Làm gì có, chỉ những người vừa “thoát nghèo” mới hay khoe, còn người giàu thật, đố biết nhiều về họ đấy. Bao nhiêu tờ báo, vạch vòi bới lá tìm sâu tưởng như cái gì cũng nói hết rồi, từ chuyện doanh nghiệp làm ăn đổ bể cho đến từng thân phận người, cô nào cởi đồ, ai nói dại miệng… chẳng chuyện gì qua mặt được báo chí và cái miệng vĩ đại của truyền thông.
Vậy mà đùng cái, mãi tận Thụy Sĩ người ta bảo Việt Nam có tới gần 200 người siêu giàu. Nhớ chữ “siêu” nhé. Không phải chỉ những ông bà trên thị trường chứng khoán đâu nhé. Dân ta bán tín bán nghi cái kiểu “giàu giấy”, chỉ trên sổ sách chẳng biết tính toán thế nào.
Ngay những anh giàu không giấy, to lù lù vật vã nhà đất đồ sộ khắp nơi ai cũng nhìn thấy, vậy mà nghe đâu cũng bỏ của không đầu tư nội địa nữa mà chạy sang đầu tư ở những nước lân cận như Lào, Campuchia, Myanmar…
Một thời báo chí đưa kiểu “ngắm biệt thự triệu đô” của các sao, rồi các cô lấy chồng Tây giàu… chứ đã ai khui được thông tin về 200 vị “siêu” kia chưa? Chưa hề nhé. Rồi đồn đoán, thế nào chẳng có hàng ngũ quan chức cỡ bự, chứ dân kinh doanh thì chẳng có gì lạ. Ác một nỗi là ngân hàng nước ngoài bảo vệ khách hàng, chẳng bao giờ công khai danh tính. Ơ, thế hóa ra ngân hàng là nơi bao che cho những đồng tiền bẩn à?
- Xem thêm: Tính hoang phí là do nghèo hay giàu?
Đó, đó là câu chuyện người ta nói với nhau trong các bữa “chém gió” ở nhà hàng. Chứ còn chém gió kiểu vài ly rượu trong đám giỗ, nói lại toàn các tin tức trên báo chí, ông này ông kia, hễ ai hỏi nguồn tin đâu, thì cứ có một câu chắc cú “trên mạng chứ đâu”, “Mạng nói đầy”, “Họ chửi te tua trên mạng”…
Các cô bạn của bà xã tôi thì chẳng cần nói nhiều trên mạng, mà nội cái đám bạn học thời nhỏ, sau vượt biên, xuất cảnh sống ở nước ngoài, bặt tin nhau cả đời người vật vã chìm nổi tứ xứ, nay đã tìm về đi du lịch, họp lớp, lấy địa chỉ mail và liên lạc. “Ôi trời, nhiều đứa (dù đã lên ông lên bà vẫn gọi nhau cái tên thời tiểu học) về nước, ngớ người ra trước nhà hàng siêu thị, trung tâm mua bán cao cấp mọc lên ở quê nhà, nhưng vẫn “không chịu công nhận” đất nước đổi mới.
Vẫn dài mỏ chê bai và ca ngợi “bên bển” mới là cuộc sống. Một cô bạn nói: “Thôi bồ ơi, bồ đừng có gửi mấy cái áo váy đó cho tớ nghe. Trông không giống ai”. Nhìn những tấm hình họp lớp gặp mặt, những “đứa” ăn mặc “chiến đấu” nhất vẫn là dân sành sỏi trong nước. Chứ những bộ đồ may sẵn, “rình mua” vào các dịp bán hạ giá, đem về nước mặc là biết liền các quý vị ở đâu về…
Mặc dù các cô trong nước cũng chê bai đủ điều trong nước tiêu cực, thức ăn độc, trộm cắp, giáo dục y tế chẳng ra gì. Ai cũng có cả đống dẫn chứng. Nhưng nghe mấy cô “chảnh” vừa về nước, cái gì cũng chê, thì tức lắm. Một cô cãi: “Ừ thì bồ bảo bên bển an ninh, nhưng bên này bọn ăn cướp giết người lấy của chứ không xả súng làm một hơi chết cả chục mạng người. Đúng không?”.
Là nói với nhau trong tình thân ái thôi, không để chuyện chính sự làm hoen ố tình bạn. Giờ đây ai cũng nói phải chấp nhận sự khác biệt mới là văn minh dân chủ. Với lại, cãi nhau với lịch sử thì chỉ có dân thành phố, trung lưu, chứ cứ đi ra ngoại thành một cái thử xem, thiên hạ quan tâm chuyện gì. Hỏi gì cũng lơ mơ.
Cho nên, khoe giàu ở đô thị mới có nhiều chuyện để nói, chứ nhà quê, miền núi bây giờ cũng nhà lầu do con cái đi làm ăn, đi lao động xuất khẩu gửi tiền về xây nhà, đầy ra rồi. Nhưng ngó vào trong cánh cổng tòa nhà, thấy có cả… xe bò. Có khi chủ nhà còn ở xa, nhờ bà con xây cất, giữ nhà, nên “chủ nhân” ngủ nhà lầu đó nhưng sớm mai vẫn đi cày, chở xe bò làm thuê làm mướn. Cuộc đời đâu đã “Com-lê” với ngôi nhà hoành tráng.
- Xem thêm: Đố biết ai giàu ai nghèo…
Thôi thì đủ loại, ai có chút nào của cải, cứ khoe nếu muốn, nhưng chung quy lại, những anh siêu giàu là những anh im lặng, chẳng bao giờ “khoe giàu”. Những anh khoe, đều là những anh còn choáng váng, chưa đủ tầm cỡ để bình tĩnh trước vật chất.