Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) vừa lên tiếng báo động về sự hình thành một “chợ nô lệ” hoạt động công khai tại Libya mà “món hàng” bị mua bán là người tỵ nạn hay di cư trên bước đường đi tìm nơi trú ẩn an toàn.
Theo lời kể của các chứng nhân vượt thoát được thảm cảnh bị mang đi mua bán thì nạn nhân xuất phát chủ yếu từ Nigeria, Ghana và Gambia. Nhiều người trong số họ tìm đường đi lên phía bắc xuyên qua sa mạc Sahara, gặp bọn buôn người với những lời hứa hẹn hấp dẫn, nhưng khi lên xe tải thì được chúng đưa đến một khu vực hoạt động như những chợ nô lệ khi xưa.
Báo cáo của IOM nêu rõ một khi vào tay bọn buôn người, người di cư sẽ rơi vào tình trạng thiếu dinh dưỡng, bị lạm dụng tình dục, thậm chí bị sát hại. Năm 2016 vừa qua, chỉ trong một tháng, đã có 14 người di cư tử vong vì bệnh tật, thiếu ăn.
Có những ngôi mộ tập thể được phát hiện ngay trên sa mạc Sahara. Cũng trong năm này, lực lượng tuần duyên Libya phát hiện 171 thi thể giạt vào bờ biển Địa Trung Hải, đồng thời họ cũng cứu vớt hàng ngàn người di cư lênh đênh trên biển.
Theo một phát biểu gần đây của Leonard Doyle, phát ngôn viên chính của IOM tại Geneva (Thụy Sĩ), “những người di cư đến Libya để tìm cách vào châu Âu không biết gì về quần đảo thống khổ đang chờ họ ở ngay biên giới. Tại đây, họ trở thành những mặt hàng mua bán và bị vứt bỏ khi không còn có giá nữa”.
- Xem thêm: Bất ổn bao trùm Libya
Theo người dân ở thị trấn Sabha nằm ở phía tây nam Libya, người di cư bị các tài xế chở đi bán tại các quảng trường và cả trong nhà để xe công cộng. Để góp phần giải quyết tệ nạn này, IOM đã ghi âm lời khai của các nhân chứng và phổ biến chúng qua đài phát thanh địa phương, các mạng truyền thông xã hội, nhờ vậy, nhiều người di cư kịp quay lại nhà với sự giúp đỡ của nhân viên IOM, sau khi đã trải qua bạo lực hay lạm dụng tình dục. Doyle cho rằng tiếng nói của những người này có trọng lượng hơn ai hết.
Về phần mình, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) không đứng ngoài cuộc. Ngày 8-5-2017, công tố viên ICC là bà Fatou Bensouda đã tuyên bố trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc rằng cơ quan của bà đang mở cuộc điều tra về những tội ác liên quan đến người di cư tại Libya, trong đó có tội buôn người.
Hiện ICC đang trong tiến trình thu thập chứng cứ và phân tích những dữ kiện liên quan đến vấn đề buôn người tại Libya để sớm đưa ra những kết luận phù hợp. Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) cũng đề ra kế hoạch giải cứu người tỵ nạn và đưa họ ra khỏi những mẻ lưới buôn người luôn rình rập.
Trong năm 2017, đã có gần 1.150 người di cư hay tỵ nạn bị mất tích hay đã chết, nay với số phận hàng ngàn người khác đang bị mua bán như những món hàng tại Libya, trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc và những tổ chức nhân quyền trên thế giới xem ra nặng nề hơn bao giờ hết.