Doanh Nhân Plus xin trân trọng giới thiệu bài viết “Mắt lửa hàn và giai điệu xanh trên cát” của tác giả Mộc Miên, đăng trên Tạp chí Nông Thôn Việt – một phóng sự đậm chất nhân văn về hành trình chuyển mình của vùng đất Chu Lai – Quảng Nam nhờ sức bật công nghiệp, với THACO là hạt nhân. Qua những câu chuyện đời thực của công nhân như chị Thu Can, chị Ánh, hay anh Tiến – từ phụ hồ thành chuyền trưởng – bài viết khắc họa sự đổi thay trong tư duy sống và khát vọng vươn lên. Một “giai điệu xanh” thấm đẫm biết ơn và hy vọng giữa nền cát bỏng rát.

Hồi ông Lê Minh Ánh còn làm Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, có lần tôi hỏi về nội lực công nghiệp, ông trả lời: “Chú mi thấy đó, đi qua cũng Ô tô Trường Hải, đi lại cũng Trường Hải Ô tô. Không có THACO, là gay nghe”. Lại nhớ vài lần họp báo, anh Nguyễn Ngọc Truyền – Chánh văn phòng UBND tỉnh cười cười: “Ngân sách thu thấp anh em nghe, vì quý rồi Trường Hải bán xe chưa được nhiều”. Chuyện THACO Chu Lai đến giờ chiếm tới hơn 60% thu ngân sách nội địa của Quảng Nam như cái triện đóng cộp về giá trị và vị trí của nó trong bức tranh kinh tế – xã hội của tỉnh, luận bàn nữa cũng thừa.
Nhưng đồng tiền qua máy đếm, nó chỉ hiện ra con số
Họ ngồi với tôi, với vẻ ngập ngừng sau giờ cơm trưa. Nữ mà làm cơ khí. Lạ. Và chính họ cũng thấy lạ. “Gia đình em nói sắt thép nặng nề, phụ nữ không làm được đâu” – chị Trần Thị Thu Can, quê xã Tam Hòa nhớ lại quyết định… liều lĩnh khi bỏ nghề may xin vào THACO, mà lại làm cái việc vận hành robot hàn – “em xin vô cũng vì chồng làm ở xưởng này”.
Tôi cười, lý do đơn giản như… đang giỡn. “Dạ, lạ lắm anh, vô là em ngợp liền”. Đi may 10 năm. Hai mươi tuổi đã đi làm kiếm sống. Nhưng đây là một thế giới khác biệt, chưa từng thấy. Được đào tạo 1 tháng. Tự học. Quản lý và đồng nghiệp tận tình hướng dẫn. Bây giờ chị đã là một thợ hàn rành rõi, sau 3 tháng làm quen.
“Dạ, tụi em không ngờ luôn” – chị Dương Thị Ánh ở phân xưởng gia công cắt gọt vận hành máy tiện CNC nói như trần tình – “em vô làm được 3 năm rồi, trước đó em thất nghiệp, muốn có thu nhập nên xin đại vô. Nói thiệt anh, vô mà hoảng vì hiện đại quá, lại phức tạp. Em học từng ngày, nhờ đồng nghiệp giúp, nên mới được đó”.
“Còn nhớ sản phẩm đầu tiên tự tay mình làm ra không?”. “Nhớ chứ anh, kỷ niệm không quên mà. Đó là một cái chốt từ phôi thép. Nó đơn giản, nhưng tay em làm ra, thấy lạ. Em sung sướng vô cùng, hạnh phúc kinh lắm anh ơi, không hình dung nổi! Chừ mà quản lý đưa 1 bản vẽ, em có thể lập trình được hết”.

Niềm hạnh phúc đổi phận
Dòng thời gian đã chảy trên cát Chu Lai, chảy trên bao phận người. Tôi hiểu, câu thốt lên từ chị, biên niên sử của vùng đất một thuở có tên trên bản đồ quân sự như một thách thức giằng co hai phía.
Và sau mấy chục năm đất nước thống nhất, bao người nối nhau cúi xuống cát cháy tìm miếng ăn trong bất lực, rồi sẽ phải ghi thêm “một cái chốt” như cú lật bàn đèn chuyển dời, đảo ngược tình thế trên sân cỏ. Niềm hạnh phúc đổi phận! Có thu nhập cao, ổn định đã đành, nhưng đây là cuộc thay máu tư duy sống, hoán đổi toàn triệt quan niệm về giá trị, thành quả lao động.
Tôi nhìn chị, thấy nước mắt chực ậng ra. Chính cái công ty này, như một phép màu, đã hình thành một lớp người mới biết sống và làm việc công nghiệp, biến ước mơ của bao người thành hiện thực, cha mẹ cũng không ngờ chứ đừng nói lớp xa hơn. Áo cơm đủ đầy.
Nhà nông là vậy, chứ phần lớn chẳng ai mơ thay đổi cách nghĩ cách làm hoàn toàn khác và không bao giờ hình dung nổi, là tại sao có vậy và được vậy? Tôi nói điều này, xuất phát từ thực tế, mà đóng đinh quán chiếu mọi thứ đều từ thói quen làm việc.
Rèn kỷ luật tập thể cho những người dân quê
Khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất khởi động, người ta cần công nhân thời vụ vào xây dựng, một quản đốc tôi quen, nói: “Ớn ngán mấy ông ở quê. Vô làm dây chuyền, xin nghỉ 1 ngày đi đám cưới mà nghỉ luôn 3 ngày. Làm thì ngóng giờ nghỉ. Người ta đuổi là đúng”.
Rèn luyện kỷ luật, là thứ người Việt không có trong bộ nhớ. Chị Ánh nói tiếp: “May cho em, từ ngày làm tới giờ, cách nghĩ về công việc, môi trường, đời sống, khác hẳn bạn bè ở quê. Tụi em phải học hỏi hàng ngày vì công ty không ngừng thay đổi. Em vô làm, chỉ ân hận sao không xin vô sớm!”.
Còn chị Trần Thị Búp quê Hòa Hương – Tam Kỳ thì cười: “Em vô làm phân phát vật tư, nhưng thấy sau mặt nạ ánh sáng lạ lắm, nên xin làm hàn Tig”. Chị là một trong 4 người nữ đầu tiên đảm trách chân thợ hàn vào năm 2021. Hàn Tig là hàn thủ công ở những vị trí robot không làm được, đòi hỏi thẩm mỹ cao. Những ngày đầu tiên là chị xin phôi thép thừa, hàn thử. Sản phẩm đầu tiên là cửa thùng xe đông lạnh. Thích quá chừng.

Tư duy thương hiệu đặc biệt của ông Bá Dương
Đất Quảng Nam được coi là đất mở về phương Nam, nhưng bao nhiêu thế kỷ, phải chờ đến lúc này mới được kiến tạo “con người công nghiệp”. “Ánh sáng sau mặt nạ lạ” đó, sẽ không đủ sức níu kéo và duy trì, mang niềm cảm xúc lớn với họ, nếu không được học bài đầu tiên, mà khi tôi hỏi thì chị Thu Can nói: “Dạ, văn hóa THACO”.
Tôi nhớ ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT THACO khẳng định: “Tính đại diện của một doanh nghiệp không chỉ ở sản phẩm hay thương hiệu, mà còn thể hiện ở mỗi nhân sự thông qua cách ứng xử trong công việc và đời sống thường ngày với phương châm ‘Mỗi nhân sự là một đại sứ của thương hiệu’”.
Đặc tính công nghiệp và kỷ luật là nền tảng, định hướng xây dựng văn hóa. Đây là chiếc đũa thần biến họ, những đứa con của cát cháy, ruộng đồng khô héo, cái ăn phập phù, cả cái tính được chăng hay chớ ăn sâu trong máu nhà nông, bước một bước khoác lên người bộ đồ công nhân, lột xác.

Sự sống lạ trên vùng cát cháy
Tôi đi hết từ xưởng hàn này đến nhà máy kia, thênh thang, mà ngay cả người ở đây cũng nói rằng đi bộ cả ngày không hết. Hàng ngàn con người cắm cúi với máy, nhớ bao lần về đây, lội giữa cát trưa cháy mặt tìm miếng nước uống mà đi rã chân chưa thấy; nhớ bạn bè giờ đã tứ tán bởi đầu thập niên 90 dễ gì kiếm việc ở quê khi đi học xong, họ phải tha hương.
Giấc mơ sống lắm khi cay nghiệt, định mệnh như cột thu lôi ghim xuống, hoặc chấp nhận sống hết một đời cháy đỏ với cát, hoặc phải ra đi. Cây cắm xuống, tưới hết thùng nước, vừa quay đi, mặt cát như trơ ra khô rẫy, thì nói gì mơ nghĩ, ngủ một đêm thấy nhà máy mọc lên, ô tô đủ loại ra đời, hàng ngàn con người đổ về; nhưng càng lạ con cái mình đi làm là có giờ giấc, nói năng đi đứng suy nghĩ khác hẳn.
“Nói với anh mà em muốn khóc”
Không dễ dàng gì hình thành một lớp người nhanh chóng chuyển tư duy nhà nông sang công nghiệp, nếu ở đó không đủ sức thu hút họ.
Muốn biết công ty đó ăn ở đối đãi ra sao, hãy xem độ gắn bó của người lao động. Anh Huỳnh Nhật Tiến – chuyền trưởng chuyền hàng bấm xưởng hàn nhà máy THACO tải – mắt đỏ hoe, bối rối: “nói với anh mà em muốn khóc”.
Tiến đã khóc. Con của anh chào đời thì bị thoát vị màng tủy sống. Đồng tiền ky cóp nhà nông tìm chữa bệnh cho con thiếu điều… khô máu.
“Hồi đó, năm 2002, em làm phụ hồ ngày được 33 ngàn. Một bữa có ông nhà bên nói vô xây dựng ở THACO, em làm thời gian rồi xin vô đây”. Ban ngày làm, đêm đi học trường Cao đẳng THACO rồi tốt nghiệp, hành trình ngược gió của người thanh niên quê Tam Anh Bắc – Núi Thành đã được đền đáp, từ tổ trưởng lên chuyền trưởng năm 2017.
“Không có THACO, vợ chồng em lấy chi nuôi con, lấy chi tự tin vay tiền làm nhà! Em thấy đời mình may mắn, ơn công ty lớn lắm anh”.

Tôi tin lời đáy lòng anh, bởi khi gặp, nét thật thà, bối rối ngập tràn, anh ngập ngừng: “Nghe nói có anh gặp, em sợ hôm qua chừ, run quá, không biết nói chi, hồi mô chừ có trả lời thẩm vấn đâu”.
Tôi bật cười “thẩm vấn” và để tăng độ tự tin cho Tiến, tôi vỗ vai cái bốp: “Mi yên tâm, tau không “ăn thịt” đâu”. Tiến nhắc lại: “Con bé em học lớp 9 rồi, không có công ty, đời tụi em không biết sẽ ra sao. Em cũng không nghĩ sẽ làm quản lý, bởi vô đây đâu có bằng cấp”.
“Thằng ni chí lớn”
Tiến như bao người ở đây, sức lực và nhiệt thành, ham học hỏi, sáng tạo đã được trao trả đúng nghĩa. Nhưng nếu trong cơn lốc số phận, nâng chén cơm có được từ đâu đó, sẽ thấy có nước mắt của ân nghĩa. Chính lòng biết ơn sẽ giữ họ đồng hành trên con thuyền ra biển lớn. Bởi có gì quý hơn cơ hội được trao truyền để mình thấy không bị bỏ rơi.
Họ bền bỉ đi cùng, có một điều lớn hơn nữa, là họ ngó lại một quãng đời của mình trước đó “đường xa nghĩ lại sau này mà kinh”, nếu thiếu chí. Môi trường nào cũng khắc nghiệt, công việc không phải là chốn du nhàn. Không phải ai ở xứ cát cháy này cũng đủ nghị lực để theo đuổi đến cùng khát vọng đổi đời.
Anh Lê Văn Minh, tổ trưởng hàn Mazda, làm ở đây đã 20 năm, kể: lứa anh vô 100, đến giờ trụ được 10 người, lý do không thích ứng được. Anh không thể quên những ngày tháng đi bộ 10km từ dưới quê biển Tam Quang lên, sáng cũng như chiều, ròng rã 5 năm, thấy người ta nhận lương có tờ 500 ngàn mà ao ước đời mình đến khi nào mới có!
“Nếu không làm ở THACO, thì em mãi làm kiếp đi biển, không thì thợ hồ, làm chi có bằng đại học, làm chi biết công nghệ. Hồi đó, bà con trong xóm thấy em đi bộ cực quá, trề môi: Ngu, ăn chi mà cực rứa! Giờ thì họ nói: Thằng ni chí lớn, chừ sướng hè”.

Tư duy bền vững ngấm vào từng người con gốc rạ
Chí lớn sinh nghĩ sâu, xa, nên nói như anh Nguyễn Văn Thành quê Nga Sơn – Thanh Hóa cùng đại gia đình đến đây lập nghiệp, là “cái chậu cây anh em mình nhìn thấy đây, nếu như không đi làm công ty, thì em chỉ mong nó xanh, ra quả. Hết.
Còn bây giờ, em nhìn nó thì thấy tạo giá trị vĩnh cửu về môi trường và em cần giữ, phát triển nó bền vững”. Hai thập kỷ ở xứ Quảng, THACO đã thiết lập một giá trị: Hình thành tư duy giá trị ở con người, một thứ giá trị không đóng đinh ở không gian nơi họ sống, mà dạy họ biết tư duy rằng tạo giá trị từ sản phẩm mới chính là con đường đi đúng.
Những cái tên của khát vọng
Với tôi, đây chính là thứ lớn hơn tiền, và xứ Quảng cùng con dân bao vùng khác trong số 15.200 con người đang làm việc trong 6 lĩnh vực ngành nghề của THACO; gồm: Ô tô, Cơ khí chế tạo và Công nghiệp hỗ trợ, Nông nghiệp, Đầu tư – Xây dựng, Thương mại – Dịch vụ và Logistic ở gần 40 nhà máy, công ty, đơn vị, phải biết ơn THACO. Chính THACO, từ những ánh lửa hàn, đã tạo ra một con mắt khác, biết nhìn sâu vào chính mình, rồi nhìn ra thế giới xung quanh, để biến cát thành vàng.

Cuối tháng 2/2025, trong một cuộc họp với tỉnh Quảng Nam, đại diện THACO đề xuất thực hiện đồng bộ 4 dự án mới tại tỉnh Quảng Nam; gồm: Dự án luồng Cửa Lở, đường nối KCN Việt – Hàn đi đường Võ Chí Công, Khu phi thuế quan – bến cảng Tam Hòa (797ha), Khu đô thị Tam Hòa – Tam Tiến (1.755ha) (gọi tắt là dự án luồng Cửa Lở), tổng mức đầu tư 7.200 tỉ đồng; tiếp theo là Dự án Khu đô thị Chu Lai 01 (giai đoạn 1, 195ha); rồi Dự án KCN cơ khí ô tô mở rộng (115ha), tổng vốn đầu tư 1.348 tỉ đồng; Dự án Khu phức hợp, nghỉ dưỡng Long Thạnh Tây (32ha).
Chuyện về luồng Cửa Lở
Nhớ bữa đó, Chủ tịch THACO – ông Trần Bá Dương, cho rằng nếu đầu tư luồng Cửa Lở, trung tâm logistics để vận chuyển hàng hóa bằng container tại Chu Lai với mức giá bằng 2 đầu đất nước thì doanh nghiệp sẽ chuyển đến Chu Lai, đến miền Trung rất nhiều. Từ đây, mở ra lộ trình phục vụ cho Nam Lào, Bắc Campuchia, Tây Nguyên và phục vụ cho Quảng Nam.
Ông nói bằng giọng thiết tha: “Có thể nói dự án làm thay đổi, tạo đột phá và phát triển cho Chu Lai là luồng Cửa Lở. Đối với THACO, dự án này là dự án tâm huyết của cá nhân tôi. Nếu làm xong được thì coi như tôi thấy rằng sứ mệnh đầu tư tại Chu Lai thể hiện được.
Đối với THACO, cá nhân tôi không đặt vấn đề về lợi nhuận hơn thiệt. Tôi xin xác nhận làm cách nào cũng được, miễn làm đúng luật. Thứ hai là làm không có một tiếng lợn cợn suy nghĩ gì về uy tín của cá nhân tôi và THACO. Có thiệt cũng phải làm, miễn làm cho được, nhưng thật sự không thiệt đâu…
Khi có luồng Cửa Lở thì bức tranh Chu Lai với sự đóng góp của nhiều thế hệ bắt đầu hình thành. Dưới cái nhìn của tôi, cảm nhận thời gian hình thành không còn xa nữa”.

Không lãng mạn, cũng không liều lĩnh…
Tôi không nghĩ ông lãng mạn hay liều lĩnh. Bởi hơn 20 năm trước, trên trảng cát Bà Mù (Tam Hiệp, Núi Thành) ngay cả gà cũng chê không đi, nóng quá, ông đã kéo quân từ xa lắc phương Nam ra đây, đặt cược sinh tử doanh nghiệp mình để nó bây giờ là tập đoàn công nghiệp đa ngành lớn nhất ASEAN. Thì không lí do gì giờ ông cao hứng nói khơi khơi.
Uy tín cá nhân hay THACO không chút đắn đo. Tâm huyết đời ông. Thiệt cũng được. Đây là những cảm thức của một khao khát mãnh liệt, một cái nhìn vượt không gian và thời gian muốn Quảng Nam phải trỗi dậy mạnh mẽ hơn nữa từ thế mạnh của mình. Và hẳn không do dự mà nói rằng, ông đã dành tình yêu nồng nàn cho xứ Quảng. Mà nếu vậy, những trái tim nhỏ, những gia đình nhỏ trong mái nhà lớn tình yêu lớn THACO không lí do gì không đập cùng nhịp để viết tiếp giai điệu xanh trên cát?