Một báo cáo khoa học khách quan mới xuất bản cho rằng thế giới hiện đang không hiểu hết được mức độ trầm trọng của những mối đe dọa do tình trạng mất mát về đa dạng sinh học và cuộc khủng khoảng khí hậu gây ra.
Một nhóm các nhà khoa học quốc thế uy tín cho rằng hành tinh của chúng ta hiện đang phải đối mặt với một “tương lai khủng khiếp của cuộc đại tuyệt chủng, sức khỏe suy kiệt và những biến động đột ngột do sự đổ vỡ của nền khí hậu toàn cầu gây ra”. Sự tồn vong của loài người đang bị đe dọa do chính sự thiếu hiểu biết và không hành động của chính chúng ta khi chưa hiểu được đầy đủ mức độ cấp bách của cuộc khủng hoảng đối với đa dạng sinh học và khí hậu toàn cầu.
Nhóm 17 chuyên gia này, trong đó có Giáo sư Paul Ehrlich từ Đại học Stanford – tác giả cuốn Quả bom dân số (The Population Bomb), và các nhà khoa học từ Mexico, Australia và Mỹ, nói rằng hành tinh chúng ta đang trong tình trạng tồi tệ hơn nhiều so với hầu hết mọi người, thậm chí cả các nhà khoa học, hình dung.
Trong báo cáo được tham khảo với hơn 150 nghiên cứu chi tiết các thách thức lớn về môi trường trên toàn thế giới đăng trên trang Frontiers in Conservation Science này, các nhà khoa học viết “Quy mô của các mối đe dọa đối với sinh quyển và tất cả các dạng sống của nó – bao gồm con người – thực tế to lớn đến mức ngay cả những chuyên gia am hiểu nhất cũng khó mà nắm bắt được”.
Khoảng lùi giữa việc phá hủy thế giới tự nhiên và những tác động này khiến cho con người không nhận ra vấn đề đang nghiêm trọng đến thế nào, báo cáo này tranh luận. “Phần đông chúng ta đang gặp khó khăn trong việc nắm bắt mức độ của sự mất mát này, bất chấp sự xói mòn dần của cấu trúc văn minh nhân loại”
Báo cáo này cũng cảnh báo những cuộc di cư ồ ạt do khí hậu biến đổi, nhiều trận đại dịch, nhiều cuộc xung đột về tài nguyên sẽ không thể tránh khỏi trừ khi chúng ta có những hành động khẩn cấp.
“Báo cáo của chúng tôi không phải là một lời kêu gọi đầu hàng – mà nhằm cung cấp cho các nhà lãnh đạo một “trận mưa rào lạnh” thực tế nhất về tình trạng của hành tinh chúng ta – một điều cần thiết để lập kế hoạch tránh một tương lai đáng sợ” – báo cáo viết thêm.
Đối phó với mức độ khủng khiếp của vấn đề đòi hỏi những thay đổi sâu rộng đối với chủ nghĩa tư bản toàn cầu, giáo dục và bình đẳng. Các nhà nghiên cứu tiếp tục lập luận rằng điều này bao gồm xóa bỏ hẳn ý tưởng tăng trưởng kinh tế vĩnh viễn, định giá hợp lý các tác động về môi trường của nền sản xuất và tiêu thụ, ngừng hoàn toàn việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, kiềm chế hoạt động vận động hành lang của các doanh nghiệp và trao quyền cho phụ nữ…
Báo cáo này ra đời nhiều tháng sau khi thế giới không đạt được mục tiêu Aichi về da dạng sinh học duy nhất của Liên Hiệp Quốc, được đặt ra nhằm ngăn chặn sự tàn phá thế giới tự nhiên, lần thứ hai liên tiếp các chính phủ không đạt được các mục tiêu về đa dạng sinh học trong 10 năm. Tuần này, một liên minh gồm hơn 50 quốc gia đã cam kết bảo vệ gần 1/3 địa cầu vào năm 2030.
Theo một báo cáo gần đây của Liên Hiệp Quốc, ước tính có khoảng 1 triệu loài đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, nhiều loài trong số đó trong vòng vài thập kỷ.
“Sự suy thoái về môi trường chắc chắn đe dọa nền văn minh nhân loại hơn chủ nghĩa Trump hay COVID-19” Giáo sư Ehrlich nói với The Guardian.
Trong cuốn Quả bom dân số, xuất bản năm 1968, Giáo sư Ehrlich đã cảnh báo về một cuộc bùng nổ dân số sắp sảy ra và hàng trăm triệu người chết đói. Mặc dù thừa nhận có một số mốc thời gian đã dự đoán sai, song ông vẫn luôn khẳng định thông điệp cơ bản của cuốn sách rằng, sự gia tăng dân số và mức độ tiêu dùng cao của các quốc gia giàu có đang dẫn đến sự hủy diệt.
Ông nói tiếp với The Guardian: “Cuồng tăng trưởng là căn bệnh chết người của nền văn minh. Nó phải được thay thế bằng các chiến dịch thực hiện các mục tiêu công bằng và hạnh phúc cho toàn xã hội, chứ không phải mục tiêu tiêu thụ nhiều thứ rác rưởi hơn”.
Bài báo cũng cảnh báo các quần thể dân cư lớn và sự phát triển liên tục đã dẫn đến sự suy thoái đất đai và mất đa dạng sinh học. “Nhiều người hơn đồng nghĩa với việc càng nhiều chất tổng hợp và rác thải nhựa nguy hại được sản xuất, mà nhiều trong số đó làm gia tăng độc tố cho trái đất. Điều đó cũng làm tăng khả năng xảy ra các đại dịch khiến những cuộc săn lùng ngày càng tuyệt vọng hơn các nguồn tài nguyên khan hiếm xảy ra.”
Tác động của tình trạng khẩn cấp về khí hậu rõ ràng hơn tình trạng mất mát về đa dạng sinh học, song xã hội vẫn đang thất bại trong các mục tiêu cắt giảm lượng khí thải, bài báo lập luận. Nếu con người hiểu được mức độ của các cuộc khủng hoảng, thì những thay đổi về chính trị và chính sách có thể đã phù hợp với mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa này.
“Điều mà chúng tôi muốn nói chính ở đây là một khi bạn nhận ra quy mô và tình trạng khẩn cấp của vấn đề, rõ ràng là chúng ta cần nhiều hơn những hành động có tính cá nhân như sử dụng ít đồ nhựa hơn, ăn ít thịt hơn hay bay ít hơn. Quan điểm của chúng tôi là chúng ta cần những thay đổi có tính hệ thống lớn và được thực hiện nhanh chóng,” Giáo sư Daniel Blumstein từ Trường Đại học California Los Angeles, người tham gia viết báo cáo này, nói.
Bài báo trích dẫn một số báo cáo quan trọng được xuất bản trong những năm qua, bao gồm:
- Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2020, trong đó nêu đích danh sự mất mát đa dạng sinh học là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với nền kinh tế toàn cầu.
- -Báo cáo Đánh giá Toàn cầu IPBES năm 2019, của tổ chức IPBES (The Intergovernmental Science – Policy Platform on Biodiversity and Ecosystem Services – Diễn đàn Khoa học – Chính sách liên chính phủ về đa dạng sinh học và các dịch vụ sinh thái), trong đó nói rằng 70% diện tích toàn bộ trái đất đã bị con người thay đổi.
- Báo cáo Hành tinh sống WWF năm 2020, của tổ chức WWF (The World Wide Fund for Nature – Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên), trong đó cho biết kích thước quần thể trung bình của các loài có xương sống đã suy giảm 68% trong 5 thập kỷ qua.
- Một báo cáo của Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu năm 2018, nói rằng nhân loại đã bước qua ngưỡng nóng lên 1 độ C so với mức thời tiền công nghiệp và sẽ hướng đến mức tăng 1.5 độ C trong khoảng từ năm 2030 đến năm 2052.
Báo cáo ra đời sau nhiều năm liên tiếp có những cảnh báo rõ ràng về tình trạng của trái đất từ các nhà khoa học hàng đầu thế giới, bao gồm tuyên bố của 11.000 nhà khoa học vào năm 2019 rằng con người sẽ phải đối mặt với “nỗi đau khổ chưa bao giờ được kể do khủng khoảng khí hậu” trừ khi những thay đổi lớn lao được thực hiện.
Vào năm 2016, hơn 150 nhà khoa học về khí hậu Australia đã viết một bức thư ngỏ đến thủ tướng khi đó, ông Malcolm Turnbull, đòi hỏi có hành động khẩn cấp nhằm cắt giảm khí thải. Cùng năm đó, 375 nhà khoa học – trong đó có 30 nhà khoa học đã đoạt giải Nobel – cũng đã viết một bức thư ngỏ gửi toàn thế giới về những nỗi thất vọng của họ trước tình trạng không hành động của giới chính trị về biến đổi khí hậu.
Giáo sư Tom Oliver, một nhà sinh thái học từ Đại học Reading, người không tham gia vào báo cáo này, cũng nói rằng đó là một bản tóm tắt đáng sợ nhưng đáng tin cậy về những mối đe dọa nghiêm trọng và xã hội chúng ta đang đối mặt dưới lớp kịch bản “hiện trạng vẫn bình thường”.
“Các nhà khoa học giờ đây cần đi xa hơn việc chỉ đơn giản ghi lại tình trạng suy thoái môi trường, mà cần phải tìm những cách hiệu quả nhất để thúc đẩy hành động”.
Giáo sư Rob Brooker, trưởng Khoa khoa học sinh thái tại Học viện James Hutton, người không tham gia vào nghiên cứu này, cho biết bản báo cáo này rõ ràng nhấn mạnh vào bản chất cấp bách của những thách thức “Chắc chắn, chúng ta không nên hoài nghi chút nào về quy mô khủng khiếp của những thách thức mà chúng ta đang đối mặt và những thay đổi mà chúng ta sẽ cần phải tạo ra để đối phó với chúng”.