Có một điều khó lý giải mà cũng chẳng cần lý giải: mèo và mỹ nhân luôn song hành trên tranh vẽ – như một cặp đôi bất cần lời giải thích.
Người ta vẫn quen xem chó là biểu tượng của lòng trung thành, còn mèo – như một linh vật huyền bí – là hiện thân của bản năng, khoái lạc và sự bí ẩn nữ tính. Có lẽ cũng bởi thế, không ít danh hoạ – từ châu Âu đến châu Á – đã chọn miu xinh làm bạn đồng hành cho những nàng thơ trong tranh của mình.

Từ Paris – nơi mèo đen nằm cuối giường gái làng chơi
Nếu như Titian dùng con chó nhỏ để nhấn mạnh sự thuần khiết và trung thành của nàng Venus, thì Édouard Manet lại lật ngược biểu tượng ấy trong bức “Olympia” kinh điển. Nàng gái làng chơi nằm trần trụi, ánh mắt trêu ngươi như đẩy người xem đến ranh giới của dục tính và phán xét. Ở cuối giường, một con mèo đen dựng lông gợi liên tưởng đến sự ham muốn không che đậy – thậm chí táo tợn.


Từ “chatte” trong tiếng Pháp, ngoài nghĩa “con mèo”, còn mang một hàm ý nhạy cảm: chỉ chính bộ phận sinh dục nữ. Vậy nên, khi Manet đặt một con mèo lên tấm toan cùng người đàn bà nằm trần, ông không chỉ tạo một cú sốc thị giác mà còn đặt lại câu hỏi về những chuẩn mực đạo đức giả.
Bức tranh từng bị công kích dữ dội. Nhưng hơn 160 năm sau, “Olympia” vẫn sống động trong Bảo tàng Orsay – như một chứng tích của sự nổi loạn nghệ thuật.


Renoir, Vallotton, Rousseau: Những giấc ngủ êm đềm bên mèo
Trái với sự khiêu khích của Manet, Pierre-Auguste Renoir lại dùng mèo như một biểu tượng dịu dàng. Trong “Thiếu nữ ngủ với mèo”, cả cô gái và chú mèo nhỏ đều đang mơ màng trên chiếc ghế tựa. Cái cách mà Renoir tô vẽ đôi má hồng và ánh sáng phủ lên lớp vải áo khiến người xem quên mất đây chỉ là một khung hình – không phải một buổi chiều có thật.
Félix Vallotton thì vẽ mèo như thể vẽ sự yên tĩnh. Henri Rousseau, trong thế giới nguyên sơ của ông, đặt một người đàn bà giữa rừng và một chú mèo con đang nghịch cuộn len. Thậm chí trong sự lập thể sắt thép của Fernand Léger cũng có chỗ cho một em miu màu xám.

Còn Olga Suvorova, nữ hoạ sĩ Nga đương đại, chọn mèo làm điểm nhấn cho những nàng quý tộc xưa – những người đẹp mặc corset, đội mũ lông vũ, ngồi cạnh mèo với đôi mắt mơ màng như chờ một điều gì không tới.
Phù thế Nhật Bản: Khi mèo giỡn váy mỹ nhân
Không ai vẽ mèo nghịch váy con gái như Kitagawa Utamaro. Trong thế giới ukiyo-e – tranh khắc gỗ của Nhật – những hình ảnh phụ nữ đẹp (bijin-ga) thường đi kèm với các em mèo tinh ranh, đang vờn váy áo, đùa bỡn với thân thể ẩm ướt sau tắm. Cái cách mà các nghệ sĩ Edo – từ Keisai Eisen đến Shohei Takahashi – mô tả mèo không chỉ là thú cưng, mà là một phần bản ngã mềm mại của người đàn bà.


Đến thế kỷ 20, những hoạ sĩ như Ishikawa Toraji hay Yumeji Takehisa đưa mèo vào những bản in khỏa thân đầy chất thơ – nơi cái đẹp không phải là sự phơi bày mà là một lớp mỏng gợi cảm che giấu.
Hôm nay, những Kazuho Imaoka – nữ hoạ sĩ sinh năm 1991 từ Kyoto – vẫn tiếp tục trò chuyện với truyền thống ukiyo-e bằng một phong cách thời đại: nàng hiện đại, váy đương thời, nhưng luôn có một em mèo ở bên – như một cái tôi được tách đôi.

Có thể mèo không trung thành, có thể mèo không bộc lộ cảm xúc như chó. Nhưng với nghệ sĩ, đặc biệt là những người vẽ đàn bà, mèo là một tấm gương phản chiếu bản năng, vẻ đẹp tự tại, và sự ngạo nghễ của nữ tính.
Liệu ta có thể tưởng tượng được một bức chân dung nàng thơ mà không có một chú mèo nhỏ nằm gọn trong vòng tay? Có lẽ được. Nhưng sẽ luôn thấy thiếu – như thiếu một điều bí mật.
- Xem thêm: Bogotá. Chút lãng mạn hiểm nguy