Có một thời chúng ta hào hứng với hình ảnh đẹp, lãng mạn về nước Việt khi so sánh dải đất hình chữ S như một bao lơn nhìn ra Thái Bình Dương mênh mông, lộng gió; lưng tựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, vững chãi.
Cái hào hứng ấy nay đang đứng trước thách thức lớn khi mà nhìn ra biển thấy Biển Đông đang phải đối mặt với âm mưu và hành vi xâm lấn của kẻ mạnh kề bên, việc khai thác biển và công cuộc mưu sinh của ngư dân Việt bị đe dọa, không gian sinh tồn bị thu hẹp. Trong khi đó chúng ta cũng thường quên đi một dải miền Trung nước Việt tuy tựa lưng vào núi nhưng đó chỉ là một dải đất hẹp, chiều ngang từ Tây sang Đông, từ núi ra biển ở nơi hẹp nhất thuộc tỉnh Quảng Bình chỉ 40,3km, và thường xuyên phải hứng chịu bão lớn từ Biển Đông thổi vào.
Chính cái địa thế ấy khiến thiên tai, bão lụt hằng năm từ bao đời như một số phận buồn bám chặt lấy dải đất miền Trung. Liệu ai có thể quên được ca từ buồn não nuột của bài Tiếng sông Hương mà nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã viết từ rất nhiều năm trước, từ giữa thế kỷ XX: “Quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn. Trời rằng, trời hành cơn lụt mỗi năm à ơi, khiến đau thương thấm tràn, lấp Thuận An để lan biển khơi…”?
Từ trước đó và từ đó đến nay, số phận buồn, nghiệt ngã gắn chặt với mảnh đất này vẫn chưa thay đổi là bao, ngược lại ngày càng khủng khiếp hơn như những gì chúng ta được biết qua các đợt bão lũ năm 2020 này. Giờ người dân có thể không còn thiếu áo mùa đông, thiếu ăn mùa hè như trước, ngoại trừ ở những vùng sâu, vùng xa, nhưng mỗi khi thiên tai ập xuống thì nhiều gia đình lại trắng tay, chưa kể nhiều sinh mạng mất đi cùng với nước dâng, lũ dữ, sạt lở đồi núi. Theo thông tin được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói khi mở đầu phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế – xã hội 10 tháng đầu năm vào sáng 30.10.2020: Bão chồng bão, lũ chồng lũ trong tháng 10 ở các tỉnh miền Trung gây thiệt hại nặng nề với 230 người chết và hy sinh, chưa kể người mất tích đang được tìm kiếm; thiệt hại về vật chất hàng ngàn tỉ đồng.
Tại sao như vậy? Nếu nhiều năm trước đây, như Phạm Đình Chương viết, thiên tai chủ yếu do nước lụt dâng (Trời hành cơn lụt mỗi năm) vì bão gây mưa to, nhiều, thì nay cùng với thiên tai khốc liệt hơn do biến đổi khí hậu còn có cả “nhân tai” khốc liệt không kém do nạn phá rừng nguyên sinh lấy gỗ, phá rừng làm thủy điện nhỏ, thủy điện cóc nên không chỉ có nước lụt dâng mà còn là lũ ống, lũ quét, là sạt lở đất, sạt lở núi có khi vùi lấp cả một làng, là lũ chồng lũ do thủy điện xả lũ vô tội vạ.
Lấy thí dụ chỉ ở một tỉnh miền Trung là Thừa Thiên – Huế: năm 2008, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế quyết định phê duyệt quy hoạch thủy điện nhỏ ở địa phương này. Theo đó, trong số 8 thủy điện ưu tiên đầu tư thì 4 thủy điện trong đó có Alin B2, Rào Trăng 3, Rào Trăng 4… đếu nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền. Để thi công các nhà máy thủy điện này, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã chấp thuận cho các chủ đầu tư mở Tỉnh lộ 71 dựa trên lối mòn từ thời chiến tranh để lại, cạnh bên là đường dây điện dẫn nguồn từ 4 nhà máy hòa vào lưới điện quốc gia.
Ông Đặng Vũ Trụ, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, cho biết Tỉnh lộ 71 dài hơn 50km nhưng có đến 25km qua khu bảo tồn. Cả 4 nhà máy thủy điện nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền nói trên đều thuộc vùng lõi và khu vực phục hồi sinh thái. “Khoảng 200ha rừng phải chuyển đổi mục đích để thi công các dự án thủy điện. Ngoài ra, một số diện tích khác cũng phải chuyển đổi để thi công Tỉnh lộ 71 và đường dây điện nối vào hệ thống điện lưới quốc gia. Tất cả đã được HĐND tỉnh Thừa Thiên – Huế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch, thẩm định và có quyết định chuyển đổi mục đích từ năm 2011” – ông Trụ khẳng định.
Để thay đổi số phận, không thể không nghĩ đến một chiến lược phòng chống thiên tai toàn diện và lâu dài, do địa thế của đất nước, của miền Trung đòi hỏi.
Một số liệu thống kê khác cho thấy: trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế, Bộ Công Thương đã duyệt 21 dự án thủy điện cỡ nhỏ (bình quân 21,4MW) (tổng công suất 450MW), còn UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phê duyệt 11 dự án thủy điện cóc (dưới 10MW) với tổng công suất 105,8MW. Vấn đề là mỗi dự án thủy điện như thế đều được khai thác gỗ trong khu bảo tồn thiên nhiên và rừng đặc dụng. Trên thực tế, rừng tự nhiên và rừng đặc dụng đều nằm trong danh sách “chuyển đổi mục đích sử dụng rừng”. Tính đến cuối năm 2017, hơn 60.000ha diện tích đất rừng đã bị chuyển đổi.
Đến nay, tính chung cả miền Trung đã đưa vào vận hành khai thác 54 thủy điện bậc thang (7.025MW) và 156 thủy điện nhỏ (1.565 MW); đang thi công 11 dự án bậc thang (704MW) và 72 dự án thủy điện nhỏ (859MW). Cả nước có 342 thủy điện nhỏ được đưa vào vận hành (tổng công suất 3.582MW), có 158 dự án đang được tiếp tục thi công (tổng công suất 2.122MW), có khoảng 300 dự án đang được nghiên cứu đầu tư (tổng công suất 3.121MW), và có 69 dự án chưa nghiên cứu đầu tư (tổng công suất 622MW). Thử hỏi bao nhiêu ha rừng đã bị mất? Và nếu tất cả các dự án thủy điện nhỏ, thủy điện cóc nói trên được thực hiện, sẽ còn bao nhiêu diện tích rừng nữa bị mất? Và bao nhiêu tai nạn thảm khốc nữa như Rào Trăng 3 có thể xảy ra mỗi mùa bão lớn?
Để thay đổi số phận, không thể không nghĩ đến một chiến lược phòng chống thiên tai toàn diện và lâu dài, do địa thế của đất nước, của miền Trung đòi hỏi. Một chiến lược như vậy cần nhằm cả hai mục tiêu: không chỉ phòng chống, hạn chế, khắc phục thiệt hại do trời gây ra mà còn phải nhằm hạn chế, triệt tiêu những nguyên nhân thuộc về “nhân tai” khiến cho thiệt hại do trời gây ra trở nên nặng nề hơn, khốc liệt hơn. Chúng ta có Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai do một phó thủ tướng làm trưởng ban và Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai ở các cấp, có Tổng cục Phòng chống thiên tai thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, nhưng những cơ quan đó chủ yếu nhằm phòng chống, hạn chế, khắc phục thiệt hại từ trời, còn những nguyên nhân thuộc về “nhân tai”, thuộc về con người thì không được nhắm đến.
Trong những nguyên nhân thuộc về con người, có những nguyên nhân nổi lên cần xem xét:
- Chặn đứng triệt để nạn phá rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn vốn là tác nhân giữ nước, hạn chế lũ. Trừng phạt nặng và nghiêm những kẻ phá rừng, làm cho diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp. Xem xét lại tất cả dự án thủy điện, ngưng tất cả dự án thủy điện cóc.
- Xem xét lại các dự án phát triển kinh tế – xã hội lấn chiếm đất rừng. Phát động phong trào trồng lại rừng. Quy hoạch kinh tế – xã hội, quy hoạch đường giao thông và các khu dân cư hợp lý, sao cho mỗi khi có mưa bão hạn chế được nạn bị sạt lở đất chôn vùi, không cản trở luồng chảy tự nhiên của nước.
- Xây dựng ý thức xã hội không “ăn của rừng”; vận động xã hội lên án mạnh mẽ thói phô trương, khoe của vênh váo qua việc sử dụng gỗ rừng nguyên sinh làm biệt phủ, nội thất; làm cho những kẻ sử dụng gỗ rừng nguyên sinh cũng giống như những kẻ ăn thịt thú rừng phải cảm thấy xấu hổ vì sở thích kém văn minh của mình.
- Chống mọi hoang phí như xây tượng đài, cổng chào, tổ chức lễ lạt linh đình khắp nơi để tập trung nguồn lực xây dựng chiến lược phòng chống thiên tai, huấn luyện nhân sự và trang bị phương tiện kỹ thuật cứu hộ cứu nạn hiện đại, hiệu quả, tránh những mất mát không đáng có như trong việc cứu hộ cứu nạn những công nhân bị vùi lấp ở thủy điện Rào Trăng 3.
Một chiến lược toàn diện như vậy tất nhiên không thể thành công ngày một ngày hai mà cần một quyết tâm bền bỉ và lâu dài. Nhưng, thử nhìn sang nước Nhật, quốc gia nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi phải hứng chịu thường xuyên động đất. Và người Nhật đã phát triển chiến lược phòng chống thiên tai cũng như kỹ thuật xây dựng chống động đất, lẽ nào Việt Nam không thể phát triển chiến lược phòng chống thiên tai hiệu quả của mình? Philippines, một quốc gia bao gồm nhiều hòn đảo cũng thường xuyên hứng chịu bão lũ như Việt Nam nhưng thiệt hại nhân mạng của họ mỗi kỳ bão lũ không nhiều, phải chăng vì họ giữ được rừng, sống hòa thuận với thiên nhiên?
Đó là những bài học chúng ta có thể tham khảo để có một chiến lược phòng chống thiên tai toàn diện, lâu dài và hiệu quả. Miễn là có quyết tâm và biết tập trung nguồn lực.