Kerry Hannon là một chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân, tác giả những quyển sách nổi tiếng, như Getting the Job You Want After 50 (tạm dịch: Có được công việc bạn muốn sau tuổi 50) – nằm trong danh sách bán chạy nhất trên webstie Amazon.com, hay Great Jobs for Everyone 50+: Finding Work That Keeps You Happy and Healthy… and Pays the Bills (tạm dịch: Công việc tuyệt vời cho những người trên 50 tuổi: Cách giúp bạn hạnh phúc, khỏe mạnh và trả được những hóa đơn) – nằm trong danh mục sách bán chạy nhất nước Mỹ… Bà còn là cây bút chuyên về tài chính cho The New York Times, Forbes, Money, U.S. News & World Report…
Kerry Hannon, vì thế, luôn nhận được khá nhiều câu hỏi về tài chính cá nhân, đặc biệt trong số này là kiểu câu hỏi lộ trình nào để có được sự tự do tài chính, hay các bước cụ thể nào để việc nghỉ hưu đến sớm và dễ dàng hơn. Dưới đây là bốn bước Kerry Hannon thường liệt kê để giúp khách hàng của bà trả lời được vấn đề hóc búa đó.
Bước 1: Chuẩn bị
Kerry Hannon cho rằng, nếu bạn là một người bình thường, có một công việc ổn định với một mức thu nhập đều đặn, thì bước chuẩn bị thường mất khoảng 10 năm (từ 20 tuổi đến 30 tuổi). Ở bước này, bạn cần tập trung hoàn thành bốn việc:
- Học những điều cơ bản về tiền bạc.
- Phác thảo và theo dõi ngân sách chi tiêu hằng tháng, hằng năm.
- Trả các khoản nợ và tạo những quỹ khẩn cấp phòng trường hợp xấu xảy ra.
- Tiết kiệm và học những cách đầu tư cơ bản.
“Đa số mọi người đều có lộ trình nghỉ hưu sau tuổi 50, vì thế tôi sẽ chia bốn bước theo mười năm một, nghĩa là bước 1 từ 20-30 tuổi, bước 2 từ 30-40 tuổi, bước 3 từ 40-50 tuổi và bước 4 trên 50 tuổi. Tất nhiên, nếu muốn nghỉ hưu sớm, bạn có thể đốt cháy 5-8 năm cho mỗi bước. Điều quan trọng là bạn nên hoàn thành những việc cần thiết ở mỗi bước để đảm bảo cho sự vững chắc trong tương lai. Ở bước 1, việc chủ yếu chỉ là học hỏi và khám phá những kiến thức về tiền bạc, hiểu và thực hành chúng vào cuộc sống để có được những thói quen tốt cho tương lai”.
Bước 2: Thiết lập
Ở bước 2, Kerry Hannon khuyên khách hàng của mình cần thiết lập được bốn thứ quan trọng sau:
- Mối quan hệ tốt với những cố vấn tài chính, những người bạn ngưỡng mộ trong vấn đề tiền bạc.
- Cân đối ngân sách thu chi, đảm bảo dòng tiền cho đầu tư, các quỹ khẩn cấp… luôn đều đặn và tăng dần qua các năm.
- Xây dựng ngân sách, các quỹ tiết kiệm cho kế hoạch tương lai của con cái, vợ hoặc chồng, những người phụ thuộc khác.
- Thiết lập một kế hoạch tài chính cá nhân (bằng hiểu biết của bạn và sự giúp đỡ của những mối quan hệ kể trên).
“Ở bước này, bạn đã có đủ sự tự tin và chín chắn trong mọi chuyện. Vì thế, những phần chi tiết trong kế hoạch tài chính, như khoản thu – chi, tỷ lệ đầu tư – tiết kiệm, cách đầu tư và phân bổ nguồn lực… được lập ra không còn để thử và sai như bước 1, mà để hoàn thành và cố gắng tới cùng. Do đó, những quyết định bước ngoặt hay xảy ra ở bước này, như nghỉ việc để tự kinh doanh, khởi nghiệp hay bắt đầu dốc vốn để đầu tư một cách chuyên nghiệp và toàn diện…”.
Bước 3: Bảo vệ
Theo Kerry Hannon, khi vào bước 3, bạn đã có được sự tích lũy nhất định từ kinh nghiệm trong công việc, số tiền trong tài khoản cho tới kiến thức, mối quan hệ trong lĩnh vực tài chính. Mọi vấn đề vì thế chỉ là bảo vệ chúng và tiếp tục những bước đi vững chắc, gồm:
- Đảm bảo không có từ “nợ” xuất hiện trong gia đình.
- Thiết lập lại kế hoạch tài chính (nếu có bước ngoặt mới).
- Bảo vệ những thói quen tài chính, những khoản đầu tư, tiết kiệm… từ trước.
“Vẫn có nhiều khách hàng của tôi có những quyết định bước ngoặt ở giai đoạn này. Họ nghỉ việc, nhận tiền bảo hiểm, trợ cấp để tự doanh hoặc đầu tư. Những việc này chỉ khiến họ phải lập lại kế hoạch tài chính chứ không quá ảnh hưởng tới họ. Bởi khi này, với những gì tích lũy được, từ nhà cửa, xe cộ, tới các thói quen tài chính, các khoản tiền tiết kiệm sau hai bước trước đó, thì dù có thất bại, bị những khó khăn mới bủa vây, họ vẫn có được một cơ sở tài chính khá vững chắc để hỗ trợ. Điều quan trọng là đừng bỏ hết trứng vào một giỏ ở bước này là được”.
Bước 4: Về hưu
- Thử nghiệm việc sống không cần đi làm trong ít nhất một năm (xem các khoản tiền thụ động như hưu trí, tiết kiệm, đầu tư… có đủ trang trải các chi phí sinh hoạt trong năm hay không).
- Chọn nơi nghỉ hưu bạn muốn sống.
- Phân bố lại các khoản đầu tư để đảm bảo tính thanh khoản hợp lý (giữ 40% ngân sách đầu tư cho cổ phiếu).
“Vấn đề lúc này chỉ còn là thời điểm nghỉ hưu và cách bạn sử dụng thời gian nghỉ hưu của mình. Bạn có thể tiếp tục công việc vì sở thích, hoặc thỏa sức làm điều mình muốn. Thông thường, những người tới bước này đều ở độ tuổi từ 50-60. Tuy nhiên, nhiều khách hàng của tôi, với nỗ lực và quyết tâm từ sớm, đã đạt tới bước này ở độ tuổi 30-40”.