Vừa qua, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) dự báo xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sẽ tăng lên 40 tỉ USD trong năm 2019 nhờ Hiệp định CPTPP có hiệu lực.
Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu 36,2 tỉ USD hàng dệt may đi các thị trường, tăng 16% so với năm 2017.
Tại hội thảo “Xu hướng thay đổi và thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam” diễn ra ngày 10-4, ông Vương Đức Anh, trợ lý tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định Việt Nam đang bám sát Ấn Độ về xuất khẩu dệt may và hiện nằm trong Top 3 thế giới về xuất khẩu mặt hàng này.
“Trong khi đó, các nước xuất khẩu dệt may lớn của thế giới như Trung Quốc lại tăng trưởng dưới 5%, hay như Ấn Độ và Bangladesh giảm lần lượt 2% và 3,7%”, ông Đức Anh cho biết.
Nói về các hiệp định thương mại tự do, đại diện của Vinatex cũng như VITAS đều cho rằng CPTPP sẽ là động lực giúp ngành dệt may Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như liên kết chặt chẽ hơn ở thị trường trong nước.
Dung lượng thị trường dệt may của CPTPP là 83 tỉ USD, với hàng dệt may của Việt Nam xuất sang các nước thành viên hiện đạt 5,3 tỉ USD, chiếm 6,3%.
Trong đó, khoảng 4 tỉ USD là xuất khẩu sang Nhật Bản. Tuy nhiên, thị phần của hàng dệt may Việt Nam tại thị trường 40 tỉ USD này chỉ là 10%, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (72,6%).
Tương tự, thị phần của Việt Nam tại Canada chỉ 5% trong khi nhu cầu hàng dệt may của thị trường này là 13-14 tỉ USD. Tại Úc và Mexico với nhu cầu lần lượt là 9 tỉ USD và 10 tỉ USD, hàng dệt may của Việt Nam cũng chỉ chiếm 2,3%.
Về ngắn hạn, CPTPP tạo ra thách thức đối với doanh nghiệp may do các doanh nghiệp này đang phụ thuộc vào nguồn vải nhập khẩu từ bên ngoài CPTPP.
Hiện CPTPP chỉ cung cấp được khoảng 7,6%, tương đương 1,3 tỉ USD lượng sợi, vải trong tổng nhu cầu 18 tỉ USD của Việt Nam.
Về dài hạn, CPTPP hay EVFTA được kỳ vọng sẽ tạo ra quy mô thị trường đủ lớn để kích thích doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm hoàn tất, hình thành chuỗi liên kết trong ngành dệt may từ ngành sợi đến ngành vải và ngành may.
Tại hội thảo cũng về dệt may diễn ra trong ngày 11-4 tại TP.HCM, nhiều chuyên gia cho biết phát triển xanh đang là xu hướng mới của ngành dệt may toàn cầu.
Ông Sun Ruizhe, Chủ tịch Hội đồng dệt may Trung Quốc cho biết, hiện nay người tiêu dùng đã có ý thức về tiêu dùng xanh và rất quan tâm đến chuỗi cung ứng hàng hóa.
Theo ông, người tiêu dùng thế hệ 2000 đặc biệt quan tâm đến thành phần của sản phẩm trước khi mua hàng.
Trước xu hướng này, các nhà máy dệt may ở Trung Quốc đang cải thiện về số hóa và giá trị sản phẩm, lấy tiêu dùng định hướng sản xuất, tạo ra chuyển biến mới về bán lẻ số để chế tạo trở thành trung tâm giá trị và các khâu chế tạo phải trở thành chuỗi giá trị.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp bắt kịp xu hướng xanh hóa, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã đưa ra gói tín dụng xanh để khuyến khích các doanh nghiệp dệt may. Đồng thời, Tổng hội Dệt may Trung Quốc cũng thành lập liên minh về chuỗi giá trị xanh.
Tại hội thảo này, ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc Vinatex cho biết, Trung Quốc đang sử dụng 1/3 sản lượng cotton của thế giới trong khâu dệt.
Về sản xuất sợi, Trung Quốc chiếm gần 50%, đứng đầu thế giới về sản xuất sợi cotton, sợi tổng hợp…
Trong khi đó, Việt Nam dù đã thu hút được nhiều nhà đầu tư mới đưa các máy móc sản xuất với tốc độ cao nhưng cũng chỉ chiếm 5% sản lượng sản xuất sợi.
Mặc dù có mối quan hệ gắn kết, nhưng theo ông Lê Tiến Trường, ngành dệt may Việt Nam và Trung Quốc mới chỉ có quan hệ giữa người bán với người mua chứ chưa tạo ra được liên minh về chuỗi cung ứng.
Trong khi đó, xu thế hiện nay đòi hỏi phải thiết lập được các mối quan hệ giữa các quốc gia trên thế giới để đáp ứng được yêu cầu của người mua về nguồn nguyên liệu.