Để giải bài toán “kinh niên” với đa số doanh nghiệp là kết nối con người với hệ thống, mới đây, Viện Phát triển Quản trị và Công nghệ IMT (Institute of Management and Technology) đã tổ chức Hội nghị Xây dựng doanh nghiệp xuất sắc bền vững theo mô hình Shingo – một hệ thống tư duy mới hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi văn hóa tổ chức.
Phát biểu tại sự kiện, TS Phạm Ngọc Tuấn, Chủ tịch IMT nêu lên thực tế rằng khá nhiều doanh nghiệp (DN) vận dụng hệ thống với các công cụ như như KPI, OKR, ISO, ERP, MES, Lean… để đạt đươc thành công đáng kể nhưng sau vài tháng, các điểm yếu từ việc áp dụng các công cụ dần hiện ra và DN không còn duy trì được thành quả, khiến hệ thống đã xây dựng dường như bị vô hiệu hóa. Để giải quyết điều này, DN lại tìm thêm các công cụ khác nhưng vẫn không khả quan, dẫn tới về lâu dài bộ máy trở nên cồng kềnh và quan liêu.
“Do vậy, các doanh nghiệp và các nhà quản lý Việt Nam rất cần được tiếp cận những cách quản lý đúng đắn và bền vững”, ông Phạm Ngọc Tuấn khẳng định.
Đồng tình với TS Phạm Ngọc Tuấn, GS. TS. Gerhard Plenert – nguyên chủ tịch Viện WCM và giám đốc giáo dục Viện Shingo nhận xét rằng phương pháp hoạt động trên nguyên tắc từ công cụ đưa đến thành quả là phương pháp vá víu, nếu cứ có lỗi lại tìm công cụ vá thì doanh nghiệp sẽ không thể phát triển bền vững.
Để giải quyết tình trạng này, thay vì ưu tiên cho công cụ, GS. TS. Gerhard Plenert đề xuất sử dụng mô hình Shingo với nguyên tắc đưa văn hóa lên hàng đầu. Ông nhấn mạnh rằng văn hóa liên tục cải tiến là một phần quyết định tạo nên sự xuất sắc của doanh nghiệp, và trọng tâm của mô hình Shingo là đưa văn hóa đến từng nhân viên cấp dưới trong tổ chức.
Cũng theo GS. TS. Gerhard Plenert, trong khi các mô hình vận hành khác tập trung vào chuỗi giá trị và các công cụ như Lean, TPM, mô hình Shingo tạo ra sự khác biệt vì chỉ ra được sự nối kết giữa khả năng làm ra kết quả cuối bằng cách tích hợp thống nhất công cụ, hệ thống và văn hóa. Thành phần của mô hình bao gồm các nguyên lý dẫn hướng và nguyên lý hỗ trợ – các nguyên lý của sự xuất sắc trong vận hành và nỗ lực cân bằng trên các khía cạnh; và các phương pháp là cách chuyển đổi để thấm thuần các nguyên lý.
Mô hình này sẽ giúp các tổ chức tập trung vào hành vi để dẫn đầu hiệu suất, xây dựng một tổ chức học tập, định hình những hành vi cần giáo dục cho đội ngũ để mang lại kết quả cao; làm cơ sở để đánh giá tổ chức từ đó lập kế hoạch cải tiến liên tục và toàn diện. Đồng thời, mô hình cũng thúc đẩy tính thông suốt trong suy nghĩ cũng như hành động; sử dụng làm chuẩn mực cho sự xuất sắc ở cấp độ cao nhất; sử dụng để điều chỉnh tất cả các yếu tố của một tổ chức xoay quanh nguyên lý dẫn hướng và phương pháp chuyển đổi đã được chứng thực, cải tiến một cách liên tục và toàn diện.
Nhận định về cách quản lý bền vững, GS. TS. Gerhard Plenert lưu ý rằng sự bền vững chỉ có thể đạt được khi tất cả mọi thành viên trong tổ chức đều có thể tham gia vào quá trình tạo dựng nó. Nếu có sự thay đổi trong hệ thống quản lý, thì hệ thống phải giúp cho việc đúng dễ làm hơn việc sai – đây là lỗi rất dễ mắc phải khiến DN thất bại khi áp dụng hệ thống quản lý mới.
Tại hội nghị, các khách mời là những chuyên gia quản lý, các chủ doanh nghiệp… cũng đã cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm thực tế về các chủ đề liên quan đến quản lý bền vững như Kết hợp kỹ thuật và văn hóa để đạt được Operations Excellence – Ứng dụng trong ngành sản xuất, Thúc đẩy hành vi tích cực để đảm bảo hiệu quả vận hành hệ thống – Ứng dụng trong ngành dịch vụ…
Giải thưởng Shingo là tiêu chuẩn cao nhất thế giới về sự xuất sắc của tổ chức và là biểu tượng được công nhận trên toàn thế giới về sự thiết lập thành công văn hóa của một tổ chức dựa trên các nguyên tắc cải tiến liên tục. Một số doanh nghiệp tiêu biểu đã đạt giải Shingo có thể kể đến như: AT&T Technologies, EFI Electronics by Schneider Electric, Abbott Vascular, Johnson & Johnson – Medical Vascular Access, Boeing KC 135 GeorgiaTM, Ford Motor…