Sáng 20-11, với 435/453 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 90,06% số đại biểu có mặt), Quốc hội đã thông qua Bộ Luật Lao động sửa đổi. Theo đó, tuổi nghỉ hưu sẽ tăng từ năm 2021.
Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, sau khi xin ý kiến đại biểu, có 371 đại biểu tham gia ý kiến thì có 280 đại biểu đồng ý theo phương án 1 về tăng tuổi nghỉ hưu mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình tại kỳ họp.
Theo đó, Bộ Luật Lao động sửa đổi vừa được thông qua quy định: “Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ”.
Một điểm mới trong Bộ Luật Lao động vừa thông qua là việc bổ sung ngày nghỉ lễ có hưởng nguyên lương cho người lao động.
- Xem thêm: Để nghỉ hưu sớm
Về vấn đề này, bà Thúy Anh cho hay, trong số 402 đại biểu Quốc hội cho ý kiến về nội dung này, có 370 đại biểu đồng ý bổ sung 1 ngày nghỉ, hưởng nguyên lương.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chọn ngày nghỉ là ngày liền kề với ngày Quốc khánh 2-9 thay vì ngày Gia đình Việt Nam (28-6) như nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị.
Theo đó, ngày Quốc khánh, người lao động sẽ được nghỉ 2 ngày. “Đây là ngày tết Độc lập, cũng là dịp để người lao động có thêm thời gian tham gia các hoạt động kỷ niệm, chào mừng Quốc khánh 2-9, tăng thêm ý nghĩa chính trị, nâng cao niềm tự hào dân tộc về sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, bà Thúy Anh phân tích, đồng thời cho rằng, chọn ngày bổ sung ngày nghỉ vào dịp 2-9 đáp ứng được mong muốn của người lao động có thêm thời gian nghỉ ngơi, sum họp gia đình và giúp trẻ em, học sinh, sinh viên chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới.
Chưa giảm giờ làm việc bình thường, chưa tăng khung giờ làm thêm.
Ngoài hai nội dung nêu trên, hai đề xuất chính sách gây ra nhiều tranh cãi là giảm thời giờ làm việc bình thường từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ và tăng khung giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm đã không được đưa vào Bộ Luật Lao động sửa đổi vừa thông qua.
Về giảm thời giờ làm việc bình thường, theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ cho rằng, đề xuất giảm thời giờ làm việc của các đại biểu là xác đáng, phù hợp xu thế tiến bộ.
Cơ quan chủ trì thẩm tra đã chủ động đề nghị Chính phủ phối hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, trong đó thể hiện quan điểm của Chính phủ về nội dung này.
Tuy nhiên, Chính phủ đã có công văn đề nghị “trước mắt giữ nguyên thời giờ làm việc bình thường như quy định của bộ luật hiện hành” và “có lộ trình điều chỉnh giảm giờ làm việc bình thường vào thời điểm thích hợp”.
- Xem thêm: Để việc nghỉ hưu trở nên dễ dàng hơn
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu đề xuất theo hướng ghi vào nghị quyết của Quốc hội về việc “từng bước giảm giờ làm”; giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế – xã hội, đề xuất giảm giờ làm việc bình thường thấp hơn 48 giờ/tuần.
Đối với mở rộng khung giờ làm thêm tối đa, bà Thúy Anh cho biết, trong số 406 đại biểu Quốc hội bày tỏ ý kiến về vấn đề này có 318 đại biểu đồng ý giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như hiện hành, nhưng cần ghi rõ thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm. Do đó, bộ luật vừa thông qua được tiếp thu theo hướng này.