Từ ngày 16-2 đến 8-3-2014, tại gallery Di Legno ở Singapore diễn ra triển lãm tranh “Sưu tập mùa xuân” của hai họa sĩ Việt Nam: Hồ Hữu Thủ và con trai ông là Hồ Hồng Lĩnh.
Theo bà Thanh Kiều Moeller, giám đốc phòng tranh K Moeller chuyên về hội họa Việt Nam tại Singapore, đơn vị phối hợp tổ chức triển lãm, ngay sau khi báo The Straits Times thông tin về triển lãm, giới sưu tập tại đảo quốc đã tìm đến gallery Di Legno ngay, bởi tên tuổi họa sĩ Hồ Hữu Thủ đã được biết đến khá rộng rãi tại đây, mặt khác vì báo cũng đưa tin vị khách mời danh dự tại triển lãm, người sẽ cắt băng khai mạc phòng tranh.
Năm 2007, gallery K Moeller từng tổ chức triển lãm “Một thoáng Việt Nam”, giới thiệu tranh của sáu họa sĩ Việt Nam trong đó có tác giả Hồ Hữu Thủ, người nổi tiếng nhất và là một gương mặt kỳ cựu của hội họa Sài Gòn từ trước năm 1975. Trong triển lãm đó, khách mời danh dự là bà Ho Ching, phu nhân của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Còn trong triển lãm lần này, khách mời danh dự là ông Choy Weng Yang, giám tuyển đầu tiên của Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia Singapore. Theo bà Thanh Kiều, đây là một sự trân trọng đặc biệt dành cho phòng tranh của hai họa sĩ Việt Nam vì ông Choy (sinh năm 1930) là một trong bốn nghệ sĩ tạo hình tiền phong của Singapore, một tên tuổi lớn của hội họa trừu tượng ở quốc gia này, người đã giúp định hình nền mỹ thuật đương đại bản xứ. Không chỉ sáng tác, ông Choy còn là một nhà sư phạm nghệ thuật hàng đầu ở Singapore.
Năm nay đã ở tuổi 74 nhưng Hồ Hữu Thủ vẫn đều đặn sáng tác với hai chất liệu sơn dầu và sơn mài.Tranh ông có trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật Singapore cùng nhiều sưu tập cá nhân ở nhiều quốc gia. Trong triển lãm tại gallery Di Legno, Hồ Hữu Thủ đem sang bốn tác phẩm sơn dầu với ngôn ngữ biểu hình và một bảng màu nhẹ nhàng, dẫn dắt người xem vào thế giới huyền ảo và mộng mị quen thuộc của ông. Còn với Hồ Hồng Lĩnh là loạt tranh phong cảnh êm đềm và sâu lắng. Theo nhận định của biên tập viên mỹ thuật báo The Straits Times, dù phong cách tạo hình khác nhau nhưng dễ nhận thấy sự hài hòa giữa tác phẩm của cha và con tại phòng tranh này.
- Y Chiêu