Dân chơi hàng hiệu ở khắp nơi, có thể nhận ra nhau ngay bằng những thứ họ mang trên mình. Nói thế có người sẽ nói hàng triệu người quanh ta đang lam lũ làm ăn, vắt kiệt sức không để sống.
Nhưng rõ ràng đã có sự tách ra trong xã hội nghèo khổ: người sướng cứ “buộc” phải lao theo “kịch bản sống” của giới thượng lưu. Lo nhà, lo xe sang, cho con cái được hưởng nền giáo dục tốt nhất, rồi thì tận hưởng du lịch thế giới hoặc các khách sạn, nhà nghỉ cao cấp đang phát triển san sát dọc bờ biển. Họ chẳng có gì phải lên án. Cứ thử làm một chuyến đi đến Phan Thiết thôi, sẽ thấy nhu cầu của dân nhà giàu là rất lớn, vì resort mở ra san sát nhiều km đường chạy ôtô mãi không hết. Khách sạn mở nhiều như thế tức là có nhu cầu lớn của hưởng thụ giới có tiền. Họ rất đông. Họ sẽ là giới chẳng kêu ca bức xúc xã hội gì?
Người ta nói ở Việt Nam, giới giàu mới nổi nên đang ở giai đoạn “tập tành sang trọng”. Ăn chơi vung vãi ở các quán xá tối tăm với nhiều gái nhà nghèo bị lừa bán vào đó mà các báo thi nhau làm phóng sự, đó chỉ là sự tha hóa của giới nghèo.
Là bởi vì “khách” của họ có cả tài xế, ngư phủ đi đánh cá xa nhà, công nhân lao động. Còn sự tập tành sành điệu của giới giàu thật sự thì mới chỉ thấp thoáng hiện ra qua các con số nhập khẩu hàng xa xỉ, qua các nhà hàng khách sạn hạng sang, qua các “làng” biệt thự và thế giới hàng hiệu. Con cái mua nhà du học xứ người.
- Xem thêm: Đố biết ai giàu ai nghèo…
Bà xã tôi nhận xét: những người giàu này không phải nói tất cả đâu nhé, nhưng rất nhiều người thấy ổn vì nhờ vào sự nhiễu nhương, (tham nhũng thì họ né tránh cái từ này) – sự bất minh nên họ tận dụng được mới giàu. Bây giờ mà xã hội nghiêm chỉnh minh bạch thì “khối thằng chết”.
Thế nên dân nghèo thì cứ bổ sung vào dòng người đứng cửa cơ quan công quyền kêu oan mất đất, không ai dám đến thăm hỏi. Họ chỉ còn nước chờ một chiếc xe đến mời về, có cán bộ địa phương tiếp. Chẳng ai đàn áp gì. Toàn bà con gia đình cách mạng, đem theo ảnh lãnh tụ cả. Giới giàu thì, em hỏi anh, họ có ý kiến gì không? Không nhé! Tăng giá, họ hơi để ý một chút chứ có hề hấn gì.
Tôi nói: “Em tưởng sống giàu có là dễ lắm hả. Em đó thôi. Đi nghỉ biển, em không mặc đồ tắm kiểu cọ, bảo vệ nó có cho em xuống hồ bơi đâu”. Cô ấy gật đầu: “Thì họ làm thế là đúng. Vì đây đâu phải ngoài biển. Đây là khách sạn 5 sao, toàn Tây tắm hồ…
“Mà em thì “cổ” quá, đâu dám mặc hai mảnh với áo tắm hở hang. Áo tắm bây giờ thiếu gì kiểu trang nhã. Em quen thói đi biển Vũng Tàu, Nha Trang nhiều người mặc nguyên đồ bộ xuống biển chứ gì”. Tôi hỏi. Cô ấy nói: “Anh không thấy giữa dân chúng sao, tính Á Đông kín đáo còn nhiều. Lớn hơn chút là mặc quần đùi quần lửng, áo thu xuống biển. Em cũng yên trí sống vậy. Nào ai biết nhiều đến khách sạn 5 sao… Người béo quá như em phải kín đáo, bì sao với cô trẻ và thon gọn mặc gì chẳng được. Tôi nói: “Em sai rồi. Sài Gòn là xứ ai thế nào cũng chấp nhận mà”.
Thế nhé. Sống giàu sang lịch lãm cũng phải học chứ đâu có dễ như nhiều người tưởng hễ có tiền thì “mua tiên cũng được”. Câu đó bây giờ phải hiểu là “tiên” bây giờ nhiều lắm, mua cũng phải có kiến thức mua.
Một hôm bà xã tôi nói: “Này anh, khiếp quá. Một quán ở Tokyo có nấu một bát mì ramen truyền thống đắt nhất thế giới, giá tới 110 USD. Eo ơi, ai mà ăn cái tô đó mà… “phỏng lưỡi, đứt ruột”. “Thế nào, họ có nói ai ăn không, mà nấu thế nào?”. “Đây này, họ nói ông đầu bếp món đó phải có 25 năm tuổi nghề, bếp phải chuẩn bị mất ba ngày. Vậy mà có tới 20 vị khách gọi món đó!”.
Tôi kể cho cô ấy nghe có nhiều chuyến tôi đi giao thương nước ngoài, vào những phố mua sắm của họ cửa hàng trang trí bằng tượng trạm trổ cầu kỳ, các tấm gương mạ vàng, có khi bàn được trải bằng da cá sấu. Mình bước vào đó còn thấy thiếu tự tin nữa là người nghèo khổ.
- Xem thêm: Khoe giàu
Bà xã mới kể cô A, chị B mới giàu xổi, muốn ăn chơi, sành điệu cũng khó chứ nói gì đến người nghèo. Cứ mắng mỏ người không biết ăn buffet lấy đầy đĩa (sợ hết) rồi bỏ lại vì không ăn hết. Cái gì cũng phải học, phải trải qua rồi mới biết chứ. Họ có được ăn qua rồi mới biết chứ. Văn minh đâu phải tự nó lù lù dẫn xác đến. Họ nghèo khổ suốt đời, cái gì cũng phải tranh giành mới có nên mới sinh ra như vậy.
Xã hội có lỗi đã không cho họ cái cơ hội và tập dượt thói quen văn minh. Bây giờ thiếu gì người đi du lịch bước vào phòng khách sạn, loay hoay mãi không biết cho chìa khóa vào ổ để có điện, cứ đi tìm mấy cái công tắc không biết nó ở đâu. Vào toilet sáng choang không biết các nút bấm, vòi nóng lạnh.
Chuyện đó với dân nhà giàu là bình thường, chứ dân nghèo thì mới biết đi thang máy, thang cuốn gần đây khi các siêu thị và biệt thự phát triển. Những người đi máy bay có kẻ cuống quít lúc nào cũng sợ trễ giờ, ra rõ sớm cho chắc ăn, còn người lại đủng đỉnh “ra đó lấy vé cũng có thể”! Họ “đi như đi chợ” mà.
“Sao em lúc nào cũng đổ cho “xã hội” có lỗi?”. “Xã hội là ai mới được chứ!”. “Cô ấy bảo xã hội tức là sự phát triển của dân tộc một cách văn minh nhưng phải công bằng kia! Chứ để cho trẻ con vùng núi còn cởi truồng đi chân đất giữa mùa đông rét buốt thì những resort 5 sao đầy bờ biển ấy giảm hết vẻ đẹp”. Mà “dân cư” của khách sạn nhà hàng, cửa hàng hiệu và sự sành điệu nếu không được giáo dục thì họ có biết đến người đồng bào của mình còn khổ không?
Vậy nên giáo dục người giàu cho họ chia sẻ, và giáo dục người nghèo, người mới thoát nghèo “tiến lên vùng văn minh”. Và người lớn cũng thiếu kỹ năng sống đầy ra đó, đâu phải chỉ có trẻ con phải đi học kỳ quân đội để rèn luyện mỗi bận hè về… Đó là việc làm của “ông” xã hội chứ còn ai?