Biến đổi khí hậu và sự cần thiết phải chuyển đổi năng lượng sẽ làm đảo lộn tình hình địa chính trị.
Quần đảo Tokelau là một ví dụ điển hình. Nằm rải rác trên 3 hòn đảo san hô giữa Thái Bình Dương mênh mông, quốc gia chỉ có chưa đầy 1.500 cư dân này là đất nước sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Nếu trước đây Tokelau sử dụng năng lượng từ hydrocarbure được nhập khẩu với chi phí rất cao thì hiện nay 100% năng lượng được khai thác từ các tấm pin mặt trời, và trong thời gian nhiều mây, năng lượng được cung cấp từ nhiên liệu “trái dừa” bản xứ. Nỗ lực của Tokelau chỉ là một giọt nước so với quy mô phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Tuy nhiên, nó chứng tỏ thách thức mà khí thải gây hiệu ứng nhà kính gây ra cho nhân loại.
Ngay cả khi những dự đoán về ngày tận thế hủy diệt hành tinh của chúng ta bởi chính con người là rất cường điệu, biến đổi khí hậu mang đến một loạt các vấn đề làm thay đổi những cân bằng địa chính trị (géopolitique) lớn, đôi khi theo cách thuận lợi nhưng thường nguy hiểm. Một mặt, quá trình chuyển đổi năng lượng, từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo đang làm rung chuyển địa lý năng lượng toàn cầu. Mặt khác, các hệ sinh thái của hành tinh bị đảo lộn, gây hậu quả tất yếu cho con người. Và cuối cùng, một số tài nguyên hữu ích chống lại sự nóng lên toàn cầu, ví dụ như coban (cobalt), lithium hay nickel sản xuất pin điện cho xe hơi điện, đang khan hiếm và bị tranh chấp.
Bất bình đẳng
Biến đổi khí hậu diễn ra không đồng đều ở các quốc gia. Carola Kloeck, nữ giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (Centre de Recherches Internationales – CERI), giải thích: “Nói chung, các quốc gia thải ra khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất, lại ít bị ảnh hưởng nhất bởi sự gia tăng nhiệt độ, trong khi những nước thải ra ít nhất, như các nước châu Phi hay các quốc đảo, lại bị ảnh hưởng nhiều nhất”.
Sự phân bố địa lý không cần bằng của các mỏ than, mỏ khí đốt tự nhiên và các mỏ dầu đã định hình địa chính trị toàn cầu từ thế kỷ 19. Sự suy giảm theo kế hoạch trong việc sử dụng nhiên liệu sẽ vẽ lại bản đồ địa chính trị thế giới. Ngày nay, nhiên liệu hóa thạch chiếm khoảng 85% mức tiêu thụ năng lượng. Sự suy giảm của than đã bắt đầu rõ rệt. Mức tiêu thụ dầu và khí vẫn chưa suy giảm nhưng đây chỉ là vấn đề thời gian.
Việc tiêu thụ năng lượng tái tạo đang tăng rất nhanh, khoảng 15% năm trên bình diện toàn thế giới. Xu hướng này càng tăng, sẽ khiến cho các quốc gia giàu dầu hỏa càng mất đi tầm quan trọng. Các eo biển nhộn nhịp tàu dầu qua lại như eo biển Hormuz ở vịnh Ba Tư, nơi phần lớn dầu thế giới đi qua, sẽ mất đi vị thế nổi bật. Các liên minh chiến lược như Hoa Kỳ – Ả Rập Saudi sẽ bớt khăng khít. Các vị trí ảnh hưởng có được nhờ hydrocarbon, như Nga hay Qatar, sẽ suy yếu.
Sự suy tàn của hydrocarbon?
Các quốc gia thoát khỏi tình cảnh khốn khó này dễ dàng nhất là những nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu hydrocarbon, nếu biết cách làm chủ tốt nhất các công nghệ năng lượng tái tạo. Theo một báo cáo được công bố vào năm 2019 bởi Ủy ban Toàn cầu về địa chính trị chuyển đổi năng lượng trực thuộc Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (Agence internationale de l’énergie renouvelable – Irena), đó là những nước như Nhật, Trung Quốc hay Đức. Trung Quốc, nước giữ một mình 26% bằng sáng chế năng lượng tái tạo toàn cầu và biết cách quản lý về lâu dài nên tìm lợi thế trong cuộc chiến với Hoa Kỳ, quốc gia sản xuất lượng hydrocarbon lớn trong những năm gần đây nhờ nguồn dầu đá phiến dồi dào.
Ngược lại, các quốc gia có nền kinh tế mong manh và phụ thuộc vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí sẽ phải chịu đựng nhiều nhất từ sự chuyển đổi năng lượng. Trong số đó có Angola, Libye, Nam Sudan, Congo-Brazzaville và ở mức độ thấp hơn là Nga, Algérie, Iran hay Ả Rập Saudi. Nền kinh tế của những nước này phải vượt qua những khó khăn lớn để tự cải tổ, trong khi giá dầu có thể sẽ suy yếu nữa trong thập niên tới.
Độc đoán
Sự nóng lên toàn cầu có thể sẽ là điều kiện thuận lợi cho xu hướng gia tăng độc đoán toàn cầu bằng cách làm tăng nỗi sợ hãi trong dân chúng rằng họ sẽ phải trải qua biến động lớn trong cách sống. Carola Kloeck nhận xét: “Để giảm lượng khí thải, chúng ta phải thay đổi nền kinh tế và lối sống. Chúng ta phải trả giá cho việc chuyển đổi năng lượng, thậm chí, nếu không chuyển đổi, cái giá mà chúng ta phải trả thậm chí còn đắt hơn. Ví dụ, những nước nghèo thải ra ít khí thải nhất, lại bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu giá nhiên liệu tăng. Điều này tạo ra những căng thẳng xã hội có thể được khai thác bởi những người theo chủ nghĩa dân túy. Điều này chúng ta đã thấy rõ qua phong trào Áo vàng ở Pháp vừa qua”.
Thêm vào đó là những khó khăn cho các nền dân chủ hành động trong dài hạn, trong khi việc chuyển đổi năng lượng không phải là một vấn đề ngày một ngày hai. Carola Kloeck cho biết tiếp: “Có thể nền dân chủ sẽ phải trả giá (thất bại) trong cuộc bầu cử diễn ra 4 hay 5 năm tới, chớ không phải là số phận của thế giới trong 4 hay 5 thập niên tới. Rất dễ dàng để tránh thực hiện các biện pháp cần thiết vì chúng rất tốn kém và không hợp với lòng dân. Các chính phủ được khuyến khích hoãn lại vấn đề này”.
Mối đe dọa trực tiếp nhất và khó thích ứng nhất là các hiện tượng khí hậu cực đoan như lũ lụt, hạn hán, bão có thể nhân lên do sự nóng lên của khí hậu. Nhiều đảo có thể biến mất do mực nước biển dâng cao. Tuy nhiên, nhiều đảo san hô như Tokelau hay Maldives là các hệ sinh thái năng động cũng sẽ nhô lên theo theo mực nước biển. Nhưng độ sự xâm nhập của nước biển mặn có thể gây ra tình trạng thiếu hụt nước uống rất nguy hiểm, thậm chí là thảm họa.
Những nước dễ bị tổn thương
Vào năm 2017, khi cơn bão Irma tấn công đảo Barbados ở vùng biển Caribê, 1.600 cư dân trên đảo phải sơ tán trong thảm họa tới Antigua. Nhiều người không bao giờ trở lại. Ở phía bên kia hành tinh, một quốc gia Thái Bình Dương được tạo thành bởi nhiều hòn đảo rất thấp, đã mua một hòn đảo của quần đảo Fiji cách đó 2000 km, để chuẩn bị nơi di tản trong trường hợp khẩn thiết.
Các quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi các hiện tượng khí hậu cực đoan, là những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào nông nghiệp, đặc biệt khi thiếu hệ thống tưới tiêu hiệu quả, cũng như các quốc gia đã xảy ra xung đột và những quốc gia không có hoặc ít dân chủ. Nhiều nghiên cứu do giáo sư Joshua Busby thuộc Trường Đại học Texas, và giáo sư Nina von Uexkull thuộc Trường Đại học Uppsala của Thụy Điển cho thấy một số quốc gia thiếu may mắn, phải gánh chịu cả 3 yếu tố rủi ro (phụ thuộc nông nghiệp, xung đột, dân chủ yếu kém) như các quốc gia thuộc châu Phi. Ngoài ra, phải kể thêm Pakistan, Yemen và Myanmar. Biến đổi khí hậu xảy ra với tần suất tăng lên, có thể gây ra hậu quả thảm khốc.
Carola Kloeck lưu ý: “Biến đổi khí hậu góp phần gây ra xung đột khi đã có sẵn những tình huống mong manh. Cũng có thể một yếu tố khác sẽ dẫn đến sự bộc phát các cuộc xung đột”. Nó gián tiếp thúc đẩy vùng nông thôn di cư đến các nước láng giềng.
Cộng đồng quốc tế bất lực
Những chấn động này sẽ thách thức sâu sắc cộng đồng quốc tế một cách khó đoán trước được, đặc biệt là vào thời điểm xuất hiện sự mất ổn định do sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc độc đoán ở nhiều nơi trên thế giới. Hiện tại, phản ứng của thế giới đối với biến đổi khí hậu chưa đáp ứng mức độ của các thách thức. Carola Kloeck cho biết: “Các quốc gia trên thế giới đã bắt đầu đàm phán từ cuối những năm 1980, đến nay đã 30 trôi qua mà vẫn chưa đi đến nhất trí trong hành động cụ thể”.
Hội nghị khí hậu Liên Hiệp Quốc (COP25) thường niên vừa được tổ chức tại Madrid đã không mang lại bất cứ tiến triển đáng kể nào. Tuy nhiên Carola cho rằng “rất cần phải có một diễn đàn quốc tế nơi các quốc gia lớn, nhỏ, các công ty lớn, các tổ chức phi chính phủ và các chuyên gia cùng bàn thảo”. Nhưng hoạt động dựa trên sự đồng thuận chưa đạt kết quả. Carola Kloeck ghi nhận: “Chỉ cần một quốc gia không đồng ý cũng có thể ngăn chặn việc đưa ra quyết định chung, và Hoa Kỳ hay Ả Rập Saudi không ngại làm như vậy”.
Châu Âu chỉ chiếm ít hơn 10% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, tuy nhiên trách nhiệm lịch sử của họ đối với hiện tượng này là chắc chắn. Nhưng châu lục này đã thể hiện là một ví dụ điển hình, và cho thấy rằng họ có thể giảm lượng khí thải trong khi vẫn duy trì mức sống như quần đảo Tokelau đã làm.