Cầu xin Thượng đế và thần thánh cứu giúp không phải là phản ứng duy nhất của con người trước các đại họa thiên nhiên vào thời Trung cổ. Sự chống trả của họ diễn ra dưới nhiều hình thức phong phú. Cuộc nói chuyện của phóng viên tạp chí Histoire với nhà nghiên cứu Thomas Labbé dẫn đến những phát hiện bất ngờ kỳ thú…
___Con người thời Trung cổ có thực sự tin tai họa thiên nhiên là sự trừng phạt của thần thánh, như vẫn thường nghe nói?
Xã hội thời Trung cổ là một xã hội mà Thượng đế có mặt khắp nơi, trong các đại họa cũng như trong quan hệ giữa con người. Điều đó không có nghĩa là mê tín. Một xã hội tôn giáo không cần thiết phải sợ hãi mọi thứ và nhất định không cúi mình trước một Thượng đế toàn năng. Người ta tìm cách giải thích các tai họa khi hiểu rõ một số hiện tượng vật lý. Chẳng hạn mưa nhiều trên núi sẽ làm cho các dòng sông bị lũ lụt. Năm 1404, nhà sử học Reinbold Slecht tại Strasbourg giải thích rằng sông Rhin tràn bờ là do tuyết tan trên núi trong vùng Vosges cách đó vài chục km.
___Khi đó người ta có những giải thích khoa học nào?
Các nhà bách khoa thời Trung cổ như Isodore de Séville hay Bède le Vénérable đã cố gắng tổng hợp những cái vẫn còn là nền tảng trong suốt thời Trung cổ. Các hiện tượng thiên nhiên không thoát được những cố gắng tổng hợp tri thức của thời đại họ. Họ sưu tập các lý thuyết cổ, nhất là của Aristote, qua trung gian của các nhà thiên nhiên học ở các nơi khác. Rồi thêm vào các yếu tố của Kitô giáo như Isodore đã giải thích về động đất.
Rồi dần dần, từ những khám phá lại về Aristote ở phương Tây trong thế kỷ 12, người ta ngày càng chú ý đến bản chất của các hiện tượng. Những giải thích về mưa đá, bão, động đất của triết gia Hy lạp này được các trí thức truyền bá khắp châu Âu. Nhưng không có nghĩa là ai ai cũng đọc được các ý tưởng của Aristote. Lý thuyết của ông phát triển dần dần, thông qua nhiều trung gian.
Chẳng hạn động đất được giải thích là do gió trong lòng đất gây ra. Người ta tưởng tượng trái đất như một bọt biển mà gió có thể luồng lách thổi bên trong, thỉnh thoảng tạo ra những áp lực mạnh như trong các hầm ngầm, rồi dẫn đến nổ tung, gây nên động đất! Chẳng hạn, năm 1248, Matthieu Paris, một tu sĩ dòng Bénédict (dòng Biển Đức) tại Anh giải thích sự sụp đổ của ngọn núi Granier trong dãy Alpes như sau: một trận bão tại Anh khiến cho gió chui xuống lòng đất, thổi đến tận Savoie, trổ ra một cái hang, cuối cùng làm nổ tung ngọn núi! Như vậy, ông giải thích núi đổ là một hiện tượng thiên nhiên. Điều đó vẫn không ngăn được lời đồn đãi đó là sự trừng phạt của Thượng đế. Tai nạn này đã chôn vùi hơn 1.000 người tại vùng Savoie, chính là do tội của Hồng y Guillaume de Savoie đã gả cháu gái Éléonore của mình cho vua Anh Henri III để tiến thân.
___Người ta có tìm kiếm kẻ chịu tội cho những đại nạn này?
Điều đáng nói là những giải thích pha trộn: lý do khoa học chen lẫn với sự trừng phạt của thần linh dành cho một tập thể hay một cá nhân nào đó. Năm 1456, một trận động đất tại Naples phá tan cả thành phố. Lúc đó là thời kỳ Phục hưng tại Ý, tình dục được giải phóng. Nhiều nhà sử học cho rằng đó là sự trừng phạt của Chúa dành cho những kẻ tà dâm phóng đãng. Giáo sĩ Césaire de Heisterbach quy trách nhiệm trận lũ lụt năm 1218 tại Flandre cho một người đàn ông đánh vợ! Bà này giả bệnh để mời linh mục đến trao bánh thánh cho mình nhằm ngăn cản bạo hành của chồng. Ông ta đánh luôn cả ông linh mục và làm cho bánh thánh rơi xuống đất. Tội lỗi này đã gây ra lũ lụt cho cả thành phố! Một nhà sử học tại Flamand còn ghi lại trận lụt xảy ra là do dân chúng không… đóng thuế cho Giáo hội!
Trận lũ lụt tại Florence năm 1333 được nhà sử học Giovanni Villani giải thích còn kinh khủng hơn nữa. Mưa rất to là do tất cả các hành tinh xếp thẳng hàng với nhau. Hơn nữa, thành phố Florence còn nằm trong cung Bảo Bình trong khi đó Pise nằm ở ngoài nên không bị ngập lụt. Khi đó, Florence còn là thủ đô tài chính của châu Âu, nơi có những nhà giàu phất lên một cách ngoạn mục. Giovanni Villani nói rằng bởi vì họ cho vay nặng lãi nên đại họa đã xảy ra cho mọi người!
___Con người có phải chịu trách nhiệm trước thảm họa thiên nhiên?
Tất cả dựa vào Kinh thánh. Mô hình thảm họa điển hình là trận đại hồng thủy: vì con người quá tội lỗi nên Thượng đế phải hủy diệt để tái lập một thế giới mới. Mọi tai họa thiên nhiên đều là sự lặp lại trận đại hồng thủy. Thậm chí người ta còn lo sợ ngày tận thế mỗi khi gặp sao chổi. Nhưng Giáo hội tìm cách vô hiệu hóa nỗi lo sợ này bởi vì mỗi lần đại họa giáng xuống thường dẫn đến một giáo phái ly khai! Nỗi lo sợ ngày tận thế bùng phát thường dẫn đến rối loạn xã hội lớn. Các nhà sử học phân biệt 2 loại đại họa: đại hồng thủy toàn diện, nghĩa là tận diệt loài người, đã từng xảy ra vào thời Noe, sẽ quay trở lại nhưng không biết vào lúc nào. Đại hồng thủy từng phần là những thảm họa thiên nhiên xảy ra tại từng địa phương và tạm thời, thể hiện cơn giận dữ của Thượng đế.
___Trước các đại họa, người ta phản ứng ra sao? Có nằm im chịu chết không?
Trong trường hợp động đất, tai họa phổ biến nhất, người ta tự tổ chức đối phó: bỏ nhà cửa và xây dựng lán trại tạm thời bên ngoài thành phố để tránh bị đè chết hay chui vào nơi chắc chắn ẩn nấp. Nhưng tình trạng tạm thời này vẫn có thể kéo dài rất lâu. Tại Bâle năm 1356, trận động đất bắt đầu vào ngày 18.10, nhưng dân chúng chỉ có thể trở lại nhà của mình vào tháng 6.1357! Trong một số trường hợp, dòng người di tản rất lớn. Tại Naples năm 1456, có 4.500 người tụ tập trước cổng thành phố giống như định bao vây tấn công! Nó dẫn đến những vấn đề vệ sinh và tình huống vật chất rất phức tạp.
Trong cuộc động đất tại Naples năm 1456, một người đàn ông nói với những kẻ đến cứu mình là anh ta đã đứng lên cầu nguyện. Không phải một mình. Nhiều văn bản kể lại rằng tiếng hát vang lên khắp các đường phố. Phản ứng đầu tiên của con người là cầu nguyện trong khẩn cấp. Nếu người ta xem tai họa là dấu hiệu trừng phạt của Thượng đế thì phản ứng đầu tiên là xin ngài bớt giận dữ. Năm 1315, gần Paris, sau một trận mưa liên tục gây ra ngập lụt báo trước mùa màng thất bát, dân các làng chung quanh đều quy tụ tại tu viện Saint-Denis để tham gia đám rước thần linh, bỏ mặc mọi hoạt động khác. Sự bùng phát nghi lễ tôn giáo này cũng giống như các chiến dịch cứu trợ trong xã hội hiện đại. Các tổ chức từ thiện thường than thở là nhận được quá nhiều tiền quyên góp sau một đại họa.
Nhưng không có vấn đề nạn nhân vào thời Trung cổ! Ngay cả từ này cũng không có và cũng không có từ nào khác để dành cho họ bởi vì những kẻ bị thảm họa đều xứng đáng với tội lỗi của mình. Một bức thư Robert tại Naples gởi cho cộng đồng tại Florence sau trận lũ lụt năm 1333, nói rõ điểu này: Tội lỗi của các người đã tạo ra tai họa, và vì chân lý mà vương quốc của chúng ta phải tuân giữ, chúng tôi không thể cho phép mình hành động như bạn bè với các người, và cãi lại công lý của Thượng Đế khi xem các người là vô tội. Nạn nhân không phải là vô tội, và họ phải chịu trách nhiệm với tai ương. Khi người ta đọc lịch sử do Giovanni Villiani kể lại, người dân Florence sau trận lũ lụt đã quyên góp tiền nghĩ rằng sẽ dành để tặng cho các nạn nhân và gia đình của họ. Nhưng không! Tiền được giao cho nhà thờ, với hy vọng làm giảm cơn giận dữ của Thượng đế!
Khi trận lũ lụt của sông Seine tràn vào thành Paris năm 1236, một tu sĩ tại Sainte-Genevìeve kể lại rằng dân chúng bắt đầu dùng bao cát ngăn chặn dòng nước. Nhưng khi nước vẫn tràn ngập khắp nơi, họ lại gom tiền đưa cho nhà thờ với hy vọng hạ lũ! Thế là người ta dùng tiền để sửa sang nhà thờ. Nạn nhân chỉ có thể được trợ giúp lẻ tẻ. Nhưng nhà vua và Giáo hội thì phớt lờ! Mãi đến thế kỷ 16, các thành phố mới bắt đầu lo chăm sóc các nạn nhân thiên tai, và từ đó trở đi mới là công việc của nhà nước.
___Người ta bắt đầu chú ý đến nạn nhân như thế nào?
Về lịch sử, người ta nói thay đổi lớn bắt đầu từ thế kỷ 18, đặc biệt là sau trận động đất Lisbonne năm 1755. Nhưng phải làm rõ chuyện này: có mội giai đoạn nằm giữa thời Trung cổ và thế kỷ Ánh sáng. Có thể nói trận động đất tại Naples năm 1.456 là một bước ngoặt, nhất là do cách xử lý của đại thần Giannozzo Manetti, chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa nhân bản Ý, xem con người là nguồn tài nguyên quý giá nhất. Sự khác biệt lớn của câu chuyện về Giannozzo Manetti so với tất cả các văn bản trước đó là ông thực hiện cả một công trình nghiên cứu khi tổng kết số lượng nạn nhân. Ông ta ghi nhận số lượng người chết ở từng nơi, tính luôn số lượng vải liệm thành phố cần cấp phát để chôn cất họ. Cuối cùng, ông có được con số 12.000 người.
Điều oái oăm là Manetti làm công việc này theo lệnh của vua Alphose Aragon, vốn cực kỳ quan liêu. Ông ta chẳng bao giờ quan tâm đến nạn nhân và không hề rời khỏi cung điện tại Naples. Được cấp báo ngay có 4.500 người chết trên đường phố, mà hơn 2 tháng sau ông ta mới đến thăm. Manetti đi từng nơi, ghi chép lý lịch của từng người chết. Người ta cũng tìm thấy danh sách nạn nhân vào thế kỷ 16. Chính từ lúc này, người ta mới bắt đầu tự hỏi phải làm gì với các xác chết, chôn họ ở đâu? Tại nghĩa trang họ đạo gốc hay tại nơi họ chết?
___Làm sao giải thích được sự thay đổi này?
Đây là một thay đổi tiến bộ có lẽ do sự phát triển của chủ nghĩa nhân bản, góp phần làm thay đổi giá trị một số cảm xúc. Trong các văn bản của thế kỷ 16, sự kinh hãi trước tai ương dần dần được thay thế bằng những lời than khóc. Cùng lúc đó, nghề làm báo cũng bắt đầu phát triển. Sau một biến cố lớn như cái chết của một vị vua, một trận đánh, một tai họa… người ta in bài viết trên một trang báo, có khi nhiều hơn, giao cho dân bán hàng rong mang ra đường. Họ tru tréo các tựa đề hấp dẫn cho thiên hạ nghe để câu khách. Nhất là phải nói rõ số lượng nạn nhân.
Đến thế kỷ 16, trợ giúp nạn nhân trở thành vấn đề của thành phố, không chỉ là của Giáo hội. Đó là một cuộc cách mạng lớn trong định nghĩa về người nghèo. Các nhà chính trị bắt đầu chứng tỏ lòng hào hiệp và thương người của mình. Đến thế kỷ 18, nó mới bùng phát lên đến cấp bậc nhà nước. Vào thế kỷ 16, trợ giúp người lâm nạn còn là chuyện của địa phương, nhà vua không can dự. Nói khác đi, đến cuối thế kỷ 16, khi nói đến một thảm họa, trước tiên người ta hỏi đến nạn nhân.
___Aristote giải thích động đất thế nào?
Đến cuối thế kỷ 12, người ta mới bắt đầu khôi phục Aristote. Trong quyển khảo luận Khí tượng học bàn về các hiện tượng xảy ra trong không khí và trên trái đất, nhà triết học Hy Lạp này cố gắng dự đoán những trận động đất theo kinh nghiệm mà người ta có được trong một nước động đất xảy ra thường xuyên: vào mùa xuân và mùa thu, nhất là ban đêm. Nếu là ban ngày thì buổi trưa. Có thể kéo dài đến 40 ngày, chúng rất khủng khiếp trên mặt biển. Trong một bức thư gởi cho Alexandre, Aristote viết như sau: “Thông thường, khí trong lòng đất sau khi dồn vào những cái hang ngầm, chuyển động, rồi bất ngờ thoát ra ngoài và làm rung chuyển một phần trái đất. Thỉnh thoảng, khí bên ngoài cũng chui vào các hang hóc này và bị nhốt trong đó, gây chấn động trái đất dữ dội để tìm đường thoát ra. Nó tạo ra hiện tượng gọi là động đất”.
Trái đất tạo ra một phần lớn khí, gió hoặc do lửa từ trong ruột hay ở bên ngoài, khi bị mặt trời đốt nóng lên. Thỉnh thoảng khí chui tra ngoài và tạo thành gió. Thỉnh thoảng nó hướng vào ruột trái đất, tích tụ lại và gây ra động đất. Lý thuyết này được Lucrèce, Sénèque, Pline và phần lớn các nhà khoa học thời Trung cổ lặp lại.