Nhắc đến chế độ nô lệ, chúng ta thường nhớ đến thảm cảnh khốn cùng của những người da đen bị bán sang phương Tây trong suốt từ thế kỷ XV-XIX. Ít ai biết cùng thời điểm này cũng có tới 1,25 triệu người da trắng bị bắt cóc, được bán sang châu Phi làm tôi tớ. Họ được gọi bằng cái tên chung là “nô lệ Barbary”.
Lịch sử nô lệ
Trong ngôn ngữ, từ “nô lệ” xuất hiện rất sớm. Chí ít thì trong Bộ luật Hammurabi (1768 TCN) của Babylon (2300-320 TCN), nó đã được nhắc đến. Lịch sử nhân loại gắn liền với lịch sử chiến tranh, cướp bóc và nô dịch. Mọi nền văn minh đều phân cấp xã hội thành hai tầng lớp thống trị và bị trị. Nước lớn xâm lược, biến nước nhỏ thành thuộc địa Con người bị tước đoạt tự do, trở thành công cụ của tầng lớp bóc lột. Dân tộc này đàn áp dân tộc kia và bị dân tộc khác áp bức.
Nô lệ là những người bị tước đoạt quyền làm người, sống phụ thuộc vào sự định đoạt của chủ nhân. Theo tư liệu sử học, chế độ nô lệ bắt đầu từ khoảng 11.000 năm trước, trùng với thời điểm nông nghiệp phát triển mạnh nhờ cuộc Cách mạng Thời kỳ Đồ đá mới. Tại châu Phi, việc sử dụng nô lệ phổ biến trong nền văn minh Ai Cập. Mỗi lần xây dựng thành quách hay kim tự tháp, các pharaoh cổ đại lại đẩy hàng vạn nô lệ ra công trường. Họ bị ép lao dịch quần quật suốt đêm ngày mà không được trả công, ngoại trừ một chút thức ăn và nước uống để cầm hơi. Tại châu Á, nô lệ xuất hiện từ thời nhà Thương (1766-1122 TCN) ở Trung Quốc. Tại châu Âu, họ xuất hiện muộn hơn, vào khoảng thế kỷ VI-V TCN.
Nô lệ là tầng lớp thấp nhất trong mọi xã hội. Đa phần họ là tù binh chiến tranh hoặc những người đã vay mượn quá nhiều, không trả nổi nợ, phải lấy thân ra gán nợ. Các chủ nô xem nô lệ như công cụ và tài sản, cưỡng ép họ làm mọi thứ và được phép đem ra trao đổi, buôn bán nếu muốn.
Vào thế kỷ XV, các tàu thám hiểm từ châu Âu phát hiện ra châu Phi. Nô lệ trở thành hàng hóa xuyên lục địa. Trong vòng 400 năm, ước tính có khoảng 12,8 triệu người da đen bị bắt cóc và mua, bán sang phương Tây làm nô lệ cho người da trắng.
Nạn nhân của cướp biển
Tại châu Âu và châu Mỹ, các nô lệ da đen bị đối xử hết sức tàn tệ. Ngay cả khi đã được giải phóng hoàn toàn, các thế hệ con cháu của họ vẫn phải đối mặt với sự phân biệt chủng tộc sâu sắc. Đối với cả châu Âu lẫn châu Mỹ, di sản chế độ nô lệ là nỗi hổ thẹn to lớn. Dù hơn 100 năm đã qua kể từ ngày giải phóng nô lệ, họ vẫn bị thế giới lên án vì quá khứ buôn bán, đàn áp người da đen. Ít ai biết cũng trong khoảng thời gian từ thế kỷ XV-XIX, có đến khoảng 1,25 triệu người da trắng bị bắt cóc, bán sang châu Phi làm nô lệ cho người da đen.
Khi châu Âu thiết lập tuyến đường biển ngang Đại Tây Dương, chuyện qua lại giữa 2 châu lục đã trở nên đơn giản. Nhiều người da trắng giàu có không ngại mua hoặc thuê tàu thuyền, du lịch sang châu Phi. Điểm cập bến của họ là Bờ biển Barbary, dải cát dài bao bọc phía Bắc Lục địa Đen, gồm 4 quốc gia ngày nay là Morocco, Algeria, Tunisia và Libya.
Sự lưu thông đường biển này còn mang điều kiện thuận lợi đến cho một nhóm người khác: hải tặc. Trên khắp biển Bắc Phi và dọc Barbary có không ít nhóm cướp biển lộng hành. Đối tượng của chúng chính là các thương thuyền và du thuyền giàu có. Giữa thời đại buôn bán nô lệ tràn lan, các du khách da trắng xấu số cũng biến thành hàng hóa. Những tên cướp biển thẳng tay tóm cổ họ, lôi vào các thành phố trên bờ Barbary bán lấy tiền. Khi lượng thuyền bè du lịch Lục địa Đen giảm, các băng hải tặc liều mạng đổ bộ lên những làng mạc giáp biển của châu Âu. Chúng cướp bóc và bắt cóc cư dân, ngược hải trình buôn bán nô lệ da đen về châu Phi.
Vào lúc 2g sáng ngày 20.6.1631 tại Baltimore, ngôi làng ven biển của Ireland (quốc gia ở châu Âu), hơn 200 thuyền hải tặc đột ngột tấp vào bờ. Đám quân cướp biển trang bị súng hỏa mai, gậy sắt và đuốc âm thầm tràn lên, xông vào các ngôi nhà, lôi tất cả cư dân đang ngủ ra khỏi giường. Có tổng cộng 20 đàn ông, 33 phụ nữ và 54 trẻ em bị đẩy lên tàu, chở tới Algiers, thủ đô của Algeria (quốc gia ở Bắc Phi).
- Xem thêm: Chợ nô lệ ở Libya
Số phận bi thảm
Tại Algiers, 107 cư dân của Baltimore bị ném vào chuồng nô lệ. Lũ buôn người lột gần như hết quần áo của họ, xích chân tay và đem ra chợ rao bán. Đàn ông là công cụ lao dịch, phụ nữ thành vợ lẽ, người hầu, đối tượng thỏa mãn thú tính, còn đám trẻ con bị sung vào quân đoàn nô lệ của đạo quân Ottoman (đế chế hùng mạnh nhất đương thời ở Trung Đông).
Trong 400 năm của lịch sử buôn bán nô lệ da đen xuyên Đại Tây Dương, có hơn 1 triệu người thiệt mạng trên đường biển. Với các nô lệ da trắng bị vận chuyển theo chiều ngược lại, mối nguy hiểm này cũng không khác. Thời gian lênh đênh trên mặt nước kéo dài kèm theo thiếu thốn lương thực, chăm sóc y tế khiến nhiều người mắc bệnh, chết đói, chết rét. Ngay cả khi đã cập bến Bắc Phi, họ vẫn phải đối mặt với nguy cơ chết vì kiệt sức sau nhiều ngày bị giam giữ, bỏ đói.
Với những người đã vượt qua các khó khăn trên, tương lai đón chờ họ cũng chỉ toàn khắc nghiệt. Sau cả ngày lao động cật lực, các nô lệ da trắng phải ngủ chung trong những nhà tù chật chội, nóng bức, bẩn thỉu. Khốn khổ nhất là những nam nô lệ bị xếp vào việc đẩy mái chèo của tàu thuyền lớn. Họ bị xích vào gầm thuyền, phải ăn, ngủ, vệ sinh tại chỗ. Bất cứ ai có chút lơi tay đều bị quản thuyền quất roi tới tấp lên lưng.
- Xem thêm: Cuộc sống bí mật của cung tần thời cổ
Mãi đến cuối thế kỷ XVII, hải quân châu Âu mới trấn áp được bè lũ hải tặc vùng Bắc Phi. Tuy nhiên, các băng cướp biển chỉ hạn chế hành động chứ chưa ngừng bắt cóc và buôn bán người. Nhiều làng mạc dọc bờ biển Địa Trung Hải ở châu Âu trở nên hoang vắng vì cư dân sợ hãi bỏ đi hết. Phải đến đầu thế kỷ XIX, khi hải quân Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu khác kết hợp đuổi cùng giết tận hải tặc Barbary, chuyện buôn bán nô lệ da trắng mới giảm dần.
Nửa cuối thế kỷ XIX, cướp biển Barbary chỉ còn vài nhóm hoạt động lẻ tẻ. Chúng vẫn tiếp tục bắt cóc và buôn bán người da trắng. Bước sang thế kỷ XX, châu Âu triệt để xóa sổ chế độ nô lệ, giải phóng người da đen. Trên toàn cầu, buôn bán người dưới mọi hình thức đều bị xem là bất hợp pháp. Các nạn nhân da trắng được giải thoát, chấm dứt kỷ nguyên nô lệ Barbary.