“Cây cối, đó là sự sống, phải tôn trọng sự sống”
LÉVI-STRAUSS
Khó có thể hình dung nổi một cuộc sống mà không có hoa lá, cỏ cây. Theo Tô Hoài, “có người, [là] có cây, có hoa. Cây cỏ và hoa thơm đã vào ca dao, bóng dáng nó đã nên thơ, đã là thơ… hoa thơm trong vườn bao giờ cũng xôn xao màu đẹp với hương. Hoa hồng, hoa ngâu, hoa lan, hoa lý, hoa nhài, hoa mộc, lan đất, lan treo tỏa mùi ngát, sáng sớm đêm khuya đưa thơm dậy một vùng… cây trồng đời này cho bóng đời khác – lối sống Việt Nam”(1). Đó là một lối sống văn hóa, là văn hóa.
Quả đúng là “văn hóa truyền thống Việt Nam mang dấu ấn của hoa”(2). Nhận xét ấy của Hữu Ngọc, nhà văn hóa đáng kính, tác giả cuốn sách Lãng du trong văn hóa Việt Nam đáng được suy ngẫm để hiểu hơn về đất nước, về con người mà ở đó “người ta là hoa của đất”.
- Xem thêm: Thú vui làm vườn
Trong bối cảnh của hiểm họa trái đất đang nóng lên, đời sống của con người đang bị đe dọa, càng thấm thía hơn chiều sâu triết lý của câu tục ngữ tuyệt vời ấy. Là “hoa của đất”, con người gắn liền máu thịt với “đất mẹ”, sản phẩm đẹp nhất của “đất” sinh ra. Khi Trịnh Công Sơn “tạ ơn hoa sáng thơm cho mẹ, tạ ơn chim chiều hót cho cha” thì đúng là sự nhạy cảm của tài năng thiên bẩm ấy đã bắt gặp được mối liên hệ bí ẩn và huyền ảo giữa con người với tự nhiên: cỏ hoa, chim muông… Nhà nghệ sĩ đã gắn kết nhịp đập trái tim mình với nhịp đập của sự sống quanh mình, nhịp sống tự nhiên. Phải chăng đó là cội nguồn sáng tạo của những thiên tài?
Đạt đến được sự tinh tế đến huyễn hoặc: “Đêm đêm nằm nghe lá than van chút niềm đau ngọt ngào”, hoặc “nhặt gió trời mời em giữ lấy, để mắt em cười tựa lá bay”, nhằm biểu tỏ nỗi niềm sâu thẳm của tâm hồn về mối “liên hệ khăng khít “ giữa con người với tự nhiên, để rồi thấy ra được rằng “vai em gầy guộc nhỏ như cánh vạc về chốn xa xôi”, đặng mà khắc khoải chuyện “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” thì chỉ có Trịnh Công Sơn, độc đáo cho riêng một Trịnh, không lặp lại. Ở đây, gợi nhớ đến một luận điểm của Các Mác: “Sinh hoạt vật chất và tinh thần của con người liên hệ khăng khít với tự nhiên, điều đó chẳng qua chỉ có nghĩa là tự nhiên liên hệ khăng khít với bản thân tự nhiên, vì con người là một bộ phận của tự nhiên”.
Mối “liên hệ khăng khít” ấy giữa con người với tự nhiên, “người ta là hoa của đất”, con người là sản phẩm cao nhất, đẹp nhất của tự nhiên ấy gắn kết với những sản phẩm khác của tự nhiên “hoa thơm cho mẹ”, “chim hót cho cha” là minh chứng sống động “con người là một bộ phận của tự nhiên”! Và đúng là, “chỉ có trong xã hội, tự nhiên mới biểu hiện ra là cơ sở của tồn tại có tính chất người của bản thân con người… Xã hội là sự thống nhất bản chất đã hoàn thành của con người với tự nhiên, sự phục sinh chân chính của tự nhiên…”(3).
Đáng buồn thay, “sự phục sinh chân chính” ấy đã không được tôn trọng bởi chính con người đang chọc giận tự nhiên, đang tàn phá triền miên môi trường sống của chính mình nhân danh “sự phát triển”. Khi đòi hỏi sự trân trọng giữ gìn, bảo vệ, tôn tạo môi trường sinh thái, chúng ta hiểu, trong sâu thẳm của triết lý nhân sinh, tư duy của loài người từ Tây sang Đông bắt gặp nhau ở những điểm tiệm cận trên tiến trình phát triển nhằm mục đích tái lập cuộc đối thoại giữa con người, với thiên nhiên, một cuộc đối thoại mà thời đại công nghiệp đã phũ phàng vứt bỏ.
Triết lý ấy lập luận rằng người, thiên nhiên và các sinh vật chỉ là những hình thái sống khác nhau, cho nên: “Vũ trụ, nói một cách tổng quát, và những hiện tượng ở gần ở xa đều tự nó, tự cống hiến nó cho chúng ta. Sẽ có sự bất công, sẽ có sự bất quân bình nếu ta nhận sự cống hiến đó một cách miễn phí, không trả lại cái gì cả. Sự công bằng buộc chúng ta phải trả, ít nhất là ngang mức ta nhận, nghĩa là vừa đủ”. Đó là nhận định của Michel Serres, giáo sư Trường đại học Stanford. Mạnh mẽ hơn, đã từ lâu, Lévi-Strauss lên án thứ “chủ nghĩa nhân bản” biến con người thành chúa tể cai trị một cõi riêng, giam con người trong lãnh địa văn hóa của mình tách biệt khỏi thiên nhiên vì thiên nhiên bị xem như là “không có văn hóa”.
Luận đề đó hình thành song song với quá trình đô thị hóa ở châu Âu, văn minh công nghiệp đã cắt đứt con người thành phố ra khỏi thiên nhiên. Kết quả là, con người hủy diệt tất cả những gì không phải là nó, bắt đầu là thiên nhiên.
- Xem thêm: Ý nghĩa những loài hoa
Quyết liệt chống lại, Lévi-Strauss nêu lên một triết lý: Phải quan niệm con người một cách khác: đặt người khác trước tôi. Hơn thế nữa, trước cả những con người, phải đặt sự sống”. Và thiên nhiên chính là sự sống. Theo ông: “Cây cối, đó là sự sống, phải tôn trọng sự sống”.
Phương Tây phải tốn hai mươi thế kỷ để bắt đầu nhìn thấy những vấn đề vốn nằm sâu trong triết lý phương Đông, đặc biệt là trong triết lý của Phật giáo. Ở đấy, tư tưởng về thiên nhiên, về loài vật, về chúng sinh, về sự sống hết sức quen thuộc với tâm hồn Việt Nam. Theo giáo sư Cao Huy Thuần, khái niệm “chúng sinh” trong đạo Phật rất rộng, con người cũng chỉ là một chúng sinh. Kinh Phật dạy rằng: “Cây cỏ, đất đá, đồi núi, tất cả yếu tố của vũ trụ đều có Phật tính”. Cho nên, tương thân, tương ái, tương kính với thiên nhiên, với chúng sinh là quan điểm xuyên suốt trong triết lý Phật giáo. Chính ở đây, ta hiểu được sự bắt gặp ở tầm cao và sâu của ý tưởng đã dẫn ra ở trên: “Trước cả những con người, phải đặt sự sống” của Lévi- Strauss, nhà khoa học lớn vừa tạ thế ở tuổi 101.
Hiểu để vỡ ra rằng, từ trong sâu thẳm triết lý của ông cha ta, vấn đề đó đã từng được đặt ra: “Năm 1126, vua xuống chiếu cấm nhân dân mùa xuân không được chặt cây” [Đại Việt Sử ký Toàn thư, tr.225]. …Chặt cây cối trong mùa xuân là kết án tử hình sự sống! Chặt cây cối trong mùa xuân là kết án tử hình mùa xuân. Chưa bao giờ chân lý, thiện và mỹ được nâng cao lên đến mức ấy”(4). Từ xa xưa, ông cha ta, đã có những phương cách bảo vệ môi trường sinh thái thông qua sự cảm nhận từ lời mẹ dạy cho con, bà truyền cho cháu bằng lời ru, bằng cách ứng xử trong đời sống. Sự cảm nhận ấy được truyền đạt một cách dung dị, mộc mạc để từ đó, “hồn dân tộc” như được hòa tan trong không khí để thở, trong dòng nước mát, trong mùi thơm của bát cơm gạo mới, vị ngọt của trái chín cây, mùi hương của hoa trong đêm… Đời này qua đời khác đã kết nối những cảm nhận ấy lại như một thứ “gien” di truyền chìm sâu trong tâm thức của con người sinh ra, hít thở khí trời, uống dòng nước mát, ăn bát cơm thơm trên đồng đất quê hương nước mình.
Trân trọng giữ gìn, chăm chút cảnh sắc thiên nhiên quanh ta, một gốc cây, một ngọn cỏ, một nhành hoa, một ngọn lá với nhận thức rằng “cây trồng đời này cho bóng đời khác” là nét văn hóa truyền thống tuyệt đẹp dạy con người biết hòa đồng với thiên nhiên, gắn bó với môi trường sống của chính mình. Để rồi, “mỗi đêm, nhìn trời đất để học về lòng bao dung. Nhìn đường đi của kiến để biết về sự nhẫn nhục. Sông vẫn chảy đời sông. Suối vẫn trôi đời suối. Đời người cũng để sống và hãy thả trôi đi những tị hiềm” [Trịnh Công Sơn].??