richter. Năm ngoái, bức Quảng trường nhà thờ ở Milan của ông đã được bán với giá 37 triệu USD tại nhà Sotheby’s ở New York, giúp Richter trở thành họa sĩ đương thời có giá tranh cao nhất. Năm nay đã 82 tuổi nhưng Richter vẫn không ngừng sáng tác.
Bức Không đề (Rome) của họa sĩ Mỹ Cy Twombly (1928-2011), được vẽ năm 1964 với chất liệu tổng hợp – sơn dầu, chì sáp và chì than trên bố – đã được bán với giá 20.023.890 USD, cao hơn nhiều so với giá ước tính ban đầu, dù chưa phải kỷ lục mới của Twombly: tháng 11-2013, bức Bài thơ gửi đại dương của ông đã được bán với giá 21,7 triệu USD tại nhà Sotheby’s New York. Một người mua qua điện thoại đã sở hữu bức Không đề (Rome) trong khi gallery Larry Gagosian danh tiếng lẫy lừng đành chấp nhận bỏ cuộc.
Bức chân dung Mao Trạch Đông màu đỏ của Andy Warhol cũng được bán cho một người mua qua điện thoại với giá 12.473.723 USD. Đây là một trong xê-ri 28 tranh chân dung lãnh tụ Trung Quốc được Warhol sáng tác trong nhiều năm với cùng kích thước vuông 110 x 110cm. Cuối cùng là bức Nhựa đỏ (Rosso Plastica) với toàn sắc đỏ của họa sĩ người Ý Alberto Burri (1915-1995), được ông sáng tác năm 1963 với chất liệu tổng hợp đã bán được với giá 6.028.459 USD, lập kỷ lục về giá tranh của bậc thầy đương đại này.
Màu “sinh lợi” nhất trong nghệ thuật tạo hình
Theo Brett Gorvy, chuyên gia hàng đầu về nghệ thuật đương đại của nhà đấu giá Christie’s, đỏ là màu “sinh lợi” nhất trong các tác phẩm mỹ thuật, kế đó là các màu trắng, xanh da trời, vàng, xanh lá và đen. Còn chuyên gia Philip Hook của nhà Sotheby’s cho rằng sức mạnh của màu đỏ “hoàn toàn phi thường” và chỉ với một nhát cọ màu đỏ hợp lý cũng đủ để bức tranh có được “sức thu hút và nét duyên lớn lao”. Ông đưa ra dẫn chứng: hai trong số các tác phẩm của họa sĩ Mỹ Mark Rothko với sắc đỏ thống trị mặt tranh cũng như bốn bức tranh với màu đỏ chủ đạo của Gerhard Richter đều đạt mức giá cao ngất tại các kỳ đấu giá gần đây.
Tương tự là ghi nhận của ông Cheyenne Westphal, trưởng bộ phận nghệ thuật đương đại châu Âu của nhà Sotheby’s: “Sức mạnh của màu đỏ là phi thường. Chúng tôi có thành quả đáng kinh ngạc từ những tác phẩm đang trở thành mốt, tất cả đều hết sức tươi mới đối với thị trường.Đỏ là màu gây cảm xúc lớn nhất trong nghệ thuật. Quyền năng của nó, sự may mắn của nó thể hiện ở nhiều nước, lấy ví dụ như tại Trung Quốc. Chúng tôi thường chứng kiến sự tương quan giữa giá tranh và màu đỏ trong tranh hơn là các màu sắc khác… Màu đỏ trong một bức tranh thường giúp tranh ấy có giá cao hơn so với những màu khác được dùng trong tranh. Thị trường mỹ thuật Trung Quốc đã phát triển rất mạnh trong một thời gian dài, và có nhiều nhà sưu tập châu Á đến với Sotheby’s, tham dự tích cực vào các buổi đấu giá của chúng tôi. Ở Trung Quốc, màu đỏ là màu hết sức may mắn và chúng tôi hy vọng mình đã thu thập được dữ liệu chính xác”.
Không chỉ có màu sắc mới đem lại kết quả tốt về mặt thị trường cho tác phẩm mỹ thuật.Còn nhiều yếu tố khác cũng giúp cho tranh cao giá hơn. Chẳng hạn theo Don Thompson, tác giả của cuốn sách tựa Con cá mập nhồi giá 12 triệu USD: khía cạnh kinh tế kỳ lạ của nghệ thuật đương đại (The $12 million stuffed shark: The curious economics of contemporary art) thì tranh chân dung một phụ nữ quyến rũ hay một trẻ thơ sẽ có giá cao hơn tranh chân dung một bà lão hay một người đàn ông không đẹp trai!
- Đông Hà