Huỳnh Thiện – Tổng giám đốc Công ty Vilube, cùng tôi ngồi ăn trưa ngay trong phòng họp của công ty chuyên sản xuất dầu nhớt. Bữa ăn đơn giản với mỗi người một ổ bánh mì thịt và một ly cà phê sữa đá. Trưa thứ bảy, văn phòng công ty vắng lặng. Huỳnh Thiện chọn giờ khắc này mà anh nói “cho dễ tâm tình”. Anh bắt đầu câu chuyện bằng lời rất tâm tình:
“Cha tôi là công nhân ngành dệt, cuộc sống gia đình tuy có phần chật vật nhưng cha tôi lo lắng cho con cái hơn cả khả năng và tạo môi trường tốt nhất cho anh em tôi học hành. Tôi nhớ hoài câu nói của cha tôi: Các con học giỏi thì ba có bán nhà cho con ăn học cũng vui lòng.”
Bước ngoặt lớn nhất của gia đình anh là năm 1975, mọi việc đều đột ngột thay đổi và qua năm sau cả gia đình phải hồi hương về quê sinh sống. Duy nhất mình anh quyết tâm ở lại thành phố với mong muốn được tiếp tục việc học và từ đó bắt đầu một chuỗi ngày vô cùng cơ cực. Anh tham gia sinh hoạt Đoàn thanh niên, trở thành cán bộ lãnh đạo phong trào rồi vào bộ đội và trải qua 5 năm ở mặt trận Campuchia. Huỳnh Thiện trầm ngâm: “Được trở về lành lặn, quả là may mắn hơn rất nhiều đồng đội. Thời kỳ đó chiến trường vô cùng ác liệt, đồng đội hy sinh mỗi ngày, có khi trong một năm mà đơn vị bổ sung quân số đến mười lần, đến độ anh em chưa kịp quen mặt thì đã vĩnh viễn mất nhau. Rời quân ngũ về công tác tại báo Tuổi Trẻ, nơi tôi tiếp thu những bài học cũng như kinh nghiệm về báo chí mà nhiều nhất là từ các bậc đàn anh. Tôi thu xếp thì giờ tiếp tục chương trình đại học cho đến khi tốt nghiệp Khoa Văn Đại học Tổng hợp.”
Thời kỳ đó, ngày ngày anh lọc cọc đạp chiếc xe có khi đứt thắng rồi mà không có tiền để thay. Bài chưa viết đã hỏi mượn trước tiền nhuận bút, uống cà phê ký sổ thiếu chịu. Tối tối cùng bạn bè giải trí bằng cách họp nhau lại uống rượu “Cây Lý”. Một chiếc xe gắn máy lúc bấy giờ cũng chỉ là mơ ước. Việc sở hữu một căn nhà coi như chuyện viễn tưởng. Tuy nhiên theo anh đó chính là thời kỳ đáng nhớ nhất. Huỳnh Thiện nói: “Tôi giữ nhiều ấn tượng khó quên về tuổi trẻ, nơi mà tôi vẫn coi là cái nôi hun đúc mình”.
Và anh đã sớm rời khỏi cái nôi đó sau 5 năm. Viết báo lúc ấy với anh cũng chỉ đơn giản là sở thích, một đam mê thuần tuý chứ chưa có một nhận thức rõ nét hay sâu sắc như một “nghề”. Trong khi đó thì anh lại nghiệm ra người ta sống ở đời phải có những ước mơ bay bổng, rồi chính những mơ ước đó đã chấp cánh cho anh.
Chàng phóng viên trẻ quyết định mạnh dạn thay đổi cuộc đời. Huỳnh Thiện muốn làm kinh doanh, mà phải dấn thân thực sự. Thế là anh bắt đầu hành trình mới bằng công việc bình thường nhất là nhân viên bán hàng. Vừa làm vừa học, làm nghiêm túc và học hỏi miệt mài. Một thời gian dài anh toàn làm việc 14, 15 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Chiến trường và thương trường đã rèn luyện anh trở nên bản lĩnh hơn, già dặn hơn so với độ tuổi 27 lúc ấy. Nỗ lực cao độ cuối cùng cũng được đền đáp bằng những vị trí sau đó: cửa hàng trưởng, rồi phó giám đốc kinh doanh của Công ty Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu SSC, đồng thời phụ trách giám đốc một xí nghiệp bên dưới.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toàn Tâm do anh làm chủ ra đời năm 1993 đánh dấu một bước ngoặt mới. Rồi Vilube với một nhà máy sản xuất dầu nhớt bằng công nghệ hiện đại là một sự lột xác khá ngoạn mục khác.
—
Chỉ trong một thời gian ngắn, anh ở hai vị trí công việc hoàn toàn khác nhau. Hồi còn làm báo anh nghĩ thế nào về doanh nhân và nay là doanh nhân anh nghĩ sao về nhà báo?
Ngày xưa từ góc độ người làm báo, thật tình tôi đánh giá một doanh nhân không trọn vẹn. Cũng dễ hiểu bởi vào thời kỳ ấy hình ảnh ông giám đốc bị nhìn méo mó, thường là một ông bụng phệ, tiêu xài vung vít và dễ trở thành đối tượng công kích của báo chí.
Đến khi trở thành doanh nhân thì tôi lại rơi vào một tình huống oái oăm là … ngại gặp nhà báo. Ở vị trí một nhà kinh doanh, tôi xác định rất rõ mục tiêu là đi tìm lợi nhuận. Tôi mong muốn thương hiệu của mình được nổi tiếng và bản thân mình càng ít được người khác quan tâm càng tốt.
—
Khi làm giám đốc quốc doanh anh nghĩ thế nào về tư doanh? Rồi bây giờ đã trở thành ông chủ tư nhân có khi nào anh nhìn lại khởi điểm của mình?
Khi đang ở trong guồng máy doanh nghiệp Nhà nước, tôi luôn luôn cảm thấy bị ràng buộc trong một cơ chế có quá nhiều tầng nấc phức tạp không cần thiết. Tôi ước mong ra ngoài làm chủ để có thể tự do quyết định mọi thứ và nghĩ rằng sẽ được thoải mái hơn trong một không gian khoáng đạt, mặc sức mà vùng vẫy.
—
Và anh đã được thỏa chí?
Trải qua mười năm xây dựng Vilube, tôi nhận ra làm ăn cũng nhiều khó khăn. Mới đây mẹ tôi đã ứa nước mắt nói rằng nhìn tôi bây giờ già đi rất nhiều so với tuổi. Tôi vẫn thường tâm sự với vợ con, để đạt được những thành tựu ngày hôm nay quả thật đã phải tiêu hao tuổi thọ gấp ba bốn lần thời gian vật chất mà mình bỏ ra.
Tôi mong muốn thương hiệu của mình được nổi tiếng và bản thân mình càng ít được người khác quan tâm càng tốt.
—
Anh được xem là một trong những người thành công khá nhanh chóng trên thương trường. Cái giàu, cái nghèo chắc hẳn cũng cho anh nhiều chiêm nghiệm trong cuộc sống?
Ngay từ nhỏ tôi không có cái nhìn ác cảm với những người giàu mà luôn đặt hy vọng một ngày nào đó mình cũng sẽ được như họ.
Công cuộc kinh doanh nào cũng nhằm vào mục đích là tối đa hóa lợi nhuận. Tuy nhiên khi đã đạt được ít nhiều thành công thì bắt đầu quan tâm đến những cái khác, đó là niềm tự hào và lòng mong muốn xây dựng một cái tên của riêng mình được người tiêu dùng trong nước tín nhiệm. Sau đó là nghĩ đến lợi ích của cộng đồng như một sự đền đáp cho những gì mình nhận được. Tất cả những công tác xã hội hiện nay chúng tôi đang âm thầm làm cũng nhằm vào mục tiêu đó, ngoài ý nghĩa như một sự trả ơn cho cuộc đời còn mang lại một niềm vui rất riêng tư trong lòng.
Công bằng mà nói, những suy nghĩ này không hề có trong đầu óc lúc tôi được 30 tuổi vốn là độ tuổi không bao giờ hài lòng với thực tại. Phải bước qua tuổi 40, suy ngẫm lại mới nhận ra cuộc đời còn có quá nhiều điều phải làm hơn là việc kiếm tiền. Và bước vào tuổi 45, sau những trải nghiệm trong cuộc sống thì “ngộ” ra rằng phải biết tìm hạnh phúc từ những gì mình có và đã làm được.
Để đạt được những thành tựu ngày hôm nay quả thật đã phải tiêu hao tuổi thọ gấp ba bốn lần thời gian vật chất mà mình bỏ ra.
—
Anh mê chơi golf lắm phải không?
Như được bấm đúng vào huyệt đạo, Huỳnh Thiện thao thao bất tuyệt, lại thêm một nét linh hoạt ở ông chủ doanh nghiệp tuổi trung niên này.
Người gợi ý tôi chơi golf là anh Phạm Phú Ngọc Trai. Đầu tiên tôi từ chối vì nghĩ rằng đây là một trò chơi đáng chán, không đối kháng như bóng đá, không ra mồ hôi như tennis. Nhưng từ khi biết golf tôi bị nó mê hoặc và giã từ những môn thể thao tôi đang ưa thích.
Thú vị nhất khi chơi golf là chơi với chính mình và phải tự thắng mình trước khi chiến thắng được người khác. Triết lý của trò chơi này không phải là sức mạnh mà là tâm lý, tư chất rồi mới đến kỹ thuật. Chính vì vậy mà những nhà quản trị trên thế giới khi muốn hiểu rõ hơn người cộng sự của mình thường hay mời người ấy đi đánh golf. Trong trò chơi này mọi tính cách sẽ bộc lộ ra hết.
Chơi golf đòi hỏi sự điềm tĩnh, bởi vì nếu anh đánh dở rồi tự giận mình thì sẽ càng đánh tệ hơn. Rồi khi đánh được đường banh tốt mà anh phấn khích quá, kết quả sẽ là những cú đánh hư sau đó. Do vậy phải luôn biết tự kềm chế.
Thú vị nhất khi chơi golf là chơi với chính mình và phải tự thắng mình trước khi chiến thắng được người khác. Triết lý của trò chơi này không phải là sức mạnh mà là tâm lý, tư chất rồi mới đến kỹ thuật.
Thú tiêu khiển này mang đến cho tôi nhiều cái lợi. Trước hết tôi tập được sự điềm tĩnh, một đức tính vô cùng cần thiết và hữu ích trong kinh doanh, giúp mình kiểm soát chính mình trước khi muốn kiểm soát mọi cái bên ngoài. Ngoài ra, khung cảnh của sân golf đem lại một sự thư giãn vô cùng tuyệt vời với trời xanh, rừng xanh, thảm cỏ xanh, tất cả mang một sắc thái tươi mát giúp cho thần kinh hoàn toàn thư thái.
Có những hôm áp lực công việc khiến tôi bị căng thẳng dẫn đến to tiếng với những cộng sự, trên thực tế đó là một sự xúc phạm người khác. Khi lên sân golf, đánh xong vài gậy là dịu lại ngay. Thế là tôi bèn gọi điện thoại cho người cộng sự nói vài lời ngọt ngào thân mật để người ấy hiểu rằng việc trót xúc phạm đến họ hoàn toàn ngoài ý muốn vì thật ra bản chất của mình không phải như thế. Điều này giải toả được nỗi ray rứt của chính mình và những ấm ức của người kia.
Mỗi người đến với một thú vui tiêu khiển với những mục đích hoàn toàn khác nhau, riêng tôi đến với golf là nhằm lấy lại quân bình sau một tuần lễ chồng chất gánh nặng công việc.
Chia tay anh tôi mới sực nhớ: thế là anh đã mất đi một buổi chiều đến với niềm say mê golf.