Danh họa người Ý thời Phục hưng Michelangelo có tên thực là Michelangelo di Lodovico Buonarroti Simon. Mặc dù ông tự nhận mình là một nhà điêu khắc, chứ không hẳn là một họa sĩ, song rất nhiều họa phẩm đặc sắc của ông đã cho thấy ở ông một năng khiếu hội họa thiên tài.
Song có một điều quan trọng hơn giúp ông có các tác phẩm đẹp, gồm cả tranh tượng lẫn phù điêu đồ sộ là tình yêu và sự cống hiến hết mình cho đạo Thiên Chúa, khi từ nhỏ ông đã vẽ tranh chủ đề các thánh và trong suốt cuộc đời đã tạo ra vô số kiệt tác là tranh thờ, tượng thờ trong các giáo đường. Có thể nói ông là một người có đóng góp cực kỳ to lớn đối với mỹ thuật nhà thờ, và mỗi tác phẩm của ông đã lôi cuốn mỗi năm hàng chục triệu người đến thăm những thánh cung, bảo tàng khắp nước Ý và châu Âu.
Mặc dù tên tuổi gắn liền với nhiều tuyệt tác, song có lẽ Michelangelo được biết tới nhiều nhất nhờ những tranh vẽ trên trần Nhà nguyện Sistine tại Tòa thánh Vatican. Tranh đặc tả 9 câu chuyện kỳ thú trong sách Sáng Thế Ký của kinh Cựu Ước , với sự ra đời của người đàn ông đầu tiên – Adam, người đàn bà đầu tiên – Eva, con cháu họ, chiến tranh, hòa bình và sự chấm dứt của thế giới cổ xưa qua trận đại hồng thủy.
Qua tranh của ông, con người – tạo vật của Thiên Chúa – hiện ra thật xinh đẹp, sống động. Đặc biệt, Adam trong bức họa Chúa Trời tạo nên Adam là một chàng trai cực kỳ hấp dẫn, với thân hình cường tráng, trẻ trung, cân đối, có thể gọi là lý tưởng nhất về hình thể nam giới xưa nay, và anh đang ngồi hồn nhiên nhìn lên bầu trời, giơ tay về phía Chúa Trời và cũng được ngài đón nhận.
Ngoài việc khắc họa vẻ đẹp ngây thơ, hồn hậu, nội dung chính của bức họa là nói về sự liên hệ, gắn bó của Chúa Trời với con người, về tình cảm cha con thiêng liêng, về hai thế giới tục, thiêng cùng tồn tại, một nơi là mặt đất bao la, chốn sinh sống của muôn loài và một nơi là trời cao vô tận, ngôi nhà của Chúa Trời, thánh thần. Bằng việc vẽ ngài cùng các thiên sứ bay lượn dưới tấm áo choàng lồng lộng dưới hình một khối óc khi bay tới chỗ Adam, tác phẩm cũng ngụ ý về việc Chúa Trời tạo ra nhân loại bằng trí não và cũng trao cho loài người trí tuệ để làm và phán xét mọi việc.
Michelangelo đã khéo léo kết hợp giữa phương pháp tả chân, theo quan điểm chủ nghĩa hiện thực với việc hình tượng hóa mỗi người để mang tới những nhân vật huyền thoại vĩ đại, cùng bầu không khí sinh hoạt dân gian đầy màu sắc, nên thơ. Để vẽ những họa phẩm này, ông đã phải bắc thang rất cao, mà vẽ trong tư thế đứng ngửa cổ suốt 4 năm và hoàn thiện chúng khi mới 33 tuổi.
Không khí ấm cúng, tình cảm, đầy chất thơ cũng được thấy qua bức tranh sơn dầu Doni Tondo của Michelangelo. Một sáng tác về chủ đề gia đình Thánh, đặc tả Đức Mẹ, thánh Joseph, Chúa Hài đồng và thánh John Baptist ở đằng xa. Thay vì được vẽ theo kiểu chữ nhật thuôn dài, khổ rộng thì tranh tập trung vào một khuôn tròn theo tiếng Ý là tondo, và có tên Doni do người đặt mua là Agnolo Doni, một chủ ngân hàng tại Florence, nhằm tặng cho vợ mới cưới – phu nhân Maddalena – con gái dòng họ Strozzis.
Tọa lạc ở phòng tranh Galleria degli Uffizi, đây là họa phẩm panô duy nhất Michelangelo đã vẽ xong, cũng như ở thành phố trên và cũng dồn trọn tâm sức vào khắc họa vẻ đẹp tôn quý của các thánh. Trong đó Đức Mẹ là nhân vật nổi bật nhất ngồi ở giữa, trên một bãi cỏ xanh, biểu thị đất và ngồi cao hơn một chút là thánh Joseph với hai đầu gối choãi rộng vững chãi như thể bảo vệ và làm một ngai vàng cho Đức Mẹ. Hai người cùng tâng hứng trên vai Chúa Hài đồng bé bỏng, bấy giờ đang bám vào tóc mẹ và đứng trên chân cha nuôi.
Đằng sau gia đình là phong cảnh điền viên với núi sông trùng điệp, và được ngăn cách bởi một bức tường có một đám người tụ tập, đùa nghịch, phản ánh một không khí vô cùng thanh bình, êm ả của làng quê, tại đó ai nấy đều sống vui vẻ, yêu đời, hòa nhập thiên nhiên. Thế nhưng, phía sau sự yên lặng, hân hoan ấy, lại ngầm chứa nhiều xung đột, chấn động bởi một nhóm người có vẻ ồn ào và cợt nhả, là hiện thân của những soi mói, đàm tiếu tuy rằng họ không nhìn thẳng vào gia đình Thánh. Thánh John Baptist cũng đứng ở phía sau lắng nghe những lời nói và đóng vai trò người rửa tội.
Sự thử thách của Thánh Antony cũng là một bức tranh ấn tượng, không chỉ vì hình thức độc đáo, mà còn là một tác phẩm đầu tay của Michelangelo khi mới 12 tuổi. Dựa theo một câu chuyện về cuộc đời thánh Anthony do nhà văn thế kỷ 4 Athanasius xứ Alexandria viết và một bức tranh in khắc bởi họa sĩ thế kỷ 15 Martin Schongauer (Đức), Michelangelo đã vẽ ra cảnh tượng phản ánh xuất sắc những nỗi đau đớn đang dày vò từng phút vị thánh trên con đường truyền đạo.
Chuyện kể rằng Anthony đã trở thành thánh khi ông đi hết nơi này tới nơi khác rao giảng, song cũng vì thế ông liên tục bị lũ quỷ đeo đuổi và một lần nhìn thấy trước được cảnh ông bị treo giữa trời và bị rất nhiều ác quỷ tới tấn công cùng lúc sau khi chúng đã giở đủ trò cám dỗ ông mà không được. Con nào con nấy dữ tợn, con thì đánh đập, con lại cấu xé, lôi sềnh sệch.
Nhằm khắc họa sự dữ dội, hỗn tạp của mọi đau khổ giáng lên người vị thánh, Michelangelo đã vẽ những con quỷ trông như thú dữ và đi tìm hiểu ở các chợ cá để xem các loại vây, vẩy, gạnh sắc, tua cuốn, màu sắc của cua cá, bạch tuộc làm thành những đặc điểm kỳ dị, ghê gớm cho quái vật. Ông vẽ tới 9 con quỷ lông vuốt lởm chởm cào cấu St. Anthony, ép ông phải từ bỏ hành trình truyền đạo của mình mà chống chọi với bệnh tật, đau đớn nhằm giữ lấy mạng sống, nhưng thánh vẫn thản nhiên chịu đựng.
Để ông không đỡ được các đòn tới tấp, một con giằng lấy cái gậy của ông, con khác vụt lên đầu, trong khi một con nữa cố gắng gỡ vòng hào quang và những con còn lại thì lột áo, kéo ông xuống. Dù rằng bị hành hạ đủ kiểu, song thánh Anthony vẫn không thèm nhìn lũ quỷ mà hướng mắt lên bầu trời và ở tư thế người nghiêng về trước, đạp chân lên đất, sa mạc, sông biển quyết tâm về đích. Mặc dù tuổi còn nhỏ, nhưng Michelangelo đã có một cái nhìn rất sắc bén, chí ít là về màu sắc trong tranh, với hai màu cơ bản là đỏ và đen, cho thấy sự tương phản và một cuộc chiến nảy lửa giữa thiện và ác.
Cũng là chủ đề của sự đọa đầy song ác liệt hơn, ấy là cái chết tử vì đạo của Thánh Peter trong tác phẩm Thánh Peter bị đóng đinh của Michelangelo. Họa phẩm này đã đưa người xem tới những giờ phút cuối cùng của một nhân vật vĩ đại, vị giáo hoàng đầu tiên của thế giới cũng được Chúa Jesus trao cho chìa khóa và trọng trách canh giữ cổng thiên đàng.
Có rất nhiều kỳ tích về thánh Peter khi ông thay thầy đi tiên phong truyền giáo, song Michelangelo lại chọn thời khắc thánh hóa lúc ông chịu khổ hình, và cũng như thầy bị đóng đinh lên cây thánh giá bởi nó có một ý nghĩa hết sức quan trọng và linh thiêng đối với người Thiên Chúa giáo vì đó là cái chết vì đạo, vì những việc làm nhân từ, đúng đắn, cũng như sự khai trí và chiến thắng trước cường bạo…
Tranh khắc họa thánh Peter tại thời điểm ông được nâng lên trên cây thập tự bởi những tên lính La Mãtrước sự chứng kiến, xót thương của rất nhiều người. Bằng việc để vị thánh được nâng bổng từ dưới đất lên, Michelangelo đã ca ngợi ông, đồng thời nhấn mạnh đến sự thành công của đạo Thiên Chúa trong những ngày đầu. Ông cũng dùng màu vàng làm màu nổi bật nhằm tạo nên cảnh tượng huy hoàng, rực rỡ và gợi nhớ cho bất cứ ai xem tranh và cũng dùng nhiều màu xanh lam là màu buồn da diết và màu cho tâm hồn lắng đọng để cùng hồi tưởng đến một con người dành cả đời vì nghĩa.
Tranh được vẽ tại bức tường phía Đông của nhà nguyện Pauline ở Tòa Thánh Vatican, nơi các hồng y luôn bầu giáo hoàng mới. Lúc Michelangelo vẽ tranh vào năm 1550, ông đã 75 tuổi, và còn hơn 10 năm nữa thì mất nên có lẽ do tuổi già, ông đã chọn đây là bích họa cuối cùng của mình. Không chỉ vậy, ông còn đi vào tranh như một người yêu đạo và muốn chứng kiến giờ phút đau thương mà cũng rất vinh quang dành cho thánh Peter trước khi ông an nghỉ.
Qua công tác phục dựng tranh vào năm 2009, người ta đã phát hiện ra một hình ảnh được tin là chân dung tự họa của Michelangelo. Đó là một nam giới đứng ở góc trái trên cùng của tranh, mặc áo đỏ, quấn khăn xanh là thứ hay được đội bởi các nghệ sĩ điêu khắc Phục hưng để tránh bụi.
Bên cạnh tranh, không thể không nói đến tượng của nghệ sĩ thiên tài này, mà tiêu biểu là pho tượng đá Đức Mẹ của Bruges, hay còn gọi là tượng Đức Mẹ và Chúa Hài đồng Bruges. Vốn dĩ tượng được tạc tại Ý, song sau đó một thương nhân bán vải người Bruges (Bỉ) đã mua về thờ tại quê hương. Đề tài Đức Mẹ Đồng trinh và Chúa Hài nhi từ trước đã được rất nhiều nghệ sĩ thực hiện, song Michelangelo khác với họ thường tả Đức Mẹ ôm đỡ ấu chúa trên tay, ông lại để cho Chúa Hài đồng đứng dựa vào lòng mẹ và như đang bước xuống nhân gian.
Cả hai vị cũng nhìn xuống phía dưới, nét mặt hơi nghiêm nghị, ánh mắt buồn, hiền từ thay vì mỉm cười như nhiều tác phẩm khác. Các học giả cho rằng Michelangelo đã để Đức Mẹ ngồi ở tư thế nghiêm trang để khẳng định Đức Mẹ là Mẹ của thế giới và bao dung giữ vững sự cân bằng của trái đất. Còn Chúa Jesus đứng ở ngay trước bụng Đức Mẹ để nhấn mạnh bà là mẹ của ngài. Dù rằng còn rất nhỏ, song ngài đã tự biết đứng, thậm chí bước xuống để đảm trách vai trò người dẫn dắt nhân loại.
Chưa hết, cả pho tượng nặng hai tấn, cao 1,8 mét này còn rất thon thả và có kích cỡ như người thật nên đã được thờ ngay tại Nhà thờ Đức Bà Bruges. Là tượng đầu tiên của Michelangelo rời khỏi nước Ý, đây cũng là một tác phẩm chu du nhiều nhất, chứng kiến mọi cảnh buồn đau. Đến Bỉ một thời gian, vì chiến thắng của Napoléon Bonaparte, tượng đã được chở đến Pháp, rồi đến thế kỷ 19 lại quay về Bỉ.
Trong Thế chiến thứ hai, tác phẩm một lần nữa bị quân Đức đánh cắp, và cuối Thế Chiến thứ hai, cùng hàng nghìn họa phẩm khác tại một mỏ muối ở Áo, suýt bị Hitler phá hủy; may mắn có một số thợ mỏ dũng cảm đã liều mình trước lúc phát nổ cứu ra và đưa về an tọa tại thánh đường Onze-Lieve-Vrouwekerk.
Hay được so sánh với tượng Đức Mẹ của Bruges là pho tượng Pieta (Thương xót) hay Đức Mẹ đỡ Chúa sau khi ngài chịu khổ hình. Trong thực tế, Michelangelo đã tạc pho tượng này trước đó vài năm, và có lẽ ông đã lấy đây làm hình mẫu để dựng lên tác phẩm Đức Mẹ của Bruges. Nhìn hai pho tượng, mọi người đều thấy Đức Mẹ hiện lên cực kỳ trẻ trung, kiều diễm, và riêng ở Pieta, vẻ đẹp ấy còn là của một phụ nữ như mới 20 tuổi thay vì đã gần 50 tuổi và có con trai 33 tuổi.
Dường như tuổi già không thể động tới bà, kết hợp với màu đá hoa cương trắng Carrara càng làm cho Đức Mẹ như trẻ mãi, và theo tôn giáo thì là biểu tượng của sự trong trắng vô nhiễm. Thông thường, các nghệ sĩ thực hiện chủ đề này đều khắc họa Đức Mẹ có cùng độ tuổi hoặc lớn hơn nhiều so với Chúa và cũng mặc trang phục thô sơ, mộc mạc, song Michelangelo đã làm một cách khác.
Ông đã cho thấy việc tả một người mẹ không nhất thiết phải là một người già nua, quê mùa, mà có thể là một người rất trẻ, thậm chí gợi cảm và nhờ thế nỗi đau mất con càng lớn hơn. Ông tiếp tục với những phóng tác của mình trong tác phẩm, qua hình ảnh gương mặt Chúa, và trái với sự nhăn nhó, đau đớn như mọi người thường nghĩ khi bị xước da, cứa thịt thì đó lại là một khuôn mặt rất bình thản, vô tư hoặc ánh lên niềm vui vì ông không muốn Pieta phản ánh cái chết, mà nói về sự buông bỏ, rời khỏi thế giới này để lập nên một thế giới khác tốt đẹp hơn.
Bằng việc tả con người đẹp tuyệt trần, ngay cả trong lúc đau thương nhất, Michelangelo đã đem tới một hình ảnh mà ai cũng nhớ mãi và đi vào trái tim của mọi người. Ông còn tạc tượng như một kim tự tháp mà theo chính nghệ sĩ là hình ảnh của trái tim. Pieta do vậy chính là một trái tim trong trái tim của người Kitô giáo.
Khi tạc Pieta, Michelangelo cũng chỉ mới 25 tuổi (ông sống tới 88 tuổi), và điều lạ nữa trong rất nhiều tác phẩm trước và sau này của ông, Pieta là tượng đài duy nhất ông khắc ký danh, có lẽ bởi ông quá khiêm tốn và không coi trọng lắm tới những lời ca ngợi hay bàn tán. Lúc đầu, tượng được đặt trên một phần mộ nhằm thể hiện chủ đề về sự thương tiếc, tiễn biệt song tới thế kỷ 18 đã được thờ phụng tại vương cung thánh đường Thánh Peter.