Tại các tuần lễ thời trang trong nước gần đây, những bộ sưu tập sử dụng chất liệu tơ lụa Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều.
Vừa qua, dòng vải lụa với công nghệ dệt sợi đặc biệt – một dòng vải cao cấp nhất của lụa Bảo Lộc – đã được nhà thiết kế (NTK) Cao Duy ứng dụng cho bộ sưu tập Tuần lễ thời trang Việt Nam Thu-Đông 2019.
Ngoài những mẫu vest, đầm, bộ sưu tập của Cao Duy còn có những chiếc nón tơ tằm 100%, sản phẩm của cơ sở Anh Phước – Nhật Minh Silk ở Bảo Lộc.
Các nghệ nhân tơ lụa đã tạo ra chiếc nón 100% tơ tằm thiên nhiên bằng cách cho tằm nhả tơ trên một khối tạo hình nón.
Nhiều sáng tạo làm tăng giá trị sản phẩm
NTK Phương Thanh từng chia sẻ: “Theo xu hướng thời trang quốc tế, lụa tơ tằm là dòng vải cao cấp nhất của thời trang nhưng phần lớn mọi người mới biết đến lụa của Ý, Pháp, Nhật mà ít biết đến lụa của Việt Nam.
Tôi cũng như các NTK trong Tuần lễ thời trang Việt Nam rất tự hào vì được tạo ra những sản phẩm bằng chất liệu Việt. Việc sử dụng các chất liệu lụa của Việt Nam để quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng cũng như bạn bè quốc tế là trách nhiệm của chúng tôi”.
Năm 2018, tiêu thụ tơ lụa Bảo Lộc tại thị trường trong nước tăng gấp đôi so với 2017. Sợi tơ Việt cũng đã trở thành nguồn nguyên liệu quý của nhiều thương hiệu thời trang quốc tế.
Nhiều người trong ngành cho biết một số thương hiệu tơ lụa nổi tiếng của Ý, Nhật, Thái Lan được dệt tại Bảo Lộc. Ngày càng nhiều người kinh doanh lụa thế giới đặt hàng các nhà máy Bảo Lộc và xuất đi bằng thương hiệu của họ với chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Sự phát triển về kỹ thuật – công nghệ và sự nhanh nhạy, sáng tạo của một bộ phận người làm tơ lụa Việt Nam đã khiến ngành thủ công bị mai một này khởi sắc rõ rệt.
Bên cạnh thời trang, việc sử dụng tơ lụa trong nội thất gia đình cũng đang tăng nhanh. Không ít gia đình người Việt sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng cho các bộ chăn, gối nệm làm từ tơ lụa. Sau các sản phẩm từ Hàn Quốc, Trung Quốc, đồ nội thất làm từ tơ lụa trong nước bắt đầu được người Việt yêu thích.
Thành công sớm trong sản xuất chăn gối từ con tằm phải kể đến nghệ nhân Phan Thị Thuận (Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội). Năm 2015, bà Phan Thị Thuận được Hội Nông dân Việt Nam trao giải nhất với giải pháp sáng tạo chăn (mền) bông tơ tằm do con tằm tự dệt.
Sau nhiều thời gian nghiên cứu, bà Thuận đã thành công trong việc đem đặt các con tằm sát với nhau trên một mặt phẳng, kết quả là tơ của nhiều con tằm quấn vào nhau, đan thành tấm thảm bông phẳng, mịn, gắn kết bền chắc tự nhiên không kỹ thuật dệt nào của con người có thể sánh kịp, lại tiết kiệm được chi phí nhờ giảm bớt nhiều công đoạn phức tạp như kéo kén, ươm tơ, cào bông…
Từ sản phẩm này, bà Thuận đã cho ra đời nhiều tấm chăn, các loại gối chất lượng cao được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt.
Đặc biệt, sản phẩm chăn bông, vải lụa tơ tằm của bà đã có mặt ở thị trường Nhật, Thái Lan, Đức, Bỉ, Trung Quốc, các nước Ả Rập… mang đến lợi nhuận sau thuế hơn 3 tỉ đồng/năm cho doanh nghiệp.
Ngành sinh lợi cao và đòi hỏi cũng cao
Mới đây, Công ty TNHH Đình Tâm ở xã Đạ Đờn, Lâm Hà vừa được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận đầu tư xưởng ươm tơ, dệt lụa tại Cụm Công nghiệp Đinh Văn của huyện Lâm Hà, đạt công suất mỗi năm 36.000m vải lụa tơ tằm, 180 tấn kén tươi, 24 tấn tơ.
Tại huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang cũng đang nỗ lực hợp tác với nông dân trong huyện mở rộng thêm mô hình trồng dâu nuôi tằm.
Ông Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch UBND xã Đạm B’ri – vùng trồng dâu tằm tập trung nhất của TP. Bảo Lộc cho biết, dâu tằm đang là loại cây kinh tế nhất tại địa phương.
Nhờ đưa nhiều loại giống mới vào sản xuất, năng suất lá dâu rất cao, đạt đến 30 tấn lá/ha/năm, gấp 4-5 lần so với giống dâu truyền thống. Doanh thu từ trồng dâu nuôi tằm hiện đạt khoảng 300 triệu đồng/ha/năm, gấp 2-3 lần so với cây trà, cà phê.
Theo phân tích của người trong nghề, sản xuất tơ lụa là ngành tổng hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi, giữa nông nghiệp và công nghiệp, đòi hỏi mối liên hệ chặt chẽ giữa nông nghiệp trồng dâu nuôi tằm và công nghiệp sản xuất tơ lụa, gắn kết người nông dân với nhà sản xuất.
Ngành sản xuất tơ lụa muốn phát triển một cách chủ động phải dựa trên sự phát triển của ngành trồng dâu nuôi tằm. Theo nghiên cứu của Nhật Bản, trung bình khoảng 57% tổng giá trị của tơ thành phẩm là do người trồng dâu nuôi tằm tạo ra.
Tại Việt Nam, liên kết trong chuỗi sản xuất đang là điểm yếu, khiến cho nhiều vùng tơ lụa chưa được khôi phục vị thế từng có trong quá khứ.
Dù tiềm năng sinh lợi rất lớn nhưng ngoài khu vực Tây Nguyên, ngành trồng dâu nuôi tằm tại nhiều nơi ở Việt Nam được cho là khó trở lại thời hoàng kim, lý do đây là ngành nhạy cảm với môi trường xung quanh.
Ngoài đặc tính phụ thuộc chặt chẽ vào điều kiện tự nhiên của những sinh vật sống thì nghề trồng dâu nuôi tằm có những yêu cầu vô cùng khắt khe về môi trường xung quanh như: xa các nhà máy, các lò gạch, không dùng thuốc bảo vệ thực vật…
Ba năm trở lại đây, tỉnh Quảng Nam đã xúc tiến nhiều chương trình nhằm hồi sinh lại ngành tơ lụa từng rất nổi tiếng của địa phương nhưng vẫn chưa đạt được kết quả.
Trong một số hội thảo về sản xuất tơ lụa tại Quảng Nam, nhiều chuyên gia cho rằng công tác quản lý nhà nước về sản xuất, cung ứng giống tằm hiện nay chưa đủ chặt chẽ, thiếu những mô hình thâm canh dâu tằm hiệu quả.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác dẫn đến nghề dâu tằm, tơ lụa bị mai một là do việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP của Chính phủ chưa thực hiện tốt; việc chia đất để giao cho từng hộ do phải có gần, có xa, có tốt, có xấu nên đã phá vỡ tính liên khoảnh, liên vùng của các bãi dâu, làm cho diện tích trồng dâu trở nên manh mún, diện tích dâu bị giảm mạnh, từ đó nghề nuôi tằm và ươm tơ không thể tiếp tục sản xuất, nông dân chuyển sang cây trồng khác như dưa hấu, đậu phộng, bắp… và ngành nghề khác có hiệu quả kinh tế hơn.